Xôn xao cánh nhạn trên đồng
Đi xa nhớ đến nao lòng Tết quê.
(Tết quê nhà - Bùi Văn Bồng)
Bao năm đã trôi xa, dù đi nhiều nơi, biết nhiều thứ ở đời nhưng mỗi khi những ngày tháng Chạp đến, tôi lại nhớ về chợ nhỏ của tuổi thơ.
Tôi lớn lên ở một vùng quê yên bình xứ Quảng. Tốc độ đô thị hóa khá nhanh đã cuốn vùng quê này trở thành một thị tứ phát triển. Nói vậy không có nghĩa mọi thứ của ngày xưa đã vào quên lãng. Mà ngược lại những ngày này, khi sắc xuân tràn ngập khắp các nẻo đường, thì những ký ức ngày xưa về cái chợ quê tôi lại hiện về.
Thường những ngày trung tuần tháng chạp là lúc chợ đã tấp nập những người mua, kẻ bán. Chợ quê tôi không lớn như những chợ ở thị trấn, thị xã, chỉ đông từ lúc tờ mờ sáng cho tới lúc quá trưa. Song những ngày này, không khí tấp nập và náo nhiệt hẳn lên. Tất cả các loại hàng hóa đều có mặt, chúng được đưa về từ thành phố Đà Nẵng cách đó chỉ vài chục km. Từ những thực phẩm hằng ngày như heo, gà, cá, vịt… cho đến các loại hàng hóa, áo quần, nước giải khát, bia rượu, xoong nồi, rổ, chậu… Rồi cơ man nào là những những cành mai, chậu tắc (quất), thược dược, lay ơn, cúc vàng…với đủ các màu sắc, tạo nên một không khí ấm áp, sắc xuân về ngày càng gần hơn.
Hàng khắp nơi đưa về lúc cận Tết, nhiều người phụ nữ chân lấm tay bùn với đồng áng, tiết kiệm những ngày thường. Giờ họ cũng hào sảng hơn, sắp xếp đến chợ để tìm mua những vật dụng chuẩn bị cho đám tất niên, rồi rước ông bà và cho cả ba ngày Tết. Những ngày này dù khó khăn đến mấy, họ cũng chạy vạy mua sắm để chuẩn bị trong nhà. Cho có cái gì đó gọi là sung túc, mới mẻ, lòng thầm mong sang năm sẽ khấm khá hơn.
Từ xa xa, những quán cà phê nhạc mở xập xình, âm thanh cũng lớn hơn so với thường nhật. Gần đến chợ, tiếng người mua bán trao đổi râm ran, nhộn nhịp. Những hàng quán sửa, rửa xe gần chợ cũng đông khách hơn, người ra kẻ vào tấp tấp nập. Tâm lý ai cũng muốn những ngày đầu năm mới, xe cộ đi lại an toàn, êm ái. Rồi những tiệm cắt tóc, bao nhiêu nam thanh nữ tú cũng muốn mình sẽ đẹp hơn trong mắt mọi người những ngày đầu xuân. Chưa kể những quán nhậu gần đó, những khách nhậu cũng ngày một nhiều hơn. Họ muốn quên đi những ngày tháng vất vả, xả hơi để chuẩn bị cho một năm mới sắp đến.
Tôi vẫn còn nhớ khi còn nhỏ xíu, theo bà nội đi chợ để được bà sắm cho vài bộ đồ mới, một đôi giày hay chiếc nón mới. Mặc thử chếc áo mới hay mang thử đôi giày mà chân nam đá chân chiêu, vui cười tít mắt. Một cảm giác ngượng ngùng mà sung sướng. Ba tôi cũng biết tận dụng những ngày này để kiếm thêm thu nhập. Ông gắn chiệc cối xay bột vào trước chiếc xe công nông có tiếng nổ “bành bạch, bành bạch…” để máy bột làm bánh in, bánh da, bánh ổ… Thứ bánh mà giờ đây, bọn trẻ chẳng thiết ăn nữa...
Những ngày cận Tết xôn xao, song tôi cảm thấy lòng mình lặng đi khi đến ngày cuối cùng của năm. Bởi ngày ấy, chợ chỉ đông đến trưa là dứt rồi tất cả mọi người đều quay về nhà, chuẩn bị những công việc cuối cùng để đón một năm mới sang. Vào buổi chiều này, nhà tôi nằm trước chợ, không khí buồn hiu, vắng hoe. Bởi những gì cần mua bán thì đã được mua bán từ sáng rồi.
Buồn là vậy, nhưng vẫn thầm mong ngày mùng một Tết mau đến để được mặc chiếc áo mới, quần mới, mang đôi giày đẹp đi khắp xung quanh nhà rồi được nhận tiền lì xì của ông bà, ba mẹ. Chạy ra đường hòa cùng đám bạn đi đến những hội chợ được tổ chức ở trung tâm xã. Cái chợ chiều hôm qua quạnh quẽ, sáng ngày mồng một bỗng vui hẳn lên. Những trò chơi dân gian như bài chòi, đánh bầu cua được dựng lên. Người xe qua lại, nói cười í ới và không quên những lời chúc tốt đẹp đầu năm. Bọn trẻ chúng tôi chạy tung tăng hết nơi này đến chốn khác, tay cầm những chiếc bong bóng bay hay những con thú bằng nhựa…
Đức Dũng
(Nguồn: Báo Đất Việt)