Thứ hai, 23/12/2024,


Người ra đi vào Ngày Lễ Tình nhân (5) (14/02/2011) 

     Một đêm khuya, tôi nhận được điện thoại của Bốn, giọng anh đầy hứng khởi:

      - Theo một thông tin “mật” thì có thể năm nay tôi sẽ nhận được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam... Ông thấy tôi như thế có sung sướng và hạnh phúc không?

      Sung sướng và hạnh phúc quá đi chứ! Tôi đã nói những lời đẹp nhất để chúc mừng Bốn. Và chúc mừng cả việc anh vừa được nhà văn Lê Lựu ký quyết định “phong” cho làm... Trưởng Đại diện Trung tâm Văn hóa doanh nhân Việt Nam tại Hải Phòng!

      Rồi cái lễ ra mắt của Văn phòng Đại diện Trung tâm nói trên được Đồng Đức Bốn tổ chức thật rầm rộ. Anh mời hàng trăm Giám đốc doanh nghiệp, cùng hàng ngàn đại biểu tới Nhà hát Tháng Tám để chứng kiến... Sau nghi lễ long trọng có bà Phó chủ tịch thành phố tới dự là phần đọc thơ và biểu diễn văn nghệ chào mừng, diễn kịch nói...

Đồng Đức Bốn và Nhà thơ Tố Hữu tại Hà Nội, năm 2000

      Sau đó, Đồng Đức Bốn còn kiêm cả việc “Chịu trách nhiệm xuất bản” tờ Đặc san Văn hóa doanh nhân” dày trên 100 trang. Để làm việc này, gặp bất cứ nhà văn, nhà thơ, hay nhà quản lý nào mà Bốn thích, anh cũng đều đề nghị họ viết bài cộng tác, hoặc xin họ bản thảo có sẵn. “Tác phẩm cũ, đã in rồi cũng được, miễn là hay!” – Bốn thường nói thế. Rồi một mình anh hì hụi tự trình bày ma két, đọc bản in thử, trực tiếp đến nhà in...

      Phải thừa nhận là “Văn hóa doanh nhân” là một ấn phẩm đẹp, in bốn màu, rất cầu kỳ và tốn kém. Các tác giả cộng tác đều được tôn vinh hết cỡ, với dòng chữ bút danh thật to, kèm theo chân dung lồ lộ bên cạnh... Ấn phẩm không đề giá bán lẻ, nhưng bù lại, Bốn có cách phát hành “độc chiêu”, có lẽ trừ anh ra, chẳng ai làm nổi: Ngoài các bản in để “Kính biếu” và “Thân tặng”, số còn lại anh mang đi... “ấn hành” theo cả nghĩa đen và nghĩa bong của 2 từ này: ấn vào tay một số doanh nghiệp và hành cho họ phải mua!. Tuyệt nhiên không thấy có cuốn “Văn hóa doanh nhân” nào được trưng bày, hoặc có bán ở các đại lý sách báo!

      Vậy mà trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, nhà thơ họ Đồng đã hồn nhiên tuyên bố: Mục tiêu của anh là sẽ phấn đấu để nâng số lượng phát hành của “Văn hóa doanh nhân” lên ngang bằng với... các tờ báo lớn nhất nước (!).

 

Nhà văn Lê Lựu và nhà thơ Đồng Đức Bốn.

 

            Nhưng, như các cụ đã đúc kết: Những người tài hoa thường dễ bạc mệnh.

            Một ngày giữa tháng 5/2005, tôi bất ngờ nhận được cú điện thoại từ số máy lạ - 0912756228, nhưng là một giọng nói quen thuộc:  Đồng Đức Bốn đây! Tôi sắp chết rồi ông ạ, bị ung thư phổi, giai đoạn ba... Tưởng là một câu nói đùa, vì tính Bốn hay hài hước, tôi phản xạ rất tự nhiên, giọng gay gắt: Ông đừng có “tấu hài” gở mồm vậy! Đang ở đâu? Hà Nội hay Hải Phòng?

- Tôi vừa đến “trị xạ” ở Viện K ra, đang trên đường về nhà khách Hoa Hồng, gần khách sạn Kim Liên ấy. Tối nay có rảnh thì đến chơi với bạn đi...

Bốn đã không đùa thật. Giọng anh khàn khàn, nói đứt quãng bởi những tiếng ho...

Thực ra thì đã gần một năm trước, mỗi lần tới thăm nhau, tôi đều thấy Bốn húng hắng ho. Anh bảo mình bị viêm họng mãn tính, phải tiêm kháng sinh liều cao, mà mãi vẫn không khỏi. Trước tết Ất Dậu vừa rồi, Bốn xây nhà mới. Nhà vừa xong, nghe bảo to lắm, đẹp lắm, tôi chưa kịp đến chia vui, mừng “tân gia” thì anh đã lăn ra ốm, da xanh xao, người rộc đi. Bây giờ thì bác sĩ phát hiện Bốn bị ung thư phổi...

- Tôi đã đi xét nghiệm rất kỹ rồi. Cả bác sĩ ở Bệnh viện Việt - Tiệp (Hải Phòng) và viện A (Hà Nội) đều kết luận như thế: Mội khối u kích thước 2,5 cm x 4,5 cm nằm ở lá phổi trái, đã di căn hạch lên trung thất - Bốn  thông báo với tất cả bạn bè đến thăm - Cũng may là thể trạng tôi rất tốt, tế bào biểu mô ở dạng lớn và biệt hóa (theo từ chuyên môn), nên cũng vẫn còn hy vọng chữa chạy...

Đã có người khuyên Bốn nên sang Trung Quốc chữa bệnh. Nghe nói, chuyến đi sẽ chi phí hết khoảng 20.000 USD (tương đương với khoảng 320 triệu đồng Việt Nam). Đó là một cái giá rất “rẻ”, vì nếu sang Mỹ, hoặc Singapore thì sẽ tốn kém hơn gấp nhiều lần. Lúc đầu, Bốn rất hăng hái. Anh đã nhờ người điện thoại sang Bắc Kinh liên hệ trước với bác sĩ, thuê phiên dịch, đặt trước chỗ ăn ở... nhưng không hiểu sao sau đó kế hoạch bị chính anh hủy bỏ.

Bạn bè kéo đến thăm Bốn rất đông. Họ là các văn nghệ sĩ, chủ doanh nghiệp, công chức... Nhiều người còn mang theo những biệt dược quý nhất mà gia đình mình có: nấm linh chi, sừng tê giác, sâm Triều Tiên... để tặng Bốn. Ai cũng muốn được chia sẻ và đồng cảm với anh trong những ngày khó khăn này.

Nhà văn Lê Lựu bỏ dở buổi họp quan trọng, tổ chức chuyến xe cho cả cơ quan Trung tâm Văn hóa Doanh nhân Việt Nam rồng rắn tới thăm Đồng Đức Bốn; mà phải đến lần thứ hai mới gặp được, vì bệnh nhân Bốn đang chạy thuốc, mời bác sĩ…

- Cảm động quá! - Bốn kêu lên - Nhiều lúc bè bạn làm tôi muốn ứa nước mắt.  Đúng là có trong cơn hoạn nạn thế này mới hiểu lòng nhau. Ví dụ như ông bạn vàng Trần Huy Tản của tôi: Hôm mới nghe tin,  ông đứng đợi tôi ở cổng viện K từ bao giờ. Vừa thấy nhau, Trần Huy Tản đã ôm lấy tôi khóc tu tu…

Tôi cười và bảo: Khóc lóc làm gì, cứ yên tâm đi, thằng Bốn này còn lâu mới chết! Trời đang thử thách mình đấy thôi. Đồng Đức Bốn này còn phải sống để làm thơ lục bát và… yêu nữa chứ!

Nhà văn Đỗ Chu nghe tin dữ, cũng vội vàng tìm đến. Ông ngậm ngùi nói: “Chị Nhu từng ốm liệt giường nhiều năm, khi tỉnh dậy, muốn học lại chữ, đã lấy thơ chú Bốn để thuộc lòng rồi tập viết và đã thành công... Chú là ân nhân của gia đình anh chị đó. Nhưng anh chị nghèo lắm, chỉ có 200 ngàn đồng và một “lá bùa” viết mấy câu thơ tặng chú:

“Nghe tin chú Bốn... ung thư

 Lòng anh xao xuyến đứng thừ người ra

 Nghĩ đời sao lại xót xa

 Trái hồng thì vứt, quả cà lên mâm...”.

Đỗ Chu thuyết minh thêm: Những câu thơ trong lá bùa lấy vần “A” làm chủ đạo, sẽ giúp chú Bốn vượt qua cái “đại hạn” này. Chú Bốn là “trái hồng” của đời, không thể chết được!”.

Nữ bác sĩ Hoàng Tân Cương, một người bạn tri kỷ của Đồng Đức Bốn đã ngày đêm lo toan, bón cho anh từng thìa cháo, từng hớp nước, từng viên thuốc... Có lần Bốn ứa nước mắt bảo: “Tôi sống được cũng là nhờ có những người bạn như thế”.

Những lần đến Bệnh viện K trị xạ, hoặc truyền hóa chất, Bốn thường rẽ qua văn phòng làm việc của tôi. Vẫn như hồi nào, anh ăn mặc chải chuốt, điện thoại  di động thì dùng tới 3 - 4 chiếc cùng lúc... Nhưng điều quan trọng là Bốn vẫn lạc quan, yêu đời và làm thơ nhiều hơn.

Những bài thơ của Đồng Đức Bốn được sáng tác trong thời gian gần đây, đã nhiều lần anh không ngại ngần nhắc tới cái chết:

“Bây giờ con chẳng có gì

Cúi đầu lạy mẹ con đi về trời”.

(Mẹ ơi)

“Trở về với suối với sông

Trở về với đất, với không có gì

Hồn thơ lục bát ra đi

Xin người ở lại sống vì nhau hơn”.

(Xin trời một trận mưa rào đón tôi).

Tôi là thi sĩ đồng quê

Dám đem lục bát làm mê cung đình.

(Mẫu đơn nở mãi không tàn)

“Chết rồi tôi vẫn làm người

Để nhận những nỗi đau đời em cho” .

(Gửi em)

 Hình như Bốn đang bình thản chuẩn bị cho mình một chuyến đi xa, rất xa, không hẹn ngày trở lại.

Trong phần trước, tôi viết đại ý rằng: Bốn có một nỗi đau thầm kín, còn rất ít người biết và hiểu cho anh: Như một lời nguyền, một định mệnh nghiệt ngã, cứ sau mỗi tập thơ của Bốn ra mắt bạn đọc thì trong nhà anh lại có một người ruột thịt ra đi… Năm tập thơ của Bốn được xuất bản (Con ngựa trắng và rừng quả đắng - 1992; Chăn trâu đốt lửa – 1993; Trở về với mẹ ta thôi - 2000; Cuối cùng vẫn còn dòng sông - 2000; Chuông chùa kêu trong mưa - 2002 ) cũng có nghĩa là anh đã phải lần lượt gạt nước mắt để vĩnh biệt người cha, con trai, em ruột và hai thằng cháu ngoại bé bỏng… Lạy trời, để cho tập thơ thứ sáu của Bốn sắp ra đời, anh sẽ không phải khóc thương cho người thân nào nữa.

May mắn là không có thêm người thân nào của anh phải ra đi nữa… Nhưng đã dũng cảm “Bước qua lời nguyền” định mệnh thuở nào, thì liệu anh có phải trả giá bằng chính cuộc đời mình không?

Khi bài báo này đến tay bạn đọc, nhà thơ  Đồng Đức Bốn đang không nói được, vì họng sưng to và rất khó ăn uống, dù chỉ là nước cháo... Muốn trò chuyện với ai, anh phải dùng bút viết ra giấy.

“Chăn châu đốt lửa xong rồi

Thì ta trả bút cho trời làm hoa”.

Bốn có một câu thơ như thế, từ hàng chục năm rồi. Vẫn biết đời người ai cũng có một lần... Nhưng hỡi cao xanh! Xin người hãy hiểu cho rằng sức viết và tài năng của Bốn đang ở độ chín nhất, xin đừng buộc anh phải rời xa lúc này.

Nhất định anh phải sống, để viết cho đời thêm những câu lục bát hay. Đó không chỉ là mong muốn của người thân và bạn bè anh, mà còn là ý nguyện của rất nhiều bạn đọc yêu mến thơ lục bát của Đồng Đức Bốn!...

Cận kề cái chết vậy mà Đồng Đức Bốn vẫn cứ làm thơ. Những bài lục bát viết trong cơn đau lần lượt ra đời: “Tôi không thể chết được đâu/Bởi tôi còn khúc sông sâu lụy đò” 'Tôi còn nợ cả mùa thu/Cỏ xanh như tiếng hát ru ở đời”... Khoảng 50 bài lục bát của Đồng Đức Bốn đã ra đời trong thời gian này. Nói không quá lời, anh đã nương dựa vào thơ để chống lại bệnh tật và lạc quan tồn tại. Đã có lúc hi vọng lóe lên, ấy là khi bạn bè mách những phương thuốc lạ đặc hiệu mà thày lang khẳng định là khỏi bệnh. Lại có “đại gia” vì yêu thơ anh mà nói sẵn lòng tài trợ cho Bốn đi nước ngoài chữa bệnh. Cũng có thời gian, bệnh tình có vẻ thuyên giảm, Đồng Đức Bốn đội tóc giả, xách cặp mời mấy bạn thân đi uống bia…

Tuy nhiên, với một người từng trải như Đồng Đức Bốn, anh hiểu được sự nghiệt ngã của số phận: những người đã mắc bệnh ung thư như anh, chữa chạy chỉ là biện pháp kéo dài cuộc sống. Một mặt, anh cố tạo vẻ bế ngoài vững vàng lạc quan để gia đình người thân yên tâm, một mặt, anh âm thầm chuẩn bị cho chuyến đi xa, rất xa của mình. Từ việc bình tĩnh giải quyết các công việc thường nhật và cả lâu dài của gia đình, đến việc gấp rút hoàn thành bản thảo tập sách cuối cùng của anh. Đó là tác phẩm “Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc” dày hơn nghìn trang, được coi là tuyển tập một đời thơ Đồng Đức Bốn. Tôi đã giới thiệu anh với Giám đốc Nhà in Ba Đình của Bộ Công an nhờ giúp đỡ, in thật nhanh tuyển tập nói trên.

 Tác giả bài viết thăm gia đình cố nhà thơ Đồng Đức Bốn, năm 2010.     

Tháng 1 năm 2006, “Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc” in xong, Đồng Đức Bốn mang những bản in đầu tiên còn thơm mùi mực đến Khách sạn Hoa Hồng, nơi anh đang thuê phòng khi lên Hà Nội chữa bệnh, để trực tiếp ghi tặng bạn bè.

Nhưng cũng thời gian đó, bệnh của Bốn nặng thêm, biết mình không còn chống cự được nữa, anh quyết định tổ chức cưới cho người con trai út. Bạn bè đến dự, chia sẻ với gia đình nhà thơ rất đông, Đồng Đức Bốn đã yếu lắm rồi, hầu như không nói được. Anh phải liên tục phải dùng moóc-phin để chống lại những cơn đau vỡ ngực.

Đau lắm, có thể ra đi bất cứ lúc nào, nhưng Đồng Đức Bống vẫn nhớ sắp tới Ngày thơ Việt Nam lần thứ 4. Trong lúc nửa mê nửa tỉnh, anh kịp đọc cho con gái út chép hai câu thơ tự chọn, để chia sẻ với bạn đọc trong ngày hội thi ca: “Đừng buông giọt mắt xuống sông/Anh về dẫu chỉ đò không cũng chìm”.

Và 'chuyến đò định mệnh của cuộc đời' Đồng Đức Bốn đã chìm vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 14 tháng 2 năm 2006 (tức 17 tháng Giêng năm Bính Tuất), “Con chim mỏ vàng” đã ngưng tiếng hót đúng vào Ngày Lễ tình nhân của những đôi uyên ương trên toàn thế giới. Không hiểu sao, ngày đưa tiễn Nhà thơ lục bát Đồng Đức Bốn về nới an nghỉ cuối cùng ấy, lúc hạ huyệt, trời Quán Toan đang trong xanh bỗng  đổ mưa xối xả. Phải chăng, trời cũng thương cảm cho một tài thơ đoản mệnh?!

Mới đó mà 5 năm đã trôi qua…

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 9, năm 2011, đang đến gần, tôi cứ tin rằng: nếu còn sống, nhất định nhà thơ Đồng Đức Bốn sẽ gửi bài thơ lục bát mới nhất của mình để tham gia với Lục Bát Quán ở Hội thơ Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

 

Nhà thơ Đặng Vương Hưng

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: