Thứ hai, 23/12/2024,


Khau Vai - một mùa nhớ, một mùa thương (03/05/2011) 

 Chàng ơi xuống núi cùng em

Nhớ mang theo ngựa và đi một mình

Em đây tuy chẳng còn xinh

Có ô che nắng chợ tình Phong Lưu

 

            Chợ tình Khau Vai trải qua gần 100 mùa thương nhớ, kể từ ngày nàng Út gạt nước mắt chia ly chàng Ba. Cứ mỗi độ xuân về, trai làng gái bản trong vùng, những người có tình mà không nên duyên chồng vợ lại có 1 lần được gặp lại, được trải nỗi lòng, được chia sẻ cùng nhau những niềm vui nỗi buồn. Chỉ một đêm thôi, được cầm tay nhau tâm sự tưởng chừng không dứt. Sau đêm nay, ai nấy trở về gia đình, về với cuộc sống của mình mà trong lòng không được mang theo vương vấn....

 

Chợ tình Khau Vai - điểm hẹn của tình yêu

 

            Truyền thuyết về phiên chợ tình nổi tiếng này đã vượt qua dãy núi đá trập trùng, vượt qua ngàn trùng mây gió đưa du khách tới đây. Chợ tình Khau Vai - Chợ tình Phong Lưu.

            Năm nay, chợ tình Khau Vai được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Cũng vì thế mà phiên chợ Khau Vai 2011 đông hơn, náo nhiệt hơn. Cho dù chưa tới dịp nghỉ lễ, từng đoàn du khách tấp nập lên với Hà Giang, lên với cao nguyên đá Đồng Văn - Mèo Vạc để có dịp tận mắt chứng kiến phiên chợ tình đã được xếp hạng Di tích.

            Chúng tôi đến Khau Vai lúc trời đã đổ về chiều, con đường từ trung tâm thị trấn Mèo Vạc về tới Khau Vai đang được mở rộng thêm, tuy vẫn còn nhiều đất đá lổn nhổn nhưng đủ để chiếc xe ô tô 4 chỗ ọc ạch bò lên đỉnh núi mà không gặp trở ngại nào. Theo Ban tổ chức, đúng 18h là khai mạc lễ trao bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa . Len lỏi theo dòng người tấp nập vào tới nơi vừa đúng giờ khai mạc, màu sắc rực rỡ của váy áo các cô sơn nữ , tiếng loa đài náo nhiệt cuốn du khách vào một không khí rộn rã. Khau Vai hôm nay tưng bừng hơn, những gương mặt háo hức của trai làng gái bản, của du khách 4 phương khiến cho phiên chợ càng thêm náo nhiệt. Trong dịp lễ hội có nghi thức dâng hương tại miếu Ông, miếu Bà và có các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian như đu quay, bập bênh, đánh sảng, chọi chim, đánh yên. Đặc biệt phải kể đến vở kịch truyền thuyết Khau Vai, màn trình diễn người đẹp và trang phục các dân tộc của huyện Mèo Vạc và các gian hàng ẩm thực dân tộc rất đặc trưng như mèn mén, thắng cố, lẩu dê, thịt treo, đậu chúa....

 

Đồng chí Sèn Chỉn Ly - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang trao
Bằng xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa Chợ tình Khau Vai.

 

Trò chơi đu quay trong lễ hội Khau Vai

 

 

Trò chơi bập bênh trong lễ hội Khau Vai

 

            Bóng tối tràn qua đỉnh núi, sự ồn ã của phiên chợ chỉ còn lại ở những du khách, trai làng gái bản dần kéo nhau về thành từng nhóm. Các cô gái mặc những bộ váy áo đẹp nhất của mình túm tụm với nhau ở các góc chợ. Các chàng trai từng tốp đi ngang qua chỗ các nàng,thích nàng nào thì chàng đi sát qua và khẽ hích vào vai, ưng ý thì nàng hích lại, đôi bên hát đối giao duyên. Sau câu hát, nếu ưng hơn thì dắt nhau đi tìm một nơi để tâm sự.

Tiếng khèn trong phiên chợ tình Khau Vai

 

            Theo truyền thuyết xưa thì chợ tình Phong Lưu chỉ dành cho những người yêu thương nhau mà không nên duyên chồng vợ, mỗi năm một lần được gặp lại, ôn chuyện cũ, tâm sự cho vơi bớt nhớ thương để rồi sau ngày đó quay trở về với cuộc sống của mình mà không được mang nỗi lòng vương vấn. Phiên chợ ngày nay dành cả cho gái trai đến tìm hiểu nhau, từ phiên chợ này mà nhiều người nên duyên đôi lứa.

 

Anh như con chim bay nhiều mỏi cánh

Tìm đến cành em mà đậu

Em như cành khô bấy lâu

Chờ con chim mỏi cánh bay về....

Đợi anh hết mùa lanh, đợi anh qua mùa đào

Vượt đỉnh Mã Pí Lèng, ta tìm về với chợ tình Khau Vai...”...

 

 

Những cô gái H'Mông tươi tắn đi chợ phiên

 

            Giờ đây, phiên chợ Khau Vai hàng năm không chỉ có trai gái trong vùng tìm đến trao duyên, không chỉ những người thất tình tìm về với nhau một đêm, mà còn có những du khách tìm về với giá trị văn hóa lâu đời, với giá trị của tình cảm chân thành mà cuộc sống nơi đô thị phồn hoa đang dần đánh mất.

 Bài, ảnh:  Minh Phượng (BTV Lucbat.com)

(Nguồn: QĐND Online)


 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Đinh Bá Thức - dinhbathuc@gmail.com - 01254486665 - 95 Chùa Bộc - Hà Nội  (Ngày 4/05/2011 12:49:21 AM)
Tôi cũng có mặt ở phiên chợ Khau Vai đúng dịp này.Giá trị văn hóa lâu đời , niềm tự hào của người Hà Giang rất cần được tôn vinh và gìn giữ. Có thể nói Ban tổ chức lễ hội đã làm rất tốt, công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất và những hoạt động văn hóa văn nghệ đã được thực hiện tròn trịa. Phải đến tận nơi, tận mắt nhìn thấy sự háo hức và niềm vui của bà con trong vùng và du khách thập phương mới cảm nhận được giá trị của lễ hội.
  Nghiêm Thị Hằng - ngankimdang@ymail.com - 0985785288 - Hội Nhà văn Hà Nội  (Ngày 3/05/2011 01:50:29 PM)
chơi dân gian như đu quay, bập bênh, đánh sảng, chọi chim, đánh yên. Chỉ có đánh yến thôi, không có trò đánh yên đâu. Càng trao bằng, càng khách thấp phương kéo về ùn ùn, càng chụp ảnh, càng tò mò xem người ta "yêu" nhau nơi phiên chợ thì Khau Vai càng chóng mất mà thôi. Nghĩ mà buồn!
Các bài khác: