Thứ hai, 23/12/2024,


NSƯT Minh Gái: Còn mãi tình yêu với nghệ thuật tuồng (28/01/2011) 

30 năm trong nghề, giờ là phó đoàn biểu diễn 1- Nhà hát Tuồng Trung ương, NSƯT Minh Gái cũng đã chứng kiến những thăng trầm của bộ môn nghệ thuật này, nhất là hiện nay, nhiều khán giả trẻ đang quay lưng với nó, rồi cả việc trải qua những chuyện “hậu trường” khi một nghệ sĩ có tài cũng khó sống được bằng nghề.

 

Các nghệ sĩ của Nhà hát tuồng Trung ương đến giờ vẫn còn lưu truyền câu chuyện về chuyến lưu diễn tại Mỹ, khi khán giả Mỹ “đánh đố” đưa ra câu hỏi: ở Việt Nam, nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng không được nhiều người thích, đặc biệt thế hệ trẻ, tại sao các bạn trẻ lại đi theo nghệ thuật tuồng”. Lúc ấy, một phụ nữ nhỏ bé đã đứng lên trả lời: “Đất nước tôi có điều đó thật, nhưng khi nói đến một đất nước, người ta nói đến nền văn hóa của nước ấy. Nền văn hóa của chúng tôi có từ thời cha ông để lại với nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống, trong đó có tuồng. Chúng tôi là thế hệ đi sau thì phải biết giữ gìn và phát huy để giới thiệu tới mọi người và bạn bè quốc tế về nền văn hóa của mình. Bởi vậy, dù khó khăn, chúng tôi vẫn tự hào và vui vì những điều mình làm”. Câu trả lời được tất cả khán phòng vỗ tay tán thưởng cũng như củng cố thêm tinh thần cho các nghệ sĩ Việt Nam.

Người phụ nữ khi ấy chính là NSƯT Minh Gái. Gặp chị ngoài đời, thật khó mà tin được người phụ nữ mảnh dẻ, có vẻ yếu ớt, khiêm nhường nhường ấy lại đủ bản lĩnh đứng trước đám đông công chúng Mỹ khẳng định lòng yêu nghề, yêu dân tộc của mình. Và chắc chắn sẽ càng ngạc nhiên hơn khi biết chị “thét ra lửa” khi vào những vai nặng kí trong các vở tuồng Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, An Tư công chúa, Huyền Trân công chúa, Lý Chiêu Hoàng,…

 

Khổ luyện thành tài

 

Khi được hỏi về cái duyên đến với nghệ thuật tuồng, ánh mắt Minh Gái sáng rực lên. Chị say sưa kể về những tháng ngày đầu tiên chập chững đến với nghệ thuật với không ít những chông gai, khúc khuỷu. Quê Minh Gái ở Hoài Đức, Hà Tây cũ, một trong những cái nôi của hát chèo, hát trống quân. Ngay từ nhỏ, Minh Gái đã say mê những với câu ca, điệu hát, những câu chuyện trên sách, trên đài. Hồi ấy, phụ nữ đi làm đồng hay có chiếc đài radio để nghe lúc nghỉ ngơi bên lũy tre làng, cô bé Minh Gái chưa hề bỏ qua một buổi nghe đài nào. Lắm khi đài phát nhỏ, phải gắng tai mà nghe nhưng Minh Gái vẫn say sưa với những câu chuyện, những khúc ca rồi tự mình tập múa, tập hát cho các chị, các cô xem, góp ý. Khi xã lập đội tuồng, đầu tư sân khấu, âm thanh… Minh Gái được chọn vào. Lúc ấy, nhà Minh Gái cũng nghèo lắm nhưng không hiểu sao, bố chị vẫn tìm đâu ra được một cái váy đỏ cho chị. Cái váy ấy với Minh Gái như một vật báu, được chị nâng niu, giữ gìn và chỉ diện trong những dịp múa hát của đội văn nghệ.

Năm 1979, nhiều nghệ sĩ tuồng nổi tiếng như NSND Bạch Trà, thầy Đôi, cô Ngọc Bích, Văn Thành… về xã dạy hát tuồng cho bà con. Đây là cơ hội hết sức hiếm có cho Minh Gái cũng như nhiều anh chị em nghệ sĩ nhí khác. Minh Gái được các nghệ sĩ để mắt tới, chọn vào diễn trong các vở tuồng truyền thống như An Tư công chúa, Mộc Quế Anh…, chỉ có điều, toàn đóng vai nam. Nhưng với Minh Gái, đó đã là niềm vui tột bậc. Ngày ngày ra sân chùa học tuồng, đến dịp lại được đi thi trên tỉnh, được đưa đi bằng xe công nông, giải thưởng có khi chỉ là bộ ấm chén nhưng chị bảo “sướng lắm rồi”. Và khi Nhà hát tuồng Trung ương tuyển lớp diễn viên mới, Minh Gái cũng được chọn đi, nhưng chỉ trong danh sách dự bị. Điều đó không khiến chị thấy buồn, tủi thân mà càng là động lực để thúc mình phải cố gắng hơn nữa. Chị kể: Hồi đó sàng lọc diễn viên rất gắt gao. Đi học là chỉ biết đến học, chỉ chuyên tâm với các vai diễn chứ không có bất cứ tiếp xúc bên ngoài nào như bây giờ. Điều kiện học tập cũng khó khăn, phải gối trên đầu gối mà ghi những lời thầy dặn. Rồi những khi rảnh rỗi phải tranh thủ quét nhà, nhặt cỏ cho nhà thầy để thầy có thời gian mà dạy mình. Không chỉ học lời, học văn hóa, các diễn viên trẻ còn phải học thể thao, nhào lộn, luyện tập hình thể từ các thầy bên trường xiếc… Say tuồng, mải mê với nó tới độ ăn cũng nghĩ đến tuồng, ngủ cũng nghĩ tới tuồng… Có lần đi cùng chị dâu, Minh Gái đã bị trách mãi chỉ vì chị dâu hỏi không thấy em trả lời mà đâu biết rằng, khi ấy Minh Gái đang nghĩ tới một vai diễn mới…

Luyện tập chăm chỉ nhưng không phải các vai diễn đều đến với chị một cách dễ dàng. Chị thường không được giao vai chính ngay từ đầu mà chỉ khi các nghệ sĩ khác không thể đóng thì chị mới được thế vào. Không ít lần thế đó đã khiến cho tài năng của Minh Gái được vụt sáng hơn. Nhưng cũng không ít lần, chị cảm thấy mình bất lực. Có khi đang diễn thì đột nhiên bị xuống hơi, khàn giọng. Cứ càng cố gắng lấy lại hơi, thót bụng thì lại càng không thể lấy lại thanh. Nhưng chị bảo: đã trót theo nghiệp tuồng thì phải yêu nó, phải gắng sức với nó, không thể chỉ vì một vài lần vấp ngã mà bỏ cuộc.

Có lẽ chính bởi tâm niệm ấy mà đến giờ, sau 30 năm gắn bó với tuồng, chị đã có cho mình những vai diễn để đời, được những người yêu nghệ thuật nhắc đến như người giữ lửa cho nghệ thuật tuồng truyền thống. Danh sách các giải thưởng cao quý cũng dày đặc trong bảng thành tích của chị: HCV tài năng trẻ Sân khấu thủ đô năm 1990, HCV tại Hội thi Tiếng hát hay Sân khấu truyền thống toàn quốc, Giải xuất sắc trong Liên hoan Sân khấu nhỏ toàn quốc lần thứ 2, Danh hiệu Ngôi sao sân khấu nhỏ toàn quốc, Danh hiệu Nghệ sĩ trẻ xuất sắc năm 1996, HCV tại Hội diễn Sân khấu ca múa nhạc CNTQ 2000, Huy chương Vì sự nghiệp Sân khấu 1999, HCV tại Liên hoan Sân khấu tuồng truyền thống 2008, HCV tại Liên hoan sân khấu Tuồng CNTQ 2010… cùng nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL trao tặng.

 

 

NSƯT Minh Gái trong vai diễn “Ông già cõng vợ đi xem hội”

 

Niềm tin với tuồng

 

30 năm trong nghề, giờ là phó đoàn biểu diễn 1- Nhà hát Tuồng Trung ương, NSƯT Minh Gái cũng đã chứng kiến những thăng trầm của bộ môn nghệ thuật này, nhất là hiện nay, nhiều khán giả trẻ đang quay lưng với nó, rồi cả việc trải qua những chuyện “hậu trường” khi một nghệ sĩ có tài cũng khó sống được bằng nghề. Nhưng chưa khi nào, chị mất niềm tin với nghệ thuật tuồng. Chị tâm sự: 30 năm trong nghề, mình đã từng khóc vì hạnh phúc và cả tủi thân. Tủi thân khi đứng diễn chung sân khấu với các ca sĩ, các diễn viên kịch nói, thấy được thái độ đối xử của khán giả rất khác nhau. Vui, hạnh phúc những lần biểu diễn ở nước ngoài, khi khán giả ngoại họ xem nghệ thuật tuồng như đỉnh cao của hình thức múa, hát. Là nghệ sĩ ở bộ môn nghệ thuật truyền thống, có nhiều cái khó khăn nhưng mình vẫn luôn có niềm tin với nghệ thuật này. Nghệ thuật tuồng, đặc biệt là tuồng truyền thống, nó chuyển tải những vấn đề lịch sử, quốc gia, giống như cái gốc của mỗi người không thể mất đi được, chỉ có điều nó sống ra sao mà thôi.

Điều mà Minh Gái cảm thấy buồn nhất chính là khoảng cách trong nhận thức về nghệ thuật truyền thống của khán giả nhà và khán giả ngoại. Chị đã đi biểu diễn nhiều nơi trên thế giới như Nga, Mỹ, Nhật…, mỗi lần đi biểu diễn lại được tôn vinh như nữ hoàng. Sau mỗi vở, có khi phải ra chào khán giả tới vài lần mà tiếng vỗ tay vẫn chưa dứt. Biểu diễn ở nước ngoài, có khi đang ăn cơm, khán giả đã tới chật kín rạp. Còn ở ta, diễn viên trang điểm chuẩn bị sẵn sàng lên sân khấu nhưng vẫn chờ cả tiếng đồng hồ mới thấy khán giả tới. Và còn một điều khiến chị hết sức băn khoăn: trong khi khán giả nước ngoài, nhiều vị GS rất muốn tìm hiểu về nghệ thuật truyền thống của ta thì chính chúng ta, những người đang sở hữu nó lại chẳng mấy quan tâm. Nhưng cũng chính bởi sự khác biệt ấy, mà Minh Gái càng tự nhủ thầm phải gắn bó, cống hiến hơn nữa cho nghệ thuật tuồng để nó sống mãi với thời gian, với khát vọng của người nghệ sĩ.

Và trong nỗ lực lưu giữ cái vốn quý của cha ông để lại, NSƯT Minh Gái cùng tập thể diễn viên nhà hát Tuồng Trung ương đã có nhiều thử nghiệm mới. Bên cạnh việc liên tục trau dồi các vở tuồng cổ cho các nghệ sĩ trẻ, nhiều vở tuồng mới cũng ra đời như thể nghiệm Romeo và Juliet, Otenlo (NSND Lê Tiến Thọ đóng vai chính), Giông tố… Minh Gái cho biết: nhiều người lúc đầu cứ nghĩ rằng những vở kịch như thế này đưa vào chất liệu tuồng không hợp, nhưng kỳ thực lại rất hợp. Như vở hài Giấc mộng đêm hè khi đưa vào nghệ thuật tuồng (theo dự án của Mỹ) đã mang lại những thành công ngoài mong đợi. Khi đưa vở sang Mỹ biểu diễn hàng tháng trời, buổi diễn nào cũng đông kín khán giả.

Với những vở tuồng truyền thống, NSƯT Minh Gái cũng luôn tìm ra những nét mới đưa vào. Chị bảo: Nghệ thuật bên cạnh cái cổ phải có hơi thở mới. Anh diễn tuồng cổ đấy nhưng phải mang được cái hơi thở của ngày hôm nay vào đó. Và dù có sáng tạo gì thì sáng tạo, nghệ thuật đó vẫn phải là tuồng. Điều này là nhiệm vụ của diễn viên, họ phải làm sao trăn trở, tìm tòi khi nhận vai, phải có trách nhiệm và phải tải đến người xem cái cổ đấy nhưng vẫn có những cái gần với ngày hôm nay. Tâm niệm này chị đã đúc rút trong suốt mấy chục năm làm nghề, và đến giờ, chị trao lại cho thế hệ trẻ như hành trang giúp họ bước vào nghề, để yêu nghề và say nghề hơn.

Cuộc sống của chị đến giờ vẫn chưa thực sự đủ đầy, nhưng với chị được sống cho tuồng, được cống hiến cho nó và được từng ngày hướng dẫn các bạn trẻ đến với tuồng đã là niềm vui và sự ấm áp lắm rồi./.

 

 

Khánh Nguyên

(Nguồn: Báo Điện tử Tổ Quốc)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: