Thứ hai, 23/12/2024,


Trần Ngọc Hà: TÔI KHÔNG MUỐN TRỞ THÀNH MỘT "NHÀ CHUNG CƯ" (25/02/2011) 

Đúng như Thư mời: 15h 30 phút ngày thứ sáu 25/02/2011, tại 52B Hai Bà Trưng, Hà Nội đã diễn ra buổi Lễ ra mắt tập Ký sự nhân vật: 'Hào quang không lặng lẽ' của Trần Ngọc Hà. Anh được bạn đọc biết đến với tư cách là một nhà báo chuyên nghiệp, nhưng anh còn làm thơ, sáng tác truyện ngắn, viết phóng sự, ký sự nhân vật, bình luận và tiểu phẩm báo chí… Nghĩa là rất nhiều 'Nhà' trong một. Nhưng Trần Ngọc Hà hài hước bảo: 'Tôi không muốn trở thành một 'Nhà chung cư'.

Nhà thơ Đặng Vương Hưng, nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Bùi Trọng Hiền, chủ nhiệm Ca trù Thăng Long Phạm Thị Huệ, MC Trần Hoàng Thiên Kim. Các nhân vật đặc biệt trong tập sách trên như: Hoạ sỹ Nguyễn Trọng Kiên, cây Violinist Nguyễn Xuân Huy, các cây bút trẻ Nguyễn Quang Hưng, Bình Nguyên Trang… và hàng trăm khách quý, bạn bè và phóng viên báo chí đã đến dự và đưa tin về sự kiện này.

Lucbat.com trân trọng gửi đến quý bạn đọc bài tường thuật chi tiết về buổi Lễ ra mắt ấn tượng của tập Ký sự: 'Hào quang không lặng lẽ'.

 

 

Buổi ra mắt tập Ký sự nhân vật: Hào quang không lặng lẽ

 

15h30

Đúng giờ khai mạc, nhà báo Trần Ngọc Hà phát biểu anh cảm thấy ấm áp và xúc động khi có đông đảo bạn bè đến chia sẻ niềm vui và phóng viên báo chí, truyền hình đến đưa tin về “đứa con” tinh thần còn thơm mùi giấy mực. Anh giới thiệu nhà thơ Đặng Vương Hưng, người viết lời Tựa cho cuốn sách ”Hào quang không lặng lẽ”, có những lời trò chuyện xung quanh cuốn ký sự nhân vật rất đặc biệt này.

Nhà thơ Đặng Vương Hưng phát biểu cho biết: “Hào quang không lặng lẽ là tập ký sự với 27 chân dung, người thật, việc thật, khá mẫu mực trên cả cách lựa chọn nhân vật lẫn bút pháp thể hiện của thể loại ký, vốn là thể loại rất khó để viết thành công bởi tính giao thoa giữa chất báo chí hiện thực và  chất văn học, may mắn là cả 2 tố chất này đều có ở Trần Ngọc Hà nên anh đã thành công khi thể hiện nó. Một điều thú vị là sau khi tác phẩm của Hà đến với bạn đọc, thì nhân vật của anh lại trở thành những người bạn tâm giao hết sức thân thiết với tác giả. Những buồn  vui trong cuộc sống họ sẻ chia cạn lòng, và đây cũng là điều để Trần Ngọc Hà sống trọn vẹn cùng nhân vật”.

 

15h45 phút

Nguyễn Xuân Huy - nhân vật trong tập sách xuất hiện trên sân khấu, anh là người Hà Nội gốc, con nhà nòi nghệ thuật, học đại học tại nhạc viện danh tiếng Traicovxki, nhưng nghề chính khiến anh trở nên nổi tiếng lại là “đẽo đàn”, những cây đàn đều được làm bằng tay. Những cây violin do anh đẽo bằng dao được dân trong nghề bái phục và “kinh hoàng” bởi chất liệu gỗ và thứ âm thanh mê hoặc của nó. Nguyễn Xuân Huy nhỏ nhẹ chào mọi người và nói: Chào các bạn, cách tốt nhất giới thiệu tôi, là xin quý vị hãy để tôi chơi đàn. Không gian chìm đi, những quả tim như cùng một nhịp đập, tha thiết và êm ái đến vô cùng.

 

16h00

MC Trần Hoàng Thiên Kim khá hoạt ngôn, khi chị mời Bình Nguyên Trang lên đọc thơ. Và cho biết Bình Nguyên Trang là cây bút nổi tiếng thời Hương Đầu Mùa, báo Hoa. Những bài thơ của chị xuất hiện rất nhiều trong sổ tay học trò. Tập thơ của Bình Nguyên Trang có cái tên rất dịu dàng: Chỉ em và chiếc bình pha lê biết. Tại sao lại đặt tên như vậy và buổi chiều hôm nay, ngày cuối tuần, những cảm xúc thường rất thật, vậy chị có suy nghĩ như thế nào về nhà báo Trần Ngọc Hà, một người bạn rất thân thiết của mình?

Bình Nguyên Trang tỏ ra xúc động khi chị nói: Rất vui dự lễ ra mắt sách của bạn tôi – nhà báo Trần Ngọc Hà. Và các bạn nên tập trung vào anh Hà nhiều hơn. Chân dung tôi trong tập sách ư? Thật khó khăn để nói về mình, nhưng cuốn sách “Hào quang không lặng lẽ” là một tập sách đáng đọc. Tác giả viết kỹ và có chọn lọc những bài viết tiêu biểu, tâm đắc khi làm báo trong suốt một chặng đường dài của mình. Tôi, Vũ và Hà chơi với nhau rất lâu. Ba người bạn yêu thơ, rất yêu âm nhạc, Vũ đã phổ nhạc từ bài thơ của tôi. Tôi xin đọc bài: “Hát về đôi chân mỏi”, trong tập “Chỉ em và chiếc bình pha lê biết”:  Đá mòn tình nghĩa có mòn không/ Yêu nhau đã cạn hết men nồng/ Tôi đi sao mà hiu quạnh thế/ Đời tôi hắt bóng xuống dòng sông./ Đôi khi mệt mỏi quá tôi quỳ gối/ Mơ dáng người xưa trên lá cành vàng/ Đôi khi mệt mỏi quá tôi nhìn phố/ Trôi những loài hoa sắc dở dang”. Bình Nguyên Trang đọc thơ xong, Vũ đã hát một cách say sưa và đắm đuối, cả không gian khán phòng như phiêu đi trong tiếng đàn, lời hát đắng đót: “Tôi thương đôi bàn chân lang thang/ Mười năm không đến nơi cần đến…”.

Bình Nguyên Trang nhận xét, đối với Trần Ngọc Hà, một người bạn đáng tin và với tôi, bạn tôi (Trần Ngọc Hà) viết về bạn mình bao giờ cũng là hay nhất. Tôi cảm phục bạn tôi, với con mắt nghề nghiệp, nhạy cảm khi phát hiện những nhân vật tương đối đặc biệt, gây được sự chú ý của dư luận, quý vị sẽ tìm được câu trả lời thuyết phục khi đọc hết những nhân vật trong sách “Hào quang không lặng lẽ”. Nếu không yêu mến, không say mê, không đám đuối với nhân vật thì không thể có một cuốn sách đầy ắp hơi thở của cuộc sống như thế. Đó là cuốn sách của tình cảm bạn bè, của sự quý mến, của sự trân trọng với người và với đời.

 

16h15 phút

Nguyễn Trọng Kiên - một hoạ sỹ, người đã dũng cảm khi công khai và thừa nhận mình có HIV. Anh điềm tĩnh cầm mic trò chuyện với mọi người. Về những ký ức vẫn còn rõ nét trong những tháng ngày chịu đựng dưới sức ép của dư luận và gia đình. Tôi chợt nhớ trong sapo bài viết có cái tiêu đề ngắn gọn “Kiên”, nhà báo Trần Ngọc Hà đã viết những dòng đầy ám ảnh: “Thời gian vô hạn và cuộc đời thì hữu hạn, trong sự hữu hạn của cuộc đời thì giới hạn của Kiên ngắn ngủi hơn vì anh đang phải vật lộn chống chọi với căn bệnh thế kỷ HIV mà mình mang trong người. Kiên là hoạ sỹ và hành trình số phận của Kiên cũng như những bức tranh anh vẽ. Những mảng màu sáng tối, những nét cọ một thời đam mê, một thời quằn quại và một thời vượt qua sự kỳ thị, nỗi đau để ngạo nghễ với đời”. Nguyễn Trọng Kiên đấy, anh xuất hiện, vô tư và thản nhiên như gió, vừa bâng khuâng, vừa da diết, nồng nàn, đường xa nghĩ đến, mà thôi, hình như Nguyễn Trọng Kiên chơi guitare rất hay. Nhưng hôm nay thì không, suốt buổi ra mắt sách, anh thường chống tay, mái tóc dài, ánh mắt sâu hút, có lẽ Kiên mơ về tuổi thơ rực rỡ của mình chăng?

 

16h30 phút

Nhà thơ trẻ Nguyễn Quang Hưng xuất hiện, anh là chân dung thứ 10 trong tập ký sự nhân vật “Hào quang không lặng lẽ” của nhà báo Trần Ngọc Hà. Nguyễn Quang Hưng hiện làm ở báo Nông thôn ngày nay, như anh tếu táo thú nhận đó là “báo nhà nghèo”. Ngày thơ tại Văn Miếu lần thứ IX, anh được đông đảo thiếu nữ sân thơ hiện đại 2011 thừa nhận, yêu mến gọi là “thi vương vườn ánh sáng” với chòm râu ria trông vu vơ và lãng tử vô cùng.  Nguyễn Quang Hưng đã đọc tặng 2 bài thơ của mình, đáng chú ý là bài  “Cuộc di cư của núi”, rút trong tập thơ “Vườn ánh sáng”: “Ai lặng nghe khúc hát này/ Lâng lâng từng bậc thang ruộng mới/ Nỗi đau lóng lánh tia mặt trời/ Người chạy cuồng chân hân hoan cay đắng”.  Mọi người khá bất ngờ, khi nhà thơ trẻ Nguyễn Quang Hưng thổ lộ đã từng làm thơ tặng Trần Hoàng Thiên Kim (MC ngày hôm nay), nhưng chỉ dám gửi qua bưu điện, một bài lục bát khá hay, “Câu ca nhấp nhô bến sông/ Nửa đời tôi hát cho chồng em nghe” đề “tặng Kim”. Lúc đó, cả hai vẫn chưa gặp mặt, mãi vài năm sau đó thì 2 người mới có cơ hội gặp nhau, nhưng đều đã “vào khung”, chuyển sang tình bạn, đồng nghiệp và bây giờ cả hai đều trở thành những người bạn của nhà báo Trần Ngọc Hà.

Nguyễn Quang Hưng cho biết chính Trần Ngọc Hà là người dẫn dắt mình đến con đường nhà báo. Anh kể lại những ngày đầu làm báo, chân ướt chân khô còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng đã được Trần Ngọc Hà động viên, khích lệ rất nhiều. Nguyễn Quang Hưng bất ngờ đặt câu hỏi với chính nhà báo Trần Ngọc Hà: Thưa Trần Ngọc Hà, anh làm báo chuyên nghiệp ai cũng biết, rồi sáng tác truyện ngắn, viết phóng sự, ký sự nhân vật, bình luận và tiểu phẩm báo chí… cái nào cũng hay, có thể nói rằng anh mới chính là nhân vật đặc biệt “cưỡi ngựa, phi dao, vượt rào, súng bắn hai tay, lựu đạn ném cả chùm”. Đa năng như thế, tưởng khô khan, hoá ra  ngay cả những chỗ kín đáo nhất, huyền ảo nhất là Thơ, thế mà anh vẫn làm được, lại rất hay nữa là đằng khác. Chỗ nào anh cũng sờ đến và có những thành công nhất định. Anh chia ra nhiều “nhà” như vậy, nhà văn – nhà báo – nhà thơ, làm sao đủ sức lực để đắm đuối như thế?

Trần Ngọc Hà: Không dám đâu, không dám đâu. Nhiều nhà quá, đấy là do các bạn yêu mến “liệt kê, gạch đầu dòng” thôi. Nhiều nhà như thế, và thực sự tôi không muốn trở thành một “nhà chung cư”. Với thơ ca ư, đó là một Thánh đài cực thiêng, tôi chỉ dám bước vào nửa chân thôi, không bao giờ dám đặt cả hai chân vào cả. Lúc nào cũng rón rén trước cửa Ngôi đền linh thiêng của thi ca. Xin khẳng định với quý vị suốt đời tôi chỉ làm báo chí. Nhưng hãy để thời gian trả lời, đó có phải là sự lựa chọn đúng hay không, còn bây giờ là lúc chúng ta trò chuyện với những nhân vật, những số phận đặc biệt trong cuốn sách của tôi. Xin mời ca nương Phạm Thị Huệ, người có “bàn tay bằng vàng”, Giáo sư Trần Văn Khê đánh giá Phạm Thị Huệ là ca nương duy nhất biết vừa đàn vừa hát, nhất là lại dùng đàn đáy, cây đàn trước đây chỉ những người đàn ông mới có thể dùng vì cần đàn dài kỷ lục.

 

16h45 phút

Phạm Thị Huệ xuất hiện trên sân khấu, trông chị vẫn đầy bí ẩn và đằm thắm trong chiếc áo dài nhung đen, vấn tóc đuôi gà. Đến với ca trù khi tuổi gần 30, với những nỗ lực của bản thân, Phạm Thị Huệ khiến ngay những nghệ nhân cũng phải ngạc nhiên khi chị hoà duyên và phát tiết với ca trù “như thể”  với nhau từ kiếp trước.

Chị tâm sự rằng: Hơn 5 năm rồi, chúng tôi đang trong giai đoạn khó khăn nhất. Ca Trù đã được Unesco công nhận rồi. Con đường vẫn còn xa vời vợi, là làm thế nào đó để chúng ta luôn sống được bằng nghề. Rất khó, chúng tôi vẫn cố gắng biểu diễn tại 28 Hàng Buồm. Hôm nay, tôi có mang theo 1 số đĩa để tặng bạn bè, và CD này chính thức được phát hành vào ngày 19/3/2011, tức là khoảng 3 tuần nữa. Tất cả chỉ là ban đầu, 6 bản nhạc, 6 công trình tôi và thầy Nguyễn Phú Đẹ đã gửi gắm.

Tôi mong muốn tất cả các bạn hãy dành tình cảm nhiều hơn nữa, dan díu nhiều hơn nữa với Ca Trù Thăng Long. Phạm Thị Huệ, vừa đàn vừa hát một cách điêu luyện, bài Hồng Hồng Tuyết Tuyết lại vang lên, réo rắt, ngọt mát, thấm hoà vào trong tiếng sênh, phách miên man, chảy dài như níu giữ, như vọng khát, như mời mọc, thăm thẳm những ca cổ bí truyền.

 

17h00

Nhà báo Trần Ngọc Hà quay trở lại sân khấu Lễ ra mắt cuốn Ký sự nhân vật: Hào quang không lặng lẽ (anh vắng mặt khoảng 20 phút cho cuộc phỏng vấn của phóng viên một Đài truyền hình) một lần nữa cảm ơn sự có mặt của mọi người, cảm ơn công ty sách Liên Việt, cuộc vui nào cũng chứa mầm ly biệt, nhưng không phải là kết thúc. Hẹn gặp lại, ở ngay cả những trang viết nữa, đúng không?

Hà Nội, mấy hôm nay thời tiết ấm áp như ý, đẹp kỳ lạ. Ngoài kia, bên đường Hai Bà Trưng, những người tinh ý vẫn nhìn thấy lớp lớp mưa bụi đang rắc những tình cờ, dịu dàng lên những ô kính lơ đãng, trong suốt đến nôn nao.

 

Bài và ảnh:

Lãng Tử Đạt Ma

(Điện thoại: 0945 222578

Email: yeulucbat@gmail.com)

 

 

CHÙM ẢNH BUỔI LỄ RA MẮT TẬP “HÀO QUANG KHÔNG LẶNG LẼ”

15h30 ngày 25/2/2011 tại 52 Hai Bà Trưng, Hà Nội

 

 

Trần Ngọc Hà đang trả lời phỏng vấn PV truyền hình

 

 

Tiết mục ca trù của Phạm Thị Huệ

Tại sân khấu buổi lễ ra mắt tập “Hào quang không lặng lẽ”

 

 

Đông đảo bạn bè, khách quý đến chia vui

 

 

Nhà thơ trẻ Nguyễn Quang Hưng lên đọc thơ “khuấy đảo”:

Câu ca nhấp nhô bến sông/ Nửa đời tôi hát cho chồng em nghe

 

 

Hai người bạn đến từ thư viện Úc

 

Nghệ sỹ ca trù Phạm Thị Huệ và Trần Ngọc Hà

 

 

Trái qua: Cây violinist Nguyễn Xuân Huy, nhà thơ trẻ Nguyễn Quang Hưng,

Trần Ngọc Hà và nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Bùi Trọng Hiền

 

 

Các tác giả và bạn đọc quan tâm, muốn biết thêm thông tin chi tiết về tập “Hào quang không lặng lẽ”, có thể liên hệ trực tiếp với tác giả, nhà báo Trần Ngọc Hà qua Email: tranngochaplvn@gmail.com, hoặc số điện thoại: 0983 309320.

 

 

MỜI XEM: TRẦN NGỌC HÀ – NHỮNG CHÂN DUNG ĐỘC ĐÁO

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: