Thứ hai, 23/12/2024,


Người ra đi vào Ngày Lễ Tình nhân (3) (12/02/2011) 

 

Sau bản “hợp đồng miệng” đó, bài viết đã được tôi thể hiện rất nhanh. Bởi với Đồng Đức Bốn thì tôi không cần phải tìm hiểu, lấy tư liệu như nhiều chân dung khác. Nội dung của bài viết gần như đã có sẵn trong đầu, chỉ việc ngồi vào máy vi tính gõ là chữ tuôn ra cứ ào ào vậy.

Khi tôi điện thoại cho Bốn, thông báo bài viết đã xong. Bốn mừng lắm, anh yêu cầu tôi gửi ngay cho một bản, bằng cách FAX về nhà riêng ở Quán Toan (Hải Phòng). Dịp ấy, Bốn vừa sắm được chiếc máy FAX, nhưng chủ yếu là để trưng bày cho oai, chứ gia đình anh chẳng ai biết sử dụng cả. Qua điện thoại, tôi phải hướng dẫn Bốn cách sử dụng máy từng thao tác một. Chật vật lắm, rồi Bốn cũng nhận được bốn trang bản thảo qua FAX. Đọc xong, Bốn điện lại cho tôi ngay, nói rằng anh rất ưng ý. Theo lời Bốn, thì đây là một bài viết về mình mà anh thích nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, anh cũng đề nghị tôi sửa lại vài chi tiết và nhấn mạnh thêm một số đoạn. Tôi đồng ý với Bốn.

Bản thảo bài viết được chuyển cho bộ phận biên tập An ninh thế giới cuối tháng. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiếu là người đọc nó đầu tiên. Anh bảo nội dung bài viết rất được. Thấy rất rõ là Đồng Đức Bốn. Nhưng Thiều chê cái tít “Trời cho được cái lộc thơ” hiền lành quá, đề nghị cho đổi lại. Tôi biết Thiều là một trong những người được mệnh danh là “chuyên gia rút tít”, liền nói: “Vậy thì ông giúp cho luôn đi”. Thiều ngẫm nghĩ rồi xóa “Trời cho được cái lộc thơ” đi và sửa lại là: “Vay nợ, kiện cáo, làm thơ”. Họa sĩ Lê Tâm đã làm makét trình bày cái tít đó. Nhưng khi đọc lại bản bông in thử, tôi thấy nó không ổn, vì hình như thiếu thiếu một cái gì đó...

Nhà thơ Đồng Đức Bốn cùng một số khách quý và Doanh nhân Hải Phòng

 

 Nhân cái “tứ” của Nguyễn Quang Thiều gợi ra, sau khi cân nhắc, tôi quyết định “phôn” cho Đồng Đức Bốn qua máy di động:

- Bài viết về ông Ban biên tập báo An ninh thế giới cuối tháng đọc đều đồng ý hết! Tuy nhiên, để cho hấp dẫn người đọc hơn cái tít bài chúng tôi đề nghị được đổi lại là “Vay nợ, kiện cáo, nói láo và làm thơ”. Ông thấy sao?

Một phút ngập ngừng. Bốn hỏi lại:

- Nghe khiếp quá. Nhưng vay nợ, kiện cáolàm thơ thì hiểu rồi. Còn tại sao lại có nói láo?

- Ô hay! Thì ông có tài “nói trạng” để thuyết phục người khác tin và nghe mình. Ông đã “sai khiến và điều hành” được bao nhiêu Giám đốc. Với lại, ông không thấy ngày xưa nhà văn Vũ Bằng viết tác phẩm nổi tiếng “Bốn mươi năm nói láo” đấy à? Nói láo ở đây là nói láo sang trọng, nói láo để đời theo kiểu cụ Vũ Bằng... hiểu chưa!

- Thế thì... “ô kê”! Tôi đồng ý. Ông cứ cho in nguyên văn cái tít “Vay nợ, kiện cáo, nói láo và làm thơ”. Tôi đếch sợ thằng nào nó chọc ngoáy cả!

Rồi số báo được phát hành.

Cũng như mỗi khi có báo nào in bài in về mình, Bốn thường bỏ tiền ra mua thêm hằng trăm số để tặng bạn bè. Riêng báo An ninh thế giới cuối tháng số 15,  anh đã mua tới 200 tờ để tặng khắp Hải Phòng, thậm chí còn photo thêm mấy trăm bản trang báo có bài in ra tặng mà vẫn không đủ nhu cầu...

Làng văn thành phố Hoa Phượng Đỏ, làng văn Hà Nội và nhiều nơi... xôn xao khi đọc bài viết về Đồng Đức Bốn. Ai xem xong cũng đều gật gù, hả hê và bình phẩm thêm. Người thân của Bốn thì bảo tôi đã chê bai và phê bình anh; kẻ ghét Bốn lại bảo tôi khéo khen ngợi, thanh minh và bảo vệ cho anh. Thôi thì tuỳ cảm nhận của người đọc, mỗi độc giả đều có quyền phán xử của riêng mình.

Riêng Đồng Đức Bốn thì bỗng dưng im lặng và anh đã “lặn mất tăm” gần tháng trời không thấy đến tòa soạn An ninh thế giới.

 

Một trong nhiều sự kiện Đồng Đức Bốn tham gia tổ chức.

Một ngày nọ, Bốn bất ngờ xách cặp gõ cửa phòng làm việc của tôi. Vẫn đầu tóc chải mượt, giày da đen bóng lộn, bộ com lê là thẳng nếp, cavát thắt ngay ngắn cứ vài ba phút lại chỉnh sửa một lần. Giọng anh ta oang oang:

- Tôi mệt mỏi quá ông ạ! Cứ phải thanh minh về bài báo của ông suốt. Thì ra sự nổi tiếng cũng làm cho con người ta khổ sở thật. Chẳng trách mấy ca sĩ siêu sao thường phải trốn tránh các fan hâm mộ mình cũng là phải. Ai gặp tôi, cũng túm áo lại hỏi về bài báo trên An ninh thế giới. Kể cả bà vợ ông Trần Huy Tản, (Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Hải Phòng) rồi vợ ông Đại tá Phạm Hiệp (Phó giám đốc Công an thành phố Hải Phòng)... Họ chỉ đọc mỗi cái tít bài, rồi lo lắng thay cho tôi: Sao hai ông chơi với nhau mà lại viết “ác” thế? Tôi hỏi lại: Thế các bà đã đọc kỹ bài viết ấy chưa? Cái tít là một chuyện, nội dung bài báo viết gì mới là quan trọng chứ!

Rồi Bốn cười hà hà, chửi tục ầm ĩ, thật sảng khoái.

Bây giờ thì mọi chuyện đã qua cả rồi! Bốn lại đều đặn xách cặp vào phòng làm việc của tôi những khi có việc từ Hải Phòng lên Hà Nội. Có những sáng sớm mới từ nhà ra cơ quan làm việc, chưa kịp mở cửa phòng, tôi đã thấy Bốn đợi bên ngoài chờ cùng đi ăn sáng. Vừa ăn phở, Bốn vừa khoe một bài thơ lục bát mới viết khi “ngủ gật” trên đường. Anh vẫn viết đều đặn và rất khoẻ. Bốn hể hả thông báo với tôi:

- Năm con Dê này tôi làm cái gì cũng thuận cả. Tiền bạc cứ “vào như nước”. Tôi vừa tậu thêm ba “con” xe đắt tiền: một “Acòng”, một Dylan và một  Averis nữa... Tất cả gần ba trăm triệu đồng! Cuối năm nay, nếu không có gì thay đổi, tôi sẽ tậu ô tô. Tôi sẽ mua một chiếc xe màu đen, trị giá khoảng từ Bốn đến Năm trăm triệu đồng. Hai thằng con trai tôi đều lái xe giỏi. Mình lại có tiền, tội gì mà không chơi!

 

Đặng Vương Hưng và Đồng Đức Bốn trước casino Đồ Sơn (Hải Phòng)

 

Tôi tin rằng Bốn không nói khoác. Nghe kể, có lần anh vào thành phố Hồ Chí Minh, đi dạo phố cùng mấy người bạn văn, trong đó có nhà thơ Trương Nam Hương. Cả bọn kéo nhau vào một tiệm bán đồng hồ. Thấy Bốn mải mê ngắm một chiếc Longzin đắt tiền, có anh bạn đùa:

- Nếu thích thì mời Nhà thơ lục bát xứ Hải Phòng mua làm kỷ niệm đi. Loại ấy mặt gắn hạt xoàn, dây đeo toàn vàng Tây đấy. Giá cũng “rẻ” thôi, có mỗi... ba mươi triệu đồng.

Bỗng nhiên, Bốn nổi khùng lên:

- Ông tưởng tôi thiếu tiền à? Nếu thích thì... chết tôi cũng mua! Bà chủ bán hàng đâu? Gói ngay cho tôi chiếc này! Lấy luôn cả chiếc nhẫn vàng trắng, có đính hạt xoàn bốn ly, giá hai ngàn đô la kia nữa! Tôi quyết định đeo luôn cả hai thứ cho nó... sướng tay, cho... lác mắt thiên hạ!

Rồi Bốn rút ngay trong cặp xách ra một chiếc phong bì, đếm đủ 4.000 đô la trả tiền mua hàng. Chẳng biết sau này thiên hạ có ai “lác mắt” vì cái đồng hồ và chiếc nhẫn đắt tiền đó chưa? Nhưng lúc ấy, cả nhóm bạn văn đều phải tròn mắt, nhìn Đồng Đức Bốn kinh ngạc thật sự.

Một ngày đầu tháng Sáu năm 2003, Bốn tìm đến tôi, không giấu nổi niềm vui:

- Khoe riêng với ông thôi: Tôi vừa lấy giấy phép của Nhà xuất bản Hội Nhà văn, chuẩn bị in cuốn “Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc”. Đó là một tập sách dày hơn nghìn trang, ruột in bằng giấy tốt, đóng bìa cứng. Tôi đang dự kiến sẽ đầu tư cho nó ít nhất là 150 triệu đồng. Phen này lại khiến cho khối ông trong Hội Nhà văn phải sửng sốt!

 

(Còn nữa)

Nhà thơ Đặng Vương Hưng

____________

 

     Lời ngỏ: Các tác giả và bạn đọc có tư liệu ảnh chưa công bố về cố Nhà thơ Đồng Đức Bốn, muốn giới thiệu tư liệu đó trên lucbat.com, hãy gửi về địa chỉ hộp thư: dangvuonghung@gmail.com, (lưu ý: cần ghi chú thich chi tiết, hoặc thuyết minh rõ nguồn). Xin chân thành cảm ơn.

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  nguyễn lương hiệu - luonghieuphoto@gmail.com - 0914119867 - 112/41/18 Bùi Đình Túy P.12, Bình Thạnh Tp.HCM  (Ngày 15/04/2011 04:49:16 PM)
Tôi xưng danh là Nguyễn Lương Hiệu, có thơ trong lucbat.com.
Đọc bài của nhà thơ Đặng Vương Hưng viết cho nhà thơ Đồng Đức Bốn tôi lấy làm hãnh diện và sung sướng cho lucbat.com nói chung và anh Đồng Đức Bốn nói riêng.
Tôi tin tưởng rằng, những nhà thơ chuyên về lục bát sẽ được lộc phát nhưng thơ ấy phải hiện đại nhưng truyền thống đấy nhé.
Các bài khác: