Thứ hai, 23/12/2024,


LONG TRỌNG LỄ TỔNG KẾT VÀ TRAO GIẢI CUỘC THI “VÌ AN NINH TỔ QUỐC VÀ BÌNH YÊN CUỘC SỐNG” (2007-2010) (22/01/2011) 

Sáng ngày 21/1/2011, tại trụ sở Bộ Công an số 44 Yết Kiêu - Hà Nội, Lễ trao giải cuộc thi tiểu tuyết và truyện ký “Vì an ninh tổ quốc và bình yên cuộc sống” (2007 - 2010) do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam đồng chỉ đạo, Nhà Xuất bản CAND tổ chức, đã long trọng diễn ra. Đến dự lễ trao giải có Trung tướng Phạm Minh Chính, UVTW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cùng nhiều tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp của Bộ Công an; Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, các nhà văn đạt giải trong cuộc thi viết, hàng trăm nhà văn, độc giả quan tâm và phóng viên các đài, báo Trung ương theo dõi đưa tin…

           Nhà thơ Đặng Vương Hưng, Chủ nhiệm lucbat.com, đã vinh dự được giao nhiệm vụ làm 'MC' cho Lễ trao thưởng trang trọng này.

 


Tính hấp dẫn độc đáo của đề tài

 

Trước khi phát động cuộc thi, Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam đã có hai đợt phối hợp xét giải thưởng văn học về đề tài này 10 năm một lần (1985-1995 và 1995-2005). Gần đây nhất là cuộc vận động sáng tác tiểu thuyết truyện và ký về đề tài này từ 1999 đến 2002 do đó đã thu hút được rất nhiều cây viết và độc giả. Trong những đợt xét giải và cuộc thi lần trước, nhiều tác phẩm đã đạt giải cao đồng thời được các nhà văn, các nhà phê bình có uy tín đánh giá khách quan qua những bài phê bình trên báo chí, từ đó tạo tiền đề cho cuộc thi tiếp theo. Có thể nói đề tài này đó trở thành một đề tài độc đáo có sức hấp dẫn lớn đối với bạn đọc.

Với tình cảm thiêng liêng và thân thiết dành cho lực lượng Công an Nhân dân và phong trào Bảo vệ An ninh Tổ quốc, với ý thức công dân muốn đóng góp sức mạnh ngòi bút của mình vào sự nghiệp Bảo vệ An ninh Quốc gia và giữ gìn Trật tự An toàn Xã hội, các nhà văn đã có một mùa thu hoạch tốt đẹp, với 146 tác phẩm dự thi của 129 tác giả tham gia cuộc thi. 146 tác phẩm dự thi, trong đó có tới 60 tác phẩm đã được xuất bản, có thể khẳng định đây là một cuộc vận động sáng tác văn học có qui mô không nhỏ, tập hợp được một đội ngũ khá đông đảo các nhà văn, trong đó có không ít các nhà văn đã có thành tựu có tên tuổi trên văn đàn. Chỉ nhìn vào các tác phẩm đã đến được vớii bạn đọc, trong đó có tác phẩm đã tái bản, nối bản tới 2 hoặc 3 lần thì có thể yên tâm nói rằng cuộc thi đã thực sự thành công, thực sự có ích cho cả người viết và người đọc.

        Đại tá, nhà văn Phùng Thiên Tân, Giám đốc - Tổng biên tập NXB Công an nhân dân cho biết: “Trong 3 năm phát động cuộc thi, Ban Thường trực đã tổ chức thành công 3 Trại viết ở cả 3 miền đất nước. Mỗi trại viết kéo dài trên dưới 1 tháng với số lượng khoảng 30 nhà văn, tác giả tham dự nghiêm túc. Đây thực sự là những Trại viết có chất lượng, các thành viên ngoài thời gian yên tĩnh được chăm sóc vật chất và tinh thần tốt để sáng tác, còn có dịp thảo luận trao đổi nghề viết, giao lưu với các sinh viên Văn khoa, công chúng văn học và cả với các đối tượng của văn học phản ánh như cán bộ chiến sĩ Công an hoặc phạm nhân đang thụ án. Đặc biệt tại các Trại viết, lần nào cũng có sự có mặt của Lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam gặp gỡ, trao đổi, động viên các tác giả dự Trại. Đây là sự khích lệ rất cần thiết và quý giá”.

 

Thương hiệu của giải thưởng

 

Nhà thơ Hữu Thỉnh và Thiếu tướng Lê Ngọc Nam, đồng Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo đã thành lập Ban sơ khảo, Ban này làm việc từ đầu năm 2010 và lựa chọn những tác phẩm có nội dung, nghệ thuật tốt gửi lên Hội đồng chung khảo để xét giải. Hội đồng chung khảo bao gồm các nhà văn: Ma Văn Kháng, Lê Thành Nghị, Lê Minh Khuê, Khuất Quang Thụy, Phùng Thiên Tân; Đinh Quang Tốn, Nguyễn Thị Thu Huệ... đã làm việc khách quan, với tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, dân chủ và đã quyết định tặng 2 giải A, 4 giải B, 4 giải C cho các tác giả và tác phẩm.

Thay mặt cho Ban chung khảo cuộc thi, nhà văn Lê Thành Nghị (Chủ tịch Hội đồng lý luận Hội Nhà văn Việt Nam) phát biểu: “Sự phong phú và giá trị nghệ thuật mà các tác phẩm trong cuộc thi đã đạt được đã để lại dấu ấn trong giải lần này. Các tác giả đi theo những thế mạnh của mình, nhìn nhận theo con mắt riêng của mình và đem đến cho bạn đọc những tác phẩm hấp dẫn theo phong cách riêng. Nếu như Chu Thanh Hương qua tiểu thuyết “Hoa bay” cho thấy sức vóc của một cây bút có nội lực lại đấy chất trẻ, chất bay, chất lãng mạn thì Nguyễn Như Phong trong “Chạy án” lại cho thấy sự vạm vỡ, phong phú của tư liệu, lối dẫn truyện nhanh của tiểu thuyềt hành động. Nếu Nguyễn Xuân Thuỷ trong “Sát thủ online” mạch lạc trong mê cung của tội ác mạng thì Nguyễn Hiếu cho thấy sự chằng chịt tư liệu của hè phố, lề đường của cuộc sống hôm nay trong “Mặt nạ để đời”. Còn Nguyễn Đình Tú lại khá lọc lõi, tinh đời giữa thế giới giang hồ trong “Phiên bản”. Nếu Di Li dẫn dụ người đọc vào những chập chờn của sự kinh dị qua “Trại hoa đỏ” thì Giản Tư Hải với “Ổ buôn người” lại đưa chúng ta vào những tình huống rượt đuổi li kỳ và nghẹt thở trong tác phẩm của họ...vv”.

Những xung đột giữa cái thiện và cái ác trong cuộc sống hôm nay chính là những vấn đề nóng bỏng của văn học. Các tác phẩm của cuộc thi, người đọc đã bắt găp những cuộc săn lùng truy đuổi, trấn áp tội phạm mà. những trang viết hết sức sinh động, những lí giải một cách thuyết phục những con đường dẫn đến tội ác, chỉ ra những căn nguyên xã hội của cái ác. Đặc biệt đáng mừng là những trang viết sâu sắc ấy lại xuất hiện trong các tác phẩm của các tác giả còn rất trẻ như Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Xuân Thủy, Chu Thanh Hương, Di Li,…

Nhà văn trẻ Di Li cho rằng: “Cuộc thi đã khẳng định thương hiệu của một giải thưởng, mảng văn học về đề tài Vì an ninh Tổ Quốc và bình yên cuộc sống, hứa hẹn là mảnh đất màu mỡ để từ đó xuất hiện những tác phẩm văn học tầm cỡ”.

Đến dự Lễ trao giải, Trung tướng Phạm Minh Chính, UVTW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tổng kết: “Đến hôm nay cuộc thi đã được khép lại, Bộ Công an mong muốn và tin tưởng đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” không dừng lại mà càng phát triển. Các nhà văn có mặt hôm nay cũng như những người cầm bút viết về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc” trong cả nước sẽ tiếp tục lấy cảm hứng từ cuộc sống chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ Công an làm đề tài sáng tác. Bộ Công an sẽ tạo điều kiện để các nhà văn tiếp cận được thực tế, xây dựng nên tác phẩm của mình. Chỉ có sự đồng cảm như thế mới tạo thành sức mạnh tổng hợp để làm nên những tác phẩm văn học vừa có giá trị nghệ thuật về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” vừa góp phần tuyên truyền cho toàn dân hiểu, tin tưởng, ủng hộ và cùng với lực lượng Công an nhân dân bảo vệ an ninh trật tự góp phần tạo sự ổn định để tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.

 

Kết quả cuộc thi

 

Giải A: (30 triệu đồng)

 

1. Tiểu thuyết Hoa bay của tác giả Chu Thanh Hương

2. Tiểu thuyết Sát thủ online của tác giả Nguyễn Xuân Thủy

 

Giải B (20 triệu đồng)

 

1. Tiểu thuyết Phiên bản, tác giả Nguyễn Đình Tú

2. Tiểu thuyết Chạy án, tác giả Như Phong

3. Tiểu thuyết Mặt nạ để đời, tác giả Nguyễn Hiếu

4. Truyện ký Điệp báo A10, tác giả Nông Huyền Sơn

 

Giải C: (15 triệu đồng)

 

1. Tiểu thuyết Trại Hoa đỏ, tác giả Di Li

2. Truyện ký Chảo lửa, tác giả Võ Bá Cường

3. Tiểu thuyết Ổ buôn người, tác giả Giản Tư Hải

4. Truyện ký Ông cò Ba Hương, tác giả Diệp Hồng Phương.

 

 

CHÙM ẢNH LỄ TRAO GIẢI CUỘC THI TIỂU THUYẾT VÀ TRUYỆN KÝ

“VÌ AN NINH TỔ QUỐC VÀ BÌNH YÊN CUỘC SỐNG”

(Sáng 21/01/2011 tại HT Bộ Công an, 44 Yết Kiêu, Hà Nội)

 

Trung tướng Phạm Minh Chính,
UVTW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an  phát biểu

 

Toàn cảnh buổi lễ trao giải

 

Nhà thơ Đỗ Hàn, Chánh VP Hội Nhà văn công bố tặng thưởng

 

Nhà văn Nguyễn Thụ và nhà văn Ngôn Vĩnh trao các tặng thưởng đặc biệt

 

Nhà văn Phùng Thiên Tân và nhà văn Khuất Quang Thụy trao giải C

 

Thiếu tướng Lê Ngọc Nam và nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ

Trao giải B cho các tác giả

 

Thứ trưởng Bộ CA Phạm Minh Chính và Chủ tịch Hội Nhà văn VN nhà thơ Hữu Thỉnh

trao giải A cho Nguyễn Xuân Thủy, tác giả của tiểu thuyết 'Sát thủ online'

 

Nhà văn Bùi Anh Tấn và nhà văn Phong Điệp

 

Các nữ nhà văn duyên dáng tại Lễ trao giải

Trái qua: Nhà văn Võ Thị Xuân Hà, Thuỳ Dương, Y Ban

 

BTV Lucbat.com Chử Thu Hằng và nhà văn Trần Nhương

 

Tiết mục quan họ

 

Thiếu tướng Lê Ngọc Nam, Trung tướng Phạm Minh Chính, Nhà thơ Hữu Thỉnh,

Nhà văn Phùng Thiên Tân và Nhà thơ Đặng Vương Hưng (từ trái qua).

 

Các tác giả đạt giải chụp ảnh lưu niệm với Ban tổ chức cuộc thi

Bài và ảnh: LÃNG TỬ ĐẠT MA

(TTBT- QTM Lucbat.com)

Email: yeulucbat@gmail.com

Điện thoại: 0945. 222578

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: