Người ta gọi Xuân Hồng như vậy, bởi cùng với "xuân..." trong nghệ danh của mình, người nhạc sĩ tài hoa này còn có ba bài hát gắn với "xuân..." đều là những hạt ngọc lung linh trong số các ca khúc cách mạng Việt Nam.
Mùa xuân Quý Mão (1963), vùng giải phóng ở miền nam và cả hậu phương lớn miền bắc hồ hởi đón nhận Xuân chiến khu, bài hát của tác giả còn lạ tên: Xuân Hồng. Viết ngay tại chiến khu đang có nhiều khó khăn về vũ khí, cơ sở vật chất. Song bài hát vẫn tràn đầy niềm tươi vui, với: 'Mùa xuân về trong chiến khu, tiếng chim rừng vang hót líu lo... chim hót mừng mùa xuân thắng lợi...'. Xen vào đó, là một chút 'tủi thân' đáng yêu từ hoàn cảnh 'em chẳng có chi làm quà' để vẫn đẹp cách mừng người chiến sĩ 'mừng anh thêm một tuổi quân, lập nhiều chiến công toàn dân đang mong'. Cho tới hết thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (cả đến nay vẫn vậy, tuy ít hơn) bài hát ấy được hàng vạn người ca vang mỗi khi đón Tết.
Rồi 12 năm sau, lại là năm Mão - Ất Mão 1975, trong vang dội chiến công giải phóng hoàn toàn miền nam, nhạc sĩ dạt dào cảm xúc khi viết rất nhanh bài Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh. Rộn rã mà lắng sâu, giai điệu toàn bài nâng những lời ca 'Mùa xuân này về trên quê ta, khắp đất trời biển rộng bao la...' lên cao vút tâm khảm. Xuân chiến thắng sau bao xương máu hy sinh, tạo cho 'nước thêm trong dòng sông Bến Nghé, chợ thêm đông chợ vui Bến Thành' là dự báo tương lai tươi sáng của thành phố vinh dự mang tên Bác Hồ kính yêu, và khẳng định 'mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh là mùa xuân đẹp nhất quê mình'.
Sớm hơn một chút ở lần có năm Mão tiếp theo, nhạc sĩ viết Mùa xuân bên cửa sổ như một bản tình ca của thời kỳ mới. Những người lính trong thời kỳ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, họ đã có nhiều hơn các 'điểm tựa ý chí'. Trong bài hát có những hình ảnh lãng mạn: những cô gái được sống yên vui nơi hậu phương, để họ được vào câu hát 'Cao cao trên cửa sổ có hai người hôn nhau' rất say đắm và đòi chung quanh phải 'đường phố ơi, hãy im lặng, để hai người hôn nhau'. Bởi lứa đôi nồng nàn ấy rất ít thời gian bên nhau, do 'khi tạm biệt mùa xuân, anh lính về biên giới, cô gái vào ca ba', và như thế, cái mùa của 'nảy lộc, đâm chồi' theo họ suốt thời gian chiến đấu và làm việc trong ăm ắp nhớ thương.
Chưa kể đến một số bài hát khác, mà Tiếng chày trên sóc Bom Bo là thí dụ, thì chỉ với hai bài 'xuân' cho toàn cảnh (ở chiến khu - ở cả thành phố) và riêng bài 'xuân' đặc tả tình yêu đôi lứa bên cửa sổ, nhạc sĩ Xuân Hồng đã đủ 'tiêu chuẩn' xếp vào 'chiếu' các nhạc sĩ viết về mùa xuân hay nhất.
Nguyễn Quang Vinh
(Nguồn: Báo Nhân Dân)