Thứ hai, 23/12/2024,


Trần Tiến ơi! Ngoài kia có cô bé… (01/05/2011) 

Người ta đã viết nhiều về anh, một trong tứ quái làng âm nhạc - cách gọi của Nguyễn Thụy Kha - chỉ Phó Đức Phương, Nguyễn Cường, Dương Thụ, Trần Tiến. Vâng, Trần Tiến.

 

Chân dung Trần Tiến qua nét vẽ của Nguyễn Xuân Hoàng

 

Những ngày ấy, sau thời học thanh nhạc và sáng tác ở Nhạc viện Hà Nội, dù được biết đến với những bài hát Thanh niên ra tiền tuyến, Cô gái Sầm Nưa, Giai điệu Tổ quốc, Những đôi mắt mang hình viên đạn, Vết chân tròn trên cát, Trần Tiến có vẻ chưa biết điệu là gì.

Mua vui trên sân khấu bằng những câu đùa dí dỏm thông minh, bằng vẻ trần trụi ngồ ngộ, bằng phong cách ăn mặc “lính tráng” và nhất là bằng những bài hát được viết với cảm xúc chân thật, Trần Tiến làm say mê không biết bao nhiêu con tim. Không chỉ đàn bà con gái mà cánh đàn ông, sinh viên trai đều coi Trần Tiến là mẫu người mới từ nội dung đến hình thức, là điển hình chất “nghệ”. “Mặc kiểu Trần Tiến” - có kiểu mặc như vậy hồi ấy.

Da tai tái, mặt ngầu ngầu, giọng trầm ấm áp, cử chỉ thân thiện và ga-lăng, thôi rồi Lượm ơi, không chết thật cũng chết lâm sàng. Bao nhiêu người đi qua đời anh? Không biết. Nhưng: “Cám ơn đời cho ta một ngày, cám ơn chiều cho ta một người...” - Một trong số ca từ nói lên tâm trạng, tình cảm của anh một thời.

Ấy thế rồi. Qua thời gian làm hậu đài (ở Đoàn ca múa Hà Nôi), qua giai đoạn sáng tác đầu tay, Trần Tiến vô Nam, ở lại trong đó. Trong đó (cả giới nghệ sĩ lẫn công chúng) chấp nhận, tung hô anh sáng tác nhiều hơn. Rất nhiều bài hát ra đời giai đoạn này: Tạm biệt chim én, Ngẫu hứng sông Hồng, Tùy hứng lý ngựa ô, Ngọn lửa cao nguyên, Chiếc vòng cầu hôn, Ngẫu hứng lý qua cầu... Người ta gọi Trần Tiến là nhạc sĩ được yêu thích nhất giai đoạn 1975-1985. Những người kỹ hơn một chút gọi đây là thời kỳ Trần Tiến viết ngẫu hứng.

Có lẽ đỉnh điểm làm nên sự nổi tiếng là khoảng giữa những năm 80 với loạt bài mang tinh thần của thời đổi mới: Trần trụi 87, Rock đồng hồ... Những ca khúc mang sắc thái rock được đông đảo khán giả biết đến nhưng cũng khiến Trần Tiến không ít lao đao. Tuy nhiên, lao đao biến mất khi xuất hiện trên báo Nhân Dân bài Quyền được nổi tiếng viết về Trần Tiến và sự nổi tiếng đáng được công nhận của anh.

Năm 1990, sau sô diễn cá nhân tựa đề Giai điệu tổ quốc có Lâm Xuân và ban nhạc Đen Trắng, Trần Tiến càng nổi hơn. Rồi anh được mời sáng tác cho Ủy ban Dân số Kế hoạch hóa gia đình: Sao em nỡ vội lấy chồng, Chị tôi. Anh chuyển từ pop sang dân gian đương đại.

Có thể nói hàng trăm ca khúc viết trong hơn 20 năm qua, không ít bài qua giọng hát của Trần Thu Hà khiến tên tuổi Trần Tiến càng dày hơn trên báo chí và trong đời sống. Giới nhạc và bản thân Trần Tiến gọi giai đoạn này là giai đoạn chuyên nghiệp của Trần Tiến.

Công chúng say mê ông này cùng những ca khúc của ông bất kể nó thuộc loại nhạc nào, pop, rock hay dân gian đương đại. Gần đây, người ta thấy ông trả lời phỏng vấn ở đâu đó rằng: “Thực ra, có những bài viết ra, tôi thấy rất ngượng. Một số bài chỉ sạch sẽ chứ không hay. Nhưng người nghe vẫn thích.

 

Ảnh: Nguyễn Đình Toán

 

Vậy chuyện tác giả bảo không có bài nào hay còn thính giả cho rằng nhiều bài hay, đều không phải chân lý”. Đọc thế, nhiều người bảo ôi, sao nhạc sĩ Trần Tiến giản dị, khiêm tốn thế. Nhưng có những kẻ, có lẽ quá khó tính, bảo rằng, ông này bây giờ “lúc nào cũng diễn”, “diễn chuyên nghiệp”.

Nhạc sĩ cùng thời với anh có người nể trọng Trần Tiến ở giai đoạn “ngẫu hứng” còn giai đoạn “chuyên nghiệp” thì bảo chẳng có gì để bàn, cả về tác phẩm lẫn tác giả. Cái ông bảo không bàn ấy nói thêm: “Nhân vật Trần Tiến về mặt âm nhạc xã hội hoá là số một (mặc dầu) khi Trần Tiến một thân một mình vào Nam là lúc âm nhạc miền Bắc không được ưa chuộng.

Ở Sài Gòn, người ta chỉ nghe mỗi Trịnh Công Sơn. Gu của họ là gu của Trịnh Công Sơn. Trần Tiến chẳng khác gì hiệp sĩ lang thang tới một lãnh địa đã có chủ. Thế mà cuối cùng Tiến trụ được ở Sài Gòn nhiều năm và thay đổi cả gu của người dân xứ này. Người ta bắt đầu thích nghe “những em bé không có tiền mua vé…”. Những thứ của Tiến là những thứ hàng hoá rất lạ. “Hắn” một mình chấp luôn cả Hoàng Hiệp và Trịnh Công Sơn”.

Trong trang mạng ghi “Năm 2007 Trần Tiến nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm Bài ca thanh niên ra tiền tuyến (1967), Cô gái Sầm Nưa (1968), Giai điệu Tổ quốc (1980), Chiếc vòng cầu hôn (1984), Tùy hứng lý ngựa ô (1987), Chị tôi (1997)…”.

Với tôi, người viết bài này, có lần trò chuyện với nhạc sĩ Nguyễn Cường và được ông không phản đối, rằng: Mỗi nhạc sĩ trong “tứ quái” đều đã sản sinh ra hàng trăm tác phẩm, hầu hết được công chúng yêu thích, nhưng giá trị vượt thời gian thì mỗi ông có xấp xỉ 10 bài, và xếp thứ tự từ trên xuống thì của Trần Tiến đáng nhớ nhất là: Tạm biệt chim én, Ngẫu hứng sông Hồng, Tiếng trống Paranưng, Tùy hứng lý ngựa ô, Chiếc vòng cầu hôn.

Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một ý kiến. Ai chẳng phải già? Già mà vẫn được như Trần Tiến là quá mỹ mãn rồi. Người viết hy vọng như anh nói, anh đã ở cái tuổi muốn quay về nơi có ngôi nhà xưa bên bến cũ, thì có thể anh cũng quay về cái thời ngẫu hứng chân thật thuở nào.

 

 

Quỳnh Thư

(Nguồn: Tiền Phong Online)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: