John Balaban, một nhà thơ đến từ nước Mỹ. Thật đặc biệt, trong dòng máu của người đàn ông này từ khi sinh ra dường như đã sẵn có một tình yêu mãnh liệt dành cho văn hoá Việt Nam. Nếu chỉ nhìn vẻ bề ngoài lãng tử, với một nụ cười đầy thiện cảm với người đối diện, ít ai biết được John Balaban đã mê mải thế nào với những áng thơ ca và những nét văn hoá độc đáo trên đất nước hình chữ ‘S’ này.
Đặc biệt, John Balaban có một niềm đam mê hiếm có với di sản chữ Nôm của Việt Nam. Ông Tây này đã chẳng “tiếc lời” ca ngợi: chữ Nôm là tài sản vô giá của văn hoá Việt Nam mà không ở đâu có được. Câu chuyện của tôi và John Balaban diễn ra thật vội bởi ông có đến hàng núi công việc phải giải quyết trước khi về Mỹ.
John kể: “Tôi đã dành hơn 10 năm để dịch và nghiên cứu về chữ Nôm nhưng hình như đến khi Hội Bảo tồn Di sản chữ Nôm Hoa Kỳ và Thư viện Quốc gia Việt Nam cùng kết hợp trong Dự án số hoá kho sách Hán Nôm thì những việc làm đó của tôi mới được “để ý” nhiều hơn”. Vừa nói, John Balaban vừa đưa cho tôi xem cuốn sách đầu tiên của ông về Việt Nam. Cuốn sách mang tên: “Ca dao Việt Nam”. John khoe, sách chứa đựng rất nhiều tâm huyết, tình yêu của ông.
* Dường như John Balaban rất “nặng lòng” với văn hoá Việt Nam thì phải. Hẳn phải có cơ duyên để ông tìm đến và nghiên cứu di sản chữ Nôm của đất nước chúng tôi?
- Đúng thế, tôi đã “phải lòng” văn hoá Việt Nam từ lâu rồi. Bạn tin không, tôi và vợ đã từng không đồng nhất quan điểm khi vợ tôi cho rằng, tôi đã quá viển vông khi nghiên cứu về một loại chữ viết mà trên toàn thế giới chỉ còn khoảng 100 người có thể đọc được. Vợ tôi chỉ muốn tôi ở nhà viết văn và làm thơ thôi (cười lớn!). Nhưng tôi thì lại không muốn vậy. Tôi đã nhiều lần đến Việt Nam, cũng từng có mặt tại cuộc chiến tranh ở đất nước của các bạn. Việt Nam với tôi có rất nhiều kỷ niệm không thể nào quên. Những năm 1971-1972, tôi đã có chuyến du ngoạn đến những miền quê ở miền Nam Việt Nam, đi qua nhiều vùng đất, rồi không hiểu vì sao lại có một tình yêu sâu sắc đến thế với nền văn hoá Việt Nam. Tôi đã lang thang ở những làng quê ấy chỉ với một chiếc máy ghi âm, tôi cặm cụi ghi lại những bài thơ truyền miệng mà người Việt vẫn gọi là “ca dao”. Thế rồi, bạn biết không, kết quả của những bước chân du hành ấy, tôi đã ghi được tới 500 bài ca dao. Thật vui sướng là cảm giác của tôi khi thực hiện những công việc đó. Rồi nhiều người bạn Việt Nam lại hỏi, vì sao tôi không tìm hiểu về thơ Hồ Xuân Hương, một nữ thi sĩ nổi tiếng của Việt Nam. Tôi lại tiếp tục cuộc hành trình của mình, và sớm biết được rằng Hồ Xuân Hương là một “nhân vật” rất đặc biệt của thi ca Việt Nam, văn hoá Việt Nam. Từ đó, Johh Balaban đã “bén duyên' với “Bà Chúa thơ Nôm” (cười).
* Được biết, “Spring Essence”- Thơ Hồ Xuân Hương là ấn phẩm đã khiến John Balaban trở thành một hiện tượng đặc biệt trên văn đàn Mỹ và cũng đã từng được Tổng thống Mỹ Bill Clinton nhắc tới như một cầu nối văn hoá giữa quá khứ và hiện tại. Nhưng tôi vẫn có một thắc mắc, vì sao John Balaban- một người đàn ông Mỹ lại có “tình yêu” sâu nặng như thế với thi sĩ Hồ Xuân Hương?
- Thật khó để diễn tả về mối “nhân duyên” vượt thời gian và không gian này. Tôi nghĩ rằng, chỉ có Hồ Xuân Hương mới có thể viết được những vần thơ vô cùng tuyệt vời đó. Nó cuốn hút tôi kinh khủng.Ví von, hài hước và cực kỳ độc đáo. Nhà xuất bản ở Mỹ mà tôi hợp tác là Copper Canyon Press đã hoài nghi trước ý định xuất bản cuốn sách dịch những bài thơ của một phụ nữ đã mất cách đây hơn 200 năm, mà người phụ nữ ấy lại không hề được biết đến ở Mỹ. Cuốn sách vừa phức tạp, phí xuất bản cao, được in thành 3 loại chữ: chữ Nôm do Hồ Xuân Hương viết, chữ Quốc ngữ và bản dịch tiếng Anh. Đó cũng là lần đầu tiên trong lịch sử chúng tôi in loại chữ cổ. Thế nhưng, thật diệu kỳ, cuốn sách ra đời ngay lập tức đã rất thành công và được đông đảo độc giả đón nhận. Sức lôi cuốn có lẽ nằm ở chính những vần thơ của Hồ Xuân Hương. Trong lịch sử 1000 năm hình thành chữ Nôm, Hồ Xuân Hương lại là người cuối cùng viết thơ bằng chữ Nôm. Trí tuệ, tài năng của người phụ nữ ấy đã khiến không chỉ người Việt Nam mà cả những người Mỹ chúng tôi khi đọc và cảm nhận cũng “thấm” được những giá trị và chiều sâu văn hoá rất Việt Nam.
* John, tôi vẫn tự hỏi, vì sao ở cách xa Việt Nam tới nửa vòng trái đất nhưng ông lại đặc biệt quan tâm đến loại chữ này?
- (Cười!) Thì tôi đã nói rồi, là vì tôi đã “bén duyên” với nền văn hoá vô cùng đẹp và đặc sắc của các bạn. Chữ Nôm chính là kho báu của nền văn hóa Việt Nam, dù loại chữ này không được biết nhiều trên thế giới và ngay tại Việt Nam cũng vậy. Thực tế là, 1000 năm lịch sử văn hoá Việt Nam đã được ghi lại trong hệ thống chữ Nôm, nhưng cũng thật đáng tiếc, di sản này đang bị mai một khá nhiều. Tuy thế, chữ Nôm vẫn giữ một vị trí quan trọng trong lòng người Việt Nam. Chữ Nôm là đại diện của quá khứ trong những phát ngôn của người Việt. Bởi thế, tôi đã quyết tâm sẽ gắn bó lâu dài với chữ Nôm. Tôi tham gia Dự án số hoá kho sách Hán Nôm tại Thư viện Quốc gia VN cũng là để góp phần giữ gìn di sản vô giá này mãi mãi. Với những việc làm của mình, tôi hi vọng rằng hàng triệu người ở khắp nơi trên thế giới sẽ biết và có cơ hội tiếp cận, nghiên cứu chữ Nôm thông qua Internet. Hội Bảo tồn Di sản chữ Nôm (Hoa Kỳ) cũng đã xuất bản nhiều cuốn sách bằng chữ Nôm, những tập từ điển chữ Nôm…
* Vậy kế hoạch trong thời gian tới với di sản văn hoá quý báu này của Việt Nam là gì, John Balaban?
- Chữ Nôm sẽ là một người “bạn đời”của tôi, tất nhiên là bên cạnh vợ. Sau Thơ Hồ Xuân Hương là Truyện Kiều của Nguyễn Du. Bên cạnh đó còn là nhiều tuyệt tác văn chương khác của Việt Nam như Đại Việt sử ký toàn thư, Chinh Phụ ngâm, Lục Vân Tiên, Nguyễn Trãi, Quốc âm thi tập… “Bật mí” nhé, tôi còn ấp ủ cả kế hoạch giúp Việt Nam xây dựng một khung chuẩn về các loại chữ Việt Nam, gồm chữ Quốc ngữ, Thái, Chăm, Khmer…
* Ông có thể giới thiệu về những công việc đã thực hiện trong Dự án số hoá kho sách Hán Nôm được không, John?
- Công việc chúng tôi đã thực hiện là số hoá các tài liệu Hán Nôm trong kho sách của Thư viện Quốc gia Việt Nam. Từng trang sách phải chụp lại cẩn thận, phân tích ảnh, post lên mạng…, nói chung là khá mất thời gian. Bên cạnh đó cũng rất cần tiến hành bảo quản bởi thực tế có nhiều yếu tố đang gây tác hại đến khối di sản quý báu này. Chúng tôi đã phải “cậy nhờ” và nhận được sự hợp tác rất hiệu quả của TS. John Dean, chuyên gia đầu ngành thế giới về công tác bảo quản.
* Thực tế là vốn di sản chữ Nôm vẫn còn tồn tại ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam. Hội Bảo tồn Di sản chữ Nôm Hoa Kỳ và bản thân ông có dự định mở rộng phạm vi nghiên cứu với khối tư liệu này không?
- Có chứ. Hội Bảo tồn Di sản chữ Nôm Hoa Kỳ sẽ hợp tác với các thư viện khác để khai thác và bảo tồn kho chữ Nôm cổ, có thể đến từng tư gia nữa vì di sản này đang tồn tại rất nhiều trong dân. Tóm lại, tôi vẫn còn rất nhiều “duyên nợ” với văn hoá Việt Nam. Bạn hãy yên tâm vì điều đó!
* Cảm ơn John và chúc ông tiếp tục thành công trong “mối nhân duyên” với văn hoá Việt Nam.
AN NHI thực hiện
(Nguồn: Báo Nhân Dân)