Con tìm về thăm mộ ông
Bước lên thảm cát mênh mông quê nhà
Gió Lào rát mặt đường xa
Trắng trời trắng đất trắng nhòa mộ bia
Bao năm cách biệt sơn khê
Khói hương trắng buốt trời quê...nỗi lòng
Nén này con cúi lạy ông
Cánh chim phiêu bạt lâu không trở về
Nắng mưa mưa nắng bộn bề
Nôn nao một mảnh hồn quê không nhà
Nén này xin thắp thay cha
Chiến tranh khói lửa rú xa thắt lòng
Đêm ngày cha ước thăm ông
Tưởng như gang tấc nhưng không kịp về
Chữ trung, chữ hiếu vẹn thề
Chữ chờ, chữ đợi mải mê kiếm tìm.
Bây giờ cha mãi lặng im
Lời xưa len lỏi trong tim rối bời
Thay cha con hãy nối lời
Khói mềm run rủi đất trời chiều hôm.
Nguyễn Đức Phước
Lời cha - bài thơ lục bát của Nguyễn Đức Phước được giới thiệu trên tạp chí Áo Trắng( Báo Tuổi trẻ) tháng 7/2008. Khổ đầu bài thơ tác giả vẽ một bức tranh màu trắng trải ra vô cùng vô tận:
Con tìm về thăm mộ ông
Bước lên thảm cát mênh mông quê nhà
Gió lào rát mặt đường xa
Trắng trời trắng đất trắng nhoà mộ bia.
Sự xuất hiện của một con người giữa không gian vời vợi, mênh mông, nhạt nhoà, tĩnh lặng chỉ có gió Lào và cát trắng sao mà nhỏ bé và cô đơn đến vậy. Nhân vật chính của bức tranh đang đối diện với không gian vắng bóng sự sống, chỉ có mộ bia trắng nhoà vào cát. Chỉ mấy chữ trắng nhoà mộ bia cũng đủ hiểu lâu ngày không được chăm sóc, hương khói. Tâm trạng của người con xa xứ trở về thật khó tả, anh nói chuyện với người ông đang nằm dưới mộ hay nói với chính mình:
Bao năm cách biệt sơn khê
Khói hương trắng buốt trời quê...nỗi lòng
Chỉ có ai từng phiêu bạt tha phương mới hiểu được nỗi niềm đau đáu, quay quắt trở về quê hương. Sau bao năm xa cách trở về, người thân yêu ruột rà đã thành thiên cổ, tác giả ngậm ngùi trước tấm mộ bia vô tri, giữa chang chang cát trắng. Một lời hối lỗi muộn màng anh thắp một nén nhang:
Nén này con cúi lạy ông
Cánh chim phiêu bạt lâu không trở về
Nắng mưa mưa nắng bộn bề
Nôn nao một mảnh hồn quê không nhà
Bao năm lăn lộn tất tả ngược xuôi giữa dòng đời, làm ta có lúc quên rằng mình cũng có một quê hương một nguồn cội, để rồi một lúc nào đó bừng nhớ và hối hả quay về: Nén này con cúi lạy ông, lời tự bạch bình thường mà làm ta nao lòng đến vậy, mạch cảm xúc trào lên:
Nén này xin thắp thay cha
Chiến tranh khói lửa rú xa thắt lòng
Hoá ra tác giả còn thay cha thắp nén nhang cho người ông của mình, anh không về thăm mộ vì mình mà còn cho người cha đã khuất. Anh làm việc mà cha anh chưa kịp làm, giúp cha thực hiện ước mơ mà cha chưa thực hiện được:
Đêm ngày cha ước thăm ông
Tưởng như gang tấc nhưng không kịp về
Lời thơ đến đây nghẹn ngào, cái gang tấc ấy là con sông Bến Hải cắt ngang đôi bờ, bên kia là nơi cha nằm và bên này là nơi con ở. Gần như vậy mà người con không thể thực hiện ước nguyện về thăm cha. Nén nhang thứ hai tác giả thắp thay cha nhưng cũng chính là tưởng nhớ đến người cha thân yêu nằm lại bên này sông và cũng là nỗi lòng đau đáu trở về quê hương của người cha đã khuất.
Thời gian chầm chậm trôi, màu trắng trong bức tranh như dịu lại, không còn nhức nhối bởi một hoàng hôn đang dần buông, khói hương nhè nhẹ bay lên, rất thật mà huyền ảo mơ hồ, lòng người chùng xuống. Cái không gian tĩnh lặng mênh mong như vậy thật dễ gợi buồn gợi nhớ. Vì vậy càng hiểu thêm nỗi niềm cồn cả trong sâu thẳm, đắm chìm trong ngổn ngang hoài niệm suy tư của người con xa xứ.
Nếu ở đầu bài thơ là một bức tranh tả cảnh thì kết thúc bài thơ là là một bức tranh tả tình. Tác giả đã bày tỏ hết lòng mình, trải hồn ra cùng không gian. Trái tim hướng về quê hương xứ xở, tổ tiên. Phải chăng tác giả đã và đang là nhịp cầu nối kết xưa- sau:
Bây giờ cha mãi lặng im
Lời xưa len lỏi trong tim rối bời
Thay cha con hãy nối lời
Khói mềm run rủi đất trời chiều hôm.
Nguyễn Đức Phước đã gửi trọn chữ Hiếu, chữ Nghĩa, chữ Thuỷ, chữ Trung vào những vần thơ lục bát thật uyển chuyển.
Lê Thi Kim Hạnh
(Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai)