Thứ hai, 23/12/2024,


NSƯT Khắc Huề chỉ sống bằng cây đàn violon (12/04/2011) 

Dưới bàn tay chỉ đạo của Khắc Huề, hơn 20 năm qua, sân khấu ca nhạc Khúc hát trữ tình đặt tại số 51 Trần Hưng Đạo - “đại bản doanh” của giới văn hóa văn nghệ - vẫn đều đặn sáng đèn vào thứ Bảy hằng tuần. Nhiều ca sĩ bỏ cả show để được hát trong chương trình với cát sê vẻn vẹn 100 ngàn đồng. Thương hiệu “Chỉ đạo Khắc Huề” bao năm nay đã đi vào “khẩu ngữ”, còn “thân phận’’ Khắc Huề thì vẫn vậy, vẫn lặng lẽ...

 

 

* Vì lý do gì mà nhiểu ca sĩ nổi tiếng bỏ cả show để được hát trong Khúc hát trữ tình, thưa ông?

 

- Rất nhiều ca sĩ đi hát ở những sân khấu lớn, nhưng họ cũng thèm đến khán phòng nhỏ này, vì ở đây không có tiếng đàn điện tử ầm ầm, không ai hút thuốc, uống nước hay gây mất trật tự cả. Khán giả dưới 100 người ngồi chăm chú lắng nghe từng hơi thở. Ở đây khán giả bị cuốn hút bởi nghệ thuật thuần thiết. Rất nhiều khán giả đến đây một lần đã tiếp tục trở lại và mỗi người thường mang một tâm sự...

 

* Chương trình đã bước sang tuổi 24, có thể nói đây là một thành công lớn mà rất ít chương trình đạt được. Vậy điều gì đã giúp ông duy trì sân khấu này?

 

- Đó là tình yêu của khán giả. Ở đây họ có thể nhắm mắt nghe tiếng đàn và những bài hát đầy ắp những kỷ niệm. Đó là một thứ bùa mê mà sân khấu lớn không có. Các sân khấu lớn thì phải có ánh sáng, đèn nháy, đội múa, phun khói... nhưng tất cả những thứ dẫn đến thành công này sẽ thất bại, vì khi xem múa, xem phong cảnh trình chiếu... người ta không tập trung vào nghe nữa. Còn ở đây, buồng nhỏ, ai cười biết ngay. Hát không hay khán giả sẽ đứng dậy. Nhưng để chương trình thành công và tồn tại, tôi cũng phải nghiên cứu rất nhiều đối tượng khán giả.

 

* Như vậy, để sống được, chương trình luôn có sự thay đổi, biến ảo theo từng đối tượng khán giả?

 

- Thực ra cũng không có nhiều thay đổi, chủ yếu là khán giả và ca sĩ đã quá quen với sân khấu của chúng tôi. Những thay đổi thường là về nội dung trước và trong giờ diễn để phù hợp với khán giả. Trước giờ diễn, tôi thường hỏi xem khán giả mua vé là những ai, có yêu cầu những bài hát gì. Khán giả được chia ra tương đối để có nội dung phù hợp như thanh niên thì có Phượng hồng, Hà Nội mùa vắng những cơn mưa... người già có Suối mơ, Đêm đông... bộ đội thì có Bài ca hy vọng, Mời anh đến thăm quê tôi... Có thể nói với chương trình này, tôi đã thực hiện được nguyện vọng của mình: Thỏa mãn niềm đam mê với âm nhạc và đưa âm nhạc tới công chúng. Và Khúc hát trữ tình không chỉ là một sân khấu ca nhạc, mà còn là nơi các ca sĩ cũng như khán giả được bộc lộ cảm xúc chân thật của mình và thực sự gần gũi nhau hơn.

Nguyễn Khắc Huề (SN 1944) từng tốt nghiệp khoa Vĩ cầm tại Nhạc viện Hà Nội và chuyên diễn tấu vĩ cầm tại nhà hát Nhạc Vũ kịch VN. Ông là nghệ sĩ violon đầu tiên được phong tặng danh hiệu NSƯT (1984). Ông ‘’bập’’ vào nghề Chỉ đạo nghệ thuật từ những năm 1980 và sân khấu Khúc hát trữ tình ra mắt vào 10/3/ 1988 - nơi ông, các ca sĩ và khán giả thỏa mãn niềm đam mê âm nhạc của mình.

* Với khán phòng nhỏ vài chục ghế, tiền bán vé thì chẳng đáng là bao, nhưng quả thật ít có chương trình nào có sức sống bền bỉ như sân khấu nhỏ này?

 

- Thực ra, mỗi người chúng tôi đều có những công việc riêng của mình, như tôi thì giảng dạy âm nhạc. Còn Khúc hát trữ tình là chúng tôi làm để thỏa niềm say nghề thôi! Kinh phí hầu hết phục vụ biểu diễn và thi thoảng đủ để anh em uống bia.

 

* Công việc chỉ đạo chương trình Khúc hát trữ tình có gì khác nhiều so với những chương trình trước đó ông từng làm?

 

- Công việc chỉ đạo chương trình này đối với tôi vừa dễ và vừa khó. Dễ vì đây là một sân khấu nhỏ, mình có thể bao quát toàn bộ và dễ dàng hơn. Nhưng khó là mình phải nắm bắt được tâm lý và mong muốn của khán giả. Bên cạnh đó, phải biết được ca sĩ nào thì hát bài nào, của ai là tốt nhất.

 

* Ít khi “ra tay” chỉ đạo nghệ thuật, vậy thời gian rảnh rỗi, ông thường làm gì?

 

- Thời gian này tôi ít “chỉ đạo nghệ thuật”, nhưng không vì thế mà tôi rảnh rỗi. Tôi thường xuyên dạy violon, soạn nhạc trên những chất liệu âm nhạc khác nhau. Ngoài ra, tôi thường mời bạn bè đến chơi, đọc thơ, chơi đàn và hát với nhau. Từ nhỏ đến giờ, tôi rất yêu violon và gắn bó với nó. Với cây violon của mình tôi đến với âm nhạc như một lẽ đương nhiên. Suốt từ bé đến lớn, tôi không làm gì khác để kiếm tiền trang trải cuộc sống ngoài cây đàn này!

 

* Xin cảm ơn ông!

 

Lê Duy thực hiện

(Nguồn: TT&VH)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: