Thứ sáu, 27/12/2024,


Đỗ Trung Lai và “Cuộc chơi thơ… trăm triệu” (06/10/2008) 

    

     Nhà thơ Đỗ Trung Lai vừa có “cuộc chơi thơ” được thể hiện trên gỗ khổ lớn, trong đó có 30 bài thơ Đường thi nổi tiếng của Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị (nguyên tác, thơ dịch và tranh). Triển lãm cũng giới thiệu 4 cuốn sách mới xuất bản năm 2008 của mình…

 

     Gần 60 tuổi, Đỗ Trung Lai bắt tay vào dịch lại thơ Đường.

     Để thực hiện niềm đam mê này, Đỗ Trung Lai xin thôi việc Nhà nước dù đang là Phó Tổng biên tập Thường trực báo Đài Tiếng nói Việt Nam. Cặm cụi liền trong 1 năm thì được khoảng 200 bài (gần 80 bài của Lý Bạch, gần 50 bài của Đỗ Phủ và cũng ngần ấy bài của Bạch Cư Dị), xếp thành 3 cuốn. Lại căm cụi 1 năm nữa, tham khảo người đi trước để bổ sung các bản dịch nghĩa, chú thích, sửa sang lại rồi cùng các con đánh máy, thiết kế sách và tìm nơi in.

     Đỗ Trung Lai tâm sự rằng ông vô cùng biết ơn các dịch giả tiền bối. Họ đã bỏ biết bao tài năng và tâm huyết, cả tài lực nữa, vào việc phiên âm, dịch nghĩa chú thích, dịch thơ và in ấn Đường thi ra tiếng ta. Họ đã để lại rất nhiều bản dịch hay, có những bản là bất hủ, ví như bản dịch Tỳ bà hành của Phan Huy Vịnh; Thu hứng của Nguyễn Công Trứ; Phong kiều dạ bạc, Hoàng Hạc lâu của Tản Đà v.v… Chính họ đã khuyến khích, giúp đỡ ông nhiều nhất. “Không có các bậc tiền bối ấy, làm sao tôi, một người “Tây học”, thuộc mặt chữ Hán không quá số ngón tay trên hai bàn tay, có thể biết, có thể yêu, có thể dựa vào đó mà dịch lại, mà soạn sách”.

     Khi soạn sách, Đỗ Trung Lai đã đọc lại các vị tiền bối, sử dụng các phần phiên âm, dịch nghĩa, chú thích của họ, lấy sách này bổ khuyết cho sách kia, lấy cái đầy đủ ở sách này đặt vào chỗ còn sơ sài của sách kia, cố sao cho bạn đọc bây giờ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với nguyên tác.

     Ông cũng sửa sang lại tiếng ta trong các phần dịch nghĩa, chú thích, để những từ cũ và lối viết, lối nói cũ không gây quá nhiều khó khăn cho bạn đọc đương thời vốn lâu nay đã viết và nói khác đi ít nhiều so với thời trước.

     Theo Đỗ Trung Lai, Đường thi là báu vật Trung Hoa, báu vật phương Đông, báu vật thế giới. cả ngàn năm trước, cha ông ta đã học chữ Nho, trước tác bằng chữ Nho, bang giao với Trung Hoa bằng chữ Nho. Sau này, khi trí độc lập đã thành, khi chữ nghĩa (vẫn là chữ Nho) đã rất thạo, khi tư thế văn hoá đã rất đĩnh đạc, chúng ta mới cải tiến chữ Hán thành chữ Nôm. Rồi mãi đến tận đầu thế kỷ XX, thời cụ Tản Đà, cụ Tú Xương, thì “cuộc chiến” giữa bút sắt (Tây học) và bút lông (Hán học) mới kết thúc.

     Vì thế không có chữ Nho và thi ca Trung Hoa, đặc biệt là Đường thi, thì không có thơ Việt bằng chữ Nho như ta đã có. Không có thơ Việt bằng chữ Nho như ta đã có và chủ nghĩa lãng mạn Pháp, không có Thơ Mới. Bên cạnh đó và tiếp sau đó, là văn hóa – văn học – thi ca Ấn Độ, Tây Âu, Nga, Mỹ, Đông Âu, Nhật Bản, Mỹ la-tinh, Phi Châu….làm cho ta ngày càng hay, càng phong phú, càng “hội nhập”.

     Đến với triển lãm này, người yêu thơ được chiêm ngưỡng 10 bài thơ của Lý Bạch, 10 bài thơ của Đỗ Phủ, 10 bài thơ của Bạch Cư Dị được Đỗ Trung Lai chọn, kèm theo cả tranh cùng 14 bài thơ và các bức tranh của chính ông nhưng được trình bày bằng cách hoàn toàn mới là in lên gỗ khổ lớn bằng công nghệ làm ảnh hiện đại.

     Được biết, để có “cuộc chơi” hoành tráng và độc đáo này, nhà thơ đã mất ròng rã 3 tháng kèm theo một khoản tiền không nhỏ: hơn 100 triệu đồng.

 

                                                   Theo Nguyễn Thiêm (CAND)

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: