Thứ tư, 15/01/2025,


Em là con gái Hà Nội (Ngô Đình Miên) (15/02/2011) 

Một thời Hà Nội lo toan
Gạo ngô thì thiếu, hoa xoan lại thừa
Một thời. Ôi, một - thời - xưa
Áo phong phanh gió bốn mùa buồn vui
*
Tạ ơn Hà Nội ngọt bùi
Nuôi tôi thương khó. Tôi thời trong veo…

Trương Nam Hương

 

 

 

Lòng sông cạn nước vì đã dồn hết cho hồ thuỷ lực, quay tuốc-bin phát điện. Bến tắm ngày xưa náo nức giờ đã vắng thưa. Đối với người dân tộc miền núi, có lẽ chỉ bến tắm mỗi chiều mới là nơi gặp gỡ đông đủ người già, trai tráng, những bà mẹ, thiếu nữ, trẻ con của buôn làng sau một ngày vào rừng, lên rẫy, đến trường học... Có người nói rằng, bến tắm là nơi trai gái gặp gỡ hẹn hò nhau, là nơi bắt đầu cho những cuộc tình nam nữ. Nói vậy, chỉ đúng một phần thôi. Vì bến tắm được xem là nơi công cộng, làm sao mà hẹn hò? Nhưng bến tắm lại là nơi cho những ánh mắt tìm nhau, có lúc thẹn thùng, có khi thắm thiết. Bà con dân tộc K’ho ở đây có quy ước ngầm là đàn ông, con trai thì không bao giờ được tắm bên trên dòng nước, mà vị trí đó phải dành cho phụ nữ, con gái – là những người chủ của các gia đình K’ho theo mẫu hệ. Ngày xưa, mỗi bến nước bên bờ sông, con suối, là cõi riêng của một buôn. Nhưng dần dà, yêu cầu của quá trình phát triển xã hội đã đưa các cộng đồng nhỏ bé người dân tộc thiểu số ở các buôn, play, về sống gần với nhau, tập trung vào một cộng đồng lớn hơn: thành thôn, thành xã.

Nhưng bến nước, bãi tắm vẫn mãi mãi là nơi tụ họp đông vui nhất của mọi người, mọi nhà, là nơi có đủ các điều kiện không gian tâm lý tối ưu để người ta trải lòng ra với nhau. Đó là không gian hiu hiu gió, nước mát trong, trời chiều bảng lảng bóng núi mờ trong sương. Và… tất thảy mọi người đều khỏa thân mà hoà vào, ùa vào sự mát mẻ trời cho của nước. Có lẽ, chính vì vậy, đây là nơi mà khi còn bị cuốn theo cuộc sống du canh du cư, người ta luôn nhớ về. Ngày xưa, trẻ con dân tộc K’ho mới sinh ra vài ngày, chỉ được coi là có nhiều khả năng ở lại với buôn làng, với “páp mời” (tiếng K’ho có nghĩa là ba má) sau khi được “mời” bọc trong tấm khăn do chính tay mình dệt lấy, đem ra bến sông nhúng vào dòng nước lạnh có nguồn chảy ra từ rừng núi ông bà.

Bến tắm cũng là nơi các mẹ, các em gái mang gùi ra lấy nước. Gùi được chất đầy những trái bầu để đựng nước. Người khỏe mang gùi lớn, em bé mang gùi nhỏ hơn. Bầu được trồng ngoài nương rẫy. Bà con chỉ ăn trái bầu khi còn non chừng bằng cái trứng gà. Không phải chỉ đối với trái bầu mà tất cả các loại rau trái như mướp, bí đỏ, bí đao, đậu... bà con đều hái trái về luộc ăn khi còn rất non. Tôi đã từng ăn như vậy với bà con. Ngon tuyệt, ngọt, mềm, thơm. Những trái bầu có dáng đẹp được để lại; khi trái vừa già hơi khô vỏ, được hái đem về để trong bóng râm cho đến khi khô nước từ vỏ đến ruột. Kế đó, đem bầu ra suối, mở thông cuống cho nước chảy vào, rồi móc hết ruột ra ngoài. Sau vài lần ngâm nước cho bớt mùi hôi mốc, ta đã có một trái bầu có thể chứa nước được. Nhiều trái bầu dùng không hết, cứ gác trên giàn bếp, khói muội chỉ làm cho trái bầu khô bóng đẹp thêm lên. Trái bầu khô có cổ hơi cong, dài, bầu tròn đều và không tì vết được dùng để làm “kơquách” (kèn bầu). Nghệ nhân làm kèn cắm vào thân bầu hai hàng sáu ống trúc, mỗi ống có khoét một lỗ để người thổi kèn bấm vào điều chỉnh âm thanh. Làm kèn bầu là kỹ thuật rất đặc biệt không phải dễ dàng mà biết được, thường mỗi buôn chỉ có chừng một hai người giỏi làm kơquách…

Những trái bầu đầy nước, được nút lại bằng lá  chuối, đem về đặt vào một góc nhà sàn. Nước trong trái bầu qua một đêm sương là mát như  nước để trong tủ lạnh, uống rất ngon. Có những đêm, bên đống lửa bập bùng, vài ché rượu cần được bày ra; người ta đổ từng trái bầu nước vào ché, xúm xít vui vầy, vít cần trúc uống cạn các bầu nước giờ đã biến thành rượu cần thơm mùi hương lúa mẹ. Lúc ấy, tiếng trống bùng lên giữ nhịp, bước chân đưa đẩy, tiếng kơquách bay lên tan vào trong sương khuya. Sau cơn ngủ vùi vì say rượu, thức dậy, quơ lấy một bầu nước mát, ừng ực uống vừa đã cơn khát vừa rất nhanh tĩnh rượu, có thể tiếp tục cuộc vui rượu cần còn dang dở bên đống lửa hồng. Trái bầu khô còn là dụng cụ cất giữ hạt giống cực kì tốt, có thể để qua nhiều mùa trỉa hạt mà vẫn không ảnh hưởng gì tới sức nẩy mầm của hạt giống…

Là em. Em xuất hiện ở bến tắm của làng là một bất ngờ cho tất cả mọi người. Lúc đầu, tôi cũng cảm thấy hơi khó chịu. Nó giống như cảm giác khi có kẻ lạ khác bầy tham dự vào sinh hoạt của bầy đàn mình. Ngày đó, cách nay chừng một phần ba thế kỷ, nơi bến tắm này, khi đã xuống nước, tất thảy mọi người đều bình đẳng tuyệt đối, như được trở về lúc mới lọt lòng mẹ, được nhúng trần truồng vào dòng nước mát. Đối với người chưa quen, có thể xem là chuyện lạ, nhưng với tất cả mọi người ở đây, kể cả tôi, là chuyện hết sức bình thường, tự nhiên như nó phải như thế không thể nào khác được. Vậy mà, chỉ có riêng em tắm chung nơi bến sông của làng với nguyên cả bộ quần áo xanh quân đội…

Tôi sống với bà con mười bốn buôn ở Đông Giang hơn một năm thì em đến. Đông Giang ở về  phía đông dòng sông La Ngà (có lẽ vì vậymà có tên Đông Giang), chỉ cách trung tâm huyện lỵ chừng hơn bốn mươi cây số, nhưng Đông Giang như chìm lấp giữa núi rừng trùng điệp. Đường đi từ xuôi lên phải qua nhiều cánh rừng, leo gần chục đèo dốc, băng qua mấy mươi con suối mà trong mùa mưa, lũ về, không dễ gì vượt qua được. Nhiều lần, ba lô trên lưng, tay chống gậy tre lần bước lên đèo, chợt thấy xuất hiện một chú cọp vằn đang nhẩn nha bước đi nhẹ nhàng khoan thai dưới bóng rừng nơi khúc quanh phía trước. Sống chung đủ lâu với bà con buôn làng, nên tôi đã cũng học được cách sống nơi đây về nhiều thứ như: cách phát rẫy, đốt rẫy thế nào cho cháy gọn, không nham nhở; học cách chọc lổ trỉa lúa, trỉa bắp; học cách làm thang dây, làm chòi trên cây cao để canh rẫy và nhất là học ăn bất cứ thứ gì cho khỏi đói khi mùa màng thất bát, kho lúa rỗng không, khi mà chiều về không còn nghe tiếng thụp thình của nhịp chày no ấm... Trong những thứ phải học ấy có việc học cách tắm chung bến nước.

Bến tắm của làng nằm nơi khúc sông khá rộng chừng hai trăm mét, đầy những gộp đá; có gộp đá rộng và cao như một hòn đảo nhỏ, vào mùa nước lũ vẫn còn thấy ngọn những cây mai vàng mọc trên kẻ đá lâu năm ngã rạp theo sức cuốn dữ dội của nước lũ sông La Ngà ngầu bọt. Ra bến tắm, có năm điều mà những ai thuộc giới tính đàn ông phải thuộc nằm lòng, không được làm sai. Đó là, trước hết, khi ra bến, lúc mọi người đang tắm, anh không được ngó nghiêng ngắm nghía người khác. Coi vậy chớ các cô gái K’ho mặc dù tắm khỏa thân, nhưng lại rất thẹn thùng khi bắt gặp cái nhìn của ai đó cứ chăm chắm vào người mình. Điều thứ hai, anh chỉ được tắm trong khu vực của đàn ông, mặc dù ranh giới phân chia khu vực của đàn ông, đàn bà, chỉ là một tảng đá. Điều thứ ba là, trước khi nước sông che khuất, anh không được phơi tất cả tài sản tự nhiên trời cho của mình ra, mà phải dùng hai bàn tay thay cho “lá nho” che lại, không để người khác nhìn thấy gì. Thứ tư, nếu anh có xà phòng thơm hiệu “Cô Ba”- niềm tự hào của xà phòng thơm Việt Nam thời đó, thì phải ưu tiên dành cho các chị, các cô xài trước. Nếu anh đã lỡ xát xà phòng kỳ cọ vào mình, rồi mới đưa cho các chị, các cô, thì sẽ bị coi là hành vi kém văn hoá, niềm hổ thẹn của giới đàn ông. Điều cuối cùng là, anh không được tắm trên dòng nước của những người nữ…

Điều thứ năm này, với tôi và các thầy giáo, thì lại nhận được đặc ân riêng. Các bà, các chị, các em không cho chúng tôi tắm dưới dòng nước như mọi người đàn ông khác của buôn làng, mà bắt chúng tôi phải lên tắm trên dòng của mọi người. Tuy đây là tiểu tiết, nhưng tôi vẫn cho rằng, đó là biểu hiện của tấm lòng kính trọng người thầy đã gùi cái chữ từ xuôi lên núi dạy cho bà con buôn làng. Nhưng tôi chỉ thích bơi ra tắm nơi gộp đá lớn có những bụi mai vàng nằm giữa sông, ngang dòng tắm của các chị, các em. Có lẽ phải quằn quại trong nước lũ mỗi năm, nên những cây mai không lớn cao lên được. Có cây mai vàng lớn nhất, phần gốc to bằng bắp chân người lớn, nhưng thân cũng chỉ cao chừng hơn một thước. Những cây mai luôn no nước nên thường nở hoa rất sớm. Trong gió đông về thổi dọc triền sông vào khoảng tháng mười một âm lịch, mai đã rực vàng hoa trong nắng sớm chỉ qua một đêm…

Em là con gái Hà Nội chính gốc, vừa tốt nghiệp khoá y sỹ là em xin ngay vào miền Nam. Em được cử vào Phân viện sốt rét miền Trung ở Quy Nhơn. Phân viện phân công em về công tác tại Bình Thuận. Từ đó, em lên thẳng Đông Giang để làm nhiệm vụ lấy lam máu và bắt muỗi sống đem về Viện phân tích, xét nghiệm, phục vụ cho việc lập bản đồ sốt rét từng vùng. Việc lấy lam máu thì rất dễ, chỉ cần thuyết phục già làng nói việc phải làm với bà con là coi như xong. Nhưng chuyện bắt muỗi thì hơi khó. Buôn làng định cư trên đỉnh núi, đầu nguồn sông, không khí rất thoáng đãng, nên lũ muỗi phải trốn vào trong rừng, chờ bà con đi rẫy, vào rừng lấy măng, hái rau, mới có cơ hội rình chích hút máu. Bà con ở đây, kể cả nhóm giáo viên và thanh niên xung phong diệt dốt chúng tôi đều sống chung với sốt rét nhiều năm. Do vậy, tôi tin chắc tất cả lam máu được lấy ở đây, khi đem phân tích xét nghiệm sẽ đều có kí sinh trùng plasmodium, không vivax thì cũng falciparum. Muốn bắt sống được muỗi, mà phải là muỗi anophène, không phải chuyện dễ, vì ban ngày, chúng rất ít khi xuất hiện, nếu ta bị muỗi chích, thì thường thủ phạm là muỗi đen, muỗi vằn, muỗi cỏ, rất hiếm gặp muỗi đòn xóc.

Vì vậy, không còn cách nào khác, đêm đêm, em đành phải phơi da thịt thơm tho của mình ra dụ cho muỗi chích để bắt sống giam vào ống nghiệm. Em phải hết sức tỉnh táo ngồi canh cho muỗi đậu vào, để nó từ từ châm kim vào lỗ chân lông, say sưa hút máu. Lúc đó, em lấy miệng ống nghiệm úp vào con muỗi; bị động, muỗi bay lên, nằm gọn trong ống nghiệm. Em chỉ việc lấy bông nút ống nghiệm lại là xong. Tôi hỏi em có sợ sốt rét không ? Em lắc đầu cười: “ Em đã bị sốt rét rồi, còn sợ gì nữa, em chỉ sợ nó chích đau thôi ”! Em có khuôn mặt cân đối, nhưng khi cười, miệng hơi lệch về một bên, đậm duyên lạ. Lúc em lên cơn sốt rét run bần bật, người co rúm lại, miệng méo xệch, vẫn rất duyên. Thường nhiều đêm, vừa sụp tối, em đã ra ngoài tìm nơi khuất gío, thắp lên ngọn đèn hạt đậu leo lét, khỏa thân làm nhiệm vụ. Em ở chung nhà với chúng tôi. Tôi phải cảm ơn em nhiều về thời gian ở chung này. Sự hiện hiện của một bông hoa tươi thắm như em đã làm cho bọn thanh niên xung phong và giáo viên diệt dốt toàn là thanh niên độc thân phải tự nhìn lại mình. Vừa là thủ trưởng vừa là đàn anh lớn tuổi, nên tôi hay la rầy chúng về tội luộm thuộm, ở dơ. Quần áo hôi rình không chịu giặt; chén bát ăn cơm để qua ngày mới chịu rửa; tóc tai, râu ria, ăn mặc như phỉ FULRO. Nhưng kể từ ngày có em, bọn chúng thay đổi như lột xác; quần áo thì bảnh bao, pli quần bén như dao cạo; chén bát ăn xong rửa ngay, còn đem ra phơi nắng cho vệ sinh nữa…Nhưng có một chuyện kể cũng vui vui về em, mà có lẽ cả em, tôi và đám thanh niên xung phong kia sẽ nhớ mãi.

Nhà chúng tôi đang ở là một căn rất rộng dựng trên những hàng cột gỗ, do bà con dân tộc làm cho, hoàn toàn bằng tranh tre. Gian nhà chia làm ba ngăn theo truyền thống của người dân tộc K’ho. Ngăn giữa là nơi đặt bếp lửa, nấu ăn, sưởi ấm, uống trà, hát hò… và nhậu nhẹt. Hai ngăn đầu hồi được thưng kín bằng cây mặc mầy (tương cận với cây nứa), choáng hết mỗi ngăn là cái sạp lớn được lát bằng tre lồ ô đập dập, bện lại bằng dây mây hoặc dây mấu. Đó là hai phòng ngủ tập thể của chúng tôi. Tôi có thói quen chỉ ngủ võng, nên suốt thời gian sống ở núi, hiếm khi tôi ngủ trên giường, sạp. Nhưng cũng vì em, mà tôi phải phá lệ để ngủ sạp gần mười đêm khổ sở. Đó là sau lúc em lên Đông Giang được chừng một tuần, thì, trong khu vực định cư của bà con xuất hiện một con cọp.

Nghe các già làng nói “ông ba mươi” này theo một cô gái đồng trinh, là người của buôn Đăng Sôn, khi gặp cô gái ấy một mình nơi bến tắm. Một lần, cô gái ấy ra rẫy, trèo lên một cây cụt ngọn đựơc dùng thay cho giàn để dây mướp, dây bầu leo lên. Hôm ấy, khi cô vừa hái mướp xong, nhìn xuống, thì, Giàng ơi, một con cọp to như bò đang ngắm nhìn cô đắm đuối. Cô gái chỉ biết la làng; bà con đi rẫy gần đó gõ ống tre, đánh phèng la um sùm và nhờ cả du kích nổ mấy phát AK, “ông ba mươi” mới chịu dời gót cho. Từ đó, đêm nào, con cọp cũng mò về buôn, chọn chỗ kín đáo nằm rình gần nhà cô gái. Đến nước đó, các già làng khuyên cô nên sớm bắt chồng để “chàng ba mươi” kia thôi hy vọng. Nhiều người thấy “anh ta” cứ lảng vảng quanh các buôn… Tin đó lan đến nhà tôi. Đối với đám quỷ sứ thanh niên xung phong kia thì như chuyện đùa, nhưng đối với em lại thành ra chuyện lớn, làm cho quan hệ giữa em và tôi trở nên khó xử... Từ ngày em về đây, chúng tôi ưu tiên dành cho em toàn quyền sử dụng nguyên cả ngăn bên trái của gian nhà.

 Chiều hôm nghe tin cọp về buôn, em tìm cách gặp riêng tôi, để nói chuyện một cách nghiêm túc. Tôi biết em đã suy nghĩ rất lung trước khi nói ra điều đó. Em đề nghị tôi giúp em hoàn thành nhiệm vụ bắt muỗi trong thời gian này. Em không còn dám ngồi một mình ngoài nơi vắng vẻ để bắt muỗi, vì sợ ông ba mươi si tình chuyển sang đối tượng mới… Em nói tôi phải ôm súng ngồi hướng mặt ra bìa rừng canh chừng, em ngồi bên trong khoả thân như mọi bữa để bắt muỗi. Tôi đồng ý, vì nghĩ đây là nhiệm vụ mà tôi phải có trách nhiệm giúp đỡ em. Chuyện canh cho em bắt muỗi coi như xong, tối mai cứ vậy mà làm. Tối hôm sau, tôi thực hiện đúng như lời em dặn. Em sợ tôi buồn, nên vừa chăm chú bắt muỗi vừa nói chuyện với tôi; thỉnh thoảng, em thông báo cho tôi về kết quả bắt “tù binh”.

Tôi hoàn toàn không nhìn thấy em và cũng không dám hình dung ra em bắt muỗi thế nào. Nhưng còn một việc khác nữa, làm cho tôi khó xử hơn. Đó là khi em đề nghị với tôi cho em đêm nay… ngủ chung sạp, vì sợ cọp nên không dám ngủ riêng một mình. Tôi hơi bị bất ngờ, chưa kịp suy nghĩ gì, nên chỉ ừ với em theo “nguyên tắc”; còn cụ thể thế nào thì sẽ tính sau. Tôi vội đem chuyện này ra bàn ngay trong tập thể đàn ông. Mấy đứa cứ nhao nhao nói, để đó cho em. Tôi la, để cho tụi mày thì còn gì mà bàn nữa. Cuối cùng, cũng đi đến thống nhất trong nội bộ. Tôi nói với em, tối cứ ôm mùng mền qua bên sạp tụi anh mà ngủ cho khỏi sợ. Em không chịu, mà muốn tôi và mấy nguời nữa qua bên sạp của em. Ừ, sao cũng được. Em phân công, em sẽ nằm trong cùng, phía gần bếp, người nằm kế em là tôi, rồi đến các anh em khác. Nghe vậy, có thằng phát ngôn bừa bãi ngay, rằng tôi ngủ hay lăn qua lăn lại, đụng ai ôm đó cho dễ ngủ. Tôi nói, tụi mày đem hết năm khẩu AR15 chất lên trên sạp, ngăn giữa em và tôi, để nếu tôi có lăn qua ôm thì súng đó tha hồ mà êm ái ngủ ngon, còn đứa nào mà loạng quạng nửa đêm bò qua là tao bắn bỏ. Rồi những ngày sợ cọp dữ và cảnh ngủ chung cũng nhanh chóng qua đi. Em vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ bắt muỗi một mình mà không cần tôi canh cọp nữa…

Nhưng rồi một đêm, cái đêm định mệnh. Tôi đang ngồi lau chùi khẩu súng chuẩn bị cho chuyến săn đêm. Đêm đầu tháng không trăng, thú sẽ dễ bắt đèn.

 -  Đau quá, anh ơi, em đau quá!

Đúng là tiếng của em. Tôi buông súng, chụp cây đèn pin vội vàng chạy ra. Em đang ôm bụng và luôn kêu đau. Tôi đỡ em ngồi dậy, khoác áo vào, em càng kêu đau dữ. Tôi vội bế xốc cả người em chạy vào trong nhà. Mọi người có mặt đông đủ…

 Đã hơn ba mươi năm qua rồi, nhưng tôi chưa lúc nào quên mái tóc dài mượt đen vừa phủ ôm vai, đôi môi cười lệch, bộ quân phục màu xanh rất vừa với vóc người em nhỏ xinh; nhớ nhất là làn da trắng xanh của em, mà hằng đêm, phải phơi ra cho muỗi chích... Cơn đau cấp tính vỡ ruột thừa đêm định mệnh đó; khi anh em thay phiên nhau võng cáng em chạy băng rừng, băng suối về tới bệnh viện, thì… không còn kịp để cứu em nữa. Em ra đi khi chỉ mới vừa tròn 22 tuổi.         

Tôi treo võng nằm dưới mái hiên trường. Trường học tranh tre ngày nào giờ đã được thay bằng ngôi nhà hai tầng với nhiều phòng học kiên cố. Đêm nay không trăng, dãy thiên hà vắt ngang qua bầu trời tạo thành một đường sáng giữa mênh mông vũ trụ vô cùng. Có ngôi sao phương Bắc nào là em?  Một vệt xẹt loé sáng lên của một ngôi sao vừa băng. Có phải là em đó không? Trong người tôi cứ thấy lâng lâng, mơ hồ cảm giác, vừa hiện thực lại vừa như mơ. Chỗ nào em ngồi phơi trần cho muỗi chích, chỗ nào tôi cầm súng canh cho em đỡ sợ cọp.

Nhìn sâu vào trong đêm, tôi vẫn hình dung rõ dáng người em, nghe cả tiếng em kêu thảng thốt vì cơn đau bức ruột… Không thể nào ngủ được, nằm đong đưa trên võng để cố dỗ giấc ngủ, mắt nhắm nhưng đầu óc tĩnh táo, mặc dù tôi đã uống hết sạch mấy ché rượu cần cùng với bà con buôn làng và tập thể giáo viên của trường. Ký ức có cuộc sống riêng của nó, có lúc nó tạm thời lui vào ngủ yên trong một góc nhỏ nào đó của tiềm thức; đến khi gặp tình và cảnh phù hợp gợi nhớ, thì nó sẽ thức giấc và như một cơn lũ ào ạt tràn qua ý thức. Tôi nhớ em. Ngực tôi quặn đau như chính cái đau đớn hiện lên trên gương mặt em vào cái đêm xưa oan nghiệt đó.

Tiếng gà rừng gáy trước, gà nhà gáy tiếp sau; chờ  đến khi cả hai cùng gáy hồi hai, tôi ngồi dậy, lửng thửng đi trong màn sương mờ đục. Bước chân quen đưa tôi ra bến tắm ngày xưa ấy. Trong không gian đầy sương lạnh, bỗng nhiên thấy sáng ấm lên màu vàng rực của những chùm hoa mai nở sớm giữa lòng sông. Có phải em về trong bóng hoa... 

(Tác phẩm  đạt giải 3 cuộc thi “Nét  đẹp người Hà Nội”

nhân kỉ niệm 1000 năm Thăng Long)

NGÔ ĐÌNH MIÊN

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Cao Trung - caotrung10@yahoo.com -  - 2530 Nicollet ave.S  (Ngày 16/02/2011 06:04:23 AM)
Bài viết rất cảm động. Tôi có sự đồng cảm; xin gởi tặng bài thơ.
Trở lại chốn xưa
Tôi đến tìm ai một buổi chiều
Mưa nhiều đẩm ước cảnh buồn thiêu
Xóm đạo ngày xưa giờ khác hẳn
Giáo đường hoang vắng với cô lieu.
Tôi đến tìm em của thuở nào
Đường xa ngã bóng dạ nôn nao
Trường em dạy giáo đường gần đó
Ngước mặt nhìn ai rất nhiệm mầu.
Cao Trung.
Các bài khác: