Người khuyết tật bị mù mà lại chụp được ảnh, điều đó tưởng chừng như không bao giờ có. Thế nhưng lại có thật và xảy ra với anh Ngô Văn Biểu, 39 tuổi, đang là thành viên của hội nhiếp ảnh khuyết tật tỉnh Thanh Hóa. 80 bức ảnh của triển lãm Vượt Dốc do tổ chức dịch vụ phát triển Đức (DED) tài trợ vừa diễn ra tại Thanh Hóa, trong đó anh có 6 bức hình được đánh giá rất cao.
Vượt lên số phận
Chúng tôi tìm về nhà anh Ngô Văn Biểu thôn Yên ổn, xã Quang Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa vào một buổi chiều. Khi anh Biểu đang tận tay kê lại những sản phẩm mà các thành viên trong CLB 'Vì màu xanh tương lai” do anh sáng lập làm. Nghe tin có người đến chơi anh Biểu phấn khởi ra tiếp chuyện. Câu chuyện của chúng tôi với người nghệ sĩ nhiếp ảnh mù này bắt đầu với li trà nóng do tay anh tự pha.
Anh Biểu đang sắp xếp lại những bức hình đã chụp được.
Sinh ra tại vùng quê nghèo của tỉnh Thanh Hóa. Quanh năm gắn bó với ruộng đồng, làm lụng vất vả cũng chẳng đủ ăn. Anh Biểu đi học thêm nghề sửa chữa tivi cho bà con làng xóm kiếm thêm thu nhập gia đình. Anh Biểu lập gia đình, một năm sau hai vợ chồng anh sinh được người con trai đầu lòng nhưng số phận đã chẳng may mắn. Cháu bị thiểu năng trí tuệ, đến cháu gái thứ hai thì bị cận thị bẩm sinh. Khó khăn kiếm tiền chữa bệnh cho con nhỏ chưa qua thì khó khăn khác lại ập đến với gia đình tôi. Vào năm 2000 trong lúc sửa tivi không may tôi để bụi bay vào mắt, vì gia đình quá nghèo không đủ tiền chữa trị kịp thời thế là bị mù hai mắt cho đến giờ - anh Biểu kể lại. Từ đó tất cả công việc lo toan trong gia đình đều một tay do vợ anh làm.
Người ta thường bảo “giàu hai con mắt, có hai bàn tay”. Bị mù hai mắt chưa phải là mất tất cả, với nghị lực của bản thân anh Biểu đã vứt bỏ hết mọi mặc cảm, tự ti để vượt lên số phận. Bị mù nhưng anh Biểu vẫn phụ giúp vợ nấu cơm nước, lo cho hai con học bài và những việc nhỏ trong gia đình. Không những thế anh hiện còn là chủ nhiệm của CLB Vì Màu Xanh Tương Lai với hơn 100 hội viên là những người khuyết tật, trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Anh cho mở cơ sở sản xuất ngay tại nhà mình với công việc là đan giỏ hoa, làm chiếu tre, làm tăm (Được hợp đồng với công ty bên Nhật Bản- Thông qua hiệp hội chiếu cói Nga Sơn). Anh cho biết thêm: 'Hiện tôi đang tìm kiếm và liên kết với một số cơ sở mátxa khuyết tật ở ngoài Hà Nội, nhờ họ vào tư vấn dạy cách làm cho những hội viên khuyết tật, nhất là những trẻ mồ côi của CLB. Sau đó mua máy móc thiết bị về mở cơ sở để tạo việc làm kiếm thêm thu nhập cho hội viên”.
Bác Nguyễn Thị Thanh, 60 tuổi bị mù bẩm sinh, thành viên CLB tâm sự: 'Những người khuyết tật như tụi tôi chẳng làm được việc gì kiếm tiền, sống chủ yếu bằng tiền trợ cấp, nay được tham gia CLB do anh Biểu sáng lập, có việc làm mà phù hợp với hoàn cảnh, kiếm thêm thu nhập nữa, quả thật rất vui”.
Chụp ảnh đến với anh cũng là một sự tình cờ, khi anh đang là hội viên Hội Người mù huyện Hậu Lộc, vào năm 2008, khi nghe có chương trình đào tạo nhiếp ảnh cho người khuyết tật do Tổ chức DED tài trợ anh liền đăng kí tham gia ngay. Ban đầu anh không được đồng ý vì anh bị khuyết tật khiếm thị thì làm sao chụp được ảnh, bằng sự quyết tâm của mình cuối cùng anh đã thuyết phục được ban tổ chức. Lớp học chỉ mỗi anh Biểu là bị khiếm thị. “Lúc đầu thấy hoàn cảnh của tôi như vậy các thầy dạy ảnh cũng e ngại, nhưng thấy tôi ham học nên các thầy đã tận tình chỉ bảo. Tôi nhờ người cài chế độ tự động cho chiếc máy ảnh kĩ thuật số của mình, còn khoảng cách zoom xa gần thì tự cảm giác và đo lấy. Tôi cảm nhận âm thanh, lắng nghe thấu hiểu câu chuyện của người đang nói để chọn thời điểm bấm máy”. Anh Biểu bộc bạch.
Anh Biểu đang hướng dẫn và cùng con trai tác nghiệp.
Năm 2009 trong số 91 bức ảnh tham gia triển lãm Đối mặt của 16 nhiếp ảnh gia khuyết tật tại Viện Goethe Hà Nội (triển lãm do tổ chức Dịch vụ Phát triển Đức DED phối hợp với Hội Người khuyết tật và trẻ em mồ côi Thanh Hóa tổ chức). Riêng anh Biểu có tới 14 bức ảnh. Mới đây triển lãm ảnh “Vượt Dốc” vừa diễn ra tại Thanh Hóa với 80 bức ảnh thì trong đó anh Biểu có được 6 bức được chọn và được đánh giá rất cao.
Đề tài mà anh Biểu hướng đến cho mình khi chụp ảnh, đó là những người khuyết tật, trẻ em mồ côi, những người có hoàn cảnh khó khăn, những hoạt động của người khuyết tật, cuộc sống đời thường Những bức hình anh Biểu ghi lại là sự cảm nhận, thấu hiểu cho hoàn cảnh của người khuyết tật, giúp họ vượt lên số phận. Mỗi bức ảnh là một số phận một cuộc đời. Tôi muốn gửi thông điệp đến với mọi người “Hãy giúp đỡ những người khuyết tật, hãy ủng hộ chúng tôi trong mọi hoàn cảnh để chúng tôi hòa nhập cộng đồng” anh Biểu nói.
Bác Ngô Văn Mật người cùng xóm với anh Biểu cho biết: 'Chúng tôi ai cũng bất ngờ khi nhì thấy những bức hình anh Biểu chụp, chẳng kém gì người bình thường mà lại còn có hồn trong đó nữa. Mỗi bức hình là một câu chuyện của người khuyết tật. Khi xem hình và nghe anh Biểu kể về câu chuyện trong bức ảnh ai cũng xúc động”.
Anh Biểu mới được nhận giấy chứng nhận đã học xong chương trình nâng cao kĩ thuật nhiếp ảnh cho người tàn tật của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam Chi hội Thanh Hóa vào tháng 10 vừa qua đạt loại khá. Vừa vui vừa mừng anh Biểu nói: 'Mọi người ai cũng khen là tôi chụp ảnh đẹp, chụp ảnh có hồn, nhưng tôi thì chẳng nhìn thấy được, kể cũng buồn!”.
THÁI BÁ
(Nguồn: Báo Đời sống & Pháp luật)