Thứ tư, 15/01/2025,


Lá thư viết cho… mưa (Miên Di) (09/02/2011) 

Bây giờ ngày ấy mai sau

em mười bảy tuổi và câu thơ buồn

giọt mưa rơi xuống cội nguồn

bởi chưng mái giột mưa còn ướt anh

 

một ngày héo một ngày xanh

một đời nhớ một đời thành lãng quên

Gửi H. (Nguyễn Trọng Tạo)

 

 

Pleiku thương!

Pleiku vào mùa mưa rồi! Câu nói này sao nghe như... tiếng thở dài, trời Pleiku mùa mưa lạ lắm! Không gian cũ kỹ, chẳng níu đâu mà sao cứ tìm về… Tiếng mưa biết tỉ tê, cứ thỏ thẻ như một giai tư buồn lệ giọt, thứ buồn vừa ủ ê vừa trong trẻo, phong phanh như cái lạnh gầy gầy.

Chẳng biết ngày xưa, nhạc sĩ họ Trịnh có lần nào đến Pleiku chưa, nhưng chiều nay nhìn mưa Pleiku nghe "Lời buồn thánh", sao cứ ngỡ ông đã viết riêng cho Pleiku của mình.

Chiều nay mưa dầm dề, có gã trốn mưa trú vào cõi Trịnh, bên ly cà phê một mình tình tự cùng mưa, nghe mưa kể chuyện... Tiếng mưa chạm phố, và chạm cả vào nỗi niềm lẻ loi như tháp chuông nhà thờ lặng lẽ. Lắng nghe giai tư rưng rưng đồng vọng cùng giọt chuông gọi lễ. Chợt “thấy đời mình là những chuyến xe” đi tìm những gì mình đang có, đã có… mà quên!

Thánh đường Đức An trong mưa đẹp quá, đẹp như... "diễm xưa!" - Xin được kệ cô nàng Diễm nào đó của cố nhạc sĩ họ Trịnh là ai, xin được kệ "tháp cổ" trong cõi Trịnh ở nơi đâu. Diễm - cái đẹp của riêng tôi là Em Pleiku xưa - buồn lộng lẫy. "Tháp cổ" của riêng tôi xin cứ được là tháp chuông giáo đường trầm ngâm nhìn thế thái, mặc cho ngoài kia "mưa vẫn mưa bay" gội đi những bụi đời của nửa năm vừa rồi quê mình chát nắng.

Thời gian nhỏ giọt trên mái hiên, chầm chậm như nếp dư thanh vọng lại cuộc tình đầu, xe đạp cũ chở đôi nụ cười ướt sũng…Vui lắm! Để rồi chia tay cũng trong mưa, có lẽ khi buồn mà đi trong mưa sẽ bị ướt… hai lần! Ai từng khóc trong mưa, khi tạnh lòng sẽ thấy thấm một điều gì quạnh quẽ “như đồng lúa gặt xong”, hoang buồn như cánh đồng chỉ còn trơ lại những gốc rạ, một nỗi buồn nhẹ tênh không tím tái, chỉ nâu ấm mảnh tâm tình màu nghĩa cho đi…

Hoài niệm về Pleiku, luôn chứa một chút cảm hoài điêu tàn, không phải nét điêu tàn của cảnh vật, mà dường như một cái gì đó có dáng vẻ điêu tàn trong cõi nhớ, cứ rưng rức như tiếng dế trên quả đồi Pháo Binh, năm nảo năm nào có chú bé trốn học lên đồi đào dế trộm khoai, có "cỏ xót xa đưa" vuốt ve nét sầu lô cốt...

Tôi sinh ra khi Pleiku không còn khói lửa. Thủa nhỏ, ngẩn tò te nghe ông Sáu Cụt - người lính già đã mất cả hai chân kể chuyện đời mình, chỉ mơ hồ tưởng tượng về nỗi bất ổn thời binh biến qua "Đại bác ru đêm". Và chỉ biết nỗi đau lạc về từ chiến tranh, qua cái chết thương tâm của một người hàng xóm, làm nghề "đào hầm rác" xấu số bị dính bom Bi... Để rồi bao nhiêu năm sau đó có thiếu phụ ướt mắt, khi nghe “Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây…”. Có lẽ khi viết đoạn ca từ này Trịnh Công Sơn đâu ngờ rằng mình đã đặt tên cho bao nỗi đau đời góa phụ…

Có những nỗi buồn đã qua mà vẫn mãi bi ai, như những quả mìn đâu đó chưa gỡ hết, như những mảnh đạn còn nhức nhối trong thân thể người thương binh già tàn tật... Nhưng cũng có nỗi buồn trở nên lung linh khi thuộc về quá vãng. Mưa Pleiku là thế, là nét buồn lộng lẫy - Mưa để người ta hoài niệm, mưa để người ta thương nhớ địa đàng tuổi thơ, thứ "địa đàng còn in dấu chân, bước quên", địa đàng ấy ai ai cũng từng để lại dấu chân mình, nhưng vì nhịp đời vội vã mà lãng quên... Để rồi, đôi khi chỉ còn biết cậy nhờ vào khoảng lặng trong mưa, nâng niu đếm lại những "bước quên" quí giá ấy của đời mình.

Pleiku bây giờ, như cô gái vừa qua cái tuổi dậy thì dễ thương, nhưng chưa kịp chín mùi nét mặn mòi thiếu phụ. Ừ... cũng đúng thôi, lớn lên rồi ai chẳng thế! Chỉ có mưa là dường như còn chút nào đó muốn níu lại, vẫn muốn nhắc nhớ những gì xưa cũ..."Em còn nhớ hay em đã quên?" mùi nhựa cây Long Não sau mỗi cơn mưa vội nồng nàn như thịt da trinh nữ. Còn nhớ hay quên quán nghèo và cái cassette cũ mèm - cũ vừa cũ vặn với những dòng tâm tư uể oải của giọng hát Khánh Ly. Còn nhớ hay quên những chiếc xe "Đốt" chạy bằng than chật cứng người chở những nhọc nhằn và niềm vui mộc mạc. Và còn nhớ không mảnh bao ni - lông chụm đầu nhau đội cái nghèo đến lớp...

Chiều nay, trú mưa trong cõi Trịnh, trộm nghĩ... nếu Trịnh Công Sơn cùng sống với Pleiku xưa của tôi, thì không gian mung miêng mưa dầm rả rích của xứ mình hẳn đã đi vào ca từ của ông, thì phố nghèo lóc cóc dốc đá xưa kia đã là nhịp điệu cho những bài ca... Có lẽ, nếu được thế thì giờ đây đâu cần phải trú tạm trong cõi Trịnh mà viết lá thư này thương gửi... mưa xưa! Mưa Pleiku bây giờ tạnh vội rồi, chỉ ướt được những ngược xuôi xốc nổi, mà chẳng kịp đẫm vào cõi miền trắc ẩn người ta. Mưa mà cũng… đổi thay, trách chi lòng người…Mưa nhỉ!

 

Pleiku một chiều mưa.

Miên Di

Liên hệ: ngoi_nau@yahoo.com

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: