Thứ hai, 23/12/2024,


Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Âm nhạc VN nghiêng về giải trí nhiều hơn (24/03/2011) 

Liên hoan âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ XI sẽ diễn ra trong hai ngày 26 và 27.3 tại tỉnh Bình Định. Đây cũng là lần thứ tư, liên hoan được tổ chức tại miền Trung. Vì vậy, tiêu chí cơ bản sẽ vẫn là tìm và giới thiệu nhiều tác phẩm mới cũng như thúc đẩy hơn nữa phong trào âm nhạc của từng địa phương – nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết trước thềm liên hoan.

* Liên hoan lần thứ XI chủ yếu dành cho khu vực Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ, xin ông cho biết sự kiện này sẽ còn có thêm điểm gì đặc biệt nữa ở liên hoan lần này?

- Liên hoan âm nhạc do Hội Nhạc sĩ VN khởi xướng từ nhiệm kỳ 7 (2005) và được tổ chức luân phiên hằng năm theo từng khu vực. Sự tổ chức luân phiên này không phải ngẫu nhiên mà dựa theo chỉ số về hoạt động, về số lượng hội viên và số lượng khán giả. Với mục đích đoàn kết, đổi mới và sáng tạo, liên hoan được tổ chức bằng nhiều hình thức, quy mô, đã tạo điều kiện để các nhạc sĩ có điều kiện giao lưu, trao đổi nghề nghiệp. Ý nghĩa vì cộng đồng, vì xã hội và nghề nghiệp, không lấy lợi nhuận, hình thức kinh doanh thu lợi từ âm nhạc đã được thể hiện rõ ở đây. Lựa chọn tỉnh Bình Định bởi nơi đây có chi hội âm nhạc lớn mạnh, cũng còn vì nơi đây có ý nghĩa về lịch sử, có truyền thống về thơ ca, tuồng, có điều kiện đầy đủ cho công tác tổ chức liên hoan khi được sự ủng hộ của chính quyền địa phương và Hội Văn học nghệ thuật. Liên hoan năm nay quy tụ hơn 200 người từ các chi hội âm nhạc đăng ký tham gia - đây là con số kỷ lục từ trước đến nay. Ngoài phần trình bày những tác phẩm mới, liên hoan sẽ có hội thảo bàn về tính dân tộc, tính hiện đại trong những sáng tác hiện nay. Hội cũng đã đề xuất làm đường dây nóng đối thoại trực tiếp với khán thính giả qua đài phát thanh truyền hình để khán thính giả có thể đặt câu hỏi trực tiếp cho các nhạc sĩ. Từ 26 – 29.3, liên hoan âm nhạc của Hội Nhạc sĩ VN sẽ phối hợp cùng Festival lâm sản VN cùng diễn ra tại Quy Nhơn thực hiện nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc. Dự kiến năm tới Hội Nhạc sĩ sẽ tổ chức liên hoan âm nhạc tại Đắc Nông, nơi có tiềm năng âm nhạc khá cao.

* Trước tình trạng ca khúc “lượng nhiều, chất ít”, nhạc thị trường lấn át nhạc chính thống, nên cần làm gì để bình ổn đời sống âm nhạc của ta hiện nay, thưa ông?

- Có thể thấy rõ rằng, hiện chúng ta đang quá nghiêng về âm nhạc giải trí (nhạc trẻ) và biến nó trở thành phương tiện sinh lợi với cá nhân cụ thể. Muốn có một đời sống âm nhạc bình ổn, tất nhiên, không chỉ phát triển loại hình âm nhạc giải trí mà còn phải phát triển song song những loại hình khác như: Âm nhạc dân tộc, âm nhạc giao hưởng thính phòng. Xây dựng một nền âm nhạc thịnh hành trong đó cần gồm nhiều yếu tố như: Tính kế thừa, tính lâu bền và tính sáng tạo. Khi đời sống âm nhạc đạt được sự hài hòa thì sẽ tránh khỏi nguy cơ bị nghiệp dư hóa và mất đi sự cân đối. Tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng là so với 10 - 20 năm về trước thì đời sống âm nhạc hiện nay phong phú và đa dạng hơn nhiều, đã có lực lượng sáng tác âm nhạc đông đảo, những gương mặt sáng tác trẻ và ngày càng trẻ hơn. Nhằm tránh tình trạng hưởng ứng chậm và đôi khi lẻ tẻ trong phong trào vận động sáng tác, hy vọng dưới sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan quản lý và của Hội Nhạc sĩ VN sẽ có nhiều tác phẩm tốt, tác phẩm hay góp phần làm phong phú thêm “món ăn” văn hóa tinh thần trong cuộc sống hiện đại hóa.

 

*  Xin cảm ơn nhạc sĩ.

 

Mai Châu thực hiện

(Nguồn: Báo Lao Động)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: