Thứ hai, 23/12/2024,


Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Vì tôi còn một trái tim biết rung động… (23/01/2011) 

Bằng cách kể chuyện lôi cuốn, cách dẫn chuyện độc đáo… “Sát thủ online” của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy đã thực sự cuốn hút người đọc đến những trang cuối cùng. Nói về việc xây dựng hình tượng các nhân vật anh cho biết: “Tôi không vì việc tác phẩm tham dự cuộc thi của ngành công an mà biến những chiến sĩ công an thành những “nhân vật chính sách” để làm hỏng cả tác phẩm của mình…” Thế nhưng, vượt qua hơn một trăm tác phẩm dự thi khác, “Sát thủ online” lại vừa đoạt giải A cuộc thi tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Bộ Công an và Hội Nhà văn phối hợp tổ chức từ năm 2007 đến 2010.  Dưới đây là những chia sẻ của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy.


 

Nguyễn Xuân Thủy bên poster sách tại Lễ trao giải

cuộc thi tiểu thuyết và truyện ký “Vì an ninh tổ quốc và bình yên cuộc sống”

Tôi tin rằng đến cuộc trò chuyện này thì “Sát thủ online” đang “làm mưa làm gió” trên thị trường sách. Thực tế khi gấp sách lại, tôi rất bất ngờ bởi phong cách mới mẻ của anh trong “Sát thủ online”. Tôi vẫn nghĩ Nguyễn Xuân Thủy là một người lính, mà qua tiếp xúc thì thấy anh là người nhẹ nhàng, cái nhẹ nhàng ngọt ngào đã thể hiện rõ nét trong “Biển xanh màu lá”, cuốn tiểu thuyết trước của anh. Vậy nhưng, anh đã quay ngoắt 180 độ khi xuất hiện với “Sát thủ online”. Anh có thể chia sẻ về sự thay đổi này không?

Tôi không mong muốn “Sát thủ online” sẽ làm mưa làm gió trên thị trường để rồi tắt lịm “một đi không trở lại” mà hi vọng tác phẩm của mình sẽ như một thứ mưa dầm nhưng bền bỉ với sức sống của nó. Những “nhẹ nhàng ngọt ngào” tôi đã bộc lộ, bạn đọc cũng đã được nếm qua “Biển xanh màu lá”, vậy thì giờ đây nếu tôi có cho mọi người đổi món cũng là điều dễ hiểu. Ngọt hay đắng thì cũng chỉ là những cảm giác được tạo ra từ các loại gia vị. Nhà văn cũng như đầu bếp, sử dụng gia vị cho món ăn thế nào để thành công luôn là một câu hỏi lớn. Dù ngọt, dù đắng thì cuối cùng vẫn hướng tới việc chính mình có hài lòng với món ăn đó hay không và thực khách đón nhận nó như thế nào. Nếu ví “Sát thủ online” như một món ăn “không mấy ngọt ngào” như chị nói thì tôi hi vọng sẽ nhận được nhận xét này từ phía độc giả: “đắng nhưng mà ngon”.

Anh muốn đổi mới mình hay đã quá chán với những cách viết cũ,  muốn tìm tòi, thử nghiệm một cách viết mới?

Có thể là tất cả nhưng cũng có thể không là gì cả. Bởi đổi mới mình, đổi mới cách viết luôn là đòi hỏi tự thân của mỗi nhà văn. Trong một chừng mực nào đó thì mỗi tác phẩm cũng chính là một sự thử nghiệm. Tôi không có ý định lột xác hay điều gì to tát cả, mà chỉ trình ra một Nguyễn Xuân Thủy của “Sát thủ online”, thế thôi.

Cá nhân tôi khi đọc “sát thủ online” thì có cảm nhận rằng, các nhân vật trong cuốn sách này mình nhìn thấy đâu đó trong cuộc sống. Anh có lấy một nguyên mẫu nào trong đời thường không?

Những nhân vật văn học đều từ cuộc sống bước vào trang sách. Nhân vật của tôi thật hơn, gần với cuộc sống đương đại hơn là bởi tôi đề cập đến một thế hệ công dân mới gắn chặt với môi trường Internet, những cái ác thoát thai từ Internet và điều đó về mặt hình thức rất gần với hiện thực cuộc sống phơi bày trên những trang báo nóng hổi hàng ngày. Tôi mong muốn sẽ có nhiều người cảm thấy như thế, nhưng đương nhiên là ở dạng nhân vật từ văn học bước ra cuộc sống, cảm giác gặp đâu đó trong cuộc sống nhưng sẽ không tìm thấy một nguyên mẫu nào nào hoàn toàn như thế trong đời thực.

 Thiện (các tên khác là Tí, Mr Mouse, Hiệp sỹ đen) là một điển hình trong nhóm tội phạm trẻ. Bản thân tôi thấy cậu ấy hơi giống với một cậu bé tuổi mới lớn giết bố đẻ của mình vừa được xử lưu động ở Hải Dương. Và bi kịch của Thiện có đến 80% là bi kịch của cậu bé ấy. Anh xây dựng nhân vật của mình vô tình giống hay anh đã nghe đâu đó rồi?

Vẫn là câu chuyện giữa đời sống và văn học. Một số vụ án hot như vụ sát thủ Nguyễn Đức Nghĩa, vụ My sói hay như vụ cậu bé giết cha mà chị đề cập đều phảng phất dung hình những nhân vật trong “Sát thủ online”. Có vụ xảy ra cùng thời gian tôi viết, có vụ viết xong mới xảy ra. Những vụ án kiểu như thế hoàn toàn không phải là “của hiếm” trong những năm gần đây. Không nên căn cứ vào một vài điểm chung giữa nhân vật trong tiểu thuyết và nhân vật ngoài đời (nói thêm: Thiện – Mr Mouse trong “Sát thủ online” không giết bố) để cân đo sự giống khác mà nên quan tâm đến thân phận văn học, hành trình tha hoá, hành trình đến với cái ác, trở thành tội phạm của nhân vật. Vì sao cậu ấy lại giết người, vì sao cậu ấy lại trở thành tội phạm? Và nhân vật tiểu thuyết có để lại ám ảnh cho người đọc hay không? Thiện – Mr Mouse trong “Sát thủ online” được sinh ra từ một vụ lừa tình qua Internet, là tội phạm mạng thế hệ thứ hai, vừa là tội phạm Internet nhưng đồng thời cũng là nạn nhân của Internet. Cậu ấy có thể phảng phất hình dung của rất nhiều tội phạm trẻ nhưng nhất định không có một “bụi đời mạng” nào có thân phận giống Thiện - Mr Mouse.

Về mặt hình thức thì “Sát thủ online” mang kết cấu truyện lồng trong truyện. Ngoài câu chuyện cuộc đời của Mr Mouse qua hồi ức của gã chủ tiệm vàng thì các vụ án lồng trong những bản tin thời sự với 13 bản tin đặc sệt ngôn ngữ truyền hình, chúng vừa có chất báo chí nhưng hấp dẫn ở chỗ là nó vẫn không bị “kênh” với mạch chuyện. Đây là một điểm rất khác biệt so với những cuốn tiểu thuyết xuất bản trong thời gian qua. Đó là ý đồ của anh ngay từ đầu hay bột phát trong quá trình viết? Và anh có nghĩ rằng, trình bày như vậy sẽ làm cho cuốn tiểu thuyết của mình chệch hướng và khiến cho bạn đọc dễ nhầm lẫn về thể loại (hiện nay nhiều bạn đọc đi mua sách có thói quen giở nhanh ra xem trước)?

Sự ngẫu hứng chỉ cho phép khi chính tác giả bị nhân vật và mạch truyện dẫn dụ để tạo nên những trang văn thăng hoa, còn về kỹ thuật viết phải được tính toán kỹ lưỡng và luôn tỉnh táo với nó nếu không muốn mọi thứ thành một đống giẻ rách bùng nhùng. 13 bản tin trong “Sát thủ online” nằm ở vị trí kết thúc của 13 chương tiểu thuyết như một “đường link” kết nối, ngoài việc tạo “cảm giác báo chí” còn luôn đánh động người đọc. Tôi luôn tin những độc giả thực sự của văn học không ai nhìn nhận những bản tin ấy như những… phóng sự truyền hình. Nếu như phải mất đi một vài độc giả bởi sự “nhầm lẫn” như chị nói thì tôi cũng không biết nên buồn hay nên vui nhiều hơn!

Càng về sau anh viết càng nhuyễn và dẫn dụ người đọc. Tuy nhiên đoạn đầu hơi khô khan, đọc khá nặng và khiến tôi có cảm giác như đang đọc truyện hình sự (tất nhiên đó là ý kiến chủ quan của tôi), anh nghĩ thế nào?

Tôi thấy mừng vì điều này. Tôi rất sợ chị sẽ nói rằng, lúc đầu thì thấy nhuyễn và hay nhưng càng về sau càng khô và chán. (Cười) Vậy thì tiện đây nhờ chị nhắn với độc giả rằng hãy kiên nhẫn khi đến với “Sát thủ online”.

So với cái thời viết “Biển xanh màu lá” thì viết “Sát thủ online” chắc mệt đầu hơn nhiều?

Điều này đúng bởi với người viết văn, cuốn sau bao giờ cũng áp lực hơn cuốn trước với những đòi hỏi cao hơn, mong muốn toàn vẹn hơn, mặc dù có thể ngay sau khi hoàn thành đã lại nhìn thấy những thứ chưa hoàn thiện ở nó. Lao động nghệ thuật nào cũng đáng trân trọng. Ăn mật ong và uống… mật gấu đều có những khoái cảm và trần ai. Tôi chỉ biết rằng ở thời điểm tôi đang làm việc này tôi đã hết lòng, hết sức với nó, thực hiện nó với tâm huyết, công sức và trí tuệ lớn nhất. Còn cái sự mệt mang tên áp lực ấy thì có lẽ là thứ không của riêng ai.

Tôi đã từng nghĩ anh không phải là một game thủ giỏi, và đến bây giờ tôi vẫn giữ quan điểm đó. Vậy khi viết “Sát thủ online” anh có gặp nhiều khó khăn không?

Đúng! Và tôi cũng không phải là một trẻ lạc nhà đi hoang, càng không phải một sát thủ chuyên nghiệp. (Cười) Nhà văn như những hạt bụi, bay vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, sống  nhiều cuộc đời khác nhau. Như thế đương nhiên là vất vả, nhưng đó cũng là niềm hạnh phúc. Khi đã vào trận thì phải tự trang bị vũ khí cho mình thôi. Có một câu biến thể của giới trẻ thời nay khá sinh động, nghe qua thì thấy khôi hài nhưng ẩn chứa yếu tố tích cực: “Dân ta phải biết sử ta, cái gì không biết thì… tra google”. Bạn muốn tìm hiểu điều gì thì ở đâu đó sẽ có một cánh cửa cho bạn mở nếu bạn chú tâm đi tìm cánh cửa đó. Với “Sát thủ online” tôi không có ý định xây dựng một hình tượng game thủ thời nay, mà chỉ dựng nên một không gian game trong thế giới ảo để làm nền cho câu chuyện mà thôi.

Tôi thấy hình tượng người chiến sỹ công an trong tiểu thuyết của anh đẹp quá, họ cao thượng quá, bao dung quá… điều này có quá khiên cưỡng không?

Hình tượng người chiến sĩ công an trong “Sát thủ online” rất thật, rất đời. Họ có đời sống bình đẳng với các nhân vật khác. Ngoài tư cách công an thì họ còn can dự vào câu chuyện bằng những tư cách khác. Thượng tá Hoàng ngoài vai trò Trưởng ban chuyên án VIN-19 còn có vai trò phụ huynh của nhân vật nữ - diễn viên, ca sĩ Kiều Vy; trung uý Khương ngoài vai trò điều tra viên thì còn là người bạn, người anh thân thiết thuở thiếu thời của Mr Mouse… Họ đều có thân phận với những nổi chìm, trả giá, mất mát, tổn thương cùng những dằn vặt, đau đớn khi chứng kiến chính những người thân yêu nhất tuột tay, tuột cả cuộc đời vào thế giới ảo. Họ đẹp một cách khá… vật vã nhưng tự nhiên và logic, cái đẹp đầy tính nhân văn chứ không hề đẹp một cách khiên cưỡng, gán ghép theo chủ quan của tác giả. Tôi không vì việc tác phẩm tham dự cuộc thi của ngành công an mà biến những chiến sĩ công an thành những “nhân vật chính sách” để làm hỏng cả tác phẩm của mình, cho dù sau này các nhân vật ấy được nhìn nhận, phán xét như thế nào.

Ở trang 346, trong ý nghĩ của nhân vật Kiều Vy (khi cô định quy y vì gặp sự cố clip sex) có đoạn “nếu như ai cũng gây ra đầy rẫy những tội lỗi trong cuộc đời rồi một ngày xin vào lánh nơi trần tục thì điều gì sẽ xảy ra? … Nhà chùa có còn là chốn thanh tịnh hay chỉ là nơi chứa những rác rưởi mà xã hội không còn dung chứa”. Thực tế cuốn sách của anh, dù viết về tội phạm trẻ, có giết người, có đổ máu, có tranh giành, có sex nhưng kết thúc vẫn có hậu (nhân vật chính kết thúc bằng cái chết, đọc thì rất buồn nhưng chẳng còn cách nào khác). Có vẻ như niềm tin vào sự tử tế, tính nhân văn và tình yêu thương của con người với anh rất lớn?

Vì tôi còn có một trái tim biết rung động! Nếu không còn niềm tin vào sự tử tế thì có nghĩa là bạn đã huỷ diệt chính mình, đã thải loại mình ra khỏi cuộc đời này.

Từ người bà của Thiện đến mẹ Thiện hay cô giáo Liên… đều cho thấy hình ảnh những người mẹ tuyệt vời. Hẳn mẹ anh là một người phụ nữ rất tuyệt?

Mẹ tôi cũng là một phụ nữ bình thường như bao bà mẹ khác, các bà mẹ đều rất tuyệt trong mắt con mình. Nhưng tôi nghĩ hãy dành cụm từ “rất tuyệt” để nói về việc khi ta có một người mẹ để yêu thương.

Vợ anh có đọc sách của anh không? Chị ấy nói gì về văn của chồng?

Những cuốn trước thì tôi không rõ, nhưng riêng “Sát thủ online” thì cô ấy có can dự vào một số công đoạn để nó có thể chào đời (vợ tôi cũng làm việc trong lĩnh vực xuất bản), chẳng hạn như việc giúp tôi kiểm tra bông, đọc mo rát, và như thế đương nhiên là phải đọc từ khi sách còn chưa xuất bản. Cô ấy có kêu “sex nhiều quá” và cho rằng tôi đã hơi quá tay. Nhưng thật kỳ lạ là tôi lại chưa nghe ai kêu như thế từ khi “Sát thủ online” phát hành.

Ở góc độ hình ảnh, “Sát thủ online” rất rõ nét. Anh có ý định chuyển thể thành phim không?

Đấy cũng là một gợi ý hay. Tôi sẽ quan tâm đến nó nếu có cơ hội tốt. Còn về cơ bản hãy để nó sống đời sống của một cuốn tiểu thuyết đã.

Dự định sắp tới của anh là gì?

Tôi vừa hoàn thiện một tập sách cho các cháu với tên gọi “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa” theo đặt hàng của Nhà xuất bản Kim Đồng. Đó cũng là hoạt động mở đường để tôi bước sang địa hạt mới: viết truyện cho thiếu nhi. Nhưng hiện đang có một sự kiện rất có thể sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch viết cho thiếu nhi của tôi, đó là trong nhà tôi vừa xuất hiện một… thiếu nhi. Có lẽ tôi sẽ phải cùng vợ chăm sóc cậu con trai mới chào đời đã, rồi sau đó mới có thể bắt tay vào dự án mới.

 

Tiểu Linh thực hiện

 

Bài được Nhà văn Nguyễn Xuân Thuỷ gửi riêng cho Lucbat.com.

Quý vị chia sẻ với tác giả “Sát thủ online”

qua Email: nguyenxuanthuyhn@gmail.com

Mời xem chùm ảnh LỄ TRAO GIẢI TIỂU THUYẾT TẠI HỘI TRƯỜNG BỘ CÔNG AN

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: