Thứ năm, 25/04/2024,


Tuổi càng cao, tình càng lớn (05/10/2008) 

     Gần 70 tuổi, gia tài của ông là 12 người con (cả dâu và và rể), 12 người cháu cùng một chồng nhật ký, đã theo ông suốt chặng đường công tác và việc làng xã. Những cuốn sổ ghi chép mực xanh, mực đen đã bạc màu theo năm tháng, đối với ông như một phương tiện để bộc bạch tấm lòng người con, người cha, người thầy. Ông tâm sự: "Tôi chỉ muốn dạy các con bằng tình yêu giản dị, bằng truyền thống của gia đình, mà cha tôi là một tấm gương sáng cho con cháu noi theo".

     Ông có cái tên của một giai nhân: Lê Xuân Kiều (ĐT: 0211.829431); hiện đang sống tại khu 3, thôn Bình Lạc, xã Tam Sơn, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc.

 

                                                        Luôn sống vui vẻ, trẻ trung và văn hóa

     Trong Hội Người cao tuổi ở Bình Lạc, ông Lê Xuân Kiều được nhiều "bạn già" yêu mến bởi sự vui vẻ, am hiểu văn chương, yêu thích văn nghệ và giàu lòng nhân ái. Đến nhà ông, căn nhà ba gian nằm trong khu vườn yên tĩnh, ùm tùm cây trái, bên cạnh những bằng khen gia đình văn hóa, bằng khen của các cháu nội ngoại còn có rất nhiều ảnh ông chụp phóng to cùng những bài thơ đánh máy dán trên tường. Nhìn những tấm ảnh ông mặc áo the, khăn xếp tham gia lễ tế đình làng, trong những buổi sinh hoạt theo kiểu “làng vui chơi, làng ca hát” mà ông chủ trì, ai cũng phải tấm tắc khen: ông giống một “Liền anh” hơn là “Ông giáo làng”.

     40 năm công tác, 36 tuổi Đảng, ông Lê Xuân Kiều dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp bổ túc văn hóa của huyện. Hiện nay, niềm vui bất tận của ông là con cháu, là được đem những kinh nghiệm sư phạm của mình đóng góp cho phong trào văn hóa văn nghệ của thôn, để Bình Lạc trở thành “Làng văn hóa”, xây dựng một nếp sống mới trong việc hiếu hỉ, lễ hội và khuyến học.

     Quê ông Kiều vốn thuần nông, nhưng từ bao đời nay những lề thói rườm rà, gây tốn kém, lãng phí đã khiến không biết bao người lao đao, tỉ lệ hộ nghèo cao. Từ ngày về hưu, ông cùng hội người cao tuổi trong thôn đã nghĩ ra nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động bà con tổ chức việc mừng thọ theo hướng trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm phù hợp với truyền thống dân tộc.

 

     Người lo việc hiếu, hỉ cho làng xã

     Để làm việc đó, ông Kiều đã cùng các cụ thành lập hẳn một Ban tổ chức hiếu hỉ. Tuy mới thành lập nhưng hoạt động của hội rất bài bản. Ông Kiều hồ hởi khoe: “Giản dị mà vẫn đầy đủ thủ tục, đầm ấm mà trang trọng. Có cả tổ chức tư vấn, đứng ra chuẩn bị cơ sở vật chất như hội trường, phông bạt, bàn ghế, khánh tiết... Có cả kịch bản chương trình, rồi đại diện chính quyền xã, thôn, có đại diện Hội Người cao tuổi, Phụ nữ, Thanh niên chúc mừng. Mỗi đám hiếu tiết kiệm được khoảng 1/3 chi phí, nên bây giờ được nhiều hộ hào hứng đăng ký tổ chức theo hình thức này”.

     Ông bảo mô hình trên thực hiện được một phần là do trong hương ước các thôn, làng quy định không tổ chức linh đình, hút thuốc lá, không làm nhiều cỗ, mời khách tràn lan gây phiền toái cho người được mời… Như vậy, để tổ chức theo nếp sống mới cần rất nhiều yếu tố. Ngoài đưa việc mừng thọ, đám cưới, ma chay vào các hương ước, quy ước xây dựng làng, bản, khu phố, gia đình văn hoá rất cần có sự vào cuộc cụ thể hơn của các tổ chức đoàn thể, nhất là khu dân cư trong việc gương mẫu chấp hành để vận động, thuyết phục các gia đình, dòng họ hưởng ứng theo”.

 

 

     Trước hết, gia đình mình phải gương mẫu

     Để được bà con tín nhiệm, ông còn một thành tích khá nổi bật mà lâu nay ông vẫn xem là chuyện bình thường. Đó là việc gia đình ông có đến 8 người con, gồm 4 trai, 4 gái, tất cả đều được học hành, đỗ đạt, có công văn việc làm ổn định, xây dựng gia đình hạnh phúc- Một đại gia đình mẫu mực ở Bình Lạc với nếp sống hòa thuận, hiếu thảo, biết kính trên nhường dưới, đoàn kết, giữ gìn tình làng nghĩa xóm. Mô hình “gia đình khuyến học” của ông Kiều được nhiều người trong làng đến học hỏi và đang nhân rộng để Bình Lạc sớm trở thành “làng khuyến học”. Ông nhận được bằng khen "Gia đình mẫu mực", “Gia đình văn hóa” của địa phương.

Trò chuyện về phương pháp giáo dục con cháu, ông Kiều rất sôi nổi: "Tôi luôn dạy con bằng sự nhẹ nhàng nhưng nghiêm khắc, bằng truyền thống của gia đình, mà tấm gương sáng để con cháu noi theo chính là ông cụ của các cháu".

     “Trên giường bệnh, cụ chỉ nhắc con cháu khắc ghi 3 chữ: THANH (thanh liêm)- TRÍ (trí tuệ)- ĐỨC (đạo đức). Cụ chúc Đảng bộ xã phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ vì dân vì nước… Cụ tham gia cách mạng từ thời tiền khởi nghĩa, từng là Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Mặt trận Việt Minh xã, Chủ nhiệm Hợp tác xã, Thủ quỹ tín dụng… nhưng cả đời cụ chưa hề tơ hào một đồng của công.

     Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in cái ngày cụ nằm xuống, trong điếu văn đưa tiễn cụ có đoạn: Cụ hai năm mươi nằm xuống, mặt trời dọi sáng qua mái cọ, gió vẫn giội vào, gió đưa cụ về nơi chín suối… Câu nói văn vẻ ấy toát lên một thực tế: cách mạng “no” nhưng con cháu cụ “khổ”! Có lần nhà chỉ còn 1 bơ gạo, cụ bà dành phần cơm cho cán bộ cách mạng nuôi giấu trong nhà. Còn lại ít cháy, cụ đổ thêm nước quấy thành cháo loãng cho cả nhà húp”…

     Tất cả những điều ấy ông Lê Xuân Kiều luôn khắc ghi và bằng trải nghiệm cả đời theo nghiệp trồng người để rút ra những nguyên tắc giáo dục con cháu. Ông đưa ra nguyên tắc "ba không" để răn dạy các con: Không được xin xỏ, nhờ vả ai; Không tham lam, trộm cắp; Không được so bì, tị nạnh nhau. Sau bao những lo toan vất vả, cuộc sống gia đình dù chưa hẳn khá giả nhưng cũng đã tạm ổn, ông thành lập “Quỹ khuyến học gia đình”, có quy chế khen thưởng rõ ràng, hàng năm tổ chức lễ tổng kết mời bà con trong xóm cùng tham dự.

 

     Tuổi càng cao, tình càng lớn

     Tuổi gần thất thập, ông vẫn tiếp tục dạy con cháu nhân nghĩa bằng chính những hành động của mình: giúp đỡ người nghèo khó cô đơn. Các con ngày nay vẫn còn đinh ninh lời dạy của ông: "Khi các con định uống ly nước 4 đồng mà nhìn thấy người ăn mày đói khát đi ngang, thì hãy biếu người ta một đồng, uống ly nước 3 đồng thôi".

     Ông Kiều đã dành rất nhiều trang viết về con cái. Ông dùng thơ để tỏ tình thương con vô hạn của mình và cũng dùng thơ để răn dạy con cách sống. Ông bảo, có một số bài tâm huyết ông đã thu vào băng. Trong những dịp gia đình đông đủ, ông lại mở lên cho các con nghe. Cuộc sống vợ chồng cũng trải qua những thăng trầm, nhưng ông vẫn giữ kín những nỗi niềm riêng để cho các con có một cuộc sống bình yên vui vẻ.

Nay các con ông Kiều đều có cuộc sống riêng, thành đạt và yên ấm. Hằng tháng, các con tùy tâm góp tiền gây quỹ. Với một số tiền không nhiều, cộng với tiền lương hưu của ông, ngoài chi tiêu gia đình ông còn "dôi" ra những khoản tiền để đi du lịch. Tới đâu ông cũng đặt bút ghi chép lại cảm xúc của mình. Trông ông còn đầy lạc quan và rất đỗi yêu đời. Ông còn ham học hỏi lắm. Nay ông lại lụi cụi ngồi nghiên cứu hương ước của làng, rồi in thành tập phát cho bà con. 

     Nhìn nụ cười trẻ trung trên khuôn mặt ông Lê Xuân Kiều, nhiều người thèm có được niềm vui sống như ông, luôn luôn làm cho cuộc sống sôi nổi và lãng mạn bằng tình yêu dành cho con cháu lớn lên hàng ngày, bằng miệt mài công tác xã hội, bằng những tâm niệm mà ông đã vận dụng cho chính gia đình mình đó là: Muốn tiến bộ, muốn làm tất cả mọi việc trong xã hội thì ai cũng cần đến tri thức và học vấn. Và như vậy, thì tuổi càng cao, tình càng phải lớn.

 

                                                    Khánh Phương

 

______________

LBT: Nếu Quý bạn đọc muốn tham gia chuyên mục 'Chuyện đời tôi'? Nếu các bạn trẻ muốn dành món quà tặng bất ngờ, đầy ý nghĩa văn hóa cho ông bà, cha mẹ mình (nhân lễ mừng thọ, kỷ niệm ngày cưới vàng, bạc...) xin hãy liên hệ với số máy 0913210520, hoặc email: lucbat.com@gmail.com. Các nhà văn trẻ đang có mặt ở nhiều vùng miền trên cả nước, sẵn sàng đến tận nhà riêng để phục vụ và thể hiện tác phẩm theo thỏa thuận.

 

 

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: