Thứ hai, 23/12/2024,


Người ra đi vào Ngày Lễ Tình nhân (2) (11/02/2011) 

Cuối năm 2001, đêm diễn những ca khúc phổ thơ Đồng Đức Bốn, với chủ đề Trở về với mẹ ta thôi ở Nhà hát Tháng Tám Hải Phòng là một kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời anh. Khán giả tới dự chật kín ghế ngồi. Hoa tặng nhà thơ và ca sĩ xếp đầy trên sân khấu... Người ta kéo đến chỉ vì yêu thơ Bốn, nhưng cũng có người đến bởi... tò mò và hiếu kỳ.

Thời gian đó, Bốn viết rất khỏe, được in cũng nhiều. Hẳn bạn đọc sẽ không tin khi tôi nói rằng “bí quyết” của cây bút chuyên lục bát này là làm thơ khi đang... “ngủ gật”! Chả là, hầu hết những bài thơ Bốn có, được sáng tác khi anh ngồi trên xe ô tô đi đâu đó. Chẳng cần giấy bút, mắt lim dim, mình lắc lư theo nhịp xe chạy, anh cứ nhẩm từng câu trong đầu cho thuộc, khi chép ra giấy thì đã thành tác phẩm hoàn chỉnh. Bốn có biệt tài nhớ và thuộc thơ rất nhanh. Tập sách dày cả trăm trang, anh có thể đọc xuôi, rồi đọc ngược cứ vanh vách, chẳng sai lấy một chữ.

Bốn có một câu thơ “nổi loạn” rất ấn tượng: Em bỏ chồng về ở với tôi không?

Chẳng hiểu đã có người phụ nữ nào bỏ chồng mình để theo anh chưa? Nhưng tôi biết, ở Hà Nội có một nữ bác sĩ đã mê Bốn như bị bỏ bùa. Mê tới mức “nàng” đã tốn không biết bao nhiêu nước mắt vì thương và nhớ “chàng”. Còn “chàng” cũng nhiều phen khốn khổ. Đó là khi bất ngờ nhận điện thoại của “nàng” và nghe tiếng nấc “thút thít” trong máy; dù xa hàng trăm cây số, Bốn vẫn phải “đội mưa đội gió” tìm về...

Với một người đàn ông tài hoa và đa tình như Bốn, thật hạnh phúc khi có được người phụ nữ yêu mình, nhưng sẽ là “tai họa” nếu như tình yêu đó hóa thành sự đam mê. Trong những “cuộc chiến ái tình”, chiến thắng lớn nhất của người đàn ông chính là sự biết dừng lại, để rút lui đúng nơi và đúng lúc. Bốn đã thừa nhận sự “thất bại nhục nhã” của anh trước người đẹp. Chính lục bát đã buộc anh phải khuất phục “nàng” mà không thể rút lui. Nhưng đổi lại, tôi biết nhiều bài thơ tình hay nhất của Bốn đã ra đời mỗi khi anh “ngủ gật” lắc lư trên xe và nghĩ về “nàng”. Thì ra phụ nữ đẹp và những mối tình lãng mạn nhất, với thi sĩ thời nào cũng đều là cái cớ để... thành thơ.

May mắn làm sao, vợ Bốn là một phụ nữ đảm đang và cam chịu. Chị rất biết đồng cảm, chia sẻ với chồng mình và nhất là luôn cố gắng để không ghen với “Nàng Thơ” của anh. Khách đến chơi nhà, dù đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ, Bốn chỉ cần khoát tay ra hiệu là vợ con cứ răm rắp đâu vào đấy. Thì ra, nhà thơ họ Đồng cũng gia trưởng và quyền uy trong nhà ra phết!

Từ phải qua: Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Nhà thơ Đồng Đức Bốn

và Nhà thơ Đặng Vương Hưng (thứ 4) tại Hải Phòng, năm 2002.

 

Nhà Bốn ở Quán Toan (Hải Phòng), cậy có đất vườn rộng, anh xây nhà to ngang với Uỷ ban nhân dân xã. Tính Bốn lại thích khoa trương, hào nhoáng, cái gì cũng mang ra bày cho sướng mắt, nên nhiều người đến thăm đều bảo nó giống như... cái cửa hàng bách hóa. Thôi thì đủ cả: Đồng hồ, đồ thuỷ tinh, điện thoại, bình hoa, xe máy... thứ nào cũng hàng chục chiếc xếp thành hàng choáng lộn. Đặc biệt là chó thì Bốn nuôi cả đàn: Chó tây, chó ta, lại còn cả chục con chó bằng gốm sứ nữa. Biết Bốn rất khoái chăm chó, Nguyễn Huy Thiệp đã hì hục khuân từ Hà Nội về một con chó đá trăm tuổi để tặng. Nhiều chuyến xa nhà mấy trăm cây số, Bốn thường gọi điện thoại về nhà hỏi thăm sức khỏe của... đàn chó ấy. Một lần, tôi thấy Bốn đang cầm điện thoại quát tháo om xòm, bỗng ngồi thừ người ra, nước mắt chảy dài...

- Nó chết thật rồi!

- Ai chết? Làm sao mà chết?

- Con chó ấy tôi yêu nhất đàn... Ai đời, thằng con tôi lại cho chó ăn xương gà cơ chứ! Ngu ơi là ngu! Chẳng cứu được nữa rồi, có khổ cho tôi không!

 Bốn có một nỗi đau, còn rất ít người biết và hiểu cho anh: Như một định mệnh nghiệt ngã, cứ sau mỗi tập thơ của Bốn ra mắt bạn đọc, thì trong nhà anh lại có một người ruột thịt ra đi... Năm tập thơ của Bốn được xuất bản cũng có nghĩa là anh đã phải lần lượt gạt nước mắt để vĩnh biệt người cha, con trai, em ruột và cả hai thằng cháu ngoại bé bỏng... (Và khủng khiếp hơn: sau tập thơ thứ sáu của của Đồng Đức Bốn “Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc” ra đời, anh đã phải trả giả bằng cái chết của chính mình).

Đồng Đức Bốn là vậy. Anh bảo cái tuổi Mậu Tí (1948) của mình ai cũng quen “ăn sóng nói gió”, tính nóng như lửa, nhưng được cái nhiệt tình với bạn bè. Mà bạn của Bốn thì nhiều lắm. Chính anh cũng chẳng nhớ hết rằng mình đã quen và thân được bao nhiêu! Bởi thế mà người yêu Bốn thì rất nhiều, mà kẻ ganh ghét với anh cũng không hiếm.

Nhưng chẳng lẽ cứ phải như vậy, thì thơ mới hay chăng?

 Điều an ủi lớn nhất của Bốn là “Trời cho được cái lộc thơ”. Ai có được cái “lộc” ấy, thì đâu cần sấp ngửa vội vàng, cứ đàng hoàng ung dung mà tận hưởng suốt đời không hết.

 

Nhà thơ Đồng Đức Bốn tại Lăng Khải Định - Huế, năm 2004.

 

Và cho tới tận lúc đi xa, Đồng Đức Bốn vẫn luôn thừa nhận điều ấy: thơ đã vận vào đời anh với biết bao sự buồn vui, đau khổ, hạnh phúc... Thơ cho Bốn làm người và nếu không có thơ thì chẳng ai hình dung ra Đồng Đức Bốn thế nào cho đúng.

 

II.

 

Toàn bộ phần bài viết trên đã được tôi cho in trên tờ An ninh thế giới cuối tháng số 15, phát hành tháng 11-2002 với tựa đề là “Vay nợ, kiện cáo, nói láo và làm thơ- Đó là một cái tên bài báo đầy ấn tượng, từng gây nhiều tranh cãi, mà tôi viết về Đồng Đức Bốn.

Nói rằng, tôi đã viết bài báo nói trên theo “đơn đặt hàng” của Đồng Đức Bốn cũng đúng, mà nói tôi đã tuỳ hứng, tự nguyện viết về anh cũng phải. Chẳng là, vốn chơi với nhau đã lâu, tôi lại thường xuyên viết cho chuyên mục “Chuyện làng văn làng báo” của tờ An ninh thế giới cuối tháng, nên lần nào gặp nhau, Bốn cũng giục:

- Ông đã viết chân dung cho bao nhiều người, chẳng nhẽ tôi lại không nổi tiếng bằng họ? Thơ tôi không hay bằng họ? Hay tài tôi kém họ? Phải viết về tôi đây này! Thằng Đồng Đức Bốn xứng đáng để Đặng Vương Hưng viết lắm chứ!

Khất lần khất lượt mãi chẳng xong, tôi đành nhận lời với Bốn:

- Thôi được, tôi sẽ viết về ông! Nhưng, với một điều kiện...

- Điều kiện gì? - Bốn mừng quá, chộp lấy ngay - Nói đi, tôi sẵn sàng trả nhuận bút trước cho ông. Bao nhiêu cũng được!

Tôi biết, Bốn thường rất hào phóng và “chơi đẹp” với những người có công giúp mình. Khi được những nhà văn, nhà thơ, đạo điện điện ảnh, nhà phê bình, nhà báo... có tiếng viết bài,  anh sẵn sàng rút ngay chiếc phong bì năm trăm ngàn, hoặc một triệu đồng ra đưa ngay cho họ. Thậm chí, có người còn được anh tặng cả chiếc điện thoại di động đời mới, mời họ đi chơi Hải Phòng, Đồ Sơn, Cát Bà... bao ăn ngủ thoải mái. Tính Bốn vẫn vậy. Mang tiếng là vay nợ người đời, nhưng khi cần đãi bạn bè, có thể móc ví chi đến đồng tiền cuối cùng. Nhiều lần,  nhà văn Lê Lựu dẫn cả một đoàn khách về nhà Bốn. Anh và gia đình đã phục vụ chu đáo đâu ra đấy...

Tôi cười, nói với Bốn:

- Nhuận bút thì báo An ninh thế giới đã trả tôi đủ sống rồi. Tôi không yêu cầu ông trả tiền thêm đâu, nhưng phải giao hẹn trước: Tôi viết gì là tuỳ cảm nhận và hứng thú của mình, ông cũng phải vui vẻ chấp nhận.

Chẳng cần suy nghĩ, Bốn nói ngay:

- Ông muốn viết gì về tôi thì viết. Kể cả ông cứ viết thật tục tĩu, chửi toáng lên rằng “Tiên sư thằng Đồng Đức Bốn!” tôi cũng vui vẻ chấp nhận hết.

- Thế thì được!

- Nhưng mà, tôi cũng phải ra điều kiện lại: Ông phải chiều tôi một tí là ký đúng tên Đặng Vương Hưng, cấm được dùng bút danh khác!

Tôi cũng đồng ý.

(Còn nữa)

Nhà thơ Đặng Vương Hưng

____________

 

     Lời ngỏ: Các tác giả và bạn đọc có tư liệu ảnh chưa công bố về cố Nhà thơ Đồng Đức Bốn, muốn giới thiệu tư liệu đó trên lucbat.com, hãy gửi về địa chỉ hộp thư: dangvuonghung@gmail.com, (lưu ý: cần ghi chú thich chi tiết, hoặc thuyết minh rõ nguồn). Xin chân thành cảm ơn.

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: