Thứ hai, 23/12/2024,


Người ra đi vào Ngày Lễ Tình nhân (4) (13/02/2011) 

 

Một lần, khoảng cuối tháng 5-2003, gặp tôi Đồng Đức Bốn hào hứng khoe:

- Tập thơ “Chuông chùa kêu trong mưa” in năm 2002 của tôi có thể được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm nay. Sách đang được Hội đồng Thơ đọc...

Thấy Bốn vui, tôi cũng mừng cho bạn:

- Hình như ông đã có năm giải thưởng. Thêm cái thứ 6 của Hội Nhà văn là nhất ông rồi! 

- Nhưng tức quá! Có “thằng cha” nào đó lại bảo quyển ấy tôi in lại toàn bài cũ. Tiên sư nó! Chỉ được cái rỗi hơi và thối mồm, không muốn cho người khác hơn mình! Nếu biết thằng nào, tôi sẽ cho hắn một trận!

Tôi cười dàn hòa và bảo:

- Ông nên bình tĩnh, cáu giận thì chả giải quyết được việc gì!

 

Đồng Đức Bốn và Trần Huy Tản (bên phải) tiếp Nguyễn Huy Thiệp tại Hải Phòng.

 

Bốn đỏ mặt, cứ oang oang:

- Hôm nọ gặp mấy “lão” ở Hội đồng thơ, tôi đã làm toáng lên: Nếu cần, các anh cứ cho người kiểm tra, thẩm định. Nếu đúng trong tập ấy có bài in lại, tôi sẽ đứng yên để các anh chọc mù mắt thằng Bốn này đi. Còn nếu sai, thì tôi sẽ tìm ra “thằng cha” nào nói bậy, vu khống để... nhét cứt vào mồm nó. Ông thấy tôi nói thế có được không?

Cái tính thẳng thắn, bốp chát, nghĩ sao nói vậy của Đồng Đức Bốn nhiều khi rất được việc. Nhiều người ngại “đụng độ” với anh cũng vì thế. Chẳng biết “đầu cua tai nheo” ra sao, nhưng hễ cảm thấy “ngang tai trái mắt” là Bốn đã làm ầm ĩ cả lên. Thôi thì, đành phải chiều “hắn” một tí cho yên chuyện và xuôi việc. Mà suy cho cùng, không riêng gì các nhà văn, nhà thơ, sống ở trên đời này chẳng một ai muốn “chọc mù mắt” hay “nhét cứt vào mồm” cả!

Tôi ỷ tình thân thiết, mắng Bốn:

- Đã là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam rồi mà ông vẫn chẳng thay đổi chút nào. Làm gì mà phải căng thẳng thế! Theo tôi, ông chỉ cần làm một cái “Đơn đề nghị” gửi lên Hội đồng Thơ và Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, khẳng định không có chuyện in lại là được.

- Nhưng tôi dốt văn xuôi lắm, đơn từ cũng vậy, hay ông giúp tôi với?

- Được thôi. Vậy giờ tôi ngồi vào bàn máy tính. Chúng ta cùng soạn thảo đơn đề nghị cho ông luôn...

Rồi Đồng Đức Bốn đọc, tôi sửa lại. Cuối cùng, chúng tôi đã thỏa thuận được với nhau một cái “Đơn đề nghị”, nội dung như sau:

 

Đồng Đức Bốn, Đặng Vương Hưng và Nguyễn Huy Thiệp, năm 2002.

                                   

ĐƠN ĐỀ NGHỊ 

Kính gửi: Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam;

Đồng kính gửi: Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam;

Tôi là Đồng Đức Bốn, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật thành phố Hải Phòng, trân trọng đề nghị với Quý cơ quan một việc như sau:

Tôi được biết tập thơ “Chuông chùa kêu trong mưa”, (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2002) của tôi gồm 45 bài lục bát đã được Hội đồng Thơ giới thiệu xét giải thưởng Hội Nhà văn năm 2003.

Tuy nhiên, trong Hội đồng thơ có ý kiến cho rằng: Tập thơ nêu trên đã được tôi in lại những bài ở những tập trước. Về vấn đề này tôi xin được đề nghị như sau:

1- Tôi cam kết 45 bài thơ in trong tập sách nêu trên hoàn toàn là những bài mới sáng tác, chưa in trong tác phẩm nào trước đó.

2- Nếu có ý kiến khác, tôi đề nghị cho xác minh kiểm tra lại.

3- Tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về những cam kết nói trên.

Xin chân thành cảm ơn.

Người làm đơn đề nghị:

 (Đã ký)

Nhà thơ Đồng Đức Bốn

Tái bút: Khi cần, xin quý cơ quan liên hệ với tôi qua các số máy điện thoại: 0912262258, hoặc 031749965.

Soạn thảo xong văn bản, Bốn bắt tôi phải in làm năm bản, rồi anh rút bút ký rèn rẹt ngay trước mắt tôi.

- Thế là xong! Mấy “lão” trong Hội đồng Thơ chẳng còn lý do gì nữa. Họ chỉ có thể từ chối không bỏ phiếu cho tôi về tài năng, chứ không thể từ chối bỏt phiếu vì  chuyện “phạm quy” xuất bản, in lại bài cũ nữa... Mà khi Hội đồng Thơ đã gửi kết quả lên Ban Chấp hành thì tôi cầm chắc cái giải thưởng rồi.

 

***

 

Có thể nhiều người không thích Bốn. Thậm chí còn bực mình với anh vì nhiều lý do. Nhưng không một ai phủ nhận thơ của Đồng Đức Bốn. Anh đã và đang có những đóng góp nhất định cho sự trường tồn của một thể loại thi ca truyền thống và rất Việt Nam: Thơ lục bát!

Có lẽ vì thế mà Bốn đã được nhiều bạn đọc và bạn thơ yêu mến, dành cho anh những tình cảm chân tình. Một trong những người bạn thơ rất đặc biệt ấy là Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, hồi đó là Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương.

 

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm tại nhà riêng của Đồng Đức Bốn.

 

Khi còn là Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cùng Nhà thơ Bằng Việt là những người đã trực tiếp viết những dòng giới thiệu Đồng Đức Bốn với Hội đồng Thơ và Ban Chấp hành, đề nghị xét kết nạp Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam cho anh.

Khi đã ở cương vị trọng trách Lãnh đạo của Đảng, nhiều lần về công tác ở Hải Phòng, Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã bỏ qua thủ tục lễ tân của Thành ủy, Ủy ban Thành phố, trực tiếp về thăm nhà riêng của Đồng Đức Bốn ở Quán Toán. Đặc biệt hơn, rất hiếm khi Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm tặng thơ cho ai, nhưng một lần ông đã viết riêng cho Đồng Đức Bốn một bài thơ theo thể lục bát, nội dung như sau :

 

  BẠN THƠ

      (Tặng Đồng Đức Bốn)

 

Bạn chừ đóng gạch nơi nao

Văn chương lấm láp vêu vao mặt người

 

Bất ngờ bạn đến thăm tôi

Gửi cho mấy tập, ôi trời là thơ...

 

Câu dài câu ngắn ngẩn ngơ

Những rơm với lửa, những tơ với tình

 

Một người hoang dại một mình

Bơ vơ giữa phố mong thành thi nhân...

 

Lòng yêu yêu đến trong ngần

Đường xa thương vết chân trần bạn tôi

 

Mong sao bạn bớt bùi ngùi

Cố làm thơ nữa để rồi gặp nhau.

Bài thơ trên đã được in trang trọng trên tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Ngày báo ra, Đồng Đức Bốn phấn khởi mua cả trăm tờ báo tặng bạn bè. Khi báo đã hết, tìm mua đâu cũng không còn, anh còn phô tô bài thơ trên thêm nhiều bản, để phân phát khắp nơi...

 

(Còn nữa)

Nhà thơ Đặng Vương Hưng

____________

 

     Lời ngỏ: Các tác giả và bạn đọc có tư liệu ảnh chưa công bố về cố Nhà thơ Đồng Đức Bốn, muốn giới thiệu tư liệu đó trên lucbat.com, hãy gửi về địa chỉ hộp thư: dangvuonghung@gmail.com, (lưu ý: cần ghi chú thich chi tiết, hoặc thuyết minh rõ nguồn). Xin chân thành cảm ơn.

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: