Thứ hai, 23/12/2024,


Một câu lạc bộ thơ Việt 700 năm trước (12/01/2011) 

Từ bảy thế kỷ trước, ở nước ta đã có một Câu lạc bộ thơ, nếu không muốn nói là một Hội nhà thơ của nước Việt, mà người đứng ra sáng lập là danh nhân Trần Quang Triều (1286-1325). Ông là con cả của Trần Quốc Tảng, cháu nội của Trần Quốc Tuấn, hiệu là Cúc Đường và Vô Sơn Ông. Là người giỏi văn thơ, lại thông hiểu binh pháp, từng cầm quân đi dẹp loạn biên cương, ông làm quan tới chức Nhập nội kiểm hiệu Tư đồ và được phong tước Văn Huệ Vương. Tuy nhiên, bình sinh ông không ham quan chức, danh lợi, chỉ ưa nhàn tản chốn thôn dã. Trần Quang Triều sớm lui về ẩn dật ở một tự viện danh tiếng đương thời là chùa Quỳnh Lâm, huyện Đông Triều. Bằng ảnh hưởng của mình, ông tập hợp một số danh sĩ, thường cùng nhau sáng tác và luận bàn văn thơ trong am Bích Động, rồi hình thành Thi xã Bích Động. Các thành viên của Thi xã này, ngoài Trần Quang Triều còn có những nhà thơ sáng danh trong văn học Việt khi đó, như Nguyễn Ức, Nguyễn Sưởng, Nguyễn Trung Ngạn... Có thể nói, Thi xã Bích Động là Hội nhà thơ đầu tiên trong lịch sử văn học nước ta, được thành lập đầu thế kỷ XIV.Chúng tôi còn suy nghĩ rằng, tới cuối thế kỷ XV, đời Hồng Đức, trong sinh hoạt văn học nước ta mới có thêm một Hội Nhà văn nữa, là Hội Tao đàn rất nổi tiếng trong lịch sử với 28 người ứng với 28 ngôi sao.Thơ của Hội này, ngoài một bản lĩnh lớn là Tao Đàn Nguyên soái Lê Thánh Tông, còn chủ yếu là thơ thù tạc, chỉ mong họa vần, phụng bút để làm đẹp lòng Vua. Hội thơ ca "kính họa" này chỉ hoạt động có hai năm, thành lập năm 1495 và tồn tại đến khi Lê Thánh Tông mất, 1497. Còn Thi xã Bích Động, thì không như vậy, mà là một dòng thơ trữ tình và nhân đạo, mới hơn hẳn thơ ca hơn hai thế kỷ trước đó. Dòng thơ này được khởi lên từ thời Trần Minh Tông (1288-1356), một ông Vua rất trọng Nho học, có nhiều triều thần giỏi giang xuất thân khoa bảng, như Mạc Đĩnh Chi, Chu Văn An, Nguyễn Trung Ngạn, Lê Quát... Bản thân vua Minh Tông cũng là một thi sĩ, tác giả bài thơ Bạch Đằng Giang danh tiếng với những câu tuyệt tác (tạm dịch):

 

Mở đôi mắt nhìn non sông xưa nay

Tựa lan can ngẫm cuộc được thua nước Hồ nước Việt

Trông bóng trời chiều trong sông nước

Ngỡ như máu trận vẫn còn tươi...

 

 

Chùa Quỳnh Lâm ngày nay

 

Có thể nói, thơ Việt ta, đến cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV đã có bước chuyển rất mới mẻ, với một nguồn cảm xúc mạnh mẽ, nói nhiều tới tâm sự cá nhân và thân phận con người. Cái tôi trữ tình của tác giả được bộc bạch rất tha thiết. Và, tiêu biểu cho dòng thơ ca mới mẻ này chính là các nhà thơ trong Thi xã Bích Động, mà những gương mặt đại diện là Nguyễn Sưởng, Nguyễn Ức, Nguyễn Trung Ngạn.

Về Nguyễn Sưởng (chúng tôi chưa rõ năm sinh, năm mất), chỉ thấy một số thư tịch nói ông từng chơi với Trần Quang Triều khi Trần Quang Triều đang còn làm quan Tư đồ ở trong triều. Thời đó, phía Tây thành Thăng Long có Quán Khai Nguyên (còn gọi là quán Dà La), đạo sĩ Trần An Quốc hiệu là Tự lạc tiên sinh tu trì tại đó. Và quan Tư đồ Trần Quang Triều cùng Nguyễn Sưởng thường đến đó thù tạc, ngâm vịnh. Về sau, Trần Quang Triều lui về chùa Quỳnh Lâm ở Đông Triều, thì Nguyễn Sưởng thường ngâm vịnh cùng Trần Quang Triều ở am Bích Động. Nguyễn Sưởng là một nhà thơ đặc biệt có tấm lòng thương yêu những người dân thường, thời đó gọi là thương sinh (dân đầu đen). Bài Đề thơ khi trở lại am Bích Động chùa Quỳnh Lâm, ông viết (tạm dịch):

 

Nghĩ tới dân đen lòng đầy thương cảm

Chuông chùa Quỳnh Lâm lạnh buốt đêm trăng...

 

Trong bài Viếng quan Tư đồ Văn Huệ Vương, Nguyễn Sưởng cũng có những câu thơ về nỗi lòng canh cánh nghĩ tới dân đen (tạm dịch):

 

Tuy đã kết nguyền cùng rừng núi

Vẫn biết dân đen mòn mỏi trông mong

Ngôi Tể tướng chỉ là giấc mộng

Nửa đời rồi lòng đã giá băng...

 

Bởi tấm lòng ưu ái sâu nặng với dân, Nguyễn Sưởng đã có xúc cảm như Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Trương Hán Siêu..., thấy vai trò của nhân dân trong lịch sử dân tộc, nên ông viết bài Bạch Đằng Giang, với những câu (tạm dịch):

 

Ai hay sự nghiệp trùng hưng ấy

Nửa do sông hiểm, nửa do dân.

 

Danh sĩ Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370), hiệu là Giới Hiên, sau này Phan Huy Chú đánh giá rất cao, coi là nhà thơ hùng hồn phóng khoáng, gần với khí phách thơ Đỗ Phủ nhà Đường, Trung Quốc. Năm 16 tuổi đã đỗ Hoàng giáp cùng khoa với Mạc Đĩnh Chi, ông là một tài năng lớn, có khí phách lớn, được các vua Minh Tông, Hiến Tông, Dụ Tông trao cho nhiều chức vụ quan trọng: Kinh lược sứ Lạng Giang, Đại hành khiển, Thượng thư hữu bật, kiêm công việc Viện khu mật. Nguyễn Trung Ngạn là nhà ngoại giao tài giỏi, từng đi sứ sang Trung Quốc, và năm 1324, ông lấy lý lẽ đanh thép, sắc sảo khiến viên sứ thần ngạo mạn của nhà Nguyên là Mã Hợp Mưu phải kính nể khuất phục, xuống ngựa đi bộ vào Kinh thành Thăng Long. Ông cũng là một nhà làm luật, đã cùng Trương Hán Siêu soạn bộ Hình thư, bộ Hoàng triều đại điển; và cũng là nhà viết sử, viết cuốn Thực lục ghi chép việc Thái thượng hoàng Trần Minh Tông đi đánh dẹp quân Ngưu Hống năm 1329. Nguyễn Trung Ngạn là một nhà thơ lớn, có nhiều bài rất hay. Tác phẩm Giới Hiên thi tập, theo Phan Huy Chú thì nguyên bản đã bị thất lạc từ lâu; người chú ruột của Phan Huy Chú là Phan Huy Ôn đã thu thập những bài thơ của Nguyễn Trung Ngạn tản mát trong các nhà được 80 bài và làm thành sách Giới Hiên thi cảo. Thơ ông vừa có khí phách mạnh mẽ, vừa thanh nhã, đẹp đẽ. Trong bài Qua cửa Thần Phù, có những câu thật hùng mạnh: "Một dòng nước trắng từ trời rơi xuống - Mấy ngọn núi xanh trải đến biển vắng vô biên...". Hình tượng thơ Nguyễn Trung Ngạn thường rất kỳ vĩ: "Trời đất như quả trứng vỡ ra sau buổi hồng hoang - Mặt trời mặt trăng như bèo nổi giữa không gian bát ngát...". Xúc cảm thơ Nguyễn Trung Ngạn thật to lớn, và tấm lòng của nhà thơ là tấm lòng Việt thuần hậu. Thời gian đi sứ sang Trung Quốc, ông có những câu thơ chan chứa tình yêu quê nhà (tạm dịch):

 

Dâu già lá rụng, tằm vừa chín

Lúa trổ bông thơm, cua đang mỡ màng

Nhà ta dẫu nghèo, đời vẫn tốt

Đất Giang Nam vui, chẳng bằng cố hương...

 

Đền thờ Nguyễn Trung Ngạn tại Hà Nội

 

Có lẽ hay nhất trong thơ Nguyễn Trung Ngạn về đi sứ là bài Trạm Khâu Ôn. Những câu thơ thể hiện tư tưởng yêu chuộng hòa bình và mong muốn sống hữu nghị với nước láng giềng (tạm dịch):

 

Kéo hết nước Thiên Hà rửa sạch giáp và võ khí

Triều đình không muốn biên giới có chiến tranh

Non sông đã rõ giới hạn Nam, Bắc

Người Hồ người Việt cùng tập quán, như anh em...

 

Về nhà thơ Nguyễn ức, chúng tôi chưa rõ năm sinh năm mất, chỉ biết ông làm quan dưới triều Trần Minh Tông, và chính ông là người biên tập sách Cúc Đường thi tập của Trần Quang Triều. Thơ Nguyễn ức phản ánh một tâm hồn thanh cao và nặng tình nghĩa. Những câu thơ thật tinh tế: "Bóng chiều trên nửa ngọn tháp, ngôi chùa một mình nơi xa tít"; thơ như vẽ mà đầy xao xuyến: "Sương xuống, lúa chín vàng liền với chân mây..."; hoặc "Sau trận mưa, hoa phong đỏ bên kia bờ sông xa lắc...". Có thể nói, trong lịch sử thơ ca Việt Nam, Nguyễn ức là nhà thơ đầu tiên nói về nỗi buồn khổ của người cung nữ xưa, những câu trong bài Hoa đồ mi (tạm dịch):

 

Vài ba cành hoa mới nở đè lên giàn

Là lúc cung nữ cung Thượng Dương ôm buồn khổ...

 

Và có lẽ, Nguyễn ức cũng là nhà thơ sớm viết những câu thơ về tình cảm vợ chồng. Bài Ngày xuân ở nông thôn, những câu thơ nhẹ nhàng trình bày một thực tế đời sống, nhưng ẩn sau nó là một nỗi buồn sâu xa (tạm dịch):

 

Người chung quanh đều bảo đi làm quan tốt

Lười nhác không còn lòng báo đáp vợ ở quê...

 

Các đại biểu của Thi xã Bích Động, mỗi người một phong cách, mỗi người có cách riêng quan tâm đến cuộc sống và văn chương. Và chính bởi vậy, thơ họ đã phản ánh được nhiều sắc thái của thực tế đời sống trong xã hội đang suy vi cuối triều Trần. Họ đã khơi mở một dòng xúc cảm chưa từng có trong thơ Việt trước đó, gần với hiện thực đời sống, gần với đời sống tình cảm con người. Đó chính là bước tiến quan trọng trên tiến trình phát triển của Văn học Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XIV. Và, với việc các nhà thơ trong Thi xã Bích Động đã tạo nên một dòng thơ trữ tình và nhân đạo từ bảy thế kỷ trước. Thi xã này là một thành công lớn trong đời sống văn chương dân tộc!

 

Anh Chi

(Nguồn: Tạp chí Nhà Văn)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  BUI VAN DIEN - sonthienan291 - 01664266200 - NHO QUAN .NINHBINH  (Ngày 29/01/2011 11:17:35 PM)

toi la mot nguoi con cua dat ninh binh va toi la mot nguoi yeu tho...toi coi tho la mot mon an tinh khong the thieu luc vui toi cung viet tho valuc buon cung vay .den noi nhieu luc toi viet tho ma quen mat di cai mua dong lanh gia va tam hon toi luon luon am ap khi co tho...con bai binh tho tren day cua tac gia da di vao hon tho viet lam cho nguoi doc nhu toi danh mat mot nua tam hon toi vao bien tho cua dan toc viet nam.'';cuc phuong buon lam khi ve dong;.khe hoi trong long co lanh khong;.o day biet co nguoi tri ki;.bang huu bon phuong tua non song.''

Đề nghị gõ chữ Việt có dấu và chỉ gửi thơ lục bát thôi!

Các bài khác: