Thủy Anna (còn có bút danh khác là An Chiêm Thuỷ - Người đã viết bài phỏng vấn lụcbát.com đăng trên TT&VH số ra ngày 6-8-2008) - Tác giả của tiểu thuyết 'Lạc giới' (NXB Hội Nhà văn) đang gây sự chú ý của dư luận.
Là một cây bút thuộc thế hệ 8X, Thủy Anna đã gửi vào 'Lạc giới' câu chuyện nóng hổi, nhức nhối về hiện trạng lối sống của giới trẻ. Chị vừa trò chuyện với eVan.vnexpress.net.
- Chị nghĩ sao trước ý kiến cho rằng, chị viết 'Lạc giới” bằng sự ám ảnh từ một hiện thực nào đó?
- Lạc giới được tôi thai nghén gần hai năm rồi mới đặt bút viết. Trong hai năm đó tôi đã chứng kiến bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu cảnh đời. Tôi cũng đã tìm hiểu về đời sống của những điếm trai qua sách báo, thực tế vũ trường... Quả thực, viết Lạc giới tôi cảm thấy rất lo, bởi vấn đề của những “điếm trai” tế nhị quá. Để đưa một chí tiết có thật vào văn học, truyền xúc cảm đó cho bạn đọc không phải là điều dễ dàng.
Giống như một giọt nước làm tràn ly, sau khi đọc mẩu tin về cái chết của một mụ “nạ dòng” vì tấn công tình cảm một cậu trai trẻ, tôi bắt đầu viết. Trong sáu tháng trời tôi viết xong Lạc giới. Cái tâm của tôi khi viết “câu chuyện có thật” đó hoàn toàn trong sáng, tôi không hề có ý định chiêu đãi người đọc một câu chuyện sex để gây sự chú ý.
- Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên hình như hơi ưu ái khi đặt bút viết lời giới thiệu cho cuốn sách của chị. Câu chữ ngắn gọn, súc tích của ông đủ để chị có sự tự tin cần thiết trong lần đầu xuất hiện trên văn đàn. Chị nghĩ sao?
- Không hẳn như vậy. Khi tôi hoàn thành Lạc giới ở dạng bản thảo, tôi chuyển đến cho nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên. Tôi chờ đợi lời nhận xét của anh Nguyên dù qua điện thoại, tin nhắn thôi cũng được. Mãi đến hôm cuốn sách của tôi chuẩn bị đi nhà in, anh Nguyên mới mail cho tôi mấy dòng chữ quý giá đó. Tôi trân trọng cả những lời khen, lời chê, bởi là người viết văn trẻ, phải ý thức được bản thân mình.
Lời giới thiệu cuốn sách của anh Nguyên không chỉ cho tôi sự tự tin, mà còn cho độc giả một cái nhìn dễ chịu hơn đối với một đề tài nhạy cảm.
- Đề tài đồng tính, trai nhẩy, gái điếm, khỏa thân xuất hiện quá nhiều trên văn đàn. Trào lưu văn học trẻ trong nước đang bị cuốn theo những mảng hiện thực đó? Chị cũng không ngoại lệ?
- Có nhiều người cầm bút chọn sex làm mục tiêu để viết. Còn tôi thì bị Lạc giới thúc ép cầm bút. Nhiều người khi biết tôi sắp ra tiểu thuyết, hỏi: Thế tác phẩm có sex không? Nếu không sex thì chẳng ai buồn đọc đâu. Tôi hơi ngạc nhiên, chẳng lẽ sex lại quan trọng đối với văn chương thế sao? Tôi nghĩ đó chỉ là cái nhìn mang tính xu thế của một số người. Là người viết văn còn trẻ, tôi chỉ cầm bút khi thấy nguồn cảm hứng của mình đã thực sự “chín muồi”.
- Nhiều diễn đàn trên mạng tỏ ra thích nhân vật Sang trong tác phẩm của chị, một tay chơi, một “gã điếm”, một kẻ bất cần đời... Chị đã xây dựng nhân vật này như thế nào?
- Trong tác phẩm tôi đặt hai nhân vật song song, Sang và Tú, một kẻ đã xuống vực và một kẻ còn đang chấp chới ở bờ vực để cảnh tỉnh lối sống của giới trẻ hiện giờ. Khi khắc họa nhân vật chính, một gã điếm trượt dài, bị trả thù rồi trở về trắng tay, tôi không có lời khuyên cho những người thích lối sống như vậy. Bởi nội dung cuốn sách của tôi dành cho những người trưởng thành, tôi tin rằng giới trẻ bây giờ có đủ tỉnh táo để không sa vào lầm lỗi như nhân vật Sang trong Lạc giới.
- Chị đang viết cuốn tiểu thuyết thứ hai. Chị có định “gây sốc” bởi một đề tài kiểu 'Lạc giới'?
- Tôi nghĩ, Lạc giới đã chở một hiện thực mà mọi người thừa nhận, chứ không “gây sốc” kiểu như tôi có một tác phẩm sex, chi tiết sex. Hiện thực của tôi ẩn sâu trong những chi tiết ám ảnh, giằng xé nội tâm nhân vật và chỉ có họ mới có thể tự giải thoát cho bản thân mình khỏi bi kịch mà thôi. Cuốn tiểu thuyết thứ hai của tôi vẫn đi vào mảng đề tài giới trẻ.
Thu Phương (thực hiện)
ĐÔI NÉT VỀ TIỂU THUYẾT 'LẠC GIỚI'
Mở đầu bằng một cảnh trả thù thâm hiểm, đẫm máu, truyện là lời lý giải cho kết cục bi thương của của hai gã thanh niên sống lệch lạc, không chỉ là lạc giới tính.
Tú và Sang là hai người bạn, nhưng mang thân phận khác nhau. Tú sinh ra trong một gia đình trí thức còn bố mẹ Sang chỉ là những người làm cu li khuân vác. Tuổi nhỏ, dẫu có những mặc cảm nhất định về khoảng cách sang hèn, họ vẫn là những đứa trẻ trong trắng, đầy hiếu kỳ và mang nhiều khát vọng khám phá, chinh phục thế giới.
Nhưng những sự cố liên tục đổ ập xuống gia đình Sang đã khiến cậu dần trở nên hằn học với con người, phẫn nộ với cuộc đời. Bắt đầu từ chuyện Như - em gái Sang - bị hãm hiếp rồi bị chồng đuổi vì đã thất trinh. Sang giãy dụa thoát khỏi cái nghèo, cái hèn bằng mọi cách. Cơ hội trượt ngã đến với anh khi cơ thể cường tráng, gương mặt điển trai và đầy chất đàn ông của anh lọt vào ánh mắt thèm khát của những người đàn bà hồi xuân nhưng thiếu thốn tình yêu…
Tú khác sang. Anh không vấp phải những bầm dập của cuộc đời như bạn. Anh chỉ bị ngấm dần, tích tụ dần thói tật của đời bằng những thất vọng ngày một chồng chất, từ gia đình đến cơ quan và bè bạn. Đó là chuyện cặp phụ huynh trí thức của anh mê tắm chung nhưng thiếu tế nhị khi tự nhiên giăng bày những cử chỉ yêu đương trước mắt một đứa con đang lớn. Là người chị gái giấu sau vẻ đoan trang ngoan ngoãn là sự bạo dạn đến độ dám đưa bạn trai về nhà say sưa trong khi bố mẹ đi vắng. Là ám ảnh đầy thất vọng bẽ bàng về người con gái đầu tiên anh yêu thương. Cũng như Sang, Tú dần dà ngã vào vòng tay của những người đàn bà giàu có.
Được những người đàn bà lắm tiền như Sương và Soan bao bọc, Tú dần nảy sinh tình cảm lệch pha với Soan. Nhưng với Sang, Sương chỉ là bước đệm để anh kiếm tiền và trả thù cuộc đời đen bạc. Khi đã kiếm được không chỉ nhiều tiền mà rất nhiều tiền bằng cách kinh doanh thân xác con người, Sang rũ bỏ Sương, thậm chí là dẫn dắt con trai bà bước chung con đường lạc giới với mình. Song song với cuộc đời lầm lạc, Tú còn thoảng có những mối tình thực sự, còn Sang thì không. Anh không yêu thương dù không bao giờ để mình thiếu vắng cả đàn bà lẫn đàn ông…
Quả báo đến với Sang khi tình mẫu tử trong Sương trỗi dậy. Người đàn bà vừa bị phụ tình, vừa chứng kiến đứa con bị tàn phá đã ra tay hủy hoại cuộc đời anh.
Đối diện với một đề tài nhạy cảm, Thủy Anna có lối viết khá hiền. Chị áp dụng lối kể chuyện truyền thống, cố gắng khai thác khá nhiều sự kiện có thực, nhưng thực đến độ người đọc ít thấy giấu vết làm nghề của một nhà văn đối với chất liệu sống. Tuy nhiên, đâu chỉ mới là tiểu thuyết đầu tay của Thủy Anna.
Theo Hoàng Vinh
(Nguồn: EVan)
___________________
Bạn đọc muốn có "Lạc giới" xin liên hệ với tác giả Thuỷ Anna
qua số ĐT: 0168.668.5007; Email: nhuthuy1982@gmail.com