Thứ sáu, 27/12/2024,


Một nhà văn đề nghị dựng tượng vua Lý Thánh Tôn (27/09/2008) 

    

 

     Nếu như vua Lý Thái tổ là người khai cơ thì vua Lý Thánh tôn là người khai sáng cho Đại Việt - một triều đại hùng cường của chế độ phong kiến Việt Nam, với văn hóa phát triển rực rỡ.

     Bởi thế, nhà văn Nguyễn Xuân Hưng vừa nêu sáng kiến: đề nghị đặt tượng của Lý Thánh tôn ở vườn hoa 42 Nhà Chung. Điều ấy có thể khiến cho dân chúng nức lòng, góp phần làm cho mọi người đoàn kết, sống tốt đời, đẹp đạo. Với ý nghĩa đó, Lucbat.com xin giới thiệu cùng bạn đọc bức thư ngỏ dưới đây (dẫn theo nguồn: vanchinh.net).

 

      Kính gửi ông Chủ tịch Thành phố Hà Nội.
     Tôi là Nguyễn Xuân Hưng, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, tôi rất đồng tình với việc UBND Thành phố Hà Nội cho xây dựng vườn hoa tại địa điểm 42 Nhà Chung. Tôi xin góp một ý kiến nhỏ với ông Chủ tịch: Nên dựng tượng vua Lý Thánh tôn tại khu vực vườn hoa này vì nhiều lý do như sau:
     - Theo thư tịch cổ, khu vực hiện tại được xây dựng vườn hoa ở phố Nhà Chung, chính là khu vực xưa kia toạ lạc chùa Báo Thiên và Tháp Báo Thiên, một công trình kiến trúc lớn gắn liền với công lao của vua Lý Thánh tôn. Sử liệu cũ cho biết, vào năm Bính Thân (1056), vua Lý Thánh tôn cho xây dựng chùa Báo Thiên, năm sau, trong quần thể chùa Báo Thiên, lại cho xây dựng ngọn tháp Đại Thắng Tư Thiên (hay cũng còn gọi là tháp Báo Thiên). Tháp này 12 tầng, cao 30 trượng (khoảng 60-80 mét), là công trình kiến trúc  to lớn nhất đương thời.
     - Tháp và chùa Báo Thiên từng là niềm tự hào dân tộc, là một trong những công trình mà vị vua khai sáng Lý Thánh tôn là người “kiến trúc sư tinh thần”. Bên cạnh những công trình còn lại thời vua Lý Thánh tôn như Quốc Tử giám, chùa Trấn Quốc ( khai sinh Thiền phái Thảo Đường), một số di vật chùa Phật tích…  thì tháp Báo Thiên chỉ còn lại trong hoài niệm niềm tự hào về “tứ đại khí”, bốn bảo vật vĩ đại thời nhà Lý (Tháp Báo Thiên, Tượng Di Lặc, Chuông Quy Điền, Vạc Phổ Minh).
     - Về chiều cao tháp Báo Thiên, có thể hình dung mức độ đồ sộ qua sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, vào năm 1427, vua Lê Thái Tổ tiến quân đến bờ bắc sông Hồng, đối diện với thành Đông Quan, đã làm một cái tháp tại dinh Bồ Đề, có chiều cao bằng tháp Báo Thiên để hàng ngày quan sát thành Đông Đô, còn quan Thừa chỉ Nguyễn Trãi thì ngồi dưới 1 tầng. Theo các danh sĩ Thăng Long thế kỷ 18 là Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án, thì tháp và chùa Báo Thiên bị Vương Thông phá huỷ, lấy vật liệu chế súng đồng để giữ thành (Dĩ nhiên số phận kẻ xâm lược phá bảo vật của nhà Lý đã có kết cục thảm hại, sau này những kẻ xâm lược đụng vào cổ tích Báo Thiên cũng có kết cục như vậy)
     - Có nhiều ý kiến đề nghị phục dựng Tháp Báo Thiên, nhưng tôi cho rằng, việc phục dựng tháp Báo Thiên gặp rất nhiều khó khăn, vì không có thư tịch về hình ảnh tháp cũ, vả lại tháp phải nằm trong quần thể chùa chiền như nó vốn có thì mới có ý nghĩa. Song, mảnh đất khu vực nền tháp thì vẫn là “linh địa” chứng kiến thời huy hoàng của một triều đại khai sáng, niềm tự hào dân tộc. Theo các nhà nghiên cứu, tháp Báo Thiên với ý nghĩa là nhận được/giao hoà với những suy tư lớn của chư Thiên, mong được Trời Phật gia hộ cho đất nước phồn vinh, dân tộc hạnh phúc trường tồn.
     - Ngôi tháp Báo Thiên gắn liền với triều đại huy hoàng của vua Lý Thánh tôn, vị vua mở mang đất phương Nam, vị vua trí tuệ tôn sư trọng đạo, vừa khuyến khích đưa đạo vào đời, lập nên Thiền phái Thảo Đường, vừa cổ vũ tri thức, bảo trợ Nho giáo, cho xây Văn Miếu. Đó là vị vua anh hùng dân tộc có công lớn cho việc phát triển Thăng Long Hà Nội và ghi dấu ấn vào việc phục hưng dân tộc. Do vậy, tôi đề nghị ông Chủ tịch Thành phố Hà Nội dựng tại nền đất cũ của Tháp Báo Thiên pho tượng vua Lý Thánh tôn. Nơi đây là nơi phù hợp nhất hội đủ yếu tố tâm linh và phong thuỷ để tưởng nhớ vua Lý Thánh tôn, cũng là một nghĩa cử đón chào lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

 

                                        Nguyễn Xuân Hưng

 

_____________

Ảnh trong bài: Tượng đài vua Lý Thái tổ ở vườn hoa bên bờ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: