Trẻ trung, năng động, làm trong công ty quảng cáo và dạy ở trường du lịch, thích đám đông và rất hay khóc, khó mà tin rằng chính cô gái xinh đẹp này lại là tác giả của Trại Hoa Đỏ - một cuốn tiểu thuyết kinh dị rất độc đáo, miêu tả những nỗi ám ảnh, sợ hãi của con người trong xã hội hiện đại. Với Di Li, văn chương là cái nghiệp chứ không phải gánh nặng…
Do tính chất công việc nên chị phải đi nhiều, sáng Hà Nội, chiều Sài Gòn, thậm chí tối đã ở tận Indonesia. Phải chăng chị đã yêu cái “chủ nghĩa xê dịch”, và tin chắc, đã học hỏi, rải nghiệm được rất nhiều qua những chuyến đi. Có bao giờ chồng con chị phàn nàn về việc chị đi nhiều như thế?
Tôi cho rằng sự ham thích xê dịch là một tố chất bẩm sinh. Khi còn rất nhỏ tuổi, chưa có khả năng thực hiện được các chuyến đi thì tôi phiêu lưu trong… trí tưởng tượng, qua văn học và vô tuyến truyền hình. Rõ ràng đi lại và khám phá các nền văn hóa mang lại cho ta thật nhiều kinh nghiệm sống. Tôi đi lại thế chưa ăn thua gì, còn rất nhiều người chịu khó xê dịch hơn tôi. Vài người bạn của tôi chẳng hạn, cũng cầm tinh con Ngựa, số visa mà họ có nhiều hơn tôi gấp đôi, nhưng khi hỏi thông tin về những đất nước họ đã ghé qua thì hầu hết đều rất lúng túng, sau đó mới thú nhận trong những chuyến đi ấy, họ chỉ di chuyển từ khách sạn ra phòng họp. Trong gia đình, tôi cũng là người đi ít nhất đấy, thua xa chồng và bố mẹ chồng. Nói chung mọi người đều thông cảm với niềm đam mê của tôi. Hơn nữa, phần nhiều những chuyến đi cũng vì công việc mà thôi.
Tôi còn nhớ có lần chị tuyên bố mình không thích đàn ông vào bếp. Vậy ở nhà, chị quán xuyến hết mọi chuyện tề gia nội trợ? Do tự nguyện hay bị chồng “bắt buộc”?
Tôi cũng từng nói rằng, một trong những điều làm tôi thấy cảm động nhất ở người đàn ông là khi tôi nhìn thấy họ nấu một bữa ăn tối, hoặc giặt giùm tôi một bộ quần áo. Tuy nhiên, nếu tôi có mặt ở nhà, tôi sẽ không bao giờ để người đàn ông của mình lao vào nấu nướng ngày này qua ngày khác.
Theo nhận xét của nhiều người, chị thuộc tuýp phụ nữ thông minh, năng động, hiện đại và cá tính. Có vẻ cuộc sống đã cho chị rất nhiều thứ, nhưng bù lại, cuộc sống đã lấy những gì từ chị? Nhiều người vẫn nói, được luôn đi đôi với mất, thế mới công bằng, chị nghĩ sao?
Đúng, được luôn đi đôi với mất. Tôi chỉ ví dụ một khía cạnh thế này. Trời cho tôi cả sáu giác quan rất thính nhạy, chính điều đó giúp tôi xử lý tốt công việc và các mối quan hệ xung quanh, giúp tôi đi vào lĩnh vực viết lách. Nhưng cũng chính sự quá nhạy cảm khiến tôi dễ tổn thương, luôn cảm thấy không an lành, thanh thản. Đôi lúc, đó cũng là sự không hạnh phúc.
Hạnh phúc luôn là thứ người ta muốn đạt được trong mọi hoàn cảnh. Còn chị, chị muốn đạt được hạnh phúc như thế nào?
Đối với tôi, hạnh phúc là khi thực hiện được những ước mơ, lý tưởng và hoài bão của mình. Nhưng cũng có khi hạnh phúc là một bữa tối dễ chịu hay khi xem một bộ phim hay.
Chị giảng dạy tiếng Anh, thạo tiếng Đức, viết báo, dịch sách và viết văn, mê kinh doanh và “tham” du lịch. Vậy chị còn cảm thấy thiếu thứ gì trong cuộc sống này?
Có lẽ thứ mà tôi luôn thấy thiếu nhất là thời gian.
Ở Việt Nam, sách dịch về đề tài siêu nhiên - kinh dị khá đa dạng và phong phú. Chị có sợ một ngày tác phẩm của mình không thể chen chân với sách dịch? Điều đó có làm chị ám ảnh đến mức bỏ nghề viết truyện trinh thám?
Từ trước đến nay, độc giả VN toàn đọc văn học giả tưởng nước ngoài. Các nhà văn Việt Nam gần như không có hứng thú với thể loại này. Đó cũng là lý do khiến tôi chịu một sức ép là khi đọc truyện tôi, độc giả cứ hay so sánh với tác phẩm trinh thám, kinh dị nước ngoài. Tuy nhiên, nghệ thuật là một sân chơi bình đẳng, không thể nói rằng anh là tác giả Việt Nam hay anh còn trẻ, anh làm nghề tay ngang mà anh viết được như vậy cũng là tốt rồi. Lựa chọn tác phẩm nghệ thuật không giống như khi người ta bình bầu người tốt việc tốt hay gương nghèo vượt khó. Không có bất cứ sự nhân nhượng nào ở đây mà chỉ có chất lượng của tác phẩm. Vì vậy tôi vẫn luôn nỗ lực trong sự cạnh tranh này. Tự tin quá thì thành ngông cuồng nhưng tự ti quá thì cũng hóa ra người yếm thế rồi rút cục chẳng làm được việc gì. Tôi tự tin ở nghị lực và bản lĩnh của mình.
Mê lộ văn chương thường mang lại cho người phụ nữ nhiều trắc trở trong cuộc sống. Còn chị thì sao? Có bị nghiệp văn phá hỏng cuộc đời bình thường không?
Không phải văn chương làm cho con người ta nên nông nỗi thế, mà hãy nghĩ đến khía cạnh ngược lại. Có sự nhạy cảm thì mới làm nên văn chương, mới sáng tạo được. Như tôi đã nói ban nãy rồi, nhạy cảm quá đáng cũng là sự khốn khổ chứ không sung sướng gì. Tôi rất dễ tủi lòng nếu nhận thấy một thái độ khác lạ hay hành vi ứng xử của người khác đối với mình không như lúc thường. Mà tôi dễ đọc được ý nghĩ của người khác lắm đấy. Tất nhiên đó cũng là một sự ám ảnh.
Nhà văn nữ thường hay thiên vị khi viết về những nhân vật nữ có thân phận yếu đuối, bao dung, chịu đựng và quá hy sinh theo kiểu phương Đông. Nhưng khi đọc những tác phẩm của Di Li, độc giả lại thấy chị đang cố xây dựng những “nữ cường nhân”, có tính cách mạnh mẽ, bạo liệt như cánh mày râu?
Tôi cũng cảm thấy thế. Có lẽ tôi cũng là người mạnh mẽ, quyết đoán, không khoan nhượng nên hay “áp đặt” điều đó cho nhân vật nữ của tôi chăng (cười). Nhưng theo nghiên cứu tâm lý công chúng của cá nhân tôi, có vẻ như những nhân vật nữ kiểu cô Tấm không còn được ưa chuộng nữa. Thậm chí người xem còn phát tức khi thấy một nhân vật hiền lành nào đó bị chèn ép quá đáng mà vẫn nhu nhược chịu ngồi yên. Không có bất kỳ ông Bụt nào hiện ra trong thế kỷ 21 này cả. Mỗi người đều phải tự quyết định lấy số phận của mình và tôi mong rằng hình tượng nhân vật nữ của mình sẽ là hiện thân của đông đảo các bạn nữ trẻ trong thế kỷ hội nhập này.
Có lúc nào chị nghĩ rằng truyện của mình sẽ vươn xa ra toàn thế giới và được đón nhận?
Tôi vẫn đang nỗ lực đưa tác phẩm của mình và các nhà văn trẻ khác ra nước ngoài. Hiện đã có vài dự án đồng ý in sách cho tôi ở một số nước, nhưng chừng nào chúng còn chưa hiện hữu thì tôi không nên nói trước bất cứ điều gì.
Chị có cơ hội đi nhiều nước trên thế giới, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau. Theo chị, cái Tết cổ truyền ở Việt Nam có ý nghĩa như thế nào? Một năm trôi qua cũng là dịp để người ta tổng kết lại về những việc đã làm và chưa được, chị có thể “tiết lộ” cho độc giả TVTD về những dự định và kế hoạch trong năm mới 2011?
Để thấy được cái Tết cổ truyền của chúng ta có ý nghĩa như thế nào thì phải chứng kiến Việt kiều khắp nơi chuẩn bị cho Tết. Cho dù có xa quê hàng mấy thập kỷ, cho dù có sống ở vùng giá buốt tận Scandinavia hay nóng nực ở xứ Angola thì họ vẫn náo nức trước ngày Tết. Năm vừa qua, tôi đã hoàn thành một cuốn sách chuyên ngành về kỹ năng viết trong PR, ngoài ra còn một cuốn hồi ký học đường với tên gọi “Nhật ký mùa hạ”, một tập bút ký, một cuốn tập hợp các chân dung “Đối thoại làng văn”, tạp bút “Cocktail thị thành”. Tất cả những cuốn này đều thuộc thể loại phi hư cấu và sẽ ra mắt độc giả vào đầu năm 2011. Tôi đang lên kế hoạch đến cuối năm sau sẽ hoàn thành cuốn tiểu thuyết trinh thám kinh dị thứ hai.
Xin cảm ơn và chúc chị cùng gia đình có một cái Tết vui vẻ, đầm ấm.
Chung Trần Quang
(Thực hiện)