Kính gửi Ban biên tập website lucbat.com!
Tôi là Nguyễn Thị Minh, một cộng tác viên của lucbat.com, vừa sang Đài Bắc dự Hội nghị Chăn nuôi gia cầm khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Tình cờ, tôi được gặp một số chị em người Việt lấy chồng Đài Loan, tôi liền nảy ra ý định tìm hiểu một vài khía cạnh trong đời sống hiện nay của họ. Thực tình, chuyến đi rất ngắn, lại bận công việc, nên tôi chỉ có chút ít thời gian, cộng với lòng quyết tâm để thực hiện ý định này.
Lấy chồng, đó là việc hệ trọng trong đời người con gái. Lấy được một người chồng tử tế, cho phận mình được nhờ cậy, đâu phải người phụ nữ nào cũng có được diễm phúc đó. Tôi không muốn nói rằng tất cả các chị em lấy chồng Đài loan đều khổ, có rất nhiều chị em được toại nguyện, ở đây, tôi muốn đề cập đến việc tại sao có những hoàn cảnh trớ trêu.
Các cụ dạy rằng: “Tại anh tại ả, tại cả đôi bên”, những người phụ nữ đeo khổ trong hôn nhân, thậm chí trở thành tai họa, một phần do chính cách hành xử của họ trong việc quyết định hôn ước và trong suốt cuộc sống hôn nhân của họ, kể cả lấy chồng trong nước hay nước ngoài. Nếu cứ nghĩ rằng: tôi phải lấy một người chồng thế này, thế nọ… thì chỉ có cái tivi mới có thể bật tắt theo ý mình. Con gái ở nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, khăn gói lên thành phố cho người ta mai mối gả chồng, cho người ta xem mặt, khi người ta chọn ưng ý rồi, mới được biết tên, biết lý lịch trích ngang, thậm chí khi cưới mới biết mặt chồng, còn tiếng nói ra sao, tính cách thế nào, các cô hồn nhiên “không cần biết”!!!??? Thế thì, chữ “Hạnh” (mang nghĩa “may mắn” trong từ “Hạnh phúc”) qủa là phát huy tác dụng tối đa! Các cô đem phận mình gửi cho sự mối lái cố ý ghép buộc, như ghép mộng gỗ, mông tre, chỉ cần hơi vênh một chút là nứt toác! Người ta mối lái thì cần gì cái sự hơi vênh đó đâu, miễn sao tàm tạm và có lợi là được. Tiếp sau đó, người chịu trách nhiệm chính là hai người trong cuộc hôn nhân, chứ mối lái có hề chi!
Cộng tác viên của lucbat.com Nguyễn Thị Minh tại Đài Bắc.
Đến đây, tôi càng tâm đắc câu nói của cụ Nguyễn Khuyến: làm gì cũng dễ, chỉ có làm người là khó nhất! Đôi vợ chồng ăn ở với nhau ra sao cho hợp tình với nhau, và giữa các mối quan hệ gia đình bên chồng, bên vợ là điều khẳng định hôn nhân của họ có bền vững hay không.
Xin đừng bao biện khi so sánh với hôn nhân thời phong kiến, các cuộc hôn nhân mai mối thời nay có hình thức từa tựa như vậy, nhưng hôn nhân thời phong kiến có cả một sự hậu thuẫn của các mối quan hệ gia đình, họ hàng, của sự “trăm năm tính cuộc vuông tròn, phải dò cho đến ngọn nguồn đáy sông”, của những quy định ngặt nghèo về hôn nhân phong kiến, nên nó có yếu tố bền vững nhất định, mặc dù “các cụ” cũng từng thông qua mai mối, cũng từng chỉ khi cưới mới biết mặt nhau…
Đằng này, nhan nhản cái sự nhanh chóng của hôn nhân thời @, nhan nhản cái sự kỳ vọng khi lấy được một người chồng thì cha mẹ được đổi đời do một nắm tiền nhà chú rể đưa cho, hoặc có thể chu cấp tiền cho bố mẹ về lâu dài!? Người ta vẫn nói: nó lú thì có chú nó khôn, không biết các bậc sinh thành nghĩ thế nào mà cho phép con lấy chồng như vậy? không biết các cô gái nghĩ thế nào mà lấy chồng kiểu như vậy?
Thực ra, đàn ông đi tìm vợ ngoại quốc có trăm ngàn lý do, ở đây tôi chỉ muốn đề cập đến sự không hiểu biết của người trong cuộc, chứ không thiếu gì các cuộc hôn nhân có yêu tố nước ngoài mang đầy đủ ý nghĩa hạnh phúc của nó, trong đám cưới và trong suốt cuộc sống vợ chồng.
Đã chấp nhận làm dâu xứ người, dù trong hoàn cảnh nào thì chuyện mưu sinh cũng là mối quan tâm lớn lao của mỗi người. Từ Đài Bắc về Hà Nội đâu có bao xa, đi máy bay chừng 3 tiếng đồng hồ là tới, nhưng có phải muốn về nhà là thu xếp được ngay đâu! Chỗ thì lo tiền, chỗ thì lo sắp xếp thời gian, công việc, con cái, lại còn phải được phép của nhà chồng. Thông thường những người đàn ông Đài Loan sang tìm vợ ở VN đều lo nếu vợ về quê thì không sang nữa, nên các chị phải chịu nỗi khắt khe này. Cái sự “mặc cả” ấy, đâu có chỗ đứng trong tình yêu?
“Vậy các chị nghĩ gì khi quyết định lấy chồng Đài Loan?” - Đó là câu hỏi tôi đặt ra, tất nhiên tôi hỏi ý đó nhưng bằng nhiều cách, để tránh thô thiển, bộc trực, và các chị không nhận ra ý đồ của tôi, mà chỉ trong tâm trạng cùng nhau tâm sự khi gặp đồng hương nơi xa xứ.
Thương lắm những người con lấy chồng xa xứ, càng thương hơn khi họ là người nhắm mắt đưa chân. Ấy thế mà, không ít người thân ở nhà, không những trông vào món tiền cưới con gái mình, mà còn trông ngóng suốt những năm tháng dài đằng đẵng, xen vào nỗi nhớ con, là niềm mong mỏi con gửi tiền về giúp đỡ gia đình. Tiền ở đâu ra? Các chị có phải “quý bà” cho cam để lấy được những đại gia giàu có, nhà chồng đâu phải cái kho để có thể bòn mót cho bố mẹ mình. Mà nếu có bòn mót thật, thì hôn nhân sẽ đi đến đâu? Các đấng sinh thành và những người thân hãy thương lấy họ, con gái là con người ta, nuôi con là nghĩa vụ, con lớn thì gả chồng, mong sao cho nó ấm êm là được, đừng mong mỏi gì cái sự trả nghĩa bằng chu cấp tiền nong. Nếu con nó hiếu đễ tự nó sẽ biết cần hành xử thế nào.
Tệ hại hơn nữa, tôi có dịp tham dự vài đám cưới của người Việt Nam với người nước ngoài, tôi là người chịu khó quan sát nên thấy hầu hết điều người ta muốn biết khi nói chuyện với nhau đều liên quan đến một nội dung: không biết bên nhà trai họ đưa cho bao nhiêu tiền, hoặc là: ông bà ấy sướng nhé, từ nay thì đổi đời, có con rể người nước ngoài thì giàu to. Và những tháng năm sau đó thì:” có dư cho tôi vay chút đỉnh”???. Vân vân và vân vân… Hàng xóm láng giềng chúc mừng đấy mà soi mói đấy, chung quy chỉ ở cái sự nhận thức về hôn nhân quá ư là đơn giản, nếu không muốn nói là thiếu hiểu biết. Chẳng lẽ, đó là cách sống của người Việt nam vốn giàu tình người và lòng nhận hậu?
Trong số những người tôi gặp, dù họ sướng hay khổ, thì đều có chung một nỗi niềm: nhớ nhà, nhớ quê. Cái nhớ ở đây thật khác, nó da diết, nhớ đấy mà vời vợi không thể nào nguôi, mà pha chút gần như tuyệt vọng. Đâu phải chồng mình là anh hai lúa nào đó, nhà ở làng bên, để có thể thậm thụt về nhà mẹ đẻ, mở vung nồi, xem còn chút cơm nguội nào thì vét vội. Chỉ thế thôi, mà bao hàm cả cuộc sống tinh thần lớn lao của người con gái đã đi lấy chồng, chút đỉnh đó các chị không khi nào có được.
Tạm biệt các chị, lòng tôi nặng trĩu ưu tư… Không biết sẽ còn bao nhiêu cô gái nữa, bao nhiêu thế hệ nữa, kỳ vọng đổi đời bằng hôn nhân xa xứ, trong khi lòng không vướng vit một chút gì gọi là tình yêu?
Thân con gái như hạt mưa sa, nhưng các chị ơi, đừng bị động với hạnh phúc của mình, hãy thể hiện giá trị của mình ngay trong cuộc sống hôn nhân của mỗi cá nhân, để các thế hệ sau này, không có những nghẹn ngào không đáng có.
Tôi xúc cảm và viết một bài thơ sau đây:
Lấy chồng xa xứ
Chị ơi, giỗ mẹ có về
Hưởng thêm một chút hương quê ấm lòng?
*
Từ ngày khăn gói theo chồng
Biết đâu sướng khổ mênh mông xứ người
Gừng cay muối mặn cho đời nổi nênh
Dứt lòng từ lũy tre xanh
Gán thân cho một chữ tình ngẩn ngơ…
“Hạnh” luôn là chốn bất ngờ
“Phúc” đâu đến kẻ sa cơ, tưởng lầm!
Riêng mình một nỗi thật tâm:
Vì con nên phải vì chồng. Xót xa!
*
Con cò đi lấy chồng xa
Nhận tin mẹ chết khóc ba bốn ngày…
Tôi hy vọng Ban biên tập sẽ cho đăng lá thư và bài thơ này, xem đó như là một sự chia sẻ đồng cảm của riêng cá nhân tôi với những người phụ nữ lấy chồng xa xứ. Xin cảm ơn và chúc sức khỏe, hạnh phúc tới bạn đọc của trang web.
Đài Bắc, 25-3-2011
Nguyễn Thị Minh
Điện thoại: 01686527282
E-mail: minhthach55@gmail.com