Thứ hai, 23/12/2024,


NGƯỜI ĐẸP DI LI “PHÁ ĐÁM” NHÀ VĂN BÙI ANH TẤN VÀ NHỮNG TIN MỪNG (21/02/2011) 

Nhà văn nữ Trần Thanh Hà xưa nay vốn rất mến mộ Bùi Anh Tấn. Hồi năm 2007, Trần Thanh Hà viết được cuốn tiểu thuyết trinh thám “Vũ điệu tử thần”, còn tôi… rục rịch viết trinh thám, mới bàn nhau sao không lập ra Hội nhà văn trinh thám cho giống nước ngoài. Trần Thanh Hà bảo phải, để chị kêu Bùi Anh Tấn rồi bầu ông ấy là trưởng hội. Tôi hỏi thế hội sẽ kêu gọi được mấy người, Hà bảo cả em nữa là… ba. Sau kể lại chuyện này cho Tấn, gã tưởng thật chối đây đẩy “Ấy chết, ở Việt Nam muốn thành lập hội hè gì là phải xin phép chính phủ đàng hoàng chứ không phải cứ thích mở hội là mở được  đâu”.

 

Bùi Anh Tấn và Phong Điệp trong buổi Lễ chúc mừng Di Li với tác phẩm “Trại Hoa Đỏ”

- giải thưởng Cuộc thi tiểu thuyết “Vì An ninh tổ quốc và bình yên cuộc sống”.

Ảnh: Lãng Tử Đạt Ma

 

Nhà văn của người đồng tính

Bùi Anh Tấn là nhà văn công an. Anh bắt đầu sáng tác từ những năm đầu thập niên 90, nhưng chỉ thực sự tiếng nổi như cồn kể từ sau “Một thế giới không có đàn bà” ra đời năm 1999. Hai năm sau đó cuốn tiểu thuyết lĩnh liền hai giải A của cuộc thi Tiểu thuyết năm 1999-2001 và Giải thưởng văn học 1995-2005 (Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức). Rồi thế giới không đàn bà của anh lại lên phim. Khán giả dán mắt vào ti vi xem loạt phim 10 tập về cảnh sát hình sự với những nhân vật gay chưa bao giờ được lột tả kỹ càng như thế trên màn bạc Việt Nam. Bùi Anh Tấn trở thành người đầu tiên trong làng văn học Việt đi sâu vào đề tài người đồng tính. Thành ra sau này người ta bảo anh dẫn đầu văn học đồng tính, nhà văn của giới đồng tính, rồi thì các diễn đàn của gay, của les thi nhau post tác phẩm, tin hot về Bùi Anh Tấn lên trang mạng của họ. Họ coi anh là nhà văn của họ. “Một thế giới không có đàn bà” bán ra cả vạn bản.

Các cuốn sách sau này của Bùi Anh Tấn lúc nào cũng nằm trong danh mục sách bán chạy và có tới phân nửa là viết về người đồng tính như Vòng tay không đàn ông, Phương pháp của A.C Kinsey (tiểu thuyết), Cô đơn, Bướm đêm (tập truyện ngắn)… “Một thế giới không có đàn bà” thậm chí còn được đạo diễn Việt Kiều Canada Cường Ngô dựng lại thành phim truyện nhựa trong năm 2011 do chính tác giả viết kịch bản.

Bùi Anh Tấn viết khỏe, chỉ trong vòng 10 năm đã cho ra đời 3 tập truyện ngắn, 2 kịch bản truyền hình và một màn ảnh rộng, hơn chục cuốn tiểu thuyết mà cuốn nào cũng thuộc loại “cục gạch”, dày muốn vỡ đầu. Bùi Anh Tấn dường như không thích viết chuyện… bình thường, không đồng tính thì cũng đề tài lịch sử (Nguyễn Trãi, Đàm đạo về Điều Ngự Giác Hoàng), tôn giáo (Không và sắc), chiến tranh cách mạng (Kế hoạch hậu chiến 72), tác phẩm biên soạn duy nhất của ngành công an viết về lực lượng CSĐB – Việt Nam Cộng Hòa (Cảnh sát đặc biệt).

Cuốn tiểu thuyết ăn khách về đời sống hiện đại Bước chân hoàn vũ thì lại được viết “ngược” từ kịch bản sang tiểu thuyết. Từ bận chuyển về NXB Công an Nhân dân làm biên tập rồi trưởng chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh, tranh thủ những giờ nghỉ Bùi Anh Tấn đóng cửa vùi đầu vào viết. Ngày cuối tuần, sáng dậy sớm, ăn sáng, uống cà phê xong là bật máy lên viết. Viết thùi lụi không cần chờ cảm hứng như công chức xách cặp đi làm. Viết nhiều đến mức… phát ghét, phát ghen tị. Mấy bận đến thăm chi nhánh của nhà xuất bản, tôi hỏi Trần Thanh Hà là đồng nghiệp cùng cơ quan anh: “Anh Tấn đang đóng cửa làm gì thế?”. Hà lắc đầu “Lại viết đấy mà. Chỉ viết thôi không thiết làm gì đâu”. Viết lắm, viết khỏe, sách dày, lại bán rõ chạy thì tiền kiếm được nhiều là lẽ đương nhiên rồi. Đâm bạn bè trong giới gọi anh là “nhà văn đại gia”.

 

Nhà văn đại gia

Có bận Trần Thanh Hà nửa đùa nửa thật liệt kê… gia sản của đồng nghiệp “Gã này giàu lắm. Mỗi phim đều kiếm được vài trăm triệu từ kịch bản, rồi còn tiền bán sách, tiền nhuận bút in báo, tiền… Gã đã mua được một cái nhà, nhưng cũng không cần ở, chỉ cho thuê, lại càng lắm tiền. Mà gã ở cùng bố mẹ, ăn cơm chung với bố mẹ, ngày thì ngồi im viết sách, có cần gì đến tiền đâu”. Nhớ có lần tôi và Trần Thanh Hà, Bùi Anh Tấn với một số người khác ngồi quán cà phê gần chi nhánh NXB. Giữa buổi tôi và Trần Thanh Hà mượn xe Tấn về trước. Chẳng hiểu loay hoay thế nào Hà đánh kẹt chìa khóa xe vào ổ khóa, xoay sang để nổ máy không được mà rút ra cũng chẳng xong. Khổ chủ chạy ra xem cũng chẳng hiểu ra thế nào. Năm sáu người xúm vào cái xe, người lôi kẻ kéo mà chìa như có phép thần, cứ kẹt cứng vào ổ. Cuối cùng đành phải gọi điện cho một cậu thanh niên trai tráng từ NXB chạy sang để rước xe về. Bất lực vì không rút được chìa khóa, tất cả mới hè nhau mắng khổ chủ “Anh Tấn giàu như thế, mua ô tô đi thôi, đi cái xe này nữa làm gì”. Tấn đã cho mượn xe, bị người đánh hỏng xe, nay còn bị mắng vì cái tội tiếc tiền mua xe, mới điên tiết kêu lên “Anh đi mãi có làm sao đâu. Là tại em… cắm nhầm chìa khóa vào đâu ấy chứ”. Hà rối rít thanh minh “Em có cắm nhầm chìa đi đâu đâu, em chỉ cắm vào ổ khóa thôi chứ”.

Cứ hay đùa Tấn làm vậy chứ là người cùng nghề, tôi biết thu nhập kiếm được từ nghề viết dù có nhiều đến mấy cũng chỉ là để thỏa lòng rằng công sức lao động sáng tạo đã được đền đáp, chứ ăn thua chi so với thiên hạ. Bùi Anh Tấn cũng không đến nông nỗi như bị vu cho là chỉ biết đóng cửa ngồi viết không cần tiêu đến tiền. Như đặc tính của nhiều người tuổi Ngựa khác, gã cũng thích rong ruổi khám phá, thích đàn đúm bạn bè và rất hào phóng. Mỗi lần ra Hà Nội, thường hay làm hai việc, ấy là tự đi du lịch và mời bạn bè thật đông đến để gặp gỡ, tiệc tùng. Khách từ xa vào Sài Gòn cũng được gã tiếp đón niềm nở như thế.

Khuôn mặt tròn trịa của Bùi Anh Tấn có một nét rất đặc trưng, là lúc nào cũng cười, nụ cười tươi tắn như chẳng biết giận ai bao giờ. Hễ nghe đồn đại về xung đột, khúc mắc gì liên quan đến Tấn mà gọi điện hỏi thì y rằng gã xua đi “Thôi thôi chuyện không có gì đâu”, rồi lại cười tươi roi rói như thể sách vừa vào danh mục best-seller. Thế mà cũng có lần gã giận. Tôi nghe nhiều người nói từ lâu về chuyện Bùi Anh Tấn rút hồ sơ ra khỏi Hội Nhà văn. Ấy là cái chuyện lùm xùm quanh việc người ta đề xuất gã làm đơn rồi năm thứ nhất không duyệt, năm thứ hai lại có người đề nghị nhường lá phiếu, thế là xin rút. Giờ hỏi lại Tấn vẫn cười cười xem chừng rút cho đỡ rắc rối, cho thân phận mình đỡ bị nâng lên đặt xuống mà xét duyệt chứ nào có giận hờn chi đâu. Rút đơn đâm ra lại sang, giờ có nhiều người khuyên nộp đơn lại mà Bùi Anh Tấn cứ cười cười, cười như thể cuộc đời lúc nào cũng một màu hồng.

 

Nhà văn không… lấy vợ

Cũng vì trót lao vào vụ “đồng tính”, cũng vì trót bị hâm mộ quá đỗi mà fan hâm mộ tìm đến cũng không ít người thuộc về thế giới thứ ba, nhất là trót sống độc thân cho đến tận bây giờ nên bất cứ khi nào nhắc đến Bùi Anh Tấn, người ta hay mắt sáng lên, rồi hạ giọng thầm thì “Bùi Anh Tấn à, có phải gã…?”. Chuyện này đến tai Tấn, gã vẫn cười cười. Cười lúc này thì thực phát ghét lên. Cái người ta muốn biết bây giờ là sự thể thực ra thế nào, chứ cứ cười không là nghĩa làm sao. Sao cũng được. Gã chẳng thèm thanh minh, chẳng thèm khẳng định, có xếp gã vào giới nào trong 3 giới ấy hay thậm chí giới tính thứ tư đi chăng nữa thì vẫn cứ được. Kệ.

Trước khi vào Sài Gòn để tham gia trại sáng tác ở Đà Lạt do NXB Công an Nhân dân tổ chức, biết tôi chuẩn bị gặp Bùi Anh Tấn, Trần Thanh Hà rỉ tai tôi về câu chuyện đồn đại rất hot này. Gọi điện trước cho Bùi Anh Tấn rồi đứng im thít trước cửa chi nhánh để chờ gã ra đón, tôi nhìn thấy một khuôn mặt tươi cười tiến lại gần. Chào hỏi thì ít mà quan sát Tấn thì nhiều, sau này, tôi thường lên tiếng “bảo vệ” gã về cái vụ “thế giới thứ ba” hay thứ mấy ấy. Người có hỏi thì tôi hạ giọng vẻ hiểu biết “Nhìn gã một giây là biết chứ sao. Tiếp xúc thêm một phút nữa thì càng biết gã bị oan”. Sau hay lấy câu chuyện này để đùa thì Bùi Anh Tấn cười to “À, Trần Thanh Hà vẫn giúp anh bằng cách ấy đấy mà. Để phụ nữ gặp anh đỡ phải cảnh giác”. Bùi Anh Tấn nghe chừng oan ức ghê gớm cho dù thi thoảng hành vi của gã có vẻ nữ tính. Ngoài quan tâm đến Phật giáo thì gã còn rất thích hoa. Trong những ngày lưu lại trại sáng tác Đà Lạt, có bận vài người trong đoàn tổ chức đi xe Jeep lên đỉnh Langbian. Xe đỗ dưới chân núi, Bùi Anh Tấn chạy đi mua một lẵng hoa bất tử. Rồi chừng như thấy mình cầm lẵng hoa cũng bất tiện, Bùi Anh Tấn cho lại tôi. Nhà văn Phùng Thiên Tân (giờ là giám đốc NXB Công an Nhân dân) bảo “Em đừng ngạc nhiên. Bùi Anh Tấn đến nhà anh không bao giờ xách theo chai rượu mà toàn mang hoa đến thôi”. Riêng điều này gã đâm được tiếng thanh cảnh, chứ theo những gì tôi chứng kiến thì mỗi lần gặp bạn bè gã chỉ chúi đầu vào nhậu nhẹt, chẳng có hoa lá cành tí nào cả.

Năm nay Bùi Anh Tấn lại có hai tin mừng. Tin mừng thứ nhất là tiểu thuyết nhan đề “Tin mừng” đang được Giáo hội Công giáo thẩm định và hy vọng sách sẽ được ra mắt vào dịp lễ Phục sinh. Gã tâm sự đấy là mong muốn của mình, còn sách có in được hay không, nhất là những sách viết về tôn giáo là quả một quá trình gian nan. Vì gã đã từng có kinh nghiệm này rồi sau tác phẩm viết về Phật giáo - Không và Sắc. Sách dày 400 trang, “Tin mừng” kể về những ngày đầu tiên đạo Thiên chúa vào Việt Nam hồi thế kỷ 16 ở Faifo (Hội An).

Tin mừng thứ hai là gã sắp lấy vợ. Người quen biết gã tỏ vẻ tin này không lấy gì làm hot, bảo “Bùi Anh Tấn hô lấy vợ đến 13 lần rồi. Lần nào cũng khấp khởi đóng phong bì cho thật dày, chuẩn bị mua vé máy bay vào ăn mừng rồi lại bị chưng hửng.” Tôi thì mới chứng kiến cái sự báo tin vui của Bùi Anh Tấn lần đầu nên xem ra cũng vẫn lấy làm tò mò lắm lắm. Vợ chưa cưới của gã mới ngoài 30, là giám đốc chi nhánh một ngân hàng. Nghe đâu thiên hạ đồn rằng có lần gã vác một bao tải tiền đến ngân hàng gửi nên từ bận đó mới quen vợ chưa cưới bây giờ.

 

Nhà văn DI LI

(Hà Nội)

Bài đã đăng trên Văn Nghệ Trẻ, số ra ngày 20/02/2011.

Bản Nhà văn Di Li trực tiếp gửi, Lucbat.com trân trọng cảm ơn.

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: