Thứ hai, 23/12/2024,


Gặp người đặt tên con là... Trịnh Công Sơn (01/04/2011) 

Với những người yêu các ca khúc sâu lắng, thâm thúy của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì trong một năm chẳng thể quên 2 ngày đặc biệt, 28/2 và 1/4. Một ngày chứng kiến tiếng khóc chào đời của người nhạc sĩ tài danh bậc nhất Việt Nam và một ngày tiễn ông về với cát bụi. Đã 10 năm rồi, người trần thế hát cho người nằm xuống, bỗng tự hỏi, rút cục thì ai và cái gì đã giữ cho nhạc Trịnh luôn là một trong những đặc sản trong thực đơn âm nhạc? Thay vì soi mói chuyện đời tư, tình duyên của “người ca thơ” này, tôi đi tìm câu trả lời cho thắc mắc ấy…

 

Khánh Ly hay Trịnh Vĩnh Trinh, Hồng Nhung hay Quang Dũng...? Dĩ nhiên là đúng rồi. Nhưng nếu chỉ vậy thì có gì lạ? Hay là nữ ca sĩ M.T hát “Đóa hoa vô thường” kèm cả một vũ đoàn uốn éo, lắc giật trên sân khấu, hay là nam ca sĩ Đ.V.H hát “Biển nhớ” mà nhiều người muốn đạp anh ta xuống biển!? Dĩ nhiên là sai rồi.

 

"Tôi đã trả giá nhiều để dành hết đam mê cho Trịnh" (Ảnh: Việt Nguyễn)

 

Mất quá nửa thời gian kể từ ngày Trịnh mất đến nay, tôi mới ngộ ra rằng, hồn nhạc Trịnh vẫn vẹn nguyên là nhờ những người... vô danh khắp xứ da vàng. Họ chẳng phải “sao”, không xuất hiện ngồn ngộn trên những trang tin lá cải nên ít người biết tới. Họ là những người lao động bình thường nên ngày ngày vẫn nặng gánh mưu sinh. Nhưng họ lại biết nghe, biết hát nhạc Trịnh bằng tình cảm thực sự nên những ca từ mộc mạc, sâu lắng vì thế mà không bị vùi dập giữa mớ âm nhạc hỗn độn thời “hi-tech”. Tôi đã gặp được một người vô danh như thế, người có con trai tên... Trịnh Công Sơn.

 

Duyên tiền kiếp

 

Đó là Trịnh Sơn Truyền, một “bác tài” của công ty du lịch Viettravel, đam mê và am hiểu nhạc Trịnh đến mức làm tôi đi hết từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Nói là vô danh chứ thực tế thì cái tên Sơn Truyền lại không hề xa lạ với nhiều người trẻ yêu nhạc Trịnh ở Hà Nội.

 

Nếu ai hay làm “Trịnh khách” ở những quán café như Trịnh Ca (phố Nguyễn Khang) hoặc café nhạc Trịnh (phố Trung Kính) thì sẽ tường tận khuôn mặt và giọng ca mộc mạc, êm ái của người đàn ông 42 tuổi này.

 

Ở đó, anh là một ca sĩ thực thụ, hát nhạc Trịnh hay hơn rất nhiều so với một số ca sĩ trẻ mượn Trịnh Công Sơn để “làm sang”. Tôi chưa bao giờ thấy anh phá cách mỗi khi cất lên ca từ của Trịnh, nhưng chất phiêu và tình cảm gửi gắm vào lời hát đủ làm cả trăm người ngồi dưới – vốn cũng hiểu biết ít nhiều về Trịnh – phải im lặng và thưởng thức bằng tất cả sự trân trọng.

 

Cuộc trò chuyện của chúng tôi xen lẫn tiếng guitar êm đềm của nhạc công. Sơn Truyền cho biết, từ năm 1979 – lúc 10 tuổi, đã bắt đầu được nghe các ca khúc của Trịnh Công Sơn, nhưng phải đến ngoài 30 tuổi, cái duyên với nhạc Trịnh mới thực sự bộc lộ và thấy Trịnh trở thành một phần của cuộc đời mình.

 

Bằng sự trải nghiệm bản thân, bằng tai nghe khó tính và hàng chục đầu sách nghiên cứu về cuộc đời và tác phẩm của nhạc sĩ, Trịnh Sơn Truyền đã ngộ được Trịnh Công Sơn. Nói một cách dân dã, khi đó anh mới thực sự “thấm” được những ca từ đầy tính Thiền, đầy câu kinh của người nhạc sĩ cùng họ. Anh coi đó là cái duyên, là sự tình cờ ở cuộc đời.

 

Khi sinh con trai năm 1990, Trịnh Sơn Truyền đã đặt tên con là Trịnh Công Sơn. Lúc đó, việc làm này không phải vì nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mà đơn giản là thích cái tên Sơn mà thôi. Anh cho rằng, đó cũng là cái duyên của mình với nhạc Trịnh, để sau này mỗi khi ngồi sau vô-lăng, rong ruổi hàng trăm cây số mỗi ngày thì Sơn Truyền vẫn luôn có hình ảnh Trịnh Công Sơn bên mình – ấy là người con trai, ấy là nhạc Trịnh lúc nào cũng đầy ắp trên xe du lịch.

 

Vào các buổi tối có biểu diễn nhạc Trịnh, những quán cafe như thế này

luôn đầy ắp khách từ đầu cho đến hết chương trình. (Ảnh: Việt Nguyễn)

 

Album “xuất ngoại”

 

Những người thích nghe nhạc Trịnh thường rất khó tính về âm nhạc, ít khi chấp nhận những bài hát nhạt nhẽo, vô vị trong lời ca của dòng nhạc thị trường. Đối với nhạc Trịnh, một ca sĩ được học thanh nhạc bài bản nhưng có khi cả đời không thể hát thành công một ca khúc của Trịnh Công Sơn, nếu họ không yêu nhạc Trịnh và hát bằng tình cảm thực sự.

 

Đã 10h30 tối, những “Trịnh khách” ngồi cạnh tôi chưa ai muốn đứng dậy. Tiếng guitar vẫn quyện chặt vào giọng hát khá hay của một cô gái trẻ trên sân khấu rộng chừng 2m2. Tôi hỏi một vị khách quen mặt ở quán: “Anh nhạc công kia là nghệ sĩ guitar thật à, sao bài nào cũng chơi được vây?”. “Nghề tay trái thôi, anh ấy là kỹ sư điện thì phải. Nhưng gọi là nghệ sĩ thì đúng đấy. Nhạc Trịnh thì bài nào anh ấy cũng chơi được hết”, vị khách trả lời thủng thẳng rồi cầm ly café uống cạn trước khi đặt gọn gàng vào mép bàn sát tường có dán tờ giấy nhỏ: “Hôm nay biểu diễn nhạc Trịnh, không bán các loại hạt”.

Đối với người tài xế này, phần lời luôn là yếu tố quan trọng nhất khi hát để có thể toát ra tinh thần Trịnh Công Sơn. Sơn Truyền cho biết, nhiều người đã hòa thanh, phối khí các ca khúc của Trịnh theo các cách khác nhau, nhưng cuối cùng thì phong cách mộc vẫn là đỉnh cao nhất. Văn Cao đã gọi Trịnh là “người ca thơ”, vậy thì mấy ai có thể viết lời hát hay hơn Trịnh nữa, nên sẽ thật tồi tệ nếu những dòng thơ trên khung nhạc ấy bị lấn át bởi âm thanh điện tử réo rắt hay bị “phá cách” bởi những tiếng ngân, tiếng rú của ca sĩ. Phần lời luôn hay hơn phần nhạc, đó mới là Trịnh.

 

Tôi khá bất ngờ khi biết “bác tài” đặc biệt này đã làm tới 2 album nhạc Trịnh Công Sơn trong 2 năm trở lại đây, dĩ nhiên vẫn theo phong cách mộc mạc nhất để giữ nguyên cái hồn Trịnh. Thú vị hơn nữa, nhiều khách du lịch nước ngoài, đặc biệt là khách Nhật Bản đã ấn tượng với giọng hát của Sơn Truyền mà mang các đĩa nhạc về nước.

 

Anh cho biết, cả hai album này đều được thực hiện trước các dịp kỷ niệm ngày mất của người nhạc sĩ tài hoa (1/4/2001). Ban đầu, việc làm này chỉ nhằm thỏa mãn niềm đam mê, sau đó được bạn bè hào hứng ủng hộ, thậm chí khiến cả những vị khách du lịch ngồi sau tay lái của anh cũng phải trầm trồ ngạc nhiên.

 

Không cầu danh, không cầu lợi, mỗi album nhạc Trịnh của người tài xế này thường chỉ thu âm trong khoảng 2 tiếng cho từ 10 đến 13 ca khúc, chi phí vài triệu đồng. Phần nhạc cũng chẳng quá cầu kỳ, nhạc công chính là cây guitar Hoàng Văn Đạo nổi tiếng ở hai quán café Trịnh Ca và 101 Trung Kính.

 

Trịnh Sơn Truyền hát cùng ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh

bên bàn thờ Trịnh Công Sơn. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Hát trước bàn thờ Trịnh

 

Có lẽ kiếm cả Việt Nam cũng khó thấy một bác tài xế nào dành nhiều tâm trí, thời gian và tiền bạc cho niềm đam mê nhạc Trịnh như Trịnh Sơn Truyền. Tối 29/3, anh gọi nhắc tôi nhớ đến đúng giờ anh làm liveshow ở một quán café âm nhạc trên phố Trần Bình Trọng. Chương trình có sự góp mặt của các ca sĩ và nghệ sĩ guitar Tuấn Khang, tưởng niệm 10 năm ngày Trịnh Công Sơn trở về cát bụi sau bao năm ở trên “cõi tạm” thở than với thân phận và tình yêu.

 

Các ca khúc tiêu biểu của Trịnh Công Sơn từ những năm 1950 đến cuối 1990 một lần nữa lại được Sơn Truyền hát, hát bằng niềm say mê, giản đơn như mỗi lúc anh nghêu ngao trên xe cho các vị khách quốc tế, nhưng không hiểu sao luôn được các “Trịnh khách” hào hứng đón đợi đến thế. Có mấy ca sĩ khi sử dụng nhạc Trịnh để “làm sang” đạt được điều này?

 

Sơn Truyền bảo, năm nay bận thu âm album thứ hai, bận làm liveshow, bận công việc nên chẳng còn thời gian để đi thắp một nén hương cho Trịnh, để được có cơ hội đứng trước bàn thờ với ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh (em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) cùng hát những Ướt mi, Biển nghìn thu ở lại, hay những tác phẩm mang đầy chất Thiền như Phôi pha, Cát bụi, Đóa hoa vô thường... Biết đâu, ở một “cõi tạm” khác, Trịnh Công Sơn cũng biết được rằng, trên trần gian da vàng, vẫn có những người “vô danh” biết giữ hồn âm nhạc của ông.

 

 

Nguyễn Anh

(Nguồn: GiadinhNet)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: