Vườn quê gắn với quê mùa/ Gieo trồng, tưới bón, chăm lo suốt ngày/ Cho hoa vàng nở trên cây/ Quả đỏ lủng lẳng thơm ngày ngát đêm/ Người quê tính nết dịu hiền/ Năm năm tháng tháng rau, dưa, tương, cà/ Mọi thứ cất ở vườn nhà/ Bầu, bí, cải, đậu, hành hoa, nghệ, riềng/ Cam, xoài, mít, vải, chôm chôm/ Quả lăn sát gốc, quả chồm ngọn cây/ Ai xin một nắm cho ngay/ Ai mua một vốc tính tiền rẻ thôi/ Cuộc sống đơn giản mà vui/ Vườn quê ăm ắp, khơi khơi ruộng đồng/ Lo phiền đẩy đi bằng không/ Trưa nồng dựa gốc cây hồng nghỉ ngơi/ Gió từ vòm lá xanh tươi/ Quyện hương nhài, bưởi gửi vào giấc mơ… (Về giữa vườn quê - C.M.C)
Tự bao giờ cùng với ruộng đồng, vườn tược đã là một phần cố hữu trong khung cảnh thiên nhiên làng quê Việt. Mảnh vườn vừa là chỗ để nông dân canh tác cải thiện kinh tế, vừa là rào chắn bảo an, làm đẹp nhà cửa - thôn xóm tạo nên những không gian xanh mát, trong lành.
Vườn quê thường bắt đầu từ khoảnh sân gạch phía trước, sau hoặc hai bên hông nhà. Ở góc cận sân thường có một cái giếng đào hoặc bể chứa, xung quanh bày chum, vại, xô, chậu và ở góc xa có ao, hồ nuôi thả cá.
Dọc ngang vườn là những đoạn đường đất vòng vèo, nhấp nhổm. Thỉnh thoảng ta lại bắt gặp một vài con gà, lợn, chó, mèo lăng xăng sục sạo và đôi khi là lũ trẻ nô đùa hoặc người lớn tắm rửa, chuyện trò, nghỉ ngơi dưới tán lá râm mát.
Với đức tính cần kiệm, tự cung tự cấp, dân quê luôn tận dụng từng tấc đất để trồng trọt. Thành thử trong vườn thấy đủ thứ cây. Có loại cây bé lúp xúp vừa tầm hái phục vụ nhu cầu lấy lá, rau, quả hàng ngày như cà, đậu, ớt, mồng tơi, rau đay, tía tô, gừng, nghệ, xương sông…
Mảnh vườn xinh xắn nhỏ phía sau/ Vun xới em trồng đủ loại rau/ Cây sả, húng, thơm, ngò, rau quế/ Gìn giữ tình quê màu thắm màu (Mảnh vườn quê hương - Như Liên).
Lại có loại cây tán rộng cao vượt nóc nhà cho hoa, quả theo mùa như trứng gà, vú sữa, hồng xiêm, chuối, bưởi, mít, mận, xoài, nhót, chôm chôm, măng cụt… hoặc cây leo bám che phủ mặt sân, mặt hồ tạo bóng như bầu, bí, mướp, gấc, thiên lý, chanh dây…
Một trăm thứ quả anh ơi/ Vườn em trĩu trịt xin mời vào xem/ Cứng thì quả ổi còn ương/ Mềm thì quả thị chín vàng đã lâu/ Đỏ lòng thì đúng quả nâu/ Nhuộm khăn đan áo đẹp màu đôi ta/ Thơm mát chính hiệu quả na/ Biếu cha dâng mẹ hơn là chén son/ Đắng thì bồ kết, bồ hòn/ Để ta tắm gội cho trơn mái đầu/ Ngọt thì long nhãn, táo tầu/ Bưởi đường, cam, quýt nâng niu lựu, đào/ Chua thì quả hạnh, quả mai/ Quả sấu, quả dọc, quả gai trái mùa/ Đôi ta còn ngọt chửa chua/ Đừng tham táo rụng, đừng chê khế rừng/ Thanh yên, phật thủ thơm lừng/ Quả thơm mặc quả, xin đừng quên nhau (Ca dao).
Cũng không thiếu cây cảnh như cúc, lan, huệ, nhài, mẫu đơn, vạn thọ, hải đường, dạ lý, ngâu… Đêm tự tình giữa mảnh vườn quê/ Trăng mười sáu thoảng hương say hàm tiếu/ Ánh vàng tan mơn man quỳnh hương, dạ lý/ Cùng ngọc lan cười chúm chím sương đêm (Đêm tự tình - Vũ Quyên).
Nhờ nhiều cây cối, bốn mùa vườn quê sai trái sum suê. Nhiều cây có cả hoa, quả trắng, xanh, vàng, nâu, đỏ. Có những quả to như quả bưởi, quả mít, quả bí nặng trĩu, để cho cành khỏi gãy người dân phải chống que phía dưới.
Nói chung, khi thu hoạch, mọi người chỉ cần hái, chọc, rung, móc là quả rơi xuống. Riêng với cây cau và dừa, buồng quả ở tít trên ngọn nên phải leo trèo. Từ thu tới đông, lá rụng xào xạc. Lá trút nhiều đến nỗi quét không xuể, lắng đọng dưới gốc, rồi oải dần tiết ra mùi đất nồng nàn. Tuy trơ trọi song có sức mạnh tiềm ẩn chỉ sau vài đợt mưa, đầu cành lại nhú lên lộc biếc và cho những nhành lá mới xanh mượt.
Bởi hấp dẫn vì mùi hương và quả mọng, vườn quê luôn sôi động các loài côn trùng và nhiều loài chim quen thuộc: Trên đường đê bước rảo/ Gió nam giỡn lá cành/ Bỗng tiếng chim tu hú/ Đưa từ vườn ra/ Quả bắt đầu chín bự/ Ngọt như nỗi nhớ nhà (Tiếng chim tu hú - Anh Thơ); Hương ổi ngọt lịm gió se / Chào mào, sáo sậu bay về vườn xưa (Nhà tôi - Hoàng Anh Tuấn).
Mỗi loại rau, hoa, quả ở vườn đều có tác dụng chữa bệnh. Tía tô giúp ấm họng, bổ phế, tiêu đờm, chữa buồn nôn và cảm cúm; rau ngót hoạt huyết, sát khuẩn, trị mồ hôi trộm; đay giải nắng, chống táo bón, ngăn ngừa phù thũng; mồng tơi mát da, nhuận tràng; thiên lý an thần, tráng dương; ngâu chữa sốt, giảm sưng tấy; nhài trị mất ngủ và rôm sảy; mướp điều kinh, lợi sữa; chuối chống thiếu máu, chữa sỏi thận; ổi chữa sâu răng và tiêu chảy…
Có thể nói, thứ gì trong vườn cũng có giá trị, là chỗ dựa kinh tế của nhiều gia đình. Dân quê ăn uống đạm bạc, khi cần mớ rau, nắm quả, thang thuốc lại cắp rổ đi lòng vòng quanh vườn một lúc là đầy.
Ngoài món ăn chính, mỗi mùa người dân đều chế biến được nhiều đồ thi vị như mùa hè có chè hoa quả, mùa đông có cháo vị hương, ngày tết có mứt, kẹo, bánh mặn-ngọt. Nhiều nơi còn nhuộm quần áo, thực phẩm từ củ, rễ, lá cây cho màu sắc tự nhiên không độc; dùng gỗ mít, nhãn, bưởi để đóng bàn ghế, giường tủ, tượng thờ; tận dụng hoa vườn nuôi ong lấy mật hoa nhãn, táo, cam…
Người dân cũng đem sản vật trong vườn ra chợ bán, trao đổi hoặc đóng góp vào những bữa cơm giỗ tết, ma chay, cưới hỏi trong làng. Mọi người rất tự hào về mảnh vườn nhà, khi khách đến chơi đều dẫn ra vườn đi dạo, rồi sửa soạn bữa cơm thân mật đối đãi. Mỗi vụ thu hoạch hoa quả, người lớn thường sai trẻ nhỏ mang một ít sang biếu hàng xóm.
Ngày xuân, nhà nọ tặng nhà kia những cành đào, khóm lan, chậu quất và những chùm quả xinh để trưng ba ngày Tết, tăng không khí ấm cúng. Ngày lễ, người già đều sắp mâm cau, trầu, oản, quả, hoa vườn lễ chùa.
Đứng giữa vườn quê có cảm giác cuộc sống thật êm ả. Nhiều người thích mắc võng, bắc chõng nằm nghỉ dưới gốc cây. Thích tắm ao, nước giếng: Lấy gáo dừa múc nước lạnh đổ từ trên đầu xuống ướt nhèm, rồi nhảy lên đụn rơm hay chạc cây cho nắng, gió hong khô. Thích ngồi trên cành vừa ăn quả vừa ngắm cảnh.
Bởi làm sao tôi lại thích về/ Với vườn cây nhà anh hương gió tỏa/ Có phải nơi đây cỏ cây hội tụ/ Mà ngọt ngào ngát cả không gian/ Đây vàng ngọt vườn cam/ Lắc lư chùm trái ngọt/ Mít tố nữ tròn như quả bóng/ Bàn tay anh cần mẫn sớm hôm…/ Đây chúm chím vườn na/ Mắt e ấp như tuổi em mười tám/ Bưởi vẫn thơm lừng chùm hoa trắng/ Cho ta về nhớ “Cửa sổ hai nhà” (Vườn cây trái - Nguyễn Trọng Đồng).
Những người xa xứ luôn mong muốn được về ôm ấp từng gốc cây, bụi hoa do chính tay vun xới hay ăn quả ngọt, nấu bát canh rau do mình hái ngoài vườn: Ước gì về lại vườn xưa/ Thả mình để nắng đung đưa/ Ngắm màu xanh của đọt dừa đang lên/ Nhẹ nhàng nhìn lũ thờn bơn/ Tranh nhau chở ánh hoàng hôn về nhà (Vườn xưa - Quế Mai); Vườn xưa lại đón bước tôi về/ Mong thỏa nỗi niềm kẻ nhớ quê/ Cánh gió ruổi dong đường gió cũ / Bưởi, xoài, cam, quýt vẫn sum suê (Thăm lại vườn xưa - Nguyễn Thanh Nhã).
Nhiều người nhớ đến vườn quê là nhớ tới người thân, ruột thịt: Mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh/ Bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc/ Hai ta ở hai đầu công tác/ Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa (Vườn xưa - Tế Hanh).
Giống như đình, chùa, chợ búa, vườn quê có ý nghĩa cực kỳ sâu đậm trong đời sống dân lành. Phần lớn dân quê cả đời quanh quẩn quanh ngôi nhà và mảnh vườn nên ở đó lưu dấu rất nhiều kỷ niệm. Khi còn bé thì theo cha mẹ ra vườn, lớn hơn, biết tự tay gieo trồng, chăm bón, canh chim, bó rọ, trảy quả, rỡ khoai, sắn giúp gia đình.
Cũng tại đây những đứa trẻ xóm giềng quen biết chơi thân, hàng ngày chui rào sang nhà nhau, chung vui những trò dân gian nhí nhảnh như trốn tìm, chọi dế, kéo mo cau, xâu vòng hoa đội đầu, gài áo giả làm cô dâu chú rể, hái lá móng, củ nghệ, quả mực chế thành màu vẽ, thuốc nhuộm… Qua các trò chơi thuần hậu nhân lên hoài bão, ước mơ trở thành bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, văn nghệ sĩ cống hiến cho quê hương.
Cũng nơi này, trai gái hò hẹn, tự tình trao nhau những nụ hôn và gửi tặng những chùm hoa, quả làm kỷ vật. Khi nên vợ nên chồng, nhiều người lại chung tay vun xới hạnh phúc từ chính mảnh vườn thân yêu.
CHU MẠNH CƯỜNG
(Nguồn: Tạp chí Hồn Việt)