Thứ hai, 23/12/2024,


Trương Nam Chi với hai CD "Thơ tặng mẹ" và "Xin đừng hỏi" (02/04/2011) 

     Mảnh đất Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, là quê nội của của tác giả Trương Nam Chi. Chị được sinh ra tại Thanh Hóa quê ngoại, lớn lên ở Hà Nội, rồi lại lập nghiệp ở đất Phương Nam (Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh). Chính cuộc sống 'bôn ba góc bể, chân trời' đã càng làm cho trái tim chị bồi hồi, lưu luyến với những kỷ niệm khó quên của một thời đã qua và hun đúc trong tâm hồn chị tình yêu quê hương, tình yêu gia đình tha thiết.

 

     Trương Nam Chi vừa hoàn thành 2 CD “Thơ tặng mẹ” và “Xin đừng hỏi”, là sự gởi gắm nỗi niềm, tâm nguyện tri ân của chị với cha mẹ, với quê hương và như một lời độc thoại với bản thân. Nét độc đáo trong CD thơ này của chị, đó là qua cách ngâm, cách thể hiện của các nghệ sĩ tài danh như: Tố Uyên, Vương Hà, Kim Liên, Hải Yến, Tuấn Cường… nên bất cứ ai nghe cũng rất dễ cảm thụ và thấy được sự thăng hoa trong từng lời thơ mà nếu chỉ đọc qua ít khi ta bắt gặp được.

 

      Mẹ cha và quê hương là tâm thức không thể thiếu trong tâm hồn của mỗi nhà thơ, nghệ sĩ… với Trương Nam Chi cũng vậy; mẹ cha là tất cả, là yêu thương vô bờ bến

 

     Là người con, khi đi xa, nỗi nhớ thương cha mẹ, nhớ quê hương cứ ẩn hiện không nguôi trong mỗi giờ phút của cuộc đời. Những chi tiết hết sức đời thường: “một ngõ vắng hanh hao”, một “làn sương mỏng thấp thoáng” một “dòng sông”, “bãi dâu”, những “hương ngâu”, “hương lài” mãi mãi vấn vương nơi tâm hồn nhà thơ và hơn bao giờ hết, những lúc ấy hình ảnh người mẹ lại hiện về khắc khoải trong lòng tác giả:

 

Mang theo câu hát à ơi

Ta tung cánh giữa bầu trời bao la

Vẫn không quên được quê nhà

Bên thềm là bóng mẹ già chờ ta.

                                                                                    (Về quê)

 

     Hình ảnh người mẹ trong thơ Trương Nam Chi luôn hòa quyện với những hình ảnh rất gần gũi, thân thương của đồng quê thôn dã, thật ấm áp lạ thường:

 

Bếp quê khói tỏa mùi rơm

Cốm xanh mẹ giã chiều thơm nắng vàng

                                                                                   (Gái quê)

 

   Người con, khi lớn lên, bươn chải trong cuộc sống mới thấm thía và cảm thương, xót xa với nỗi vất vả, cơ hàn, chịu thương chịu khó của mẹ:

 

Quê nghèo mái lá liêu xiêu

Ấm êm lòng mẹ sớm chiều lo toan

                                                                  (Sông Hoài thương nhớ)

 

     Gửi tặng mẹ, tác giả gửi những hình ảnh thơ ấu của mình qua những vần thơ ngọt ngào, sinh động, hằng mong mẹ nguôi ngoai bớt nỗi nhớ thương con trẻ:

 

Ước mơ bay với cánh diều

Tuổi thơ vấn vít khói chiều xa xưa

Nhớ bà bên bếp lửa hồng

Nhớ bà bên luống cải ngồng vàng ươm

Nhớ bà gánh nước thổi cơm

Lon ton cháu chạy trên con đường làng

Cháu chơi với chú bê vàng

Giấc mơ thơ trẻ ngập tràn sắc hương.

                                           (Viết cho bà ngoại)

 

      Trong CD “Thơ tặng mẹ”, tác giả dành phần nhiều để viết về người mẹ tần tảo, đa đoan, một đời chịu khó chịu thương vì chồng, vì con với mong muốn phần nào bày tỏ lòng báo hiếu công ơn sinh thành, dưỡng dục, nhưng bên cạnh mẹ, tác giả cũng không quên viết về những người thân khác cả đời đã gắn bó với tác giả với quê hương, đó là bà ngoại, là người cha, người chú… với tình cảm nồng ấm, dạt dào tình yêu thương, cháy bỏng niềm khát khao mong nhớ:

 

Bà tôi váy đụp áo thâm

Nón mê bà đội quanh năm ngoài đồng

Như con cò trắng ven sông

Hai vai gánh nặng lo chồng nuôi con

Yêu bà từ thuở ấu thơ

Những ngày xưa ấy bây giờ đã qua

                                       (Bà tôi)

Cha đi, đi mãi miền xa

Âm dương cách trở thiên hà xa xôi

Tóc con dù chớm ngả màu

Vẫn mong còn được tựa đầu vào cha

                                          (Buồn vắng cha)

 

     Gửi tặng mẹ, tác giả còn gửi cả nỗi niềm nhớ thương về Hà Nội, nơi tuổi thơ dịu ngọt, cứ da diết không nguôi:

 

Hà Nội ơi! sao mà yêu tha thiết

Những con đường, ngõ nhỏ rêu phong

Những chuyến tàu tấp nập giữa phố đông

Tiếng leng keng ru ta vào giấc ngủ

Hà Nội đó bến đời ta từng ghé

Náo nức trưa hè rộn tiếng ve ngân

                                             (Nhớ Hà Nội)

 

     Cả những nỗi niềm riêng, tâm sự thầm kín của mình, với mong muốn được chia sẻ, tác giả cũng chỉ có thể cùng tâm sự với mẹ mà thôi:

 

Con đường từ lúc vắng anh

Một mình em với một vành trăng trong

Những khi sóng cuộn nao lòng

Nhớ anh lệ chảy mặc dòng thơ trôi.

                                           (Tình xưa)

 

Ước gì đời có sông ngân

Ước gì… ước gặp một lần nữa thôi

Ước gì đũa sẽ thành đôi

Ước gì người khóa hồn tôi bên người.

                                               (Ước)

 

     Và những hình ảnh về quê hương cứ mãi đeo đuổi, thương nhớ đến nao lòng trong tâm trí của tác giả:

 

Quê em phố cổ Hội An

Sông Hoài xanh mát nồng nàn nên thơ

                                              (Sông Hoài thương nhớ)

 

Về nơi có chuyến đò xưa

Về nơi có tiếng thoi đưa rì rào

Về nơi ngõ vắng hanh hao

Là vùng ký ức ngọt ngào tuổi thơ

                                         (Về quê)

 

      Nếu với CD “Thơ tặng mẹ” là những hoài niệm ký ức ngọt ngào, tràn đầy tình cảm thương mến, nỗi nhớ xa xăm và ước vọng một tương lai tươi đẹp thì CD “Xin đừng hỏi” có thể nói lại là một tâm trạng chiêm nghiệm với cuộc đời, thế sự của nhà thơ.

 

      Gần như toàn tập “Xin đừng hỏi” là một khoảng lặng trong tâm hồn của một con người đa cảm, có nhiều nỗi đa đoan, nhưng điều làm cho nhà thơ dằn vặt, đau khổ nhất phải chăng là mối tình dang dở của mình:

 

Tình yêu chết rồi còn gì lại cho em

Trọn kiếp này anh mãi không quên

Tuổi mười tám tình yêu đầu đẹp lắm

Đã nói “Không!” cho lòng thanh thản

Mà đêm về vết cứa lại hằn sâu.

                                (Còn gì cho em)

 

      Nhà thơ vật vã với tình yêu không tròn của mình và yêu cầu “đừng hỏi” gì cả, bởi chỉ có thế thì mới có thể bớt nỗi đau đi chăng:

 

Đừng hỏi vì sao tình yêu trong em

Mỗi ngày trôi qua mòn thêm một chút

Đời gọi tên đó là tình yêu chết

Khi tâm hồn hai mảnh rời nhau.

                                  (Xin đừng hỏi)

 

Tôi yêu người cũng đủ rồi

Chẳng mong người sẽ yêu tôi thật nhiều

Khi yêu hồn phách liêu xiêu

Yêu không toan tính những điều thiệt hơn.

                                        (Thơ cho người tôi yêu)

 

       Không chỉ trong tình yêu, cuộc sống cũng có biết bao điều phải hỏi, phải trăn trở, nhưng nhà thơ khuyên ta “đừng hỏi”, bởi thế giới là tổng hòa của mọi quan hệ xã hội mà ta chỉ là một thân phận nhỏ bé. Tác giả lui về với cái tôi để nhìn nhận vấn đề, để xem xét thực tại chứ không phải bàng quang, vô cảm:

 

Bỏ qua chức tước công danh

Ta về gõ cửa cấm thành thơ ca

Tạ ơn thơ đã giúp ta

Ngộ ra cạm bẫy phù hoa cõi người.

                                         (Tự bạch)

 

          Phận đời thật khó mà lường hết được những thăng trầm, biến động, những ảo tưởng, thật giả, những buồn vui, sướng khổ, sân si… cho nên tác giả mới có những câu thơ sâu sắc triết lý mà man mác hồn người:

 

Cánh bèo nổi những phận đời

Bồng bềnh cá nước chim trời lênh đênh

                                             (Đời sông nước)

 

          Bằng giọng điệu thơ tâm tình, mềm mại, dịu dàng, chủ yếu thông qua cách sử dụng vần điệu của thể thơ lục bát cùng với cách so sánh, ví von, cách dùng nhiều từ láy, từ ngữ gợi hình, gợi cảm: “ngõ vắng hanh hao”, “chiều thơm nắng vàng”,”trăng sáng miên man”, “đầy vơi nỗi niềm”, “giấc trưa say nồng”, “bâng khuâng”, 'lâng lâng',… tác giả đã làm cho những chi tiết bình thường trong cuộc sống làng quê của tác giả bỗng trở nên lung linh sắc màu, sống động, khiến người nghe không khỏi liên tưởng hoài niệm, thương nhớ không nguôi trong lòng khi nghĩ về miền quê của mình, đồng thời cũng biểu lộ được nỗi suy tư, dằn vặt, trăn trở trong tâm hồn tác giả về lẽ sống, tình yêu, hạnh phúc và những khấp khểnh nơi cõi đời. Xin chúc mừng sự thành công của Trương Nam Chi với tác phẩm đầu tay thật ấn tượng: “Thơ tặng mẹ” và “Xin đừng hỏi” đã được chính thức phát hành.

 

Nha Trang, 30-03-2011

Đoàn Đức Yên Khang

(Email: yenkhang@gmail.com)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Trần Mạnh Tuân - tuan_hwru@fulbrightmail.org - 091353 0266 - Hà Nội  (Ngày 5/04/2011 07:59:09 PM)
Gửi lời chúc mừng chân thành đến tác giả Trương Nam Chi nhân dịp ra mắt 2 CD thơ.

Hi vọng có dịp được thưởng thức thơ qua giọng ngâm của các nghệ sĩ và cảm nhận bằng tai chứ không phải bằng mắt!
Các bài khác: