Đã hơn 2 tháng kể từ ngày nhà văn Lê Lựu bị tai biến, phải cấp cứu tại Viện 108, chúng tôi mới lại có dịp đến thăm ông. Văn phòng của Trung tâm Văn hóa doanh nhân Việt
Nhà văn Lê Lựu bước tập tễnh bước ra đón khách. Di chứng của cơn tai biến khiến ông đi lại khó khăn. “Như thế này là khá lắm rồi đó - Ông bắt tay chúng tôi – Ta vào chuyện luôn nhé, chút nữa tôi phải làm việc với Đài Truyền hình Việt Nam, chuẩn bị cho Ngày Doanh nhân Việt Nam 13 tháng 10... Bao nhiêu việc đang chờ mình.
- Tổng cộng lần 'đại tu sức khoẻ' này, ông phải nằm viện bao lâu?
- Tròn một tháng, từ 20 tháng 7 đến 20 tháng 8, có một số ngày tôi phải bất động theo yêu cầu của bác sĩ. Nhiều người tưởng tôi không qua khỏi. Nhưng rồi thần chết đã phải 'chào thua' tôi (cười). Ra viện, là tôi phải làm việc ngay. Vừa làm việc, vừa tiếp tục phải điều trị, uống thuốc…
- Ông muốn nói gì với độc giả, sau khi 'từ cõi chết' trở về?
- Trước hết, là lời cảm ơn chân thành của tôi và gia đình đến bạn đọc gần xa. Chính lời động viên của quý bạn đọc cùng cùng với sự tận tình cứu chữa của các giáo sư, bác sĩ, y tá, nhân viên của Viện Quân y Trung ương Quân đội 108, đã giúp tôi vượt qua cơn tai biến hiểm nghèo.
- Sau khi báo chí đăng thông tin tôi bị cấp cứu, đã có hàng trăm tập thể, cá nhân đến tận Viện thăm tôi. Tôi rất cảm động khi ông Đoàn Duy Thành (nguyên Uỷ viên TƯ Đảng, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) dẫn theo cả con cháu vào viện để động viên tôi. Cựu Bộ trưởng Trương Đình Tuyển vào ngồi bên giường bệnh của tôi cả tiếng đồng hồ. Đặc biệt là đồng chí Phạm Văn Thọ (Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương) đã đến viện không chỉ một lần, mà còn ngày nào cũng điện thoại hỏi thăm, động viên tôi. Đồng chí Cao Cường, Bí thư Tỉnh uỷ Hưng Yên và cả Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã lần lượt lên viện; rồi hàng trăm bà con ở Hưng Yên mang tình cảm quê hương đến với tôi. Còn điện thoại và tin nhắn thì nhiều vô cùng, không thể kể hết. Có những người bạn ở Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Đức... nghe tin đã điện thoại hỏi thăm, rồi gửi thuốc về cho tôi. Anh Nguyễn Vinh Quang, Phó Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc bảo tôi cần loại thuốc đặc hiệu gì mà Trung Quốc có, chỉ cần thông báo là anh ấy gửi về ngay, Nhiều bạn đọc tôi chưa hề quen biết đã điện thoại, hoặc nhắn tin: Lê Lựu ơi cố lên!... Tôi khỏe lại, bình phục nhanh, là nhờ những tấm lòng ấy.
- Với tư cách là một nhà văn, ông có 'thu lượm' được vốn sống, chất liệu gì sau những ngày nằm viện?
- Có nhiều điều 'thú vị' lắm. Nếu tôi không nằm viện, thì không thể biết được. Đó là chuyện... nhân tình thế thái!
- Ai đó đã từng nói: 'Chỉ những người đến thăm ta trong nhà tù, hay bệnh viện mới là những người bạn thật sự'. Điều này, có đúng với ông?
- Không phải ai không đến thăm mình, thì không còn là bạn thật sự nữa, vì nhiều người ở xa quá, hoặc không biết, hay không có điều kiện. Nhưng ngược lại, cũng không ít người nghe tin tôi bị tai biến thì họ mừng ra... mồm.
- Ông có thế nói rõ hơn?
- Có người đã điện thoại cho tôi và hỏi: 'Thế ông Lê Lựu vẫn còn sống thật à? Vậy mà tôi nghe họ đồn ông đã chết rồi'. Và ông ta điện không chỉ một lần. Lại có một ông lãnh đạo tỉnh, bắn tin qua người quen của tôi: 'Nếu cần giúp đỡ gì về chuyện 'hậu sự' cứ bảo tôi một câu'... Đấy, các anh ngẫm mà xem, hỏi thăm người đang trọng bệnh mà 'ác khẩu' vậy, thì… hết cỡ rồi còn gì!
- Nhưng điều quan trong là bây giờ nhà văn Lê Lựu đã bình phục và khỏe lại. Ông có dự kiến cho những công việc gì sắp tới?
- Vừa bước chân ra khỏi cổng bệnh viện, đã có bao việc đang chờ tôi giải quyết. Tôi vẫn phải lo làm tròn chức trách Giám đốc Trung tâm Văn hóa doanh nhân Việt Nam (TTVHDNVN), Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa Doanh nhân Việt
Từ trái qua: Tác giả bài viết và nhà văn Lê Lựu, tháng 10-2008.
- Xin ông cho ví dụ cụ thể về một công việc 'ngoài kế hoạch'?
- Tôi lại vừa nhận được Đơn đề nghị giúp đỡ bảo vệ quyền lợi của một doanh nghiệp. Đây là uy tín của TTVHDNVN, nên chúng tôi không thể làm ngơ.
- Nếu chúng tôi nhớ không nhầm, thì ông từng có những bài viết rất 'căng' chống tiêu cực, bênh vực quyền lợi của các Doanh nghiệp trên Tạp chí Văn hóa Doanh nhân Việt Nam?
- Đúng thế, chúng tôi thường đăng những bài chống tiêu cực, tham nhũng với tinh thần xây dựng trong mục 'Khách Nợ'. Nhiều khi chỉ là những mẩu chuyện phiếm chỉ, nhưng người ta có tật thì thường giật mình. Thế là chúng tôi thành công rồi!
- Ngoài ra, TTVHDNVN của ông còn làm gì để bênh vực quyền lợi hợp pháp và chính đáng của doanh nhân và doanh nghiệp?
- Mỗi khi nhận được đơn khiều nại, đề nghị giúp đỡ, chúng tôi đều làm hết sức mình, trong điều kiện có thể và luật pháp cho phép: Làm văn bản gửi lên các cấp có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đề nghị giải quyết. Thậm chí, có thể tư vấn cho Doanh nhân và Doanh nghiệp thuê luật sư cùng chúng tôi giải quyết…
Có lần, tôi còn trực tiếp đi cả mấy trăm cây số lên tận một tỉnh miền núi để dự một cuộc họp báo, liên quan để một doanh nghiệp thành viên của Câu lạc bộ TTVHDNVN. Khi được yêu cầu phát biểu, tôi đã thẳng thắn: UBND tỉnh không thể đối xử với doanh nhân, doanh nghiệp theo kiểu 'Lấy thịt đè người, cả vú lấp miệng em', mà phải tạo một sân chơi bình đẳng theo pháp luật.
- Ông có tin những việc TTVHDNVN đứng ra bảo vệ doanh nhân, doanh nghiệp sẽ thành công?
- Nếu không có niềm tin thì TTVHDNVN sẽ không làm! Ví dụ như vụ việc ở tỉnh miền núi mà tôi đã nhắc tới trên, sau khi chúng tôi và báo chí cùng lên tiếng, Chính phủ đã cử Đoàn Thanh tra Liên ngành về làm việc. Hi vọng sẽ có sự sáng suốt, khách quan và công tâm, vì chuyện này sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của doanh nhân và doanh nghiệp cả nước. Bởi thế TTVHDNVN sẽ theo vụ việc này đến cùng.
- Thế nếu giả dụ trong vụ việc này mà ông đã bảo vệ… sai?
- Thì trước hết, tôi sẽ tự làm đơn xin từ chức, sau đó sẽ để cho pháp luật và lương tâm phán xử... Theo tôi, từ chức cũng là một hành động văn hóa của người lãnh đạo!
Hãy nhìn ra thế giới mà xem: Tổng thống, Thủ tướng, các Bộ trưởng... nếu mất uy tín với dân, người ta xin từ chức là chuyện bình thường. Nhưng ở ta, tôi biết có một cán bộ cấp tỉnh sai phạm rõ ràng mà vẫn tìm mọi cách tại vị thì… lạ thật! Nếu tôi là ông ấy, thì tôi đã xin từ chức từ lâu rồi. (Cười).
- Vâng, nếu nhà văn Lê Lựu cũng làm cán bộ tỉnh rồi tự từ chức vậy, thì chưa chắc ông đã trở thành tác giả của của “Thời xa vắng”, của “Sóng ở đáy sông”… nổi tiếng như bây giờ. Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thẳng thắn và thú vị này.
Hà Nội, tháng 10-2008
Đặng Vương Hưng (thực hiện)