Người từng vay nợ bạn bè nhiều như “Chúa Chổm”; từng táo tợn hỏi vợ người khác: “Em bỏ chồng về ở với tôi không?”; từng nhiều lần đỏ mặt, tía tai, cãi nhau ầm ĩ với mọi người, chỉ vì một chuyện vớ vẩn không đâu; thậm chí còn “to gan”, làm đơn kiện... cả Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam!...
Nhưng tất cả những “thói hư tật xấu” ấy của ông đều được người đời “lượng thứ” và “bỏ qua” chỉ bởi một điều may mắn: “Trời cho được cái lộc thơ”!
Khoảng mươi năm gần cuối đời, người ta thường thấy gã đàn ông này xách chiếc cặp đen, đi đôi giày đen, quần áo luôn chỉnh tề, đầu tóc thì chải mượt... có mặt trên tuyến xe khách Hải Phòng - Hà Nội.
Đó là Nhà thơ Đồng Đức Bốn – Một trong những “Cây cổ thụ” của “Rừng Lục Bát”. Ông đã đi xa đúng vào ngày Lễ Tình nhân 14-2-2006, cách đây tròn 5 năm…
LB.c xin giới thiệu bài viết tư liệu nhiều kỳ của Nhà thơ Đặng Vương Hưng, một bạn thơ thân thiết của Đồng Đức Bốn lúc sinh thời.
I.
Thực ra, cái danh xưng “Nhà thơ” của Đồng Đức Bốn mới được Hội Nhà văn Việt
Tôi nhớ rất rõ, hồi chúng tôi đang học khóa III Trường Viết Văn Nguyễn Du (1986- 1989); một hôm, phòng trọ có khách đến chơi... Anh ta tự giới thiệu:
- Nhà thơ Đồng Đức Bốn - Tác giả của Con ngựa trắng và rừng quả đắng đây!
Dạo đó, việc xuất bản chưa “thoáng” như bây giờ, các tác giả phải “xếp hàng” dài chờ đợi, nên có được tập sách là rất khó khăn, in thơ lại càng khó hơn. Bởi thế, Con ngựa trắng và rừng quả đắng quả là ấn tượng với chúng tôi.
Rồi như để chứng minh sự “sang trọng” của mình, Đồng Đức Bốn sốt sắng mời chúng tôi ra quán chè chén. Anh bốc mấy gói lạc rang rồi gọi liền mấy chai bia Hà Nội, bật nắp bôm bốp:
- Cứ ăn và uống cho thoải mái nhé. Tôi biết học trò các ông là đói lắm. Phải ăn thiếu, uống khát thì làm sao mà viết văn và làm thơ hay được!
Lúc đứng lên thanh toán xong, Bốn còn bảo:
- Tớ làm đại diện cho Công ty Xuất nhập khẩu Súc sản gia cầm Hải Phòng tại Hà Nội, nên thường xuyên ở khách sạn Đồng Lợi, gần ga tàu . Lúc nào rỗi mời các ông đến chơi, cần giúp gì thì cứ nói, đừng ngại...
Còn đang là thời “bao cấp”, người ta quen ăn uống kiểu “tem phiếu”, nên sinh viên nội trú khổ sở lắm, thấy Bốn hào phóng, lại “xài sang”, chúng tôi đều rất “nể”...
Bẵng đi một thời gian, đám bạn cùng học gặp lại mời nhau ra quán bia hơi. Có người tình cờ nhắc:
- Lâu lắm các ông có gặp Đồng Đức Bốn không? “Thằng cha” vay tôi mấy trăm ngàn, cứ khất lần khất lượt mãi chẳng chịu trả.
Một anh bạn khác bảo:
- Cả tôi cha ấy cũng nợ mấy trăm mà chưa đòi được...
Rồi một hôm, Bốn tìm đến cơ quan tôi công tác, giọng hớn hở khoe:
- Đi ăn trưa nhá, đang có rất nhiều tiền.
- Nhiều... tiền? Sao ông không trả nợ đi!
- Thì hôm nay trả hết chứ sao, chỉ còn mỗi mình ông thôi đấy.
Nói rồi, Bốn mở cặp chìa ra một xấp tiền mới thật. Đếm tiền đưa tôi xong, anh rút thêm mấy tờ bạc, giọng rất chân tình: “Lâu lắm không đến thăm nhà, gọi là cho các cháu gói bánh”.
Bốn đã nói thế thì sao mà từ chối được. Tôi hỏi nhỏ:
- Lấy đâu ra nhiều tiền vậy?
Bốn cười hề hà:
- Không buôn lậu, cũng chẳng được ai “hối lộ”; trước thiếu tiền in thơ tôi mới đi vay, nay bán được thơ rồi có thì mang trả... Hôm nọ, thấy Hoàng Trần Cương kêu khổ vì hết tiền, tôi tặng luôn “hắn” 25 “đô”, tôi cũng “biếu” Nguyễn Trọng Tạo 20 “đô”, “biếu” Đỗ Chu 300 ngàn để bọn “hắn” uống bia. Hôm qua, nghe Nguyễn Xuân Hải (Báo Công an nhân dân) bảo chuẩn bị về xây mộ cho ông già, tôi làm luôn chiếc phong bì 500 ngàn để “hắn” thắp hương giúp. Sáng nay qua báo Văn nghệ, thấy Phạm Tiến Duật đến hỏi vay tiền bạn mà không được, tôi rút ví ra đưa luôn. (Chắc “lão” ấy ngạc nhiên lắm, vì đây không phải lần đầu tôi cho “lão” tiền, dù tôi biết chính “lão” đã cố tình “phá” tôi vào Hội Nhà văn mấy năm liền!).
Nhân chuyện Đồng Đức Bốn “vào Hội”, làng Văn ở Hà Nội và Hải Phòng cũng đã xôn xao một dạo. Chẳng là, sau nhiều năm nộp hồ sơ mà không có kết quả, Bốn đã làm đơn để... kiện Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn VN và Nhà thơ Đồng Đức Bốn
Nhưng Ban Chấp hành Hội Nhà văn ngày đó có tới cả chục vị. Ai cũng tự an ủi mình vì nghĩ rằng “Chắc thằng Bốn nó chừa mình ra”, chấp làm gì cái gã “Chí Phèo đời mới”cho mệt!
Bốn tức lắm, anh ta nổi khùng lên. Mà khi đã khùng rồi thì Bốn hay nói tục, lời lẽ to tát, côn đồ và bất chấp tất cả. Mỗi lần bước chân đến ngôi nhà số 9, phố Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội (Trụ sở làm việc của Hội Nhà văn Việt
- Thơ tôi hay! Tài tôi có. Tiền tôi cũng không thiếu! Xét mọi mặt thằng này chẳng kém ai. Thậm chí còn hơn rất nhiều vị hội viên khác... Vậy tại sao Hội đồng Thơ không bỏ phiếu cho tôi? Tại sao Ban chấp hành không kết nạp tôi vào Hội?
Người có công tháo chiếc “ngòi nổ” của Bốn là nhà văn Hữu Ước. Một lần gặp Bốn đang oang oang, vung tay vung chân trong sân Hội Nhà văn, Hữu Ước khéo léo kéo Bốn về Tòa soạn An ninh thế giới. Anh rót đầy hai ly rượu mạnh, giục uống cạn, rồi nói nhỏ:
- Ông ngốc bỏ mẹ! Muốn được việc mình thì phải chịu nhún một tí, phải làm cho người ta hiểu mình, đồng cảm với mình đã. Hãy rút đơn kiện đi, để tôi bày cách cho. Nghe tôi đi, đảm bảo năm nay ông được kết nạp!
Năm ấy, Đồng Đức Bốn được công nhận là Hội viên Hội Nhà văn Việt
Nhà thơ Đồng Đức Bốn, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
và nhà văn Trần Thùy Mai, tại Hà Nội, năm 2005.
Bây giờ thì Bốn thường xuyên có mặt tại Hà Nội. Anh thuê xe ôm cả ngày, nhiều lần còn có xe ô tô đưa đón đàng hoàng. Nhưng dù đi bằng phương tiện gì thì Bốn cũng ăn mặc rất chải chuốt: Quần áo là thẳng nếp, cavát thắt cả ngày, giày da lúc nào cũng bóng lộn, tóc chải mượt và mày râu thì luôn nhẵn nhụi...
Với cái vẻ bề ngoài kể trên, mới gặp Bốn lần đầu, nhiều người dễ lầm tưởng anh là một cán bộ... Chánh văn phòng, chuyên làm công tác ngoại giao, hay đại loại liên quan đến công việc lễ tân, đối ngoại gì đó...
Ngồi với bạn bè, Bốn thường lôi trong túi quần ra một chiếc... điện thoại di động loại môđen nhất, rồi bấm số nhoay nhoáy:
- A lô, Tổng giám đốc đấy à? Thưa “bố”, tôi chưa xin được chữ ký cho “bố” đâu. Chiều nay tôi đã hẹn làm việc trên Bộ rồi, ông ấy giải quyết ngay, cứ yên tâm đi!
Hoặc:
- Làm gì mà ông phải lo lắng đến thế! Tôi vừa gặp Bí thư thành phố đầu giờ sáng nay. Cả Chủ tịch tỉnh cũng đã đồng ý rồi. Mọi việc có tôi lo là đâu vào đấy hết! Nhưng nhớ xong việc là phải biết cảm ơn người ta cho chu đáo, nghe chưa!
Lắm khi bất ngờ nhận được điện thoại của Bốn gọi từ đâu đó. Giọng anh oang oang, trịnh trọng như đang trên sân khấu. Sau khi thưa gửi một hồi, anh khoe rằng mình đang dự chiêu đãi, ngồi cùng bàn tiệc với các ông A, ông Bê, lại có cả bà Xê nữa... toàn những nhân vật VIP nhất thành phố. Không tin hả? Vậy thì để chứng minh điều tôi kể, nói chuyện với ông Dê giám đốc sở nhé nhá.
Mặc dù bị “bỏ bom”, phải chào hỏi nói cười gượng gạo mấy câu, nhưng cả hai bên nói và nghe chẳng ai nỡ giận Bốn. Bởi, suy cho cùng thì anh chỉ làm sang cho họ thôi mà!
Không ít người đã thắc mắc hỏi tôi:
- Đồng Đức Bốn làm nghề gì?
- Ô hay, anh ta là nhà thơ, thì “nghiệp vụ chuyên môn” là... làm thơ, chứ còn làm gì nữa!
- Không, là anh ta làm gì để kiếm sống cơ?
Tôi cười:
- Đó là nhờ sự yêu mến của bạn bè và “Trời cho được cái lộc thơ” (một câu thơ của Bốn).
Quả thật, Bốn biết rất nhiều nơi và quen cũng rất nhiều người. Và anh có cái tài thuyết phục để “chắp nối” họ với nhau. Cũng nhờ cái khả năng “trời cho” này, mà nhiều bạn bè đã chịu ơn Bốn, khi anh sốt sắng vác hồ sơ đi xin việc cho con cháu họ. Nghe nói, thời buổi cơ chế thị trường “người khôn của khó” này, có những việc làm phải tốn cả ngàn “đô”, chưa chắc đã “xuôi”, nhưng với Bốn thì chỉ cần mời anh một vại bia hơi, là đâu vào đấy cả!
Nhiều người quý Đồng Đức Bốn, đơn giản chỉ vì anh làm thơ lục bát và “thơ Đồng Đức Bốn hay” (chữ dùng của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp).
Trong mười năm trước khi mất, Bốn đã cho in năm tập thơ:
- Con ngựa trắng và rừng quả đắng (1992);
- Chăn trâu đốt lửa (1993);
- Trở về với mẹ ta thôi (2000);
- Cuối cùng vẫn còn dòng sông (2000);
- Chuông chùa kêu trong mưa (2002).
Và ấn tượng nhất là tổng tập cuối đời Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc , do Nhà xuất bản Hội Nhà văn, ấn hành 2005, dày cả ngàn trang khổ lớn.
Cũng hiếm có người viết nào trong mấy năm đoạt tới năm giải thưởng các cuộc thi thơ như Bốn, trong đó có giải của Báo Văn nghệ, của Tạp chí Văn nghệ Quân đội và của Báo Tiền phong...
(Còn nữa)