Gặp nhạc sĩ Văn Dung không dễ. Hà Nội đang mưa và rét đậm kéo dài, nhưng không ngăn được ông hối hả đây đó với những công việc bận rộn. Dòng nhiệt huyết từ thuở viết "Hành khúc thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh" dường như vẫn chưa hề nguội bớt ở người nhạc sĩ đã qua tuổi 70 này.
Ðón tôi bằng một tách trà nóng, nhạc sĩ tươi cười bảo: 'Vừa ở Ðài (VOV- pv) về, tiếp nhà báo xong là tôi lại lên phòng viết nhạc. Một ngày không viết là thấy thiếu thiếu, vô nghĩa lắm'. Rồi ông ngân nga một khúc trong sáng tác mới ra lò 'Người đưa thư trên cao nguyên'. Sự trẻ trung của ông khiến tôi có cảm giác ông viết "Hành khúc thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh" chỉ mới hôm qua, chứ không phải là đã hơn 40 năm trước.
'Ca khúc đó gần như được viết theo đặt hàng đấy. Ðừng tưởng nhạc sĩ bây giờ mới viết theo đặt hàng được nhé! Tôi cũng viết theo một đơn 'đặt hàng' đặc biệt: Lời 'trách móc' của người bạn công tác tại T.Ư Ðoàn: 'Anh đã đóng góp nhiều ca khúc cho tuổi trẻ, từ Giải phóng quân ta ra đi, Tiến về Khe Sanh... Giờ T.Ư Ðoàn tổ chức vận động sáng tác ca khúc cho thanh niên để kỷ niệm 40 năm ngày thành lập, cần anh viết mà anh lại không viết sao?'. Và rồi Hành khúc thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ra đời, chỉ sau ba tiếng đồng hồ. 'Ðến giờ tôi cũng chẳng hiểu tại sao lại viết nhanh như thế. Có lẽ tình yêu đất nước, tình yêu với những con người trẻ tuổi đang ngày đêm chiến đấu, lao động cho hòa bình đã ở rất sâu trong tiềm thức của tôi, đến lúc đó thì trào lên dào dạt'- nhạc sĩ Văn Dung chia sẻ.
'Gia tài' ca khúc cho tuổi trẻ của nhạc sĩ Văn Dung còn có: Những cánh chim tuổi trẻ, Ðường Trường Sơn xe anh qua, Mùa xuân cho em, Những cô gái trên quê hương năm tấn... Ca khúc nào cũng dào dạt sức sống, dào dạt tình yêu. 'Vì nó xuất phát từ tình yêu mà - nhạc sĩ lý giải - Thời đó chúng tôi được đi nhiều, vào chiến trường miền trung, lên Tây Bắc... Ở đâu, tôi cũng gặp được những người trẻ tuổi hừng hực tình yêu đất nước, hừng hực khát vọng hòa bình, từ anh bộ đội nơi chiến trường, đến những cô thanh niên xung phong hay những công nhân nơi hầm mỏ... Những ca khúc của tôi được viết nên không chỉ từ tình yêu của riêng tôi, mà còn từ tình cảm, khát vọng và lý tưởng tôi tiếp nhận được từ những con người đó. Bao giờ cũng vậy, đằng sau nốt nhạc phải là tình yêu và lòng nhân ái thì âm nhạc mới có sức sống lâu bền, mới đến được với công chúng'.
Khi được hỏi về 'bí quyết' để có những sáng tác hay cho tuổi trẻ, nhạc sĩ Văn Dung thủng thẳng: 'Chả có bí quyết nào. Nếu lúc sáng tác về thanh niên mà cứ chăm chăm viết gì cho thật lớn lao, thật ghê gớm thì sẽ chả bao giờ hay được. Cứ viết bằng tình cảm chân thật, với niềm tin yêu và tấm lòng rộng mở thì sẽ có tác phẩm sống được trong lòng họ'.
Nhạc sĩ của tuổi trẻ tâm sự rằng, 'Bây giờ người ta cứ trách người viết trẻ không có tác phẩm lớn, không có tác phẩm hay. Tưởng các nhạc sĩ ngày xưa viết hay hơn Huy Tuấn, Ðỗ Bảo à? Ðừng nhầm! Họ viết kiểu của họ, sao lại bảo họ kém mình? Chả lẽ bây giờ bảo các em, các cháu viết Giải phóng Ðiện Biên? Âm nhạc bắt nguồn từ cuộc sống, từ thời đại cơ mà. Cuộc sống của các em hôm nay khác, thì họ phải viết khác và mình cũng phải nhìn khác đi. Mình cứ bắt họ sống và viết như thời đất nước còn chiến tranh thì không còn phù hợp nữa.
Nhưng, tác giả của Hành khúc thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cũng nhắn nhủ các nhạc sĩ trẻ rằng nếu như trong tác phẩm chỉ có tiếng nói của 'cái tôi' cá nhân mà không tìm được tiếng nói chung với 'cái ta' thì tức là anh đang để mình lạc lõng trước đời sống. Ðành rằng tác phẩm âm nhạc phản ánh tâm trạng của thời đại, nhưng trước đây, khi kẻ thù đang lê máy chém gieo rắc đau thương khắp miền Nam, nhạc sĩ Nguyễn Văn Ký vẫn có Bài ca hy vọng, Bắc - Nam chia cắt nhưng nhạc sĩ Hoàng Việt vẫn có Tình ca. Bởi vậy, nếu người nhạc sĩ chỉ viết về những đau khổ, nỗi niềm, tình cảm của cá nhân mình mà 'nhẹ' phần lý tưởng sống, khát vọng tốt đẹp thì quả là... thiếu sót.
Quỳnh Lam
(Nguồn: Báo Nhân Dân)