Thứ hai, 23/12/2024,


Người sáng tạo nghề mới ở Hà Nội (08/04/2011) 

Trong một con ngõ nhỏ ngay giữa lòng Thủ đô Hà Nội, có một nghệ nhân đã sáng tạo ra một nghề mới, tự cổ chí kim chưa hề có, đó là nghệ nhân Lê Văn Phú với những tác phẩm bằng đồng được tạo ra nhờ nghệ thuật thúc độc đáo.

 

Đến nhà nghệ nhân Lê Văn Phú ở ngõ 41, phố Đông Tác (Đống Đa, Hà Nội) vào một buổi chiều, được nghe ông kể về những câu chuyện xoay quanh cuộc đời và số phận khi đến với nghề thúc đồng. Thời gian như cuốn theo giọng kể của ông, lúc lắng lại trong từng nét vẽ, khi dồn dập, rộn ràng qua mỗi lần xuống búa để rồi trước khi ra về, ông cho tôi xem một tác phẩm nghệ thuật vừa được tạo ra. Và cách để tạo ra bức tranh đó được gọi là nghệ thuật thúc đồng.

 

 

 

Tuổi thơ với nhiều ước mơ dang dở

 

Sinh ra trong một gia đình vốn có nghề làm kim hoàn khá nổi tiếng ở Hà Thành, cậu bé Lê Văn Phú đã sớm mang trong mình cái “gen” nghệ thuật và hứa hẹn sẽ là một “truyền nhân” nối nghiệp cha ông, khi mới 11 tuổi Phú đã theo cha học nghề.

 

Tỏ ra có năng khiếu và đam mê nghệ thuật hội hoạ, 16 tuổi, Phú được gia đình cho theo học vẽ với các “danh sư” như Phạm Viết Song, Mạnh Quỳnh,… với hoài bão trở thành một hoạ sỹ có tên tuổi. Theo học được một năm, cậu bé Lê Văn Phú “trộm nghĩ” tại sao mình không kết hợp hội hoạ với nghề kim hoàn gia truyền. Ước mơ cháy bỏng đam mê ấy lẽ ra sẽ thành hiện thực nếu không có chiến tranh. Nhập ngũ khi sắp tròn 18 tuổi, Lê Văn Phú ra trận mang theo trong mình nhiều ước mơ dang dở, để rồi sau 20 năm sau, ước mơ ấy lại có dịp trỗi dậy khi ông trở về với cuộc sống đời thường. Sáu năm sau ông khởi nghiệp làm nghề thúc đồng. Đó là năm 1985.

 

Khởi nghiệp

 

Xuất phát từ đam mê hội hoạ, cộng với ước mơ cháy bỏng thủa thiếu thời, nghệ nhân Lê Văn Phú đã cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật bằng đồng độc đáo. Không phải đúc, chạm, khắc hay cách nào đó mà các làng nghề vẫn làm, Lê Văn Phú có cách riêng của mình. Không nhanh, không chậm, từng nhát thúc từ đằng sau ra đằng trước lá đồng đã được hun nóng bằng đèn khò dần dần làm nổi lên những đường nét của bức tranh, sống động như “hình ảnh không gian ba chiều” vậy. “Khi đưa hội hoạ kết hợp với nghề chạm kim hoàn để sáng tạo ra nghề thúc đồng, đó thực sự là cái cứu vớt cho ý nguyện trở thành hoạ sỹ của tôi. May mắn là tôi đã thành công” - Nghệ nhân Lê Văn Phú chia sẻ.

 

Bắt đầu từ những dụng cụ đơn giản đến thô sơ (bu-lông, ốc vít, trục pê-đan xe đạp, mũi khoan bê tông, thậm chí có khi chỉ là một mẩu sắt nhỏ nhặt được trên đường - PV), tất cả đều có thể trở thành dụng cụ để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật. Không ít người đã phải ngạc nhiên và trầm trồ thán phục khi biết những tác phẩm độc đáo của nghệ nhân Lê Văn Phú lại được làm nên từ những dụng cụ “vớ vẩn” đến vậy.

 

    

                         Tác phẩm Rồng thời Nguyễn

 

    

                         Tác phẩm Khuê văn các

 

Ông Phú cho biết: “Những dụng cụ này không ở đâu có và cũng không ai bán sẵn, hoàn toàn là do quá trình làm việc tôi phải tự tìm tòi, bổ sung. Mỗi một tác phẩm hoàn thành cũng là tay mình thuộc hơn với nghề và từng dụng cụ đó sẽ được khai thác cho đúng với ý đồ của mình khi sáng tạo tác phẩm”.

 

Từng công đoạn đều rất tỉ mỉ nhưng cũng thể hiện sự phóng khoáng của tâm hồn nghệ sỹ. Đầu tiên là vẽ mẫu, mà phải vẽ bằng tay, để cho từng đường nét nó nhập vào máu của mình như lời nghệ nhân Lê Văn Phú nói. Sau đó can âm bản lên mặt trái lá đồng rồi ốp lên bàn xi đã được luyện dẻo và tiến hành thúc cho đến khi đạt đến độ đẹp. “Chủ yếu là thúc từ mặt trái lá đồng lên, còn mặt phải chỉ là nhấn nhá, điều này khác hẳn với nghề chạm đồng” - nghệ nhân Lê Văn Phú cho biết thêm.

 

Truyền nghề

 

Sau hơn 20 năm cầm búa, nhiều tác phẩm độc đáo được tạo ra từ đôi bàn tay điêu luyện, tài hoa đã chinh phục biết bao người yêu nghệ thuật. Điều mà nghệ nhân Lê Văn Phú đau đáu là mong muốn được truyền nghề, để nghệ thuật thúc đồng không bị mai một hay mất dần đi.

 

“Nghề này rất kén học trò. Đầu tiên phải là người có năng khiếu bẩm sinh về hội hoạ, mỹ nghệ, sau đó phải thực sự có đam mê, một đam mê đến mức “dở hơi” thì mới có thể theo được nghề” - nghệ nhân Lê Văn Phú bộc bạch.

 

Theo ông Phú, đội ngũ nghệ nhân nếu không trau dồi, bồi dưỡng thì có thể nghề sẽ không mất, nhưng tinh hoa sẽ mất. Đến giờ, kinh tế gia đình nghệ nhân Lê Văn Phú cũng chỉ “thường thường bậc trung”. Đã có lần, vợ ông phát cáu chỉ vì ông không những không chịu bán tác phẩm mà còn để truyền nghề cho con trai.

 

Ông an ủi vợ mà cũng là động viên con trai: “Con chúng ta đang như cây gỗ quý, mọc lên tuy không phải giữa rừng nguyên sinh nhưng nó sẽ thay cha nó - người đang “xếp hàng về với tổ tiên” gìn giữ và phát huy một nghề sáng tạo nghệ thuật. Khi nào đất nước này giàu mạnh thì không chỉ nghề thúc đồng mà với các ngành nghề thủ công khác ắt sẽ được phục hưng, phát triển”.

 

Đến nay, con trai nghệ nhân Lê Văn Phú, anh Lê Hoàng Hiệp (sinh năm 1982 - PV), đã nối nghiệp cha được 6 năm và cũng đã có được cho mình những tác phẩm đầu tay. Không học được hết nghề của cha và cha cũng không thể dạy được hết nghề cho con, bởi thúc đồng không thuộc phạm trù kỹ thuật, mà đây thực sự là một nghệ thuật. Các tác phẩm làm ra đều là duy nhất (độc bản) và ngay bản thân tác giả cũng không thể “bắt chước” được tác phẩm của mình. Đó là hệ quả từ sự thăng hoa trong sáng tạo nghệ thuật, từ cảm xúc của chính tác giả. Mà điều này thì không thầy nào có thể dạy được!

 

 

Song Nguyên

(Nguồn: Báo An ninh Thủ đô)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: