Thứ hai, 23/12/2024,


GS, TS Trần Văn Khê: Xuất hành, chuốc ẩm ở xứ người (01/03/2011) 

"Sáng sớm xuất hành đầy mặt lạ/ Về nhà chuốc ẩm vắng người thân...". Những câu thơ ấy được GS, TS Trần Văn Khê cảm tác trong một cái Tết trên đất Pháp. Hơn nửa thế kỷ sống và làm việc ở những quốc gia có nền văn minh hàng đầu thế giới, nhưng trong tâm khảm của ông, những hình ảnh thôn quê ở xứ sở sông nước miệt vườn và ký ức của tuổi thơ nơi chắp cánh cho một tài năng âm nhạc lớn... vẫn luôn đau đáu, nhất là mỗi độ Xuân về Tết đến!

 

 

Năm 2010 là một năm bận rộn và nhiều sự kiện của GS, TS Trần Văn Khê. Khi đã thượng thọ 90 xuân, ông cho ra mắt cuốn tự truyện đầu tiên và tái bản bộ hồi ký hai tập. Cuộc sống, sự nghiệp và những chiêm nghiệm của bản thân được ông gửi gắm trong những cuốn sách ấy thông qua những câu chuyện, những kỷ niệm... bằng giọng kể rặt chất Nam Bộ. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng ông vẫn làm việc không ngừng nghỉ, vừa làm công tác nghiên cứu, phổ biến âm nhạc dân tộc, vừa làm cố vấn cho nhiều sự kiện văn hóa lớn của quốc gia, khu vực và địa phương...

Những ngày cuối năm, ngôi nhà của ông trên đường Huỳnh Ðình Hai, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh càng trở nên rộn ràng, ấm cúng bởi những cuộc viếng thăm, chúc Tết, chúc thọ của lãnh đạo các cấp, học trò, người hâm mộ và báo giới. Tết Tân Mão này, ông bước sang tuổi 91. Dù sức khỏe không cho phép ông làm việc và tiếp khách nhiều, nhưng khi đã hẹn ai, ông không bao giờ thất hứa. Với ông, người làm văn hóa phải bắt đầu bằng những hành vi ứng xử theo những chuẩn mực văn hóa. Cái chuẩn mực ấy trong con người ông là những tinh hoa, tinh túy của phép đối nhân xử thế theo thuần phong mỹ tục. Và khi vận dụng, thể hiện nhuần nhuyễn nó trong đời sống hằng ngày với một thái độ nghiêm túc, cái tâm trong sáng, không vụ lợi thì những giá trị văn hóa ấy có sức mạnh vượt lên mọi ranh giới của sự thị phi, thù hận cả trong quan hệ giữa con người với con người, giữa cá nhân với cộng đồng, quốc gia, dân tộc, vùng lãnh thổ. Trong cuốn tự truyện mới xuất bản, ông kể: 'Khi I-xra-en và các nước Ả Rập gây hấn nhau, những ai đến I-xra-en thường không được các nước Ả Rập mời, thế mà nhờ âm nhạc tôi được mời đến cả I-xra-en và các nước Ả Rập; tôi đến CHDCND Triều Tiên và đến cả Hàn Quốc...'.

Suốt một đời nặng lòng với âm nhạc dân tộc, bước chân và ngôn ngữ âm nhạc của ông đã hiện diện tại hàng chục quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhờ đó, tinh hoa, tinh túy của âm nhạc dân tộc Việt Nam đã được bạn bè quốc tế biết đến và nể trọng, yêu quý. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều người gọi ông là người 'đánh thức' âm nhạc dân tộc Việt Nam, nhưng khi tâm sự với chúng tôi, ông bảo, âm nhạc dân tộc Việt Nam có 'ngủ quên' đâu mà phải 'đánh thức'. Vấn đề là chúng ta chưa chú tâm tiếp cận, nghiên cứu, khai thác và quảng bá một cách đúng mức. Nguyện vọng của ông là phải làm nhiều, nhiều hơn nữa để âm nhạc dân tộc nói riêng, văn hóa dân gian dân tộc Việt Nam nói chung có sức sống mạnh mẽ trong đời sống xã hội hôm nay và mai sau.

Ngày xuân, đến với không gian của GS, TS Trần Văn Khê, cảm giác như cái Tết đến sớm hơn, tâm hồn mỗi người như thư thái hơn với âm nhạc; tình cảm như gần gũi hơn với những câu chuyện, nụ cười ông dành cho khách, trẻ cũng như già, thân quen cũng như mới lần đầu gặp gỡ. Ở ông, âm nhạc như một dòng suối càng chảy càng đầy, càng khơi càng trong. Ngồi nghe ông nói về văn hóa dân gian và âm nhạc dân tộc, có cảm giác như mọi lo toan, trăn trở trong bộn bề cuộc sống thường nhật được sẻ chia và hóa giải. Ngự trị trong tâm hồn là sự tinh khiết, cảm xúc thăng hoa, đẹp và  trong veo như thể một sáng ban mai của ngày mới, năm mới, mùa xuân mới. Ông thường truyền thụ niềm đam mê âm nhạc dân tộc cho học trò và người hâm mộ bằng những câu chuyện cụ thể. Mỗi câu chuyện chứa trong đó đầy ắp thông tin, kỹ năng... giúp người học lĩnh hội đầy đủ cả kiến thức lẫn thái độ trân trọng đối với tài sản tinh thần của dân tộc. 

Thật ngạc nhiên và xúc động khi nghe ông kể rằng, những năm tháng sống ở Pháp, ông vẫn thực hiện đầy đủ và trân trọng những nghi thức đón năm mới mà ông được người cô ruột, cũng là người thầy dạy nhạc đầu tiên truyền thụ từ thuở ấu thơ tại làng Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang).

Trần Văn Khê sang Pháp năm 1949 sau khi danh tính của ông bị thực dân Pháp phát hiện là một trong những cá nhân nòng cốt của phong trào 'Xếp bút nghiên' kháng Pháp của giới trí thức thời bấy giờ. Ðến trời Tây với hai bàn tay trắng, ông cộng tác cho một số tờ báo và trở thành ký giả chuyên nghiệp, được cấp thẻ nhà báo. Ông hoạt động văn nghệ cho Hội Ái hữu Việt kiều do Giáo sư Phạm Huy Thông làm hội trưởng.  Khi Trần Văn Khê rời Việt Nam thì người vợ của ông cũng vừa mang thai đứa con gái út. Mãi tới năm 1969, cha con mới gặp nhau lần đầu tiên trên đất Pháp. Ròng rã mấy chục năm trời, từ một ký giả, trí thức Việt kiều đến tiến sĩ Văn khoa rồi nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc, từ Pháp, ông đã hành trình đến hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới để giảng dạy, truyền bá về âm nhạc dân tộc. Ở mỗi quốc gia, dân tộc, vùng lãnh thổ... bằng tài năng và nhiệt huyết của mình, ông truyền 'lửa' cho trí thức và người dân bản địa tình yêu âm nhạc dân tộc của chính họ. Và ở đâu cũng vậy, cái Tết hằng năm đối với ông là một sự kiện đặc biệt, là khoảng thời gian để cho tâm hồn, cảm xúc lắng lại, thu nạp những giá trị mới trên nền tảng truyền thống, cốt cách. Ông kể:

- Năm nào cũng vậy, sáng mồng một Tết, trong căn nhà của mình vào mùa tuyết rơi, tôi lại thực hiện nghi lễ khai đờn và đau đáu hướng về quê hương, tìm lại cảm giác ấm cúng bằng những bài đờn ngày xưa cô Ba Viện dạy. Từ thuở nhỏ, cứ ngày đầu năm mới, các thành viên trong gia đình tôi ăn mặc thật đẹp, ngồi giữa gian nhà chính để cùng đờn những bản nhạc thật hay về mùa xuân, những bản nhạc mới sáng tác. Nghi thức đó trở thành thứ hành trang máu thịt theo tôi cả cuộc đời.

Cùng với nghi lễ khai đờn, cúng tổ tiên, ông rất coi trọng phong tục xuất hành đầu năm. Dù ở Việt Nam, theo quan niệm dân gian thì mỗi người đều chọn một hướng phù hợp với tuổi tác, bản mệnh theo tử vi của bản thân để xuất hành đầu năm. Nhưng với ông, lần nào ông cũng xuất hành về hướng đông. 'Ðó là hướng đi về đất nước, quê hương tôi. Sau khi xuất hành trở về nhà, tôi tự mình xông đất nhà mình, tự mình dành cho mình những lời chúc tốt đẹp, bởi tôi muốn, người xông đất nhà mình là một người Việt Nam' - GS, TS Trần Văn Khê chia sẻ.

Kể từ ngày trở về quê hương sinh sống và làm việc, cảm giác 'Sáng sớm xuất hành đầy mặt lạ/ Về nhà chuốc ẩm vắng người thân' ở trong ông chỉ còn là kỷ niệm. - 'Tôi rất vui sướng và cảm động khi mỗi bước ra đường, từ anh chạy xe ôm, cháu bé bán vé số cho đến các lớp học trò, người thân... ai gặp mình cũng dành những lời chúc tốt đẹp. Tết là nơi hội tụ những tinh hoa của văn hóa phong tục và chỉ có đón Tết ở quê hương, đất nước mình mới thực sự hưởng trọn niềm vui sướng, hạnh phúc!' - Ông nói.

Cũng bởi thế nên những cái Tết gần đây, ngày đầu tiên của năm mới, bên cạnh nghi lễ khai đờn, ông còn khai bút viết những dòng thơ gửi tặng bạn bè, học trò, người thân. Những vần thơ ông viết chan chứa tình cảm, tình yêu quê hương, đất nước, mong muốn mọi người hãy luôn sống tốt hơn, đẹp hơn và luôn hướng về nguồn cội, chăm lo cho gốc rễ của truyền thống văn hóa gia đình, quê hương và dân tộc.

 

 

Bài và ảnh: PHAN TÙNG SƠN

(Nguồn: Báo Nhân Dân)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: