Chủ nhật, 08/09/2024,


Tôi hiểu Việt Nam nhiều hơn qua tết (Nguyễn Thị Hạnh Weigl) (07/02/2011) 

Lòng tôi xoay tít hòn bi

Tết là trở lại thời kỳ thiếu niên

Chờ ăn tóp mỡ ngoài hiên

Tôi ngồi xem chảo thôi miên lửa bừng

 

Chiều ba mươi khói cũng mừng

Củi mong đượm lửa xin đừng thành than

Nghĩ thương dao thớt cơ hàn

Mới hơi hám thịt, đã tràn tiếng kêu

 

Khói nâng mái rạ lên chiều

Cha nhờ gió buộc cây nêu mưa phùn

Tôi ngồi xem lửa run run

Mẹ manh rế rách chổi cùn giấu đi

 

Giao thừa pháo chuột hi hi

Mẹ cha cho tuổi mà đi thành người

Ngoảnh thương mây lạnh trắng trời

Những mơ quánh lại trong nồi thịt đông.

Tết xưa (Trần Mạnh Hảo)

 

 

 

Nguyễn Thị Hạnh Weigl được nhà thơ Bruce Weigl nhận về Mỹ nuôi từ lúc 8 tuổi. Sống trong một gia đình với cha người Mỹ và mẹ là người Nhật, được sự động viên và giúp đỡ của bố mẹ, cô đã duy trì được tiếng Việt. Hiện nay, Hạnh có thể nói và viết được tiếng Việt lưu loát. Cô đã dịch quyển hồi ký nổi tiếng “Vòng tròn của Hạnh” của cha mình (nhà thơ, giáo sư Bruce Weigl) sang tiếng Việt.

Quyển hồi ký đã được ra nhà xuất bản Phụ Nữ ra mắt ở Hà Nội vào tháng 12, 2010.  Bài viết “Tôi hiểu Việt Nam nhiều hơn qua Tết” do chính cô viết bằng tiếng Việt và gửi về Việt Nam, từ mùa đông Ohio giá rét.

Tôi được sinh ra và lớn lên trong một túp lều nhỏ ở một ngôi làng nhỏ rất nghèo ở Bình Lục, Hà Nam.  Tết trong trái tim tôi thủa ấy và bây giờ đã thay đổi nhiều như những thay đổi của đất nước Việt Nam trong 23 năm qua.

Thủa ấy, gia đình tôi chỉ bao gồm hai mẹ con tôi.  Ngày Tết, tôi không có những bộ quần áo mới như các bạn cùng xóm. Tôi không nhớ mình đã đi chúc Tết ai và ít ai tới túp lều của mẹ con tôi.  Tôi không biết mâm cỗ Tết của  các gia đình hàng xóm ra sao nhưng mẹ con tôi ăn Tết mà không có giò chả, chỉ có nồi cơm, một đĩa bánh chưng và một phần thịt lợn nho nhỏ mẹ tôi đã phải vất vả lắm mới kiếm được. Mẹ tôi đã thức thâu đêm luộc bánh chưng. Những ngày tháng đó tôi thật hạnh phúc và chưa một lần cảm thấy mình thua kém bạn bè trong xóm.  Đó là những gì tôi biết và nhớ về ngày Tết thủa ấy.

Năm tôi 8 tuổi, mẹ tôi quá nghèo và lâm bệnh nặng. Vì thế mẹ buộc phải đưa tôi vào một trại trẻ mồ côi gần nhà để tôi được chăm sóc tốt hơn. Cùng năm đó, tôi đã được gia đình Weigl nhận về làm con nuôi. Bước chân sang Mỹ, tôi rất bỡ ngỡ, bàng hoàng và đau đớn. Tôi đã khóc cả ngày cả đêm, và khi không khóc lóc, không la hét bố mẹ đòi về, thì tôi ngủ triền miên. Để giúp tôi bớt nhớ nhà, hầu như ngày nào bố mẹ tôi cũng mua băng nhạc, video, và sách vở để tôi bớt đi nỗi nhớ. Hàng tuần, bố mẹ đưa tôi đi mua thức ăn Việt Nam và kết bạn với người Việt. Cứ tới dịp Tết bố mẹ tôi lại mời bạn bè Việt đến để nấu ăn ngay tại nhà tôi để tôi nguôi đi nỗi nhớ.  Sau khi ăn xong, chúng tôi hát hò, chơi đùa và đi chùa.  Nơi tôi sống, ở thành phố Cleveland, tiểu băng Ohio, Mỹ, chúng tôi thường đón Tết cùng tuyết rơi. Cái lạnh của thời tiết khiến tôi cảm thấy sự ấm áp sum vầy của gia đình.

Tuy nhiên, tôi thật sự chỉ cảm nhận được tầm quan trọng của Tết trong trái tim người Việt khi được trở lại quê hương và đón Tết ở Việt Nam vào năm 2009. Lần đầu tiên trong hơn mười lăm năm ở Mỹ, tôi được về Xuân Trường, Nam Định, để cùng gia đình nhà họ Hoàng ăn Tết.  Sau khi rời thành phố Hà Nội  với những tiếng còi xe ầm ĩ, với sự nhộn nhịp mua sắm chuẩn bị đón Tết, sắm sửa nhà cửa của người thành thị, tôi bước xuống xe và tiến quá cổng nhà nơi mọi người đang chờ tôi ở Xuân Trường.  Nơi đây thật yên tĩnh, ít xe cộ, không khí trong lành, se lạnh như cái lạnh của những ngày Tết tôi đã được trải qua cùng mẹ ruột tôi, trong một túp lều nhỏ của một thời dĩ vãng xa xôi.  Cũng như các người mẹ Việt Nam khác, người mẹ trong gia đình họ Hoàng tỏ vẻ hết sức lo lắng, rồi ân cần giúp tôi mang đồ đạc vào nhà.  Không lâu sau ba đứa cháu cũng chạy ầm lại đón tôi như họ đã quen tôi từ thủa nào.  Lúc đó, mọi sự lo âu của tôi, sự bập bềnh về cuộc sống và sự lạnh buốt của cơn mưa đầu năm đều tan biến.  Dù các ngôi nhà ở làng quê Việt không có lò sưởi như ở bên Mỹ, trong người tôi bỗng nóng rực lên.  Sau khi ăn uống thật no, tôi cùng những người bạn mới đánh bài tới khi không còn sức để ngồi nữa.

Trong những ngày tiếp theo, các anh chị, cô gì chú bác từ khắp nơi cũng dần dần tập trung tại Xuân Trường. Dòng họ nhà họ Hoàng thật lớn, rất khác với những gì tôi đã từng biết.  Thủa bé, gia đình của tôi chỉ là mẹ ruột tôi.  Bên Mỹ, từ nhỏ tới lớn, hằng năm khoảng hai lần (ngày lễ Tạ Ơn và Noel), gia đình nội ngoại của tôi gặp nhau để ăn uống.  Không phải gia đình tôi không yêu thương nhau, nhưng đó là lối sống của người Mỹ.  Còn ở Việt Nam, vì sau Tết cũng là ngày giỗ tổ của gia đình họ Hoàng nên họ hàng càng tề tựu đông đủ.  Hằng ngày tôi chơi với các cháu trong khi các anh, các bác chuẩn bị cây quýt, cây đào, cây mai, còn bác gái dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ. Tôi được mọi người dạy làm bánh chưng, và cùng bạn ra vườn đào khoai lang, nướng để thưởng thức hương vị ngọt ngào của củ khoai như mẹ tôi đã từng nướng cho tôi ăn khi tôi còn bé.

Tôi được biết chúc Tết phải chúc theo thứ tự.  Bác trai nhà họ Hoàng là anh cả nên ngày mùng một rất đông người tới chúc tết.  Mỗi người một câu chúc khác nhau, rồi tiếp theo những nụ cười rồi tới những đồng tiền mừng tuổi cho các cháu.  Tôi ngồi cố gắng thẩm thấu hết những gì đáng xảy ra xung quanh để có thể đem những kỷ niệm này về Mỹ cùng tôi. Thi thoảng tôi hỏi vài câu, trả lời vài câu. Tôi đã ăn thật nhiều như tôi chưa từng được ăn - những thức ăn ngon nhất trên thế giới này.  Và đúng thật, các món ăn Tết này tôi chưa từng được nếm qua.  Sau đó tôi được theo anh chị và các bác đi chúc Tết.  Mỗi nhà mỗi một cảnh và tôi rất hãnh diện được đi chung với bác trai vì tôi cảm nhận được gia đình họ Hoàng được rất nhiều người tôn trọng. 

Trong vài ngày sau, anh chị cả dẫn tôi đi chùa để xem quẻ.  Tới ngày giỗ tổ, tôi theo rõi mọi người chọc tiết lợn và cùng nhau ăn uống.  Ngày đó có tới hai mươi mâm cơm và mọi người phải lần lượt thay nhau ăn.  Hằng đêm những người đàn ông trong họ tụ tập ngoài sân chùa tổ để đánh các loại bài.  Họ lần lượt thức thâu đêm để trông chùa.  Thi thoảng tôi đi bộ sang để xem.  Tôi chưa bao giờ, kể cả trong gia đình tôi, chứng kiến sự đoàn kết và xum vầy của một gia đình như những giờ phút đó.  Trong suốt hai tuần ăn Tết ở đây, sự tiếp đãi ân cần của gia đình họ Hoàng làm tôi hiểu rõ hơn về phong tục của người Việt và sự quan trọng của tình cảm gia đình, nhất là trong những ngày Tết. 

Sau khi tôi rời khỏi Việt Nam năm 1995, tôi đã cố gắng giải mã sự bí ẩn về gia đình ruột thịt của mình,  tại sao mỗi Tết lại chỉ có mỗi mẹ con tôi.  Tôi đã từng tìm tới gia đình ruột thịt, để rồi chỉ tìm tới sự thất vọng.  Dần dần tôi nghĩ mình phải quên nó đi, và vì thế tôi đã quên đi nhiều kỷ niệm của ngày Tết tại Việt Nam.  

Đến Tết năm ngoái, tôi mới hiểu và cảm nhận được gia đình đối với người Việt có ý nghĩa ra sao, và như một người ngoại quốc, tôi mới hiểu thấu được làm người Việt có ý nghĩa gì. 

Lớn lên ở Mỹ, tôi có những người bạn vẫn chưa hay biết gì về Việt Nam.  Có người chỉ biết nó là một cuộc chiến tranh trong dĩ vãng, hoặc một đất nước của những cô gái tóc dài yêu kiều, của những người chiến sĩ dũng cảm, của chiếc nón lá, đàn bầu, hay những tô phở có khả năng điều trị hầu hết các căn bệnh do thời tiết gây ra. Đó là đất nước Việt Nam trong ánh mắt của những người nước ngoài.  Ít ai biết về Tết.  Những người biết thì chỉ mang máng hiểu đó là năm mới của Việt Nam, giống người Trung Quốc, còn ý nghĩa của nó thì từa tựa như Noel của Mỹ. Nhưng ít ai đã có dịp thưởng thức và cảm nhận được ý nghĩa thực sự của Tết. Giờ tôi luôn nói với bạn bè rằng để thật sự hiểu về Việt Nam, hãy cùng tôi mua vé máy bay về Việt Nam ăn Tết.  Có những điều về văn hóa người Việt, chúng ta không thể nào hiểu được qua những bài nghiên cứu, qua những cuốn sách lịch sử hay có thể mua được bằng những đồng đô la.  Chúng ta phải trải nghiệm cuộc sống của người Việt, mới có thể cảm nhận được một phần nào bản sắc văn hóa độc đáo của Việt Nam.

Theo cảm nhận của riêng tôi, Tết không chỉ tượng trưng cho niềm tin vào những sự tốt lành và sự may mắn trong cuộc sống, mà còn thể hiện tình yêu thương và gắn kết trong gia đình. Nhất định trong tương lai sẽ có rất nhiều người bạn Mỹ cùng tôi về Việt Nam ăn Tết, vì tôi biết, họ sẽ rất thích thú được trải nghiệm cảm giác được là thành viên của một gia đình lớn luôn yêu thương, gắn bó và xum vầy – như mỗi người Việt Nam luôn đối xử với gia đình mình trong những ngày Tết.

NGUYỄN THỊ HẠNH

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: