Thứ hai, 23/12/2024,


Nhà văn Chu Lai và những cuốn sách viết theo đơn đặt hàng không muốn nhớ (28/03/2011) 

Nhà văn Chu Lai, một nhà văn hào hoa và rất có duyên ăn nói. Trò chuyện với ông, người đối diện rất dễ bị “thôi miên” và cuốn vào câu chuyện do ông làm chủ, điều khiển. Vì vậy, trong cuộc nói chuyện với ông, chúng tôi đã cố gắng để luôn tỉnh táo, song cũng vì thế mà nhà văn Chu Lai nhiều lúc trở nên lúng túng và đôi lúc gần như “phát điên” vì cảm giác câu chuyện bị người khác dẫn dắt. Nhà văn Chu Lai thổ lộ: Trước kia, vì khó khăn quá nên ông viết đủ mọi thứ, kể cả việc đi viết thuê để lấy tiền. Đó cũng là cách lấy ngắn để nuôi dài mộng văn chương. Ông quan niệm viết văn cũng như mọi nghề, vì vậy đến giờ thì ngồi vào bàn, hết giờ ra khỏi bàn. Không phải vì biết những gì viết ra là không hay mà hủy nghề viết được, nhưng đã viết là phải viết hết mình và cháy hết mình. Thế nhưng ông cũng phải thừa nhận, một phần ba sáng tác của ông, chính ông cũng không nhớ nữa và nó đã mất hút, chìm nghỉm trong văn đàn từ rất lâu…

 

* Sau nhiều năm cầm bút, viết như trâu, gần như năm nào cũng cho ra một đầu sách. Nhưng mấy năm gần đây, nhiều người yêu văn Chu Lai, dù đã “dài cổ” chờ đợi mà sáng tác của nhà văn vẫn như “tăm cá bóng chim”. Đã vậy, độc giả lại như bị một gáo nước lạnh khi nhà văn Chu Lai tuyên bố chuyển sang “chơi văn”. Không biết thời gian này nhà văn Chu Lai đang làm gì? Phải chăng bây giờ Chu Lai không còn viết lách được nữa nên tuyên bố vậy, để tránh những lời thị phi và gièm pha từ đồng nghiệp và độc giả?

 

- Đúng là trước kia mình viết nhiều, viết cuồn cuộn, viết mãnh liệt như là khu công nghệ, vì thế lâu lâu, khoảng hơn 2 năm rồi mà chưa ra được cuốn sách nào, độc giả người ta cứ nghĩ là mình không làm gì cả. Bây giờ thì mình chuyển sang “chơi văn”. Chính xác thì mình chính thức chuyển sang chơi văn từ khi nghỉ hưu (từ tháng 3 năm 2008). Nghĩa là thích thì viết, không thích thì thôi. Mình thích cái cách mà nhà văn Áo Stefan Zweig vẫn làm. Ông ta đi khắp nơi trên thế giới bằng tiền của mình, sau đó, khi tư liệu đã cuồn cuộn thì đến một khách sạn sang trọng nhất, ở một nơi yên tĩnh nhất ngồi để viết. Mình không có điều kiện đi các nước thì cũng đã đi khắp các tỉnh trong nước rồi. Không có tiền ở một khách sạn sang trọng thì đi thuê cái nhà nghỉ rẻ tiền thôi. Vừa rồi tôi một mình đi Cửa Lò, rồi ở nhà nghỉ, cũng là để có thời gian yên tĩnh thực hiện viết tiếp cuốn tiểu thuyết về thành cổ Quảng Trị. Vì vậy, độc giả hãy chờ và hãy hy vọng.

 

Nhà văn Chu Lai

 

* Chơi văn, với Chu Lai có phải là một cách nói tránh? Phải chăng cái thiên chức nhà văn là một nhiệm vụ quá nặng, nên giống như một anh nông dân, sau một thời gian cày sâu cuốc bẫm, giờ là lúc nhà văn cần xả hơi và hưởng những thành quả của những lao động ấy mang lại?

 

- Ngày trước khi mới vào nghề, mới định hướng nghề thì mình phải viết bằng mọi giá để khẳng định nghề. Khi tạm thời đã khẳng định được tên tuổi trên văn trường, thì thấy sức mình bắt đầu cạn. Nếu tiếp tục cuồn cuộn thì sẽ trở thành ngớ ngẩn. Vì thế, chơi văn là một nguyên lý tuyệt vời nhất của kẻ cầm bút. Thế nhưng người ta cũng cần phải hiểu từ “chơi văn”. Chơi đấy, nhưng cũng là lúc người ta “chết” vì văn đấy. Trước đây, nhiều đề tài mình không thích, mình vẫn phải viết. Chẳng hạn ngày đó Cơ quan đoàn thể bắt mình viết về ông này hay về đơn vị nọ, mình vẫn phải viết. Còn giờ không thích thì thôi. Ví dụ cách đây mấy ngày, có một đại gia khét tiếng Việt Nam, yêu văn mình lắm, đến đề nghị mình viết về Tổng công ty của ông ta và bản thân ông ta, với rất nhiều bươn trải thân phận, song mình từ chối. Nhưng nếu khoảng 5 năm trước chắc chắn mình sẽ nhận lời ngay.

 

* Ông nói 5 năm trước thì ông nhận lời, còn giờ thì không. Tại sao vậy?

 

- Thì sau 30 năm làm quần quật, mình đã thực hiện được cái câu văn sỹ không phải là hàn sỹ.  Văn sỹ mà là hàn sỹ thì nhục lắm. Vì vậy, bằng mọi giá phải thâm canh tăng năng suất. Biến truyện ngắn thành tiểu thuyết, biến tiểu thuyết thành phim, phim biến thành kịch. Rồi cả đi viết theo đơn đặt hàng nữa. Mà trước kia thì nhuận bút ít lắm, gần như bằng không vậy. Rất thê thảm nên cái gì cũng viết. Nếu có ai thuê gì thì tôi cũng chẳng chối từ. Chẳng thế mà trong Rừng Xưa Lá Héo của Bùi Ngọc Tấn có viết về Chu Lai,  Nguyễn Quang Thân và Đình Kính đi viết thuê cho một Lâm trường ở tận Đồng Nai. Rất ê chề, nhưng khi về, chỉ mang về cho gia đình một chút tiền bổ sung cho những bữa ăn thiếu thốn. Sự thực thì ngày đó, chỉ cần một chiếc xe công binh đến đón là mình sẽ có ngay một vệt văn học công binh. Chỉ có một chiếc xe đặc công đến đón là lại có ngay một vệt văn học đặc công. Chỉ cần có một chiếc xe lâm trường đến đón là có ngay vệt văn học lâm trường. Hay chỉ cần có một chiếc xe dầu khí đến là có ngay một vệt văn học dầu khí. Kiểu như là viết theo đơn đặt hàng vậy, nhưng vì ngày đó khó khăn nên mình không từ chối cái gì cả.

 

* Với một nhà văn, nếu phải viết một cái gì đó vì sự thôi thúc của đồng tiền thì tác phẩm viết ra cũng khó mà hay được.

 

- Không chỉ tôi, mà nhiều nhà văn nhìn lại quãng thời gian viết theo đơn đặt hàng cũng thấy nó ê chề và vớ vẩn lắm. Cách đây 25 năm, tôi viết một cuốn ký cho một thằng lâm trường, giờ cuốn ký ấy nội dung thế nào, tên là gì đến mình cũng không nhớ nổi nữa. Mà viết theo đơn đặt hàng, nếu không đổ công sức, không biến nó thành cái của mình thì sao mà nhớ nổi. Nhưng không viết thì không được. Chả lẽ nhận được cái thiếp mời đám cưới, vợ chồng lại cãi nhau à. Lại còn chuyện nuôi con nuôi cái và bao chuyện trên đời nữa chứ. Nhưng cũng chính thời kỳ này mình lại ra được một số tác phẩm mình ưng ý nhất, như Phố, như Ăn Mày Dĩ Vãng hay Vòng Tròn Bội Bạc.

 

* Đúng là trước kia, đời sống văn nghệ sỹ có quá nhiều khó khăn mà phải đi viết theo kiểu  đơn đặt hàng. Còn bây giờ, có còn nhà văn nào phải đi viết theo đơn đặt hàng như vậy không, thưa ông?

 

- Giờ cũng có nhà văn như thế, nhưng nó được biến thể theo hình thức khác. Chẳng hạn giờ có hiện tượng nhiều nhà văn đang bị “báo hóa” hay bị “kịch hóa”. Anh bảo bây giờ viết một kịch bản hay một bài báo Tết cho một tờ báo trong Nam được đến mấy triệu đồng nhuận bút, bằng người ta viết thiểu thuyết cả 3 năm trời. Thế thì người ta có còn tâm huyết và cảm xúc nào mà ngồi viết tiểu thuyết nữa!

 

* Sau rất nhiều sáng tác, cho đến bây giờ, ông có thấy thất vọng về một tác phẩm nào đó của mình. Nghĩa là thay vì nó khiến ông trở nên nổi tiếng hơn, thì nó lại khiến độc giả buồn chán, thất vọng?

 

- Cái ấy thì có chứ. Trong số 15 cuốn tiểu thuyết của mình thì một phần ba đã chìm nghỉm trong văn đàn. Chẳng hạn thời kỳ chiến tranh biên giới, năm 1979, khi ấy cảm xúc và vốn sống của mình cứ cuồn cuộn vậy mà viết ra cuốn tiểu thuyết Đêm Tháng Hai quá nhạt nhẽo, giờ đến mình cũng không nhớ nữa. Hay như sau cuốn Nắng Đồng Bằng rất ấn tượng, mình viết Sông Xa. Cuốn này được một số nhà phê bình đánh giá nhưng độc giả lại không thích và bây giờ đến mình cũng không nhớ đến nó. Sau này, với cuốn Khúc Bi Tráng Cuối Cùng, mình định dồn vào đó cả một biên niên sử, nhưng vì chuẩn bị chưa đủ nên nó chỉ thành ra một đoản khúc và cũng không ai nhớ cả. Cuốn này sau được mình chuyển thể ra kịch với cái tên Khúc Tráng Ca Ngày Ấy và ra phim với tên Tiếng Cồng Định Mệnh, nhưng những thể loại này cũng chả ai nhớ đến cả!

 

* Ông có thấy tự ái khi “thâm canh” bằng việc chuyển thể ra đủ thể loại với một tác phẩm không được mấy người chú ý như cuốn Khúc Bi Tráng Cuối Cùng của mình không?

 

- Mình viết thì mình vẫn cảm nhận thấy nó hay, nhưng cuộc đời và độc giả lại không thế. Phải chăng cuộc đời chưa hiểu hết mình hay là mình chưa hiểu hết độc giả?!

 

* Là một nhà văn được nhiều độc giả biết đến qua những tiểu thuyết, ông có thể lý giải tại sao tiểu thuyết Việt Nam những năm gần đây không phát triển? Trong hiện thực buồn ấy, Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh có phải là trường hợp đặc biệt không?

 

- Tôi thấy dòng tiểu thuyết Việt Nam vẫn tồn tại, vẫn chảy mạnh mẽ, nhưng chưa gặp đá ghềnh để tung bọt sóng. Xã hội bây giờ thay đổi kinh khủng quá. Hết chiến tranh đến bao cấp ảm đạm. Bao cấp chưa kịp tĩnh đã chuyển sang thị trường ngã ngửa, rồi lại sang WTO nữa. Đồng tiền giật xuống, xã hội đảo điên. Các nhà văn chưa kịp trở về cõi tĩnh để trầm ngâm, ngắm nghía, chiêm nghiệm cuộc đời nên viết ra những tác phẩm không thể chín được. Đến Chiến Tranh và Hòa Bình của Lev Tolstoi cũng phải có một độ lùi đấy chứ. Nhưng Bảo Ninh dường như là một trường hợp cá biệt. Mới ra khỏi chiến tranh và không cần một khoảng lùi đã có một tác phẩm khá thành công như Nỗi Buồn Chiến Tranh. Và đó là một hiện tượng đặc biệt của văn học Việt Nam hiện đại.

 

* Thế còn tiểu thuyết của 8X, rồi 9X hiện nay như thế nào, chúng ta có thể hy vọng gì ở họ?

 

- Tôi thấy giới trẻ bây giờ họ nhanh nhạy, thông minh và sắc sảo thật đấy, nhưng văn trẻ mới chỉ quẩn quanh với cái tôi nhỏ bé mà chưa bật ra với cái ta, chưa có tầm khái quát. Họ giỏi viết những gì xung quanh họ, nhưng họ lại lúng túng không biết đẩy vấn đề đi xa hơn. Đặc biệt, một số bạn trẻ còn viết về cả đề tài chiến tranh. Nhưng chiến tranh là một siêu đề tài và người lính là một siêu nhân vật. Viết về nó không chỉ đòi hỏi sự minh triết và khái quát. Đặc biệt hơn nữa, nó đòi hỏi người viết phải “ngửi” được cái “mùi” của chiến tranh, mà chiến tranh thì có nhiều mùi lắm. Đấy là mùi của khổ đau, mùi mất mát và mùi của bao nỗi thảm sầu. Những người trẻ không đi qua chiến tranh thì khó ngửi được cái mùi ấy, vì thế, cũng khó mà hy vọng họ sẽ viết hay về chiến tranh được.

 

* Xin cảm ơn nhà văn.

 

 

Trọng Tuyến thực hiện

(Nguồn: Vietimes)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: