Thứ hai, 23/12/2024,


Gặp lại những nghệ sĩ “vang bóng một thời” (16/02/2011) 

Họ đều là những giai nhân “Nổi danh tài sắc một thì” trong làng nghệ thuật Việt Nam– mà đã có thời, cái tên của họ đủ đảm bảo cho doanh thu phòng vé hay là sự lựa chọn số 1 cho những chương trình lớn. Cùng sự trôi chảy của thời gian và sự biến động của đời sống, có người đã giã biệt với nghề, có người lui về hậu trường, có người chuyển đổi vị trí công tác nhưng tình yêu với nghệ thuật thì vẫn tươi nguyên như ngày nào. Đó cũng là điều khiến hình ảnh của họ khó nhạt phai trong lòng người mộ điệu.

 

NSND Chu Thúy Quỳnh - Ngôi sao múa đến từ phương Đông

 

Những năm 60 của thế kỷ trước, người ta nói đi xem Đoàn ca múa Trung ương diễn là đi xem Thuý Quỳnh diễn. Điều đó đủ biết sự ái mộ mà công chúng dành cho solist của Đoàn ca múa Trung ương lớn đến mức nào.

Vào đoàn từ năm 14 tuổi, Chu Thuý Quỳnh vẫn còn là cô bé đang tuổi ăn tuổi chơi, còn chưa biết gì đến khái niệm yêu nghề, say nghề. Lúc ấy, nghệ sỹ múa Nguyễn Mạnh Hùng nói với các nghệ sỹ trong đoàn: “Con bé Quỳnh mải chơi lắm, giờ học thì nó ngủ gật, hết giờ thì đi đánh chuyền, đánh đáo chẳng tập luyện gì. Thôi cho nó về”. Nhưng may mắn có người bác đi: “Nó ham chơi nhưng được cái nhanh nhạy, dạy gì nó cũng nhớ, động tác nào nó cũng làm được. Chờ nó lớn nó sẽ có ý thức”.

 

NSND Chu Thuý Quỳnh

 

Quả thực, cả đoàn không phải chờ quá lâu, chỉ 2 năm sau, Chu Thuý Quỳnh đã bật lên thành một ngôi sao sáng trong đoàn, được đứng trong đội múa chính thức diễn giao lưu với đoàn Triều Tiên với sự tham dự của các lãnh đạo cấp cao hai nước, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong suốt những năm tháng sau này, Chu Thuý Quỳnh còn được diễn cho Bác Hồ xem nhiều lần. Cứ ngày nghỉ, Bác lại gọi Quỳnh đến hát múa, đọc báo, kể chuyện cho Bác nghe, ăn cơm với Bác. Thói quen này được duy trì tới 14 năm, đến tận năm 1969 – năm Bác ra đi.

Ở tuổi 19, Chu Thuý Quỳnh trở thành solist chính trong Tấm Cám - một trong ba vở kịch múa đầu tiên của Việt Nam. Ban đầu được giao vai Cám, sau lại đóng cả vai Tấm thế cho nghệ sỹ Phùng Nhạn bị thương trong lúc tập luyện, nhưng Thuý Quỳnh không hề bị nhầm lẫn trong hoá thân. Lúc đóng Cám, Thuý Quỳnh luôn nghĩ mình là Cám. Chuyển vai Tấm, Quỳnh lại học khâu vá, thêu thùa, nấu cơm, từ đi đứng, ăn nói bên ngoài sân khấu cũng trong tâm thế mình là Tấm. Thế nên, một cô Cám đáo để, nghiệt ngã và một cô Tấm hiền lành, cam chịu nhưng cũng hết sức quyết liệt đã được Thuý Quỳnh diễn tả một cách trọn vẹn, rạch ròi và đầy cảm xúc chân thực.

Thành công này đã khiến Thuý Quỳnh được các biên đạo và đạo diễn uy tín tin tưởng, liên tiếp giao cho cô vai chính trong các vở múa nức tiếng thời ấy như Bà mẹ miền Nam, Cánh chim và ánh sáng mặt trời, Tiếng gọi quê hương, Gặp gỡ bên mâm pháo, Theo cờ giải phóng… Đây cũng là những vở diễn mang đến cho Chu Thuý Quỳnh những danh hiệu, những huân chương lao động, huân chương kháng chiến cao quý mà ở tuổi đôi mươi không mấy ai có được. Thậm chí, khi mới 28 tuổi, Thuý Quỳnh đã được lãnh đạo giới thiệu vào Quốc hội, trở thành nữ đại biểu quốc hội trẻ nhất của ngành múa.

Điều khác biệt ở Chu Thuý Quỳnh so với các nghệ sỹ múa khác là tuổi nghề của bà kéo dài đến gần 50. Thông thường, ngoài 30 là các nghệ sỹ múa đã đi qua đỉnh cao của nghề nhưng Chu Thuý Quỳnh vẫn giữ được độ dẻo dai, uyển chuyển, sự tinh tế và cảm xúc đặc biệt đến khác thường của cơ thể. Ở tuổi 40, sau một lần biểu diễn phục vụ Đoàn ngoại giao Ấn Độ sang thăm Việt Nam với một điệu múa Chăm, Thuý Quỳnh đã nhận được học bổng chuyên tu về múa dân gian Ấn Độ. Sang xứ sở Phật giáo, không một ai tin là Thuý Quỳnh đã 40 tuổi. Thầy giáo lắc đầu từ chối “không ai học múa ở tuổi này”. Nhưng chỉ sau vài buổi tập, chính người thầy đó đã tặng cho Thuý Quỳnh cuốn giáo trình công phu do thầy tự soạn với dòng chữ đề tặng: “Chu Thuý Quỳnh - người sinh ra để múa Ấn Độ”. Thầy cũng đã dựng riêng cho Thuý Quỳnh một chương trình biểu diễn đồng thời là báo cáo tốt nghiệp kéo dài hai tiếng đồng hồ với ba phong cách múa Ấn hoàn toàn khác biệt của ba vùng Bắc, Nam và Đông Bắc. Sau đêm diễn này, Thuý Quỳnh được bạn bè quốc tế gọi là “Ngôi sao múa đến từ phương Đông”.

Tự nhận mình may mắn, gặp được thầy giỏi và đồng cảm với hoàn cảnh riêng của mình, nhưng sẽ không thể có danh hiệu ấy nếu trong 5 năm trời tu nghiệp, Thuý Quỳnh không miệt mài tập luyện, theo học tới 3 lớp múa tại 3 viện múa khác nhau từ sáng sớm đến tối mịt thay vì chỉ học một lớp như những học viên khác. Lòng say nghề ngấm vào máu thịt ấy luôn được tiếp sức từ người chồng – tình yêu đầu tiên và duy nhất của cuộc đời Chu Thuý Quỳnh – cũng là người nghệ sỹ chê Quỳnh mải chơi năm xưa. Trước lúc ra đi vì căn bệnh ung thư phổi, NSƯT Nguyễn Mạnh Hùng còn động viên vợ: “Quỳnh không được bỏ học. Em phải sang Ấn Độ học tiếp. Anh sẽ khỏi bệnh, sẽ về chăm con cho em”. Ông đã không khỏi bệnh, nhưng lời trăn trối là động lực lớn lao khiến Chu Thuý Quỳnh vượt lên tất cả để cống hiến trọn vẹn cho nghệ thuật múa.

“Tiếc là thế hệ trẻ ngày nay không có được may mắn như tôi” – NSND Chu Thuý Quỳnh tâm sự: ‘Trước đây, khán giả và nghệ sỹ múa là một sự chia sẻ vô cùng. Họ yêu mình như yêu người thân. Cứ mỗi khi đoàn về diễn, người dân bỏ công bỏ việc để đi xem. Từ em bé đến người già ai cũng ngồi thưởng thức chăm chú, trật tự và tán thưởng nhiệt thành. Vở diễn kết thúc thì họ reo hò “múa tiếp đi, múa tiếp đi”. Với nghệ sỹ, đó là động lực để  thăng hoa trên sân khấu. Các bạn trẻ bây giờ không có động lực ấy khi chính người trong nghề ngồi dưới ghế khán giả cũng không có sự chia sẻ, cảm thông. Công chúng thì xa rời với múa nghệ thuật. Lương tháng thì trên dưới 1 triệu đồng”.

Niềm trăn trở đó đeo đẳng Chu Thúy Quỳnh nhiều năm nay trên cương vị Chủ tịch Hội Nghệ sỹ múa Việt Nam. Nhưng những bất cập của cơ chế và thiếu hụt của đời sống văn hoá giải trí không phải ngày một ngày hai có thể thay đổi được. Thành ra, dù vẫn gắn bó chặt chẽ với múa, nhưng cái tên Chu Thuý Quỳnh với vũ điệu Cánh chim và ánh sáng mặt trời mê hoặc ngày nào đã trở thành “một thời vang bóng” khi lớp khán giả say múa năm xưa đang dần khuất bóng.

 

Diễn viên điện ảnh Mai Phương - Thần đồng màn bạc những năm 80

 

Cái tên Mai Phương hẳn xa lạ với nhiều bạn trẻ thế hệ 8x, 9x, nhưng nếu ai đã từng bị ám ảnh bởi khuôn mặt thiên thần và ánh mắt đen tròn quả cảm của những bé Thuý, bé Tho, bé Thảo trong các phim Hòn đất, Mùa gió chướng, Nhiệm vụ hoa hồng, Chị em song sinh, Bẫy tình, Chiến trường chia nửa vầng trăng, Người đàn bà bị săn đuổi… thì không thể nào quên được “thần đồng màn bạc” những năm 80.

 

Mai Phương trong phim 'Người đàn bà bị săn đuổi'

 

Là ái nữ của cố đạo diễn – NSND Hồng Sến và diễn viên -NSƯT Kim Chi, Mai Phương bước chân vào điện ảnh một cách tự nhiên khi mới là cô bé 6 tuổi với vai phụ trong bộ phim kinh điển Mùa gió chướng. Đến năm tròn 20 tuổi thì Mai Phương đã có gia tài phim nhựa gần gấp đôi tuổi đời. Diễn xuất tự nhiên, chân thật và đầy xả thân của cô khi ấy khiến mọi định kiến về “con nhà nòi”, về sự ưu ái đối với “người nhà đạo diễn” đều bị xoá nhoà.

Có cha là đạo diễn tài năng hàng đầu Việt Nam, nhưng điều duy nhất mà Mai Phương nhận được từ cha chỉ là sự chỉ bảo vô cùng tận tình và nghiêm khắc trên phim trường. Thậm chí, những vai diễn nào nguy hiểm nhất, “khó nhằn” nhất, không ai dám đóng thế hoặc không diễn viên xinh đẹp nổi tiếng nào dám nhận thì sẽ được giao cho Mai Phương.

Tuổi thơ của Mai Phương trôi chảy từ trường quay này tới trường quay khác, đầy vất vả và gian nan. 10 tuổi đã phải tự chăm sóc cho bản thân. Ngay cả khi làm phim của cha, cô bé Mai Phương cũng phải tự lo chuyện ăn uống, tắm rửa, giặt giũ bởi đạo diễn Hồng Sến vô cùng mải mê công việc. “Tôi có hai lần suýt chết đuối, lần một là năm 6 tuổi và được ba cứu, lần hai là năm 10 tuổi và được chú Nguyễn Dương cứu khi đóng Hạnh phúc quanh đây của đạo diễn Xuân Thành. Phải tự lập sớm và gặp nhiều nguy hiểm ở phim trường nhưng bù lại, tôi đã có được trải nghiệm đáng quý. Những lúc không có cảnh quay, tôi lại tha thẩn chơi với đám bạn ở địa phương, khám phá những điều lạ lẫm ở vùng quê mà chốn thành thị mình sinh sống không có được. Trong giấc mơ về tuổi thơ, tôi vẫn thấy cái mùi thơm ngai ngái của đồng lúa chín, những lá gai mắc cỡ xếp lại khi mình chạm vào chúng, những bầy vịt cả trăm con vẫy vùng dưới hồ, rồi cưỡi trâu, đi xe ngựa, hái quả rừng, tắm sông, leo núi. Thời đó, đóng phim ở quê, ở rừng, cả đoàn phải ở trường học, uỷ ban, đình chùa chứ không phải khách sạn, nhà nghỉ như bây giờ. Vất vả nhưng rất vui, nhiều kỷ niệm”.

Nhưng bất ngờ, ở tuổi 20, tài năng và xinh đẹp hiếm có, “thần đồng màn bạc” đã quyết định lấy chồng, sinh con và chia tay điện ảnh. Đó cũng là lúc dòng phim thị trường bắt đầu vào thời hoàng kim với hầu hết những gương mặt trẻ đều là học trò của Kim Chi, Hồng Sến. Đạo diễn Hồng Sến đã sốc và thất vọng trước quyết định của con gái nhưng cả hai ông bà đều tôn trọng cô.

Một tuổi thơ đầy hào quang nhưng cũng không ít cay đắng, thiếu thốn và bất hạnh trong cuộc sống gia đình: 6 tuổi ba mẹ chia tay nhau, mẹ đi bước nữa với cuộc sống anh em dượng nhiều đố kỵ, ghen ghét, rồi lại chứng kiến ba đi bước nữa cũng không trọn vẹn… Mai Phương tuổi 20 đã biết cái gì là quan trọng nhất với mình, thấu hiểu được lẽ được - mất ở đời. Cô chọn cho mình một con đường không hào quang, không danh tiếng, an tịnh trong quán cà phê vườn ở vùng quê Long Thành- Đồng Nai, chăm sóc hai cô con gái nhỏ như một người mẹ nông thôn bình dị, như chưa hề là người của công chúng.

Bỗng chốc đã 20 năm Mai Phương tạm xa sự nghiệp diễn xuất. Có quá nhiều thay đổi đã diễn ra trong cách làm phim của Việt Nam. Thần đồng màn bạc một thời băn khoăn khi “diễn viên ngày xưa chỉ phải lo duy nhất chuyện diễn xuất. Còn bây giờ, diễn viên dường như phải lo nhiều thứ từ trang phục đến tài trợ, nhất là phim truyền hình”. Chị nhận xét: “Tìm được một diễn viên nhí xuất sắc sao khó thế. Trẻ con đóng phim chủ yếu là các bé ở các đội kịch được hướng dẫn diễn xuất, thành thạo đến cứng nhắc, già dặn. Mặt khác, diễn viên nhí của các bộ phim truyền hình được đặt vào nhiều tình huống hoàn toàn “không trẻ con” chút nào. Điện ảnh là phải “chân thật”, nhất là đối với diễn viên thiếu nhi. Phải để cho chúng cảm nhận và sống trọn vẹn với cảm xúc của nhân vật, chứ không phải là “diễn xuất”. Chỉ cần người lớn biết cách hướng dẫn, chúng ta sẽ có rất nhiều diễn viên nhí xuất chúng”.

Cô con gái Thuỳ Dương của chị cũng đang đóng một số bộ phim và nhận được phản hồi tốt. Chị cho biết sẽ không can thiệp vào tương lai của Thuỳ Dương: “Con bé có thành diễn viên chuyên nghiệp hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý muốn của bé”.

Mai Phương cũng không giấu giếm ý định trở lại với điện ảnh trong một ngày gần nếu nhận được một kịch bản hay từ một đạo diễn giỏi và tâm huyết. Chị cũng đang dành thời gian cho việc viết kịch bản và ấp ủ những dự định mà cha chị còn dang dở.

 

Diễn viên Minh Trang – Ký ức đẹp của người Hà Nội

 

Rất khó khăn để có thể tìm được liên lạc của chị khi mà giới phóng viên văn hoá trẻ trong Sài Gòn khi được hỏi về Minh Trang đều nghĩ đây là diễn viên mới. Khán giả truyền hình thì thấy quen lắm khi gặp Minh Trang trong Quý cô tuổi Dần, Đại gia đình, Dấn thân vào nước mắt nhưng cũng ít người nhận ra đó chính là gương mặt sáng rực sân khấu kịch nói một thời với những vở kịch đã trở thành ký ức dấu yêu được nâng niu niêm phong trong lòng người Hà Nội như Hà Mi của tôi, Tôi và chúng ta, Cô gái đội mũ nồi xám…

 

Minh Trang, gương mặt sáng của sân khấu kịch nói một thời

 

Đi đi về về giữa Việt Nam và Singapore khiến cái tên Minh Trang dễ bị nhoà đi trong Sài Gòn sôi động, xô bồ và môi trường nghệ thuật mỗi ngày lại ào ào vào ra những cái tên mới – cũ. Nhưng diễn xuất tinh tế mà dữ dội của Minh Trang nếu người ta vô tình hay cố ý gặp gỡ được trong Nơi bình yên chim hót, Mê thảo thời vang bóng thì rất khó bị lẫn với ai. Nhưng đó mới là một Minh Trang của điện ảnh. Chưa phải là hiện tượng Minh Trang của “sàn gỗ”.

Năm 1980, đạo diễn Doãn Hoàng Giang dựng vở Hà Mi của tôi. Minh Trang khi ấy vừa tốt nghiệp, chân ướt chân ráo vào Đoàn kịch Hà Nội đã được chọn vào vai nữ chính khiến không ít gièm pha, đố kỵ có cơ hội bùng lên. Vị đạo diễn nổi tiếng tài năng và tinh tường đã kiên định đến mức nghiêm cấm mọi hành vi, cử chỉ giễu cợt dù nhỏ nhất làm xao động đến việc tập luyện của Minh Trang, để cô gái trẻ có thể tự tin vào vai hết mình. Nhưng khi bước ra sân khấu công diễn chính thức thì quy định khắt khe của đạo diễn thành thừa bởi sự nhập vai xuất thần của cô đã khiến cho các đồng nghiệp đàn anh đàn chị phải trân trọng. Một Hà Mi nhan sắc lộng lẫy với đôi mắt “đốt cháy cả một binh đoàn”; một Hà Mi phá phách, công khai chống lại những quan niệm xã hội khắt khe lạc hậu; một Hà Mi bản lĩnh, dũng cảm dám yêu hết mình, sống hết mình và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ sự an bình của thủ đô đã trở thành biểu tượng tình yêu và niềm tự hào của người Hà Nội thời ấy qua diễn xuất của Minh Trang.

Không phải vô cớ mà cô con gái yêu của chị được đặt tên là Hà Mi mặc dù sau này cái tên Minh Trang còn gây nên nhiều cơn sốt khác với Ngà trong Tôi và chúng ta, Trâm trong Cô gái đội mũ nồi xám… Bởi hành trình chữa trị để có con của chị cũng gian nan, đau đớn và hạnh phúc không kém những tháng ngày làm kịch tại Hà Nội.

Cả gia đình vào Nam, một mình Minh Trang kiên quyết ở lại thủ đô. Gần 10 năm trời sống dưới gầm cầu thang cơ quan vốn là nơi để panô, đạo cụ, Minh Trang không bao giờ quên được cái góc nhỏ đầy ám ảnh khi đêm về ấy của mình. “Nhưng không nỗi khổ nào lớn hơn hạnh phúc được làm nghề”. Cứ lên sân khấu, bao nhiêu cô đơn, nhọc nhằn lại quên hết, chỉ còn một “diễn xuất dung dị, mực thước, tự nhiên như cuộc đời” (lời nhà báo Lê Quang Định), một vẻ đẹp xi-nê quyến rũ, sang trọng và đậm đà phong vị riêng biệt. Vẻ đẹp mà năm 1989 tại Liên hoan phim Moscow – LB Nga, đã được trao giải Á hậu 1 Cuộc thi Hoa hậu CLB Những người hoạt động điện ảnh chuyên nghiệp.

Sau này vào Sài Gòn, không phải sống một mình nữa thì Minh Trang lại phải đối diện với nỗi cô độc khác – nỗi cô độc của giọng nói. Để diễn được kịch Sài Gòn, cô buộc phải học nói giọng Nam. Hai nghệ sỹ Việt Anh và Phương Dung được phân công dạy Minh Trang học nói nhưng sau 3 tháng cật lực, thầy giáo nói được giọng Bắc chuẩn còn học trò không nói được một câu tiếng Nam. Nhưng cuối cùng cái sự dị biệt ấy lại trở thành “hàng độc”, giúp Minh Trang chính thức bước vào guồng quay của kịch Nam trên sân khấu 5B với Phồn Y trong Lôi Vũ, Kay trong Một cuộc đời bị đánh cắp, Tanhia trong Gái giang hồ quốc tế, rồi Nhân danh công lý, Người trong cuộc, Điều thiêng liêng nhất…

Nhưng cũng gần 10 năm sau thì Minh Trang lại làm một chuyến ra đi thứ hai: lấy chồng, sang Đức và từ đấy, vẫn chưa trở về với sân khấu.

15 năm qua, Minh Trang phải thực hiện nhiều cuộc hành trình. Những chuyến về Việt Nam ngắn ngủi chị lại dành cho điện ảnh, với những đạo diễn mà chị yêu quý, tin cậy và luôn hết mình dù đôi khi chỉ là vai rất phụ. Còn lại toàn bộ thời gian dành cho việc làm vợ, làm mẹ. Bất kỳ sự lựa chọn nào cũng phải đánh đổi nhưng Minh Trang chia sẻ “chưa bao giờ phải ân hận về những lựa chọn của mình”. Rời xa Hà Nội theo tiếng gọi của gia đình, rời Sài Gòn theo tiếng gọi của tình yêu, và còn thêm lẽ riêng là khi ấy sân khấu Sài Gòn đã chuyển hướng theo hài kịch thị trường, Minh Trang hài lòng vì những chuyến đi của mình đều hái được quả ngọt. Và giờ, dù chưa có cơ hội quay lại với sân khấu, chị vẫn được làm nghề, vẫn có những vai diễn mang số phận, lay động lòng người, vẫn được sẻ chia với công chúng của riêng mình./.

 

Hoàng Hồng ghi

(Nguồn: Báo Điện tử Tổ Quốc)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: