Tiểu thuyết “Người đưa đường thọt chân” được in lần đầu tiên năm 1989. Ngoảnh đi ngoảnh lại đã hơn 20 năm, ba lần ấn hành vẫn chưa lấy gì đáng thuyết phục để nói về sức sống của cuốn sách này.
Tuy nhiên, vượt qua tính thời sự của một giai đoạn vừa đẹp vừa buồn, “Người đưa đường thọt chân” hôm nay vẫn giúp người đọc ngẫm nghĩ một cách tích cực trước sự biến đổi của cuộc đời và sự kiên trì của phẩm giá!
Với ngòi bút tương đối bền bỉ, ngoài truyện ngắn và báo chí, Bùi Việt Sỹ viết được bốn tiểu thuyết trong suốt quãng thời gian vừa làm công chức mẫn cán vừa cặm cụi sáng tác. Nổi trội hơn “Hạnh phúc mong manh”, “Anh và hai người đàn bà” và “Vụng dại tình đầu”, tiểu thuyết “Người đưa đường thọt chân” tiêu biểu nhất cho sự nghiệp nhà văn Bùi Việt Sỹ. Không phải vì “Người đưa đường thọt chân” là kết quả chắt chiu 5 năm du học đằng đẵng của ông ở Liên Xô, mà vì tác phẩm phơi bày thao thức ngổn ngang của ông cho lộ trình người Việt mỗi ngày mỗi tự lực tự cường.
Nhìn một cách tổng thể, “Người đưa đường thọt chân” đảm bảo được hai yếu tố cơ bản xác lập một cuốn tiểu thuyết vững vàng: khả năng phản ánh và khả năng khái quát. Xoay quanh nhân vật Thắng có thể thấy dòng thác người Việt sang Liên Xô tìm kiếm vận hội mới ở những năm 80 của thế kỷ trước. Về danh xưng hoa mỹ, họ là những du học sinh được biệt đãi. Về thực tế trần trụi, họ là những kẻ mưu sinh chịu nhục nhằn.
Trong mắt những người bạn quốc tế hào phóng rộng tay cưu mang, thì chân dung của họ khá bình dị và u buồn: “không ra đen mà cũng chẳng ra trắng, cứ nhom nhom như người đau gan”. Tất cả cay đắng lẫn bẽ bàng cũng sẽ trôi đi theo cách qua sông phải lụy đò nghiệt ngã và tủi hờn, nhưng khi Thắng đối diện với nữ thiếu tá Hải quan nước bạn - Natalia thì mọi chuyện đã khác. Sự nghiêm ngắn và sự lịch thiệp của Natalia khiến Thắng hồi tưởng bao nhiêu ngày tháng phiền muộn ngỡ có thể gắng gượng chôn vùi quá khứ.
Ký ức thức tỉnh về chiến tranh, về loạn lạc, về đói nghèo, về lạc hậu… buộc Thắng phải đối diện với bản thân trong một ý niệm thật mong manh và thật đau đớn: trong một xã hội nhân danh cái nọ để làm cái kia, thì bất kỳ sự thỏa hiệp lợi lộc nào cũng có dấu hiệu của bịp bợm và gian ác.
“Người đưa đường thọt chân” đan dày những chi tiết sinh động. Chính sự trải nghiệm của Bùi Việt Sỹ làm cứng cáp thêm độ tin cậy của không gian người Việt bôn ba và lầm lũi nơi đất khách. Bùi Việt Sỹ thay thế diễn ngôn trong tiểu thuyết bằng câu chuyện đầy bi hài của Rikak, rằng một bộ tộc bị lạc giữa sa mạc đã chọn một kẻ láu cá và liều lĩnh làm người dẫn đường, rồi cứ loanh quanh đến mỏi mệt “lý do khiến kẻ dẫn đường sau một thời gian đưa bộ tộc trở lại nơi xuất phát thật đơn giản. Hắn bị thọt, một chân dài, một chân ngắn, như chiếc compa. Bởi thế hắn có đưa bộ tộc đi theo hướng nào thì cuối cùng cũng quay về chỗ cũ”.
Nhân vật Thắng cũng như không ít người khác, phải mang khuôn mặt vừa tối tối vừa hèn hèn chấp nhận mọi vật vã và mọi mặc cảm để đổi đời. Phi vụ buôn bán khó quên nhất của Thắng là lùng sục mua một cái tủ lạnh hàng hiếm, nhưng không thuê được xe chở, đành phải chợp mắt ngay trong cái tủ lạnh qua một đêm giá rét “ấy vậy mà cũng có lúc anh ngủ được. Hay nói đúng hơn, tâm hồn anh từ trạng thái thực tại vụt biến sang trạng thái huyền ảo của những giấc mơ”. Phải chăng, bi kịch của Thắng hình thành từ sự ngộ nhận? Phải chăng Thắng là kẻ đưa đường thọt chân cho chính mình? Lời nói bỗ bã của Minh “trí thức của ta gần như biến thành “trí ngủ” hết rồi” như một mũi dao đâm vào trái tim Thắng và cũng nhói lòng bạn đọc cho khát vọng vươn lên lương thiện!
Tiểu thuyết “Người đưa đường thọt chân” không đến 300 trang in, nhưng dư âm kéo dài bởi sự ưu tư và sự day dứt. Nhân vật Thắng dứt khoát từ bỏ lối sống tạm bợ, hòng chấm dứt bi kịch cá nhân. Bi kịch của Thắng không phải bi kịch túng thiếu áo cơm đắp đổi mà là bi kịch trống vắng lẽ sống đích thực. Không ai có thể đi nhờ trên đôi chân người khác, và càng không ai có thể đi theo “người đưa đường thọt chân”. Chính nỗi khắc khoải ấy mà tiểu thuyết của Bùi Việt Sỹ rất dễ nhận diện trong số những tiểu thuyết nóng bỏng đề cập trực diện công cuộc đổi mới và hội nhập!
Sài Gòn, 4/2011
Lê Thiếu Nhơn
(Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt