Thứ bảy, 27/07/2024,


Chiếc bánh chưng xanh (05/02/2011) 

Tôi vẫn còn nhớ như in những ngày cuối năm ấy, khi tôi đang học lớp 9 trường làng. Buổi trưa tan tầm, mẹ đi chợ về mua bao nhiêu là thứ đồ dùng chuẩn bị cho ngày Tết nguyên đán. Thôi thì đủ cả, từ măng khô, miến dong riềng, đậu tằm, mộc nhĩ, thịt heo, cá tươi để nướng… Nhưng cái làm tôi chú ý nhất là hai bó lá dong xanh mướt. Đây là loại lá dong nếp, được lấy từ vùng miền núi Kim Bôi, Hòa Bình rồi theo tư thương mang xuống bán ở chợ Đình quê tôi. Lá dong là đặc trưng của những phiên chợ áp Tết vì bình thường ít khi mọi người dùng tới nó. Nhìn bề ngoài, chúng chẳng khác lá dong riềng có hoa màu đỏ tía hay mọc ở những bờ dậu rào quê tôi là bao. Nhưng nghe mẹ nói, đây là lá dong nếp, lấy ở trên rừng chứ lá dong tẻ thì khô giòn, dễ gãy nên không dùng gói bánh chưng được.

Sau khi mẹ mua về, ba đem ngâm bó lá dong vào trong bể nước mưa ở góc sân rồi nhìn tôi cười vui vẻ nói, ngày mai nhà mình gói bánh chưng, chuẩn bị đi để mai ba dạy cách gói, từ nay về sau cứ thế mà làm. Nghe ba nói tôi mừng rơn. Với tôi ngày ấy, được gói những chiếc bánh chưng xanh vuông vức cho cả gia đình trong dịp Tết là một việc làm hết sức to lớn và có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Ôi những chiếc bánh chưng xanh có đậu tằm, có gạo nếp, thịt heo và cả chiếc lạt giang màu hồng rất đẹp đẽ buộc thắt ngang.

Với tôi ngày ấy, đó là công việc vô cùng thích thú.

Hôm sau, tôi dậy từ sáng sớm, chả buồn ăn sáng mà chỉ chăm chú vào việc chuẩn bị gói bánh chưng. Nhà tôi hồi ấy có năm người, gồm bà nội, bố mẹ và hai anh em tôi nên ba nói sẽ gói hai mươi cái. Đầu tiên là chuẩn bị lá dong. Sau khi đo đạc cẩn thận từng chiếc lá sao cho khớp với khuôn bánh, tôi dùng dao sắc cắt vuông vắn những chiếc lá xếp trên cái nong to tướng đặt ngay giữa sân. Trời mùa xuân hanh hao và se sẽ lạnh, chú mèo con không hiểu sao bữa nay cứ quấn lấy chân tôi không dời làm tôi suýt cáu lên.

Sau đó là gạo nếp và đậu tằm được mẹ ngâm từ đêm hôm trước rồi đem vo kỹ cho vào hai cái rá to để ráo nước. Ba tôi ngồi trên hè vừa chẻ lạt giang vừa hướng dẫn tôi cách gấp lá và gói bánh. Bà nội ngồi bên cạnh nhai trầu rồi kể chuyện ngày xưa, chuyện chàng Lang Liêu gói bánh dâng vua… Mọi người đều quây quần bên chiếc nong đựng đồ để gói bánh chưng, không khí gia đình sao mà đầm ấm và thân thương quá đỗi.

Qua mấy chiếc đầu còn bỡ ngỡ, đôi bàn tay nhỏ bé của tôi cũng bắt đầu quen với những chiếc bánh. Công việc khó nhất là đặt lá sao cho vuông góc với khuôn bánh và phải buộc lạt sao cho vừa chặt lại vừa không khít quá nếu không khi luộc xong bánh nở ra sẽ là đứt dây lạt.

Thế rồi đến lúc tan tầm tôi cũng gói xong hai mươi cái bánh, còn thừa một ít gạo nếp và đậu tằm nên tôi gói một cái bánh ống, nhỏ hơn để tối hai anh em ăn trước trong lúc canh nồi bánh chưng.

Cuối cùng khi ba nhóm lửa thì tôi và mẹ cẩn thận xếp bánh vào nồi. Khi xếp không quên đặt dưới đáy nồi những cuống của lá dong để lửa khỏi bén vào bánh. Khi mùi khói thơm thơm cay nồng bốc lên thì trời cũng sâm sẩm tối. Cả nhà lại quây quần bên bếp lửa hồng nghe nồi bánh chưng sôi ùng ục với một nỗi lòng vui vui khó tả. Trong lúc luộc bánh, mẹ tôi không bao giờ quên cái dim cá. Đó là những con cá trắm to mẹ mua về thái khúc rồi nướng khi nấu bánh. Món cá nướng cũng là một đặc sản của nhiều người dân quê tôi trong những ngày Tết nguyên đán này.

Có lẽ cái cảm giác thức đêm ngồi canh nồi bánh chưng là cảm giác hạnh phúc nhất của tôi trong những năm tháng ấu thơ. Mặc dù buồn ngủ nhíu cả mắt nhưng hai anh em chúng tôi đều không chịu đi ngủ. Và dù nội có dỗ dành là cứ ngủ một chút đi rồi đến lúc vớt bánh là nội gọi dậy thì hai anh cũng cố căng mắt nhìn nồi bánh sôi ùng ục trên ngọn lửa hồng ấm áp. Năm nào cũng thế, chuẩn bị đến Giao thừa là nhà tôi bắt đầu vớt bánh chưng ra khỏi nồi. Ba chọn những chiếc bánh đẹp nhất đặt lên ban thờ, còn hai anh em chúng tôi háo hức ăn chiếc bánh ống nhỏ hơn.

Những năm sau, ngoài việc gói bánh chưng cho nhà mình tôi còn phải gói banh chưng cho nhà cô Dung và bác Mẫn hàng xóm nữa. Cứ sắp đến Tết là cái Thảo, con út bác Mẫn lại sang nhờ tôi qua gói hộ bánh. Những lúc như thế tôi tự hào lắm, cái cảm giác mình được người khác cần đến cứ làm tôi bâng lâng mãi. Lần nào tôi ngồi gói bánh, cái Thảo cũng đứng bên cạnh nhìn chăm chú rồi ước, giá mà em biết gói bánh như anh thì ba mẹ đỡ phải nhờ…rồi lại khúc khích cười khen tôi khéo tay.

Thế là năm ấy tôi lại được hàng xóm đem cho một cái bánh chưng mà tôi đã gói, thường tôi ít khi ăn luôn mà để dành tới tận ra giêng. Cùng với bộ quần áo mới và tiền ngày Tết thì những chiếc bánh chưng xanh là niềm mong đợi nhất của tôi vào dịp cuối năm. Những chiếc bánh chưng xanh không chỉ gợi lên không khí ấm cúng gia đình hay đậm đà tình làng nghĩa xóm trong những ngày Tết mà nó còn theo tôi suốt những năm tháng tuổi ấu thơ tươi đẹp ngày ấy.

Rồi tôi cũng xa nhà, xa cái làng quê nhỏ bé của xứ Đoài ấy để vào Nam đi học. Và bây giờ, sau mười bốn năm kể từ lần đầu tiên đôi bàn tay thơ dại của mình biết xoáy chiếc lạt giang màu hồng ấy tôi phải ăn Tết xa nhà.

Hăm ba Tết âm lịch, trời miền Nam vẫn nắng gió chang chang chứ chẳng hanh hiu rét như quê mình. Cầm chiếc bánh chưng mua ngoài tiệm, chẳng khác những chiếc bánh tôi từng tự tay gói là bao mà vẫn cảm thấy tưng tức lồng ngực và nao nao trong lòng một cảm giác bồn chồn. Kỷ niệm ngày xưa như những chiếc lạt mềm cứ thiết vào tôi, đau buốt.

Đâu còn hình ảnh cả nhà ngồi bên nồi bánh chưng bập bùng lửa đỏ đêm Giao thừa hay nụ cười cô bé hàng xóm bên những chiếc lá dong xanh nuốt nà cứ làm tôi xao xuyến mãi. Có lẽ giờ này mẹ cũng đi chợ Tết rồi. Và tôi buâng khuâng tự hỏi, năm nay con không về còn nội đã đi xa mãi mãi, nơi quê nhà ba sẽ gói bao nhiêu chiếc bánh chưng xanh?

 

 

Đoàn Đại Trí, Bắc Sơn - TP Nha Trang - Khánh Hòa

Nguồn VnExpress

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: