Võ Quang Diệm tặng tôi tập thơ đầu tay “Ký ức tình yêu” ở tuổi 57. Tôi rất ngạc nhiên vì trước đây Diệm là một học sinh chuyên toán của tỉnh Nghệ An, năm lớp 10 về học cùng tôi tại trường cấp III Yên Thành 2 nhưng chưa một lần phát lộ năng khiếu văn. Tốt nghiệp phổ thông được cử đi học đại học ngành máy xây dựng ở Mátxcơva, tiếp tục làm luận án tiến sĩ ở thành phố Xanh Pê-téc-bua rồi về công tác ở ngành Xây dựng. 12 năm lăn lộn với nghề tư vấn, anh đã đến nhiều miền đất nước góp công sức, trí tuệ xây nên những công trình đoàng hoàng, to đẹp cho tổ quốc. Hơn 10 năm gắn bó với nghề quản lý ở cương vị Phó Vụ trưởng - Chuyên viên cao cấp của Bộ Xây dựng với bộn bề công việc. Vậy mà…
Đầu Xuân năm 2010, Võ Quang Diệm lại tặng tôi tập thơ thứ hai “Chốn quê neo đậu hồn tôi” của anh. Lần này tôi vẫn ngạc nhiên nhưng không phải vì “Diệm toán” có thơ mà vì thơ anh đã có bước tiến mới sau gần 40 năm "bươn chải mưu sinh", đứng trên tầng cao xây những ngôi nhà mới đẹp và hiện đại.
Khi đọc hết tập thơ “Chốn quê neo đậu hồn tôi”, ta hình dung khá rõ về bước đi của tác giả trong cuộc sống đời thường. Có thể gọi đó là dạng thơ nhật ký, Võ Quang Diệm đã dùng thơ để biểu đạt “Cảm xúc bất chợt, tình cờ” của mình. Tất cả các ký ức của anh về quê hương, đất nước trong đó có nước Nga Xô - Viết, về vợ, con, bạn bè, đồng nghiệp, tình yêu… cứ như mạch ngầm, chầm chậm tích tụ rồi đến ngày bung ra chảy thành con suối thơ “mặn nồng”, “ nhung nhớ”.
Điểm toát lên trong thơ Võ Quang Diệm là tiếng lòng, là những khúc hát ru ngân lên từ trái tim đôn hậu, trung thực và giản dị, từ đó chuyển hóa thành những câu thơ mộc mạc dễ cảm mang phong vị “nhà quê” hồn hậu, thậm chí cả tin nhưng thật đáng yêu. Có lẽ vì thế nên quan niệm về thơ hay thơ dở, Võ Quang Diệm vẫn lấy tâm linh làm điểm tựa, bởi theo anh “Làm thơ hay dở duyên trời ban cho”.
Mảng thơ về Quê hương Đất nước trong thơ Võ Quang Diệm thật đẹp và đầy kỷ niệm. Đó là nơi tác giả sinh thành: Kẻ Trằm, Thanh Lương, Thanh Chương, Nghệ An, nổi tiếng là vùng văn hóa, địa linh nhân kiệt, người dân ở đó hầu như ai cũng thuộc Kiều và cũng biết làm thơ. Đó là những đêm hát đối phường vải bên đôi bờ sông Gang, những lời ru ngọt ngào của mẹ. Đó là mái trường dạy chữ Nhân chữ Nghĩa thuở đầu đời “Sống nhân nghĩa có lý tình/ Lấy đạo trung hiếu răn mình tu thân”. Đó là mùa xuân “Lộc biếc chồi non”, là biển Nha Trang, Huế, Bến Ninh Kiều, Đà Lạt“mộng mơ”, là động Phong Nha ”huyền ảo”, là Hồ Ba Bể “Cảnh mây chen lá, cây chen đá/ Bức tranh thủy mặc đậm sương rơi…”. Và đó là hình ảnh đất nước trong thời hội nhập “Vỏn vẹn trong ba năm / Năm lăm lò xi măng/ Ngút trời xanh nhả khói”.
Võ Quang Diệm có gần 10 năm sống và học tập trên đất nước của Lê Nin vĩ đại. Hơn ai hết anh hiểu công lao của nước Nga “Đất nước cưu mang tôi một thuở”- nơi đắp đầy những kiến thức cho anh để trở về có điều kiện phục vụ tổ quốc một cách có hiệu quả nhất. Vì thế, Võ Quang Diệm ca ngợi đất nước Nga, thành phố Xanh Pê-téc-bua anh hùng và từ sâu thẳm đáy lòng mình anh thừa nhận nước Nga là tổ quốc thứ hai. Ai cũng biết nước Nga là đất nước của thi ca với những Puskin, Léc-môn-tốp vĩ đại. Võ Quang Diệm đã có một số bài thơ dịch của hai nhà thơ lớn này. Có thể nghệ thuật dịch một số bài chưa thật thơ nhưng chắc chắn nội dung dịch là sát nghĩa. Diệm muốn thử nghiệm cách dịch sát nghĩa để giữ nguyên giá trị đích thực của bài thơ. Đã là thơ thử nghiệm thì cần thời gian thử thách. Ta hãy kiên nhẫn chờ xem.
Đất nước Nga xa quê hương Việt
Thả hồn vào Nê va
Nghe Hồ Tây sóng vỗ
Ánh chiều vương phố cổ
Nhớ sương giăng Hồng Hà
Nhìn Hải Âu vờn sóng
Mơ Sâm Cầm bay xa.
(Nhớ mùa thu Hà Nội)
Mảng thơ thời chiến tranh của Võ Quang Diệm không đậm nét vì lúc đó anh đang đứng từ xa tận Mátxcơva tuyết phủ. Nhưng âm hưởng về cuộc chiến tranh đã khắc sâu trong anh với những mất mát không thể đo đếm được của dân tộc. Đi qua thành cổ Quảng Trị - nơi cuộc chiến đấu ác liệt diễn ra 81 ngày đêm, cướp đi sinh mạng của hàng vạn con người cùng thế hệ, Võ Quang Diệm đã nghẹn ngào“khóe mắt cay cay giọt lệ đong đầy/ xin được khóc thay cho những người mẹ, người vợ/ cạn nước mắt tìm, đợi chồng con mà chưa được đến nơi đây”.
Bài “Sao bạn không về họp lớp” là một bài thơ chân thực rất cảm động. Bài thơ kể về ngày hội trường cấp III Thanh Chương 2 sau 40 năm xa cách. Khi nghe anh bạn lớp trưởng “xướng tên từng người một” Diệm thấy vắng bóng tên người bạn thân Nguyễn Văn Khuê có giấy báo học nước ngoài trong tay nhưng đã xung phong vào chiến trường chiến đấu và vĩnh viễn không trở về:
Lớp được dăm thằng là giáo sư, tiến sỹ, nhà văn
Nhiều người đã trở thành chủ nhân trang trại
Chỉ tên bạn xướng lên, không một lời thưa lại
Cả lớp nghẹn ngào, mắt lệ trào, đứng dậy
Một phút cúi đầu thương nhớ bạn đồng môn.
Bài “Bỗng dưng thèm trách mắng” là một bài thơ dí dỏm viết theo lối hát dặm ngợi ca công lao của người vợ thủy chung đảm đang và “hay lam hay làm”. Thường ngày anh hay ỷ lại vợ thành nếp quen bỗng một ngày “vợ về quê” đúng đêm “trời nổi cơn giông”, anh lúng túng không biết làm sao mới phát hiện ra sự hiện hữu vô giá của người vợ đối với mình:
Đêm nay mưa không ngớt
Gió gào rít từng cơn
Căn phòng như rộng hơn
Lòng mình thì trống vắng.
Trời về đêm chuyển lạnh
Biết tìm "chăn" chỗ mô?
Một mình nằm co ro
Gió sờ lưng lạnh cóng.
Hình như tình yêu là thứ “bùa mê” mà Võ Quang Diệm đã vương vào. Vì thế thơ anh đã dành nhiều bài trong đó có nhiều câu thơ hay nói về tình yêu. Trong lịch sử nhân loại hàng ngàn năm nay, có biết bao nhiêu bông hồng đã tạo ra những bậc tài danh thi ca lưu truyền. Là một đấng nam nhi làm thơ, Võ Quang Diệm cũng hòa nhập trong mạch ngầm truyền thống ấy. Anh đã hòa tan người đàn bà, người yêu trong mộng với thơ:
Tình em nâng cánh thơ bay
Em và thơ vẫn ngày ngày trong anh.
(Cảm xúc… nên thơ)
Viết đến đây tôi bỗng giật mình. Người đời thường nói dân toán là dân “khô như ngói” nhưng với Võ Quang Diệm tôi thấy “Diệm toán” còn lãng mạn hơn cả dân văn chúng tôi. Phải nồng nàn, say đắm đến nhường nào mới có thể thốt lên được những vần thơ:
Ta phải xa nhau thật rồi
Xin đừng rơi lệ bạn mình ơi
Trời Len đất Việt ngàn vạn dặm
Tình vẫn trong nhau trọn kiếp đời.
Thật thú vị khi được xem bức tranh về “tình yêu bất chợt” thuần túy Việt Nam do Võ Quang Diệm vẽ ngay trên đất nước của thi hào Puskin, “bất chợt gặp em vẫn đoan trang như thuở trước”, “bất chợt cơn mưa xứ trời Âu đổ xuống”, “bất chợt cầm tay em chaỵ vội”, “bất chợt cụng đầu em”, dưới “mái hiên chi mà dột” để rồi “phút giây thôi ta chẳng của nhau rồi”.
Ở mảng thơ tình yêu, tôi muốn nói thêm “Diệm toán” đúng là lãng mạn thật nhng nét lãng mạn của “Diệm toán” luôn nồng nàn chân thành và thủy chung:
Lặng thầm vẫn dọi theo nhau
Lặng thầm yêu đến bạc đầu vẫn yêu
(Lặng thầm)
Đó là thứ tình yêu cháy hết mình nhưng rất cao thượng "Tôi yêu em cháy hết mình/ Vẫn mong em được người tình yêu hơn" (Viết bên tượng Puskin). Đó là sự nhớ nhung đến tận cùng của sự nhớ "Nhớ khi tỉnh, nhớ lúc mơ/ Nhớ trong cõi thực, hư vô nhớ hoài/ Nụ cười, ánh mắt hình hài/Kết thành hình Chúa ngự đài tim anh" (Cõi nhớ), một tình yêu rất đáng trân trọng và đẹp biết bao.
Thơ Võ Quang Diệm nôm na, dân dã, mộc mạc và lấy cái tình làm chuẩn mực để từ đó ký gửi tâm hồn nên sẽ được nhiều người đón đọc và khen ngợi.
Riêng về thơ lục bát – thứ thơ dễ làm nhưng khó làm hay, Võ Quang Diệm đã có sự bứt phá đáng chú ý. Nhìn chung thơ lục bát của anh không cầu kỳ, mà tự nhiên như cây cỏ, cứ tửng tưng mọc mà không thèm đoái hoài gì đến gió mưa. Hãy xem Võ Quang Diệm cách điệu hóa dáng chiều:
Trời xanh ai đẩy lên cao
Áo thu ai đã mặc vào cho cây
(Trái bồ hòn)
Trong tình yêu lứa đôi, hình như Võ Quang Diệm có điều trắc ẩn, khó nói. Vì thế anh muốn mượn thông điệp “Giá mà” để giải tỏa nỗi niềm của riêng mình:
Giá anh đừng vội, đừng vàng
Hẳn thuyền em đã bơi sang bến bờ
Lỡ duyên nhỡ một chuyến đò
Thuyền tình lạc bến, vật vờ, long đong
....
Tình riêng một cõi trong lòng
Em chẳng chê chồng , em vẫn nhớ anh
Mái đầu giá vẫn còn xanh
Thuyền tình ghé bến đón anh. Giá mà…
Có người nói “ tình yêu hướng về nguồn cội là cái gốc của thi nhân”. Ở đây Võ Quang Diệm đã có “Chốn quê neo đậu hồn tôi” rồi, hãy vững tin vào chặng đường sáng tạo mới, cách tân trên nền truyền thống dân tộc để cho trình làng những tập thơ có giá trị hơn. Tôi muốn, rất mong và tin như thế .
Nguyễn Đăng An