Thứ bảy, 27/07/2024,


Đầu xuân xin chữ gửi về tổ tiên (Tiến Cường) (13/02/2011) 

Tuy không la liệt như ngày xưa, tục xin chữ, xin câu đối hãy còn tồn tại trong sinh hoạt văn hóa đầu xuân của dân tộc ta. Tiện đây, cũng xin thưa lại với nhà thơ Vũ Đình Liên, người cách đây chừng 75 năm đã viết về những ông đồ bày mực tàu giấy đỏ với lời cảm thán về sự mai một nét văn hiến này, với một lòng tin vui quá đỗi:

Dạ thưa ngõ phố bây giờ

Vẫn còn giấy đỏ ông đồ múa tay

 

 

 

Sinh thời, dịp đầu xuân là lúc mà cụ đồ Trung vất vả nhất, cũng là lúc mà cụ cảm thấy sung sướng nhất. Từ làng trên xóm dưới, đến những người tận đẩu tận đâu, nghe tài chữ lộc chữ cụ Trung cũng đổ đến xin cụ một đôi chữ về thờ. Có người tranh thủ xin hộ cho cả đại gia đình, bạn bè. Trong dân gian, người ta vẫn truyền tụng với nhau là năm nào nhà ai mà xin được chữ, được câu đối của cụ Trung về thờ, thì y rằng, xin gì được lấy, lộc chữ, phúc chữ của cụ dày lắm, linh lắm.

Sau khi cụ đồ Trung về với ông bà ông vải, con trai cụ là cụ Thứ, nể cái tấm lòng của mọi người, lại tiếp tục cho chữ thiên hạ đầu xuân. Người ta bảo, gia đình cụ đồ Trung là hổ phụ sinh hổ tử, để nói chữ nghĩa của cụ đồ Thứ cũng không thua cha mình là mấy. Gia đình tôi, đã thành lệ từ thời ông bà, ngày xuân đều đến gõ cửa nhà cụ xin câu đối về treo trang trọng bên bàn thờ tổ tiên. Mẹ tôi có niềm tin tuyệt đối rằng, chính nhờ những câu đối, những chữ mà các cụ đồ cho anh em chúng tôi dịp đầu xuân đã “giúp” anh em tôi học hành sáng dạ đến nơi đến chốn, cửa nhà bình yên.

Tết cổ truyền, bên cạnh ý nghĩa là ngày đoàn tụ của con người, ngày giao hòa giữa con người - đất trời vũ trụ, ngày tiễn biệt những điều xấu, điều không may của năm cũ, đón rước những may mắn cho một năm mới tốt lành, còn là dịp quan trọng nhất để người ta hướng đến ông bà tổ tiên, là dịp để con người tâm linh sống với đời sống tâm linh một cách trọn vẹn nhất.

Tết của đa số các nước phương Tây, bắt đầu từ Giáng Sinh đến hết tháng 12 năm cũ, đó là thời gian linh thiêng con người hướng đến Đức Chúa. Còn ở các dân tộc ảnh hưởng của nền Hán học Á đông, trong đó có dân tộc Việt ta, tết trước nhất là là thời điểm mà trời đất vũ trụ xoay chuyển trọn vẹn 1 vòng 4 mùa và bắt đầu khởi đầu 1 chu kỳ mới. Con người, trong cái tết cổ truyền ấy thì gác lại tất cả công việc, cùng nhau hội hè vui chơi, nhưng chẳng gia đình nào quên việc chăm chút cho bàn thờ tổ tiên và hướng về những người đã khuất. Ngày tết là khi mà bàn thờ tổ tiên được bày biện, trang trí, đèn nhang tươm tất nhất. Trong sự tươm tất đó, không thể thiếu hai dòng câu đối đỏ, cùng những chữ “thánh hiền” xin từ các cụ đồ nho.

Lan man một chút như vậy, để thấy rằng, cũng như chữ viết, và cùng với chữ viết, tục treo câu đối, treo chữ đầu xuân ban đầu khởi nguồn từ những ý niệm tôn giáo, thực hành tôn giáo. Việc treo các câu đối trước bàn thờ dịp đầu xuân là để trừ đi những điều xấu, ngăn cảm ma tà đến quấy nhiễu gia đình. Dần dần, câu đối hướng đến công lao phúc đức của ông bà tổ tiên. Việc treo câu đối để tiễn trừ ma tà, trừ cái xấu chính là mong mỏi lớn nhất, là điểm để nâng đỡ niềm tin của người xưa trong cuộc sống, chống lại nỗi sợ hãi lớn luôn luôn tồn tại trong cuộc đời họ. Nào thiên tai, nào dịch họa mất mùa, nào những điều bất hạnh, đau khổ, bệnh tật đưa đến, người ta không thể lý giải được nguyên nhân, đều quy lại đổ lỗi do ma tà gây ra. Như vậy, câu đối tết, ban đầu nó mang nghĩa như những bùa chú để mang lại niềm tin, chống lại nỗi sợ hãi của con người.

Tục xin câu đối và xin chữ đầu xuân, trước hết có được cùng với nghệ thuật thư pháp của Trung Hoa cổ. Sau đó, du nhập vào văn hóa bản địa từng dân tộc, có sự đối thoại, giao thoa, trở thành bản sắc văn hóa, trở thành nét văn hiến dân tộc. Cùng với ý nghĩa về niềm tin tôn giáo, các câu đối tết, dần dần mang vác những ý nguyện mà người đời gửi gắm về với ông và ông vải, thể hiện sự tưởng nhớ, lòng biết ơn đối với người xưa. Tiếp đó, nó còn mang theo những tâm nguyện, ước mơ, những niềm ao ước và mong muốn của con cái gia đình, mong sao được ông bà ông vải, tổ tiên nội ngoại “phù hộ độ trì” để con cháu có thể đạt được những ước muốn đó. Cũng như, cầu mong gia đình an khang thịnh vượng.

Cũng từ ngày xưa, ông đồ là người được nhân dân ta coi trọng nhất, là tầng lớp cao nhất cùng đồng hành cùng với giai cấp bị trị (Đối lập với giai cấp thống trị). Trong nhân dân, chỉ ông đồ là những người hay chữ nhất, lại là những người rộng hiểu biết. Bởi thế, tục xin câu đối, xin chữ các thầy đầu năm như là biểu hiện của lòng khao khát và tinh thần hiếu học của dân tộc ta. Việc đi học đối với những người con của nông dân lao động ngày xưa luôn chỉ là ao ước. Nhưng họ luôn muốn con cái mình, sẽ có được cái chữ, sự hiểu biết, cách hành xử lễ nghĩa, cách đối nhân xử thế ở đời của các ông đồ.  Như vậy, những ông đồ thời xưa (bản chất là những tri thức của cộng đồng không được trọng dụng) đắt người xin chữ không chỉ vì chữ đẹp, mà bởi vì nếp sống, bởi vì minh triết sống của các ông.

Người ta thì cứ than phiền và tiếc cho một nét văn hiến của dân tộc mai một. Tôi thì không thấy rõ điều này lắm. Năm nào về quê, được hầu chuyện cụ đồ Thứ, cũng đều nhận thấy người đến xin chữ của cụ ngày một đông đảo. Cụ bảo, cụ đã “truyền nghề” cho cả trăm người nghệ thuật viết chữ Hán Nôm, trong đó có cả con cháu cụ. Tết nào, cụ cũng phải nhờ các con các cháu mình phụ giúp thì mới làm xuể. Cụ kể, cả đến những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất, những ngày xuân cụ vẫn phải dậy sớm mài mực cho cha mình, cho đến khi cụ đi bộ đội. Thế mới biết, có thể chỗ này chỗ khác, văn hóa bị tiêu mòn, thì tục xin chữ, xin câu đối đầu xuân của quê tôi vẫn cứ sống và gây dựng niềm tin cho nhiều người dân, như mẹ tôi.

Tôi có được niềm vui là, mỗi lần về xin chữ cụ, lại ngồi cạnh mài mực cho cụ, lắng nghe cụ nói về ý nghĩa của từng câu đối, từng chữ. Phải thú thật là, mỗi chữ Hán Nôm, có thể dùng hàng trăm hàng ngàn trang chữ Quốc ngữ may ra mới nói hết cái hay, cái đẹp và ý nghĩa của nó. Những chữ mà cụ Thứ rất nhiều lần hạ bút cho là: Học, Phúc, Lộc, Thọ, Đức, Tài, Quý, Hành, Nhẫn, Hòa, Duyên, Hỷ, Minh, Vinh… Cụ bảo, ngày xưa dân mình ít chữ, đâu biết chữ nào với chữ nào, cứ đến trình bày với cụ đồ, rồi các cụ đồ sẽ cân nhắc những mong muốn ước nguyện mà cho chữ. Ví như, có người thì than rằng tuổi đã ngoài đôi mươi mà vẫn chưa tìm được chàng trai nào ưng ý thì cụ sẽ cho chữ Duyên. Người đến mong muốn cậu con trai của mình có thể học hành đỗ đạt thì cụ cho chữ Học. Người đến than với cụ rằng anh em gia đình vì tranh giành đất đai mà sinh ra xích mích, cụ hạ bút cho chữ Hòa. Mỗi lần cho chữ, cụ vừa múa tay trên giấy điệp, miệng giảng giải ý nghĩa của chữ mà cụ cho.

Cụ Thứ tâm sự, ngày nay, việc các hoành phi câu đối được khảm ngọc trai, trạm khắc bán khắp nơi nên cụ cũng đỡ vất hơn khoản viết câu đối. Hơn nữa, người bình dân đã có những câu đối được in sẵn, bày bán la liệt tại các phiên chợ. Nói là đỡ thôi, kỳ thực tết nào không gian nhỏ trong ngôi nhà cấp 4 của cụ cũng trở thành 1 công trường giấy đỏ bay phất phơ. Giờ đây, dù sức đã già, cụ vẫn cho chữ những người tri ân, tết nào cũng đến gõ cửa cụ như gia đình tôi. Theo cụ Thứ, người đến xin những câu đối về ơn nghĩa tổ tiên là nhiều nhất. Ví như: Tổ tiên công đức thiên niên thịnh/ Tử hiếu tôn hiền vạn đại xương (Công đức tổ tôn nghìn năm thịnh/ Hiếu hiền con cháu vạn đời ngay), Nhật nguyệt quang chiếu thập phương/ Tổ tông lưu thùy vạn thế (Vầng nhật nguyệt chiếu mười phương rạng rỡ/ Đức tổ tông lưu muôn thủa sáng ngời), Cúc dục nhân thâm Đông hải đại/ Sinh thành nghĩa trọng Thái sơn cao (Ơn nuôi dưỡng sâu tựa biển đông/ Nghĩa sinh thành cao như núi Thái)… Thi thoảng, cụ Thứ cũng ứng tác những câu đối mới tặng cho những người bạn tâm giao. Cụ bảo, riêng kho tàng câu đối của ông cha cũng có đến trăm ngàn, và đã đúc kết thành chuẩn mực, nên cụ thường viết theo người xưa. Ngoài ra, người dân còn đến xin cụ những câu đối về tài lộc, phúc đức, bình an…

Ngày xuân, dường như đi đâu ta cũng bắt gặp cảnh các ông đồ thời @ cho chữ. Đa phần các “ông đồ” này chỉ ở tuổi “anh đồ, chị đồ” rất trẻ. Họ có thể bày mực giấy tại cổng đền chùa, trong khu Văn Miếu ở Hà Nội hay trên các khu phố đông đúc và cho chữ. Không chỉ là chữ Hán Nôm, còn có nhiều chữ, nhiều câu đối được viết bằng chữ quốc ngữ cũng rất đẹp, trang nhã. Những vuông giấy có cả nẹp, đai, dây treo trông thật bắt mắt. Rồi đâu đó, trong những ngôi nhà của những người am hiểu chữ Hán Nôm, say sưa chữ Quốc ngữ cũng đều có những người bạn đến xin chữ, xin câu đối về treo. Tuy không la liệt như ngày xưa, tục xin chữ, xin câu đối hãy còn tồn tại trong sinh hoạt văn hóa đầu xuân của dân tộc ta. Tiện đây, cũng xin thưa lại với nhà thơ Vũ Đình Liên, người cách đây chừng 75 năm đã viết về những ông đồ bày mực tàu giấy đỏ với lời cảm thán về sự mai một nét văn hiến này, với một lòng tin vui quá đỗi:

Dạ thưa ngõ phố bây giờ

Vẫn còn giấy đỏ ông đồ múa tay.

---

TIẾN CƯỜNG

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: