Thứ hai, 23/12/2024,


QUÁN THƠ LỤC BÁT TỎA HƯƠNG TRONG NGÀY THƠ VIỆT NAM LẦN THỨ IX (18/02/2011) 

“Người đi mỏi gối về quanh chiếu ngồi”, Lục bát quán là nơi dừng chân với hầu hết du khách trong ngày thơ với hình ảnh quá đỗi dịu dàng: uống nước chè xanh, ăn kẹo lạc, bánh đa và trò chuyện với những cô hàng nước xinh tươi ngồi bổ cau, têm trầu cánh phượng và sành thơ đến từng centimet.

 

 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội nhà văn

đến trò chuyện với Quán thơ lục bát

Quán Thơ lục bát toả hương

 

Ngoài trung tâm lễ hội thơ lần thứ IX tại sân Thái Miếu, nơi khai mạc với những nghi thức trang trọng và diễn ra Lễ thả thơ độc đáo và lãng mạn. Cùng với đó là sân thơ hiện đại, mang hơi thở của cuộc sống, những suy nghĩ tư tưởng thời đại đã được bộc lộ qua ngôn ngữ thi ca. Năm nay, đáng chú ý là là sân thơ Lục bát, nằm bên trái Khuê Văn Các khá đẹp mắt, được thiết kế và tổ chức bài bản. Với không gian cổ xưa, mái lá, chõng tre, giỏ cua, những bông hoa chuối to, đỏ rực vạm vỡ và kiêu kỳ. Bên cạnh đó là những cô hàng nước, xúng xính trong khăn áo mớ ba, mớ bảy duyên dáng, điệu đàng trong buổi sáng phơn phớt mưa phùn. Những mớ rau củ quả cũng được mang ra trưng bày bên quang gánh rộn ràng.

Đây là khu vực thu hút khá nhiều du khách trong và ngoài nước, khi lần đầu tiên trưng bày cuốn thư pháp độc bản: “Tinh hoa lục bát”, do nhà thư pháp Đậu Phi Hùng thực hiện. Cuốn thư pháp nặng hơn một tạ, tuyển nhũng câu thơ hay về Đất nước, mùa xuân, con người của 100 nhà thơ nổi tiếng từ xưa đến nay. Mỗi lần có khách xem phải cần đến 2 thiếu nữ xinh đẹp trong trang phục dân tộc vừa đỡ, vừa lật những trang thư pháp.

Điểm độc đáo nữa hàng nghìn người trong và ngoài nước, rất nhiều sinh viên các trường đại học đã ký vào băng rôn dài 68m để Ủng hộ Thơ Lục bát là di sản văn hoá phi vật thể. Trả lời vấn đề này, bà Katherine Trưởng Đại diện văn phòng Unesco tại Việt Nam cho rằng: “Mỗi nền văn hoá và văn học có các loại hình đặc trưng riêng. Từ nghiên cứu của mình, tôi hiểu rằng lục bát là thể thơ thuần tuý Việt Nam, không hề có ảnh hưởng nước ngoài. Nó đã tồn tại qua hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước của Việt Nam. Thơ lục bát đã được chuyển thể vào hầu hết các bài dân ca Việt Nam, ca trù, hát chèo. Một trong những tuyệt phẩm của thể thơ này là Truyện Kiều của Nguyễn Du. Nhờ đó, nó đã được công nhận là thể thơ độc đáo của Việt Nam. Vượt qua thời gian, thể thơ truyền thống này đã duy trì sức sống của mình và trở thành một phần kho tàng trí tuệ Việt Nam, là tinh tuý của nền văn hoá Việt Nam... Quá trình tiến cử vào danh sách di sản văn hoá phi vật thể mất nhiều thời gian và nỗ lực. Nếu Việt Nam đề cử thơ lục bát để được công nhận thì cần phải chuẩn bị kỹ càng để chứng minh tiềm năng của nó”.

“Quán Lục Bát” đã trở thành một trong những điểm nhấn mới lạ, nhận được sự quan tâm đặc biệt của báo giới và hàng ngàn người yêu thơ đến dự Ngày thơ Việt Nam lần thứ IX.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội nhà văn thú vị trước không gian mái rạ của Lục bát quán. Ông trò chuyện và cho rằng chỉ có thi ca mới có đủ sức mạnh huyền bí kết nối những tâm hồn, hãy chìm vào và lắng nghe... “Người đi mỏi gối về quanh chiếu ngồi”, Lục bát quán là nơi dừng chân với hầu hết du khách trong ngày thơ với hình ảnh quá đỗi dịu dàng: uống nước chè xanh, ăn kẹo lạc, bánh đa và trò chuyện với những cô hàng nước xinh tươi ngồi bổ cau, têm trầu cánh phượng và sành thơ đến từng centimet.

 

 

… và bóng Bác tỏa trùm lên ngôn ngữ

 

Ngày thơ trực tiếp tôn vinh văn hóa dân tộc vì Việt Nam là một quốc gia có truyền thống thơ ca từ lâu đời. Dăm sáu năm trở lại đây, Ngày thơ Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) đón tiếp hàng vạn người, “ngựa xe như nước áo quần như nêm“, sân thơ không còn chỗ mà đứng. Năm nay, chỉ tính riêng vé mời cũng đã lên đến 8 nghìn chiếc, chứng tỏ, Ngày thơ đáp ứng nhu cầu thưởng thức thơ ca của công chúng, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống xã hội đương đại. Điểm mới năm nay là sự xuất hiện của vườn tượng văn nhân tại Văn Miếu, nơi mỗi người có thể chiêm ngưỡng chân dung các nhà văn được giải thưởng Hồ Chí Minh. Thiên Quang Tỉnh (nơi giao hoà của đất trời) trưng bày thư pháp thơ Hồ Chủ tịch bằng nhiều thứ tiếng.

Trong dịp này, Nxb Hội nhà văn, đã ấn hành tuyển tập “Người đi tìm hình của nước” rất công phu, dày 323 trang, tập hợp những bài thơ hay nhất từ trước đến nay viết về Hồ Chủ tịch của các nhà thơ Việt Nam và nước ngoài. Trong bài thơ Bác Hồ, nhà thơ Pháp Mađơlen ripphô đã viết những dòng sâu lắng: “Người cầm hai đoá hoa hồng/ Tựa như những đoá hoa trồng vườn hoa/ Hỏi thăm tin tức chúng ta/ Hiểu dân tộc Pháp hơn là bạn, tôi”. Nhà thơ Mỹ, Lincon Becman đã trìu mến gọi Bác là “Người đi giữa chúng tôi/ Lãnh tụ của cách mạng/”. Trong một bài thơ do chính mình phổ nhạc, thi sỹ nước Anh Eoan Maccon đã ca vang tên Người “Hịch nghĩa tung bay dưới cánh thiên thần”. Nhà thơ Ấn Độ Amrita Pritam, trong bài thơ Hồ Chí Minh đã viết: “Muốn hỏi từ Việt Nam dải đất nên thơ/ Đó là ai, Người đã lau khô những dòng nước mắt?/ Dòng nước mắt trên nét mặt lịch sử Việt Nam!/… Rằng có người đã gieo vào mầm sống/ Mầm mặt trời lên trên cánh đồng bầu trời”.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam cho biết: “Hồng phúc thay và may mắn thay, Người đi tìm hình của nước Việt Nam mới là một bậc anh hùng giải phóng dân tộc, một danh nhân văn hoá kiệt xuất của thế giới và còn là một thi nhân độc đáo vào bậc nhất của phương Đông. Vì vậy, không có dịp nào thích hợp bằng những ngày đầu xuân Tân Mão – 2011 để sưu tầm và xuất bản những thi phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh của các nhà thơ trong nước và thế giới nhân dịp kỷ niệm 100 năm Bác đi tìm đường cứu nước và 70 năm trở về trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Việt Nam. Dưới cái tên chung, Người đi tìm hình của nước, tập thơ là một bản giao hưởng xúc động và thiêng liêng, là tiếng nói đại diện của hàng triệu trái tim dâng lên Người”.

Những ngày đầu năm trăm hoa đua nở, một mùa xuân đang về với bao ước mơ và dự định tốt đẹp, trong đó Ngày Thơ Rằm Tháng Giêng do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức là một trong những dấu hiệu rất tích cực, mang lại niềm vui cho đông đảo người yêu thơ. Ngày thơ lần thứ 9 đã toát lên vẻ đẹp thi ca muôn đời, làm giàu có đời sống tinh thần của một dân tộc yêu thơ.

Với không gian thơ rộng lớn, trải dài từ Hồ Văn, Đại Thành, An Thành, Thiên Quang Tỉnh, sân Thái Miếu, sân nhà Thái Học, thật không dễ dàng gì trong một khoảng thời gian ít ỏi có thể  đi hết, xem hết, nghe hết những chuyển động của thi ca. Và việc nhiều người mong muốn, Ngày thơ kéo dài hơn nữa để lắng sâu, để thật sự đắm chìm trong lễ hội, được rung vang những thi cảm ngôn ngữ tận sâu thẳm tâm hồn, có thể lắm chứ?

 

Bài: Lãng Tử Đạt Ma

Ảnh:  Đàm Thục Anh - Hồng Phúc - Minh Phượng

Chử Thu Hằng - Trần Mạnh Tuân - Vũ Thiên Kiều 

(Lucbat.com)

 

CHÙM ẢNH NGÀY THƠ VÀ LỤC BÁT QUÁN

TẠI VĂN MIẾU – QUỐC TỬ GIÁM TRONG NGÀY RẰM THÁNG GIÊNG

 

BTV Lucbat.com Vũ Thiên Kiều bay từ trong Nam ra

Đang trả lời PV Đài TH VTC tại Lục bát quán

 

Nhà thơ Đỗ Hàn, Chánh VP HNV uống chè xanh tại quán Lục bát

 

Gia đình Lucbat.com

 

Trái qua: Nhạc sỹ Đoàn Bổng,
nhà báo Nguyễn Xuân Hải, tác giả Đặng Hà My (từ Đức về)

 

Nhà văn Khuất Quang Thuỵ TBT Website Hội nhà văn

'nâng chén' tại Quán Lục bát (Bên trái, người đầu tiên)

 

Trái qua: Nhà văn Trương Hữu Lợi, Võ Thị Phương Thuý, Trịnh Sơn,

Nhà thơ Đặng Vương Hưng, nhà thơ Phạm Công Trứ, Lãng Tử Đạt Ma

 

Nhà thơ Bùi Việt Mỹ, TBT báo Người Hà Nội (Trái qua, thứ 3)

 

Trương Nam Chi từ TP HCM ra Hà Nội

tham dự Lục bát quán (Trái qua, thứ 4)

 

BTV Lucbat Minh Phượng và Nguyễn Hữu Thịnh

 

Chử Thu Hằng, Nhà thơ Phạm Hồ Thu, Tạ Vũ,

hoạ sỹ Đào Trung Việt tại Lục bát quán

 

Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo và nhà thơ Đặng Vương Hưng

 

Cô hàng nước Đàm Thục Anh duyên dáng trong Quán thơ

 

Nhà văn Trần Gia Thái - TGĐ Đài PTTH Hà Nội
đến thăm Lục bát quán (Trái qua, thứ 4)

 

Nhà văn, 'sử quan' Hoàng Quốc Hải - tác giả bộ 'Bão táp triều Trần'
và 'Tám triều vua Lý' cũng mê Quán Lục bát

 

Cô hàng lục bát mời nước chè xanh

TS Nguyễn Danh Bình, TBT báo GD & TĐ

 

Hoạ sỹ Hồng Phúc tươi tắn trong trang phục dân tộc

 

TS Trần Mạnh Tuân BTV Lucbat.com

đang giới thiệu thơ Lục bát cho khách nước ngoài

 

 MỜI BẠN ĐỌC XEM THÊM HÌNH ẢNH TẠI NGÀY THƠ LẦN THỨ IX: RỘN RÃ, SÔI ĐỘNG KÝ  ỦNG HỘ THƠ LỤC BÁT TRỞ THÀNH QUỐC THƠ VÀ DI SẢN VĂN HOÁ PHI VẬT THỂ

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: