Thứ hai, 23/12/2024,


Những nẻo đường đầy nắng gió và dào dạt tình yêu (30/03/2011) 

           Đọc “Những nẻo đường xa” của  Lê Quang Thảo, trước mắt tôi cứ mở ra, cứ lấp lánh những nẻo đường đầy nắng gió và dào dạt tình yêu của ông. Những bước chân đầu tiên của chàng kỹ sư địa chất công trình, nguyên là Giám đốc Công ty tư vấn Địa kỹ thuật thuộc Tổng Công ty TVXDTL Việt Nam ấy, và cũng là điểm khởi đầu cho chặng đường thơ của ông gắn với một kỷ niệm khó quên với một cô dân công hỏa tuyến trên công trường Rào Nan, vùng tuyến lửa Quảng Bình trong những năm giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc:

Máy bay như ngọn đuốc rơi

Mừng vui khó tả, ôm tôi… em cười.

(Cô gái Ba Đồn)

Năm ấy Lê Quang Thảo mới hai mươi bốn tuổi. Và cũng trong khoảng thời gian ấy, nhân một chuyến đi công tác ở vùng biển Quảng Ninh, say cảnh, si tình, ông đã viết bài thơ: “Hạ Long”. Sau hơn bốn mươi năm, đọc lại “Hạ Long”, tôi vẫn thấy bài thơ như còn tươi nguyên, như thể ông vừa viết xong, nét bút còn chưa ráo mực:

Một vùng biển lặng, núi nhấp nhô

Mênh mông sóng nước, mây vờn núi…

Lung linh hang động mắt em chờ

(Hạ Long)

            Không biết vẻ đẹp thiên nhiên Hạ Long đã quyến rũ Lê Quang Thảo hay “mắt em chờ” của người đẹp quyến rũ ông để ông có được những câu thơ giàu hình ảnh, mê đắm lòng người như thế? Con người trưởng thành theo năm tháng, người làm thơ như Lê Quang Thảo cũng như vậy. Càng sống nhiều, đi nhiều, tầm mắt càng mở rộng thì tư duy của ông càng chín. Đọc thơ Lê Quang Thảo, người đọc dẫu chưa hề quen biết ông thì vẫn có thể hình dung ra con người và cuộc đời ông. Cũng như con người ông, thơ Lê Quang Thảo không khoa trương ồn ào mà giản dị, chân tình, ngọt ngào, sâu lắng như những mạch nước ngầm li ti trong lòng đất:

Hồ xanh bóng núi dập dờn

Bồng bềnh thuyền mộng sóng vờn, mây trôi

Sông Công cũng hát thành lời

Gom dòng nước mát chảy xuôi một đời

(Sông Công, núi Cốc)

Nhưng đôi khi ông cũng triết lý, cũng “tuyên ngôn” mạnh mẽ không phải chỉ cho riêng mình:

Ơi, những nẻo đường xa

Dù ngã hay đầy hoa

Vẫn đi về phía trước!

(Ơi,những nẻo đường xa)

Dòng chảy thơ Lê Quang Thảo như một dòng sông chở nặng phù sa, có nhiều chi lưu hợp lại, nhưng chủ yếu có hai nhánh chính là tình yêu quê hương và nghề nghiệp.

Viết về quê hương, Lê Quang Thảo đã để lại trong lòng bạn đọc một ấn tượng sâu sắc, đậm nét về tấm lòng thiết tha với quê nhà, vời vợi nhớ thương của người con xa quê. Quê hương ông, làng Thái Phú (Hồng Phong, Vũ Thư, Thái Bình) - một làng quê nằm ở tả ngạn sông Hồng, một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, nhưng bao đời rồi cũng “đói nghèo, bệnh tật, đắng cay đã từng”. Xa quê đã lâu nhưng Lê Quang Thảo vẫn không quên, không thể quên những kỷ niệm nơi quê nhà gắn với tuổi thơ đầy mộng mơ và nhọc nhằn của ông:

Đêm hè chao vó ngoài đê

Mớ tôm mớ tép…hương quê chợ chiều

(Thái Phú – quê hương)

            Và, dẫu quê có nghèo đói, quanh năm “con cua, cái ốc”… thì vẫn là nơi nuôi ta lớn khôn, là điểm tựa đưa ta đến vinh quang, giúp ta nên người. Lê Quang Thảo luôn tâm niệm điều đó. Và, điều đó cũng thật dễ hiểu vì sao gần đây, đọc thơ Lê Quang Thảo, thấy tâm trạng của ông hướng nhiều đến quê hương, gia đình. Vâng, chỉ bằng những hình ảnh bình dị, thân thương, với những vần thơ mộc mạc, chân chất như người quê, tác giả đã gieo vào lòng người đọc nỗi xúc cảm rưng rưng:

Ngô khoai nghèo đói chẳng quên

Con cua, cái ốc… làm nên quê mình…

(Thái Phú- Quê hương)

            Mỗi khi nhắc đến quê hương, nhớ về quê hương thì hình ảnh người mẹ luôn hiện lên, xao xuyến trong trái tim Lê Quang Thảo. Trong thơ ông cũng vậy, hình ảnh người mẹ hiện lên nhiều lần và được khắc hoạ rất rõ nét. Người mẹ của ông cũng là người mẹ đồng quê lam lũ áo nâu, chân đất, quanh năm “một nắng hai sương”, tảo tần“suốt đời cặm cụi lo toan” cho chồng con:

Mẹ chẳng chịu thua sương nắng

Với bao cay đắng đoạn trường…

Suốt đời cặm cụi lo toan

Tuổi xuân nổi chìm dâu bể

            Đọc những dòng thơ Lê Quang Thảo viết về mẹ ông mà tôi cứ ngỡ như người mẹ đáng quý nhưng cũng thật đáng thương của mình. Tôi cũng là người làm thơ, cũng đã viết nhiều về mẹ, nhưng chưa bao giờ phát hiện, khắc hoạ được hình tượng người mẹ vừa có sức khái quát mà lại sâu sắc, xúc động đến thế:

Suốt đêm mẹ nằm trăn trở

Con chợt nhận ra điều lạ

Dáng mẹ nằm - một chữ Tâm!

(Dáng mẹ)

            Phải là đứa con có hiếu, là người có chữ nghĩa, có tấm lòng yêu thương sâu nặng lắm mới nghĩ và viết được về mẹ mình như vậy! Dáng mẹ nằm – “một chữ Tâm” đã ám ảnh tác giả suốt cuộc đời và có lẽ cũng ám ảnh cả người đọc. Tôi càng hiểu vì sao mặc dù công việc rất bận rộn, cuộc sống thường nhật nơi đô thành bề bộn, đầy lo toan nhưng Lê Quang Thảo rất chăm về quê thăm mẹ, thăm quê. Ông đã từng đưa mẹ đi thăm Tam Đảo, thăm hồ chứa nước Xạ Hương, Trúc Lâm thiền viện ở xa quê hàng mấy trăm cây số, khi cụ đã gần 80 tuổi, mới biết ông chăm lo cho mẹ như thế nào…

Lê Quang Thảo là người có “tình thơ” thật rộng lớn, dạt dào như sông như suối. Cái “tình thơ” trong trẻo, vời vợi mà sâu lắng ấy đã giúp ông dệt những con chữ thành dải lụa đào lấp lánh, lấp lánh dưới ánh trăng quê, trên con đê làng, còn đọng mãi lời thề với người con gái năm xưa:

Hỏi trăng lúc tỏ, lúc mờ

Hỏi em sao cứ thẫn thờ như mê

Vầng trăng xin gửi lời thề

Tình yêu ngày ấy – bùa mê mỗi chiều

(Một điều vẫn yêu)

            Đó là những câu thơ ông viết về một kỷ niệm tình yêu nơi quê nhà vào năm 1971, cách đây đã 40 năm. Người con gái trong đời ông, trong thơ ông bây giờ có còn ở nơi quê nhà?

            Vốn sinh ra ở nông thôn, tuổi thơ lam lũ đi mót thóc, bẻ ngô, hái dâu chăn tằm… trước khi là anh kỹ sư, làm giám đốc và làm thơ, Lê Quang Thảo luôn mang trong mình đức tính cần cù, khoáng đạt nhưng lại rất tỷ mỷ, kỹ càng trong mọi việc. Tôi nhớ có lần chỉ để chữa lại một câu thơ mà ông cũng rủ tôi ra quán cà phê trong ngõ nhỏ đường Chùa Bộc ngồi đàm đạo hàng giờ đồng hồ. Hẳn cũng còn là vì ông đã “dính” vào Nàng Thơ mất rồi:

Tuy già thơ vẫn trăng treo

Vui thơ, vui bạn, ta theo cùng Nàng

Đâu đã lỡ bước sang ngang

Còn yêu Nguyễn Bính còn mang mộng đời.

(Mơ thơ)

Phải, Lê Quang Thảo có một tình yêu cho thơ, đặc biệt là đối với thể thơ lục bát, cái thể loại mà ông cảm thấy càng viết lại càng bị hút vào đến kỳ lạ. Và có lẽ chính vì thế nên ông lựa chọn thể thơ lục bát như là phương tiện ưa thích nhất để gửi gắm những tâm sự của một kỹ sư thuỷ lợi, một người nhiều nội tâm như ông. Ở đó, những bài thơ lục bát của ông có sự kết hợp hài hòa những điều tưởng chừng như mâu thuẫn với nhau: Dịu dàng và cuồng nhiệt, hạnh ngộ và buồn đau… Bởi dường như trong nội lực của “chàng trai thất thập” đó, vẫn là những khao khát, khát khao cháy bỏng chưa bao giờ vơi:

Biển đêm thấp thoáng buồm nâu

Em khe khẽ hát “Đồng Châu quê mình”

Biển đêm hai bóng tự tình

Mải mê, mê mải… Bình minh lên rồi

(Biển đêm I)

Thơ Lê Quang Thảo có sự bay bổng, có vị đắng đót của trí tuệ, lại có sức nặng của cảm xúc tâm hồn. Tôi có cảm nghĩ, khi đối diện với trang giấy, ông chỉ viết cho mình, viết về những điều mình quan tâm chứ tuyệt nhiên không phải sáng tác theo “đơn đặt hàng”. Và chính vì thế, những năm tháng trước đây thi thoảng ông mới cho in một số bài thơ trên báo, tạp chí ở Trung ương và địa phương.

            Phạm trù tình yêu, đối với Lê Quang Thảo là câu chuyện của số phận, của cuộc đời, đôi khi chỉ thoáng qua như cơn gió. Nhưng dù cho ở một ý nghĩa mơ hồ nhất, tượng trưng nhất, thì tình yêu vẫn là một điểm tựa không thể chối bỏ trong sáng tác của Lê Quang Thảo, là nguồn hứng khởi mãnh liệt mỗi khi ông cầm bút. Chả thế mà ngay từ thuở còn quàng khăn đỏ, cắp sách đến trường ông đã có một tình yêu, một tình yêu ngây thơ thật đáng quý và đáng… để dành:

Tình yêu cái tuổi học trò

Quả chanh múi bưởi cũng lo giữ phần…

(Tình yêu tuổi học trò)

Lê Quang Thảo nói ông cũng là  những người bình thường như bao người đàn ông khác trên đời, cũng mê muội vì phụ nữ đẹp và… có những phút giây chao đảo bên bếp lử hồng, trong đêm rượu vùng cao Tây Bắc:

Chén này vui với ai đây

Để ta bán gió, mua mây thẫn thờ…

Chén này tay nắm chặt tay

Anh về xuôi nhớ cổ tay trắng ngần.

(Đêm rượu Chò Lồng)

Nhưng ông cũng tự hào rằng ông có người vợ và những đứa con, đàn cháu đông vui luôn hiểu cho mình, luôn động viên, khích lệ ông trong công tác và sáng tạo thi ca. Đọc những câu thơ Lê Quang Thảo viết về người vợ của mình mới thấy hết tình cảm thân thương, yêu quý của ông dành cho người bạn đời như thế nào:

Nhớ những đêm ca ba

Đường khuya, mưa phố vắng

Đội trời mưa đạp xe

Một mình em thầm lặng…

(Vào ca ba)

            Ấy là cái thuở “Buổi chiều máy bay Mỹ/ Ném bom cầu Đò Quan”, vợ ông còn đang làm công nhân kỹ thuật ở Nhà máy dệt Nam Định, gia đình còn nghèo khó trăm bề. Còn bây giờ, cuộc sống của gia đình ông đã thuận lợi, các con đều đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định, đàn cháu đông vui, học hành tấn tới… Có phải vậy nên lòng ông cứ rưng rưng, buồn vui đan xen khi nghĩ tới con cháu đang ở xa, mỗi khi gặp con cháu ở nơi xứ người:

Ôm cháu vào lòng sao tôi lại lâng lâng

Miệng mở bao lần mà không thể nói

Cứ bồi hồi im lặng…lặng im

Nước mắt tràn và con tim nóng hổi

(Thăm con, cháu)

Là người bạn đồng nghiệp, bạn thơ của Lê Quang Thảo nên dẫu có kém ông nhiều tuổi, thuộc lứa đàn em, nhưng tôi rất hiểu và đồng cảm với ông. Lê Quang Thảo là người có trách nhiệm với cuộc đời và với thơ. Gắn bó với nghiệp địa chất công trình, cả cuộc đời ông đã giành cho ngành thuỷ lợi. Mấy chục năm trong những “nẻo đường xa” đi khảo sát, mang dòng nước về tắm mát ruộng đồng, Lê Quang Thảo đã dãi nắng dầm mưa trên khắp các công trường thuỷ lợi, trên mọi miền đất nước, từ Tây Bắc đến Tây Nguyên, từ vùng châu thổ sông Hồng đến đồng bằng sông Cửu Long xa xôi. Đôi khi ngồi ngẫm ngợi, ông cũng cảm thấy mình thật may mắn, hạnh phúc vì được đi nước ngoài nhiều lần, kể cả khi còn công tác cũng như khi đi thăm con cháu lúc đã nghỉ hưu.

Tôi cũng là dân “áo bông quần cộc” nên rất hiểu nỗi gian nan, đắng cay nhưng cũng đầy vinh quang của những người làm công tác khảo sát, thiết kế công trình thuỷ lợi như Lê Quang Thảo. Vậy nên, tôi cứ nghĩ, đối với Lê Quang Thảo, thi ca không chỉ là niềm đam mê, niềm vui, mà còn là nguồn sống, là chỗ dựa tinh thần để ông neo đời mình vào đó trong suốt cuộc hành trình đầy gian nan đi khảo sát, khơi dòng nước mát cho đời:

Nghiệp vào nghề địa chất

Đâu nhung lụa, chào mời

Chát mồ hôi vẫn mặn

Địa chất – Tình đam mê

(Nghiệp địa chất)

Bởi nặng tình với nghề đất đá, say mê với công việc nên nhiều khi ông quên đi bao khó khăn vất vả thường nhật, cảm thấy cuộc đời có ý nghĩa hơn, lãng mạn hơn:

Nằm nghỉ trên ván giàn khoan

Giữa sông nước chảy, nghe làn nước ru

Nhìn xuống mặt nước mùa thu

Nghề khoan địa chất trăng lu vẫy chào

(Công nhân khoan)

Lê Quang Thảo là vậy, đằng sau cái vẻ ý nhị, lãng tử phong tình ẩn chứa những nỗi niềm đắng chát, những trăn trở suy tư về nhân tình thế thái:

Không đổi dịu êm

Lấy ồn ào khi tán gẫu.

Không đổi cô đơn

Lấy mềm say khi uống rượu.

Không đổi chiến công

Lấy nụ hôn khi phỉnh phờ…

(Không đổi)

Nhưng, dẫu viết về chủ đề nào: Tình yêu quê hương, gia đình hay nghề nghiệp… thì nhìn chung, thơ Lê Quang Thảo vẫn giàu cảm xúc tâm hồn, giàu hình ảnh và ý tưởng mà cũng giàu nhạc điệu, gần gũi với nhiều đối tượng bạn đọc. Chả thế mà ông đã có một số bài thơ được phổ nhạc như: “Quê hương ơi!”, “Nghiệp địa chất”, “Thì sao” v.v..., được nhiều thính giả  yêu thích.

Và, sau những phút say mê với công việc, đắm chìm trong thi ca, Lê Quang Thảo lại lãng du với tình yêu của mình, hồn nhiên tận hưởng hạnh phúc tuổi già như chàng trai vừa chạm ngõ tình yêu. Bây giờ đây, Lê Quang Thảo đang viết những khúc hoan ca của đời mình. Đi qua một chặng đường dài có giông gió và nắng hồng, ông đã tìm thấy niềm vui nho nhỏ cuối đời trong thi ca. Thơ của ông như những bức tranh sáng bừng những gam nóng, những hoa trời lộng lẫy, vời vợi khát khao và hy vọng… và dịu dàng toả sáng, như bình minh đang ló rạng phía biển Thái Bình quê hương.

 

                                                                            Hà Nội, chớm xuân Tân Mão 2011

                                                                               Kỹ sư – Nhà thơ HÀ QUANG

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Phạm Văn Thọ - tho2009y@gmail.com - 01222221328 - Sở TN&%3BMT Thái bình  (Ngày 29/04/2011 09:09:35 AM)
Tôi thì không biết làm thơ, nhưng rất thích đọc thơ.
Thơ của các tác giả khác thì cũng có bài hay, bài giở. Còn đối với thơ Quang Thảo thì bài nào cũng tuyệt. ( hay ở chỗ giầu cảm xúc, bình dị và rất thành thật) Thơ Quang thảo chủ yếu là những câu thơ ngắn (thường là 4 dòng) gọn nhưng đã nói lên toàn cảnh và tâm trạng.
Các bài khác: