Thứ hai, 23/12/2024,


Nhạc sĩ, họa sĩ Nguyễn Đức Toàn: Vẽ bằng ký ức (11/01/2011) 

"Quan điểm của tôi là sống với những ký ức. Ngay cả khi tôi ngồi đây, nhưng mọi ký ức về những mảnh đất, những miền quê khắp nơi trên đất nước đều ở trong đầu mình.", nhạc sĩ, họa sĩ Nguyễn Đức Toàn chia sẻ.

 

Tôi đến thăm nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn ngay sau buổi lễ khai mạc phòng tranh của ông ở 16 Ngô Quyền (Hà Nội). Căn phòng nhỏ ở khu tập thể Nam Đồng thơm lừng mùi hoa, lẫn vào những bức tranh vẽ dở cùng mực vẽ, bút lông… Cạnh phòng vẽ là phòng làm việc với đủ dụng cụ, máy tính, máy ảnh, máy thu âm, dàn âm thanh nghe nhạc.

Dù xưa nay, ông được định hình trong lòng người với tư cách của ông nhạc sĩ của những bài ca đi cùng năm tháng như "Chiều trên bến cảng", "Hà Nội ơi, một trái tim hồng", "Tình em biển cả"…, nhưng có lẽ, nhiều người sẽ ngạc nhiên khi đến phòng triển lãm tranh của ông, bởi ở đây người xem sẽ nhận ra một họa sĩ Nguyễn Đức Toàn được đào tạo bài bản qua những năm tháng học tập ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và những trải nghiệm qua những tháng năm làm họa sĩ cho báo ở chiến trường. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng ông về hội họa và âm nhạc.

 

* Thưa nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, nhắc đến ông, người ta không thể quên được những ca khúc gắn liền với tên tuổi người nhạc sĩ đã làm nên một dòng nhạc trữ tình cách mạng nổi bật trong âm nhạc Việt Nam. Nhưng mới đây, qua những triển lãm tranh, người thưởng thức lại tấm tắc ồ lên, hóa ra có một họa sĩ Nguyễn Đức Toàn với những nét cọ vừa mềm mại uyển chuyển, vừa rắn rỏi, biến tấu… Ông đang cố làm "mới mình" ở tuổi 83 chăng?

 

- Nghệ thuật, bản thân nó đã phải luôn luôn mới, không lặp lại người khác và không lặp lại chính mình. Có một điều lạ là, với tôi, người nghe nhạc thì nhận xét tôi là nhạc sĩ, người xem tranh thì bảo tôi là họa sĩ. Điều đó cũng dễ hiểu. Với hội họa, tôi được học bài bản vì từng là sinh viên Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Sau khi kháng chiến bùng nổ, tôi theo cách mạng lên chiến khu Việt Bắc, tại đây tôi làm họa sĩ cho các tờ báo như "Du kích", "Quân Việt Bắc", "Vui sống". Đồng lứa họa sĩ với tôi có các tên tuổi các họa sĩ lớn như Bùi Xuân Phái, Mai Văn Hiến, Phan Kế An, Dương Bích Liên. Bao nhiêu năm nay tôi vẫn cầm bút vẽ với niềm say mê lớn. Triển lãm lần thứ 8 này tôi muốn kỷ niệm sinh nhật lần thứ 82 của mình bằng cách mang tới cho công chúng một góc nhìn mới của họa sĩ Nguyễn Đức Toàn, tươi tắn hơn, nhiều sức sống qua những mảng màu sáng dành cho công chúng yêu nghệ thuật.                               

 

* 57 bức tranh tại triển lãm là thành quả của một năm làm việc miệt mài của họa sĩ Nguyễn Đức Toàn, năm 2010. Thật khó để tưởng tượng rằng, một người họa sĩ ở tuổi ngoài bát thập như ông lại có thể có sức làm việc kinh khủng đến như thế?

 

- Trong suốt một năm qua dường như thời gian của tôi chỉ dành cho vẽ, tôi không tiếp khách, thậm chí, con cái đến chơi tôi cũng bảo, có việc gì thì gọi điện thoại để bà nhà tôi nghe máy chứ không đến nhà làm gì. Bởi vì, khi vẽ, trông tôi… kinh khủng lắm. Cả căn nhà tôi bề bộn và dây bẩn toàn mực vẽ, người tôi trông cũng chẳng khác gì một kẻ lôi thôi, gớm ghiếc, kinh dị. Tôi vẽ suốt ngày đêm, có khi quên ăn, quên ngủ, tay thì tê cứng, lưng thì mỏi nhừ. Và bạn biết điều gì đã đến với tôi sau một năm vẽ miệt mài như thế không: Tôi đã phải đi nằm viện cả tháng. Tôi luận ra rằng, tại sao hầu hết các họa sĩ, trông họ như những kẻ lập dị, xấu xí, nhếch nhác, nhưng tác phẩm của họ luôn đẹp, khách hàng mua về đều treo ở một chỗ trang trọng nhất, đó là vì họ quên mình để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đích thực... Một năm qua, tôi vẽ say sưa như lên đồng và cảm thấy mình được thả sức tung hoành trong những sắc màu.

 

 

* Có thể thấy phong cách của tranh họa sĩ Nguyễn Đức Toàn ở triển lãm tranh lần này đã khác những lần triển lãm khác, dù vẫn là những ám ảnh của ký ức không thể nào quên của một người lính đã đi qua chiến tranh. Sự thay đổi này là do đâu thưa ông?

 

- Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức của những người lính như chúng tôi, chắc có lẽ, đó là khoảng thời gian sẽ bị ám ảnh suốt cả cuộc đời, bởi nỗi nhớ những người đồng đội, bởi những hy sinh mất mát lớn lao của cả dân tộc. Tôi nhớ, có lần xe chở đoàn thanh niên xung phong đi ngược chiều với đoàn chúng tôi, họ còn giơ tay vẫy chào các anh chị văn công, vậy mà đi cách có vài chục mét, xe của họ vướng bom họ đã hy sinh không còn một người nào. Chúng tôi quay trở lại tìm họ mà lòng đau như thắt. Ám ảnh của tôi là những khoảnh khắc chiến tranh ấy, cả những ký ức rừng núi điệp trùng hoang vắng những năm ở Việt Bắc, là ngọn đèn dầu Hoa Kỳ leo lét trong những đêm hoang vắng ở chiến trường, vậy mà chúng tôi vai mang ba lô vẫn luôn đàn, hát, luôn đầy tinh thần lạc quan để chiến đấu, chiến thắng và trở về. Bản thân tôi, rời khỏi chiến trường cũng là một người lính may mắn vì đã nhiều lần thoát chết trở về, có lần bom rơi đúng chỗ tôi nằm nhưng không nổ, nhưng khoảnh khắc ấy thì không thể nào quên. Tôi cho rằng, những người trở về có trách nhiệm phải sống cho những người đồng đội đã hy sinh, vì vậy mà bản thân tôi, ngày nào còn sức khỏe thì ngày đó tôi còn làm việc, còn viết nhạc và vẽ tranh.

 

* Trong các sáng tác hội họa của ông, người xem có thể nhận ra nét vẽ sáng tạo và rất phóng khoáng của một họa sĩ nhà nghề, đặc biệt tôi ấn tượng với bộ tranh vẽ thiếu nữ khỏa thân. Người vẽ tranh "nuy" thường phải có mẫu, còn họa sĩ Nguyễn Đức Toàn thì thế nào?

 

- Một họa sĩ giỏi không cần mẫu mà chỉ cần cái đầu. Khi những kiến thức đã ở đầu mình thì tôi có thể căn chỉnh, đo đạc các kích thước, không chỉ của các người đẹp mà của tĩnh vật, của phong cảnh ngay trong đầu mình. Tôi vẽ sẽ kém phóng khoáng hơn khi có mẫu đấy. Quan điểm của tôi là sống với những ký ức. Ngay cả khi tôi ngồi đây, nhưng mọi ký ức về những mảnh đất, những miền quê khắp nơi trên đất nước đều ở trong đầu mình.

 

* Thực ra, những ám ảnh, những ký ức về chiến tranh của ông không chỉ đối với hội họa mà với cả âm nhạc ông cũng có tới hàng chục bài hát viết về lực lượng vũ trang, các anh hùng liệt sĩ như: "Biết ơn chị Võ Thị Sáu", "Bài ca Ngô Mây", "Noi gương anh Lý Tự Trọng", "Nguyễn Văn Trỗi còn sống mãi", rồi "Quê em miền Trung du", "Khâu áo gửi người chiến sĩ", "Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay"… Rõ ràng, hội họa thì ông được đào tạo bài bản, còn âm nhạc, ông đã học bằng cách nào?

 

- Khi Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, tôi gia nhập các đoàn biểu tình đi cướp trại bảo an binh, đi míttinh ở Quảng trường Nhà hát Lớn, và cùng với nhạc sĩ Đỗ Nhuận lập ra dàn nhạc nhỏ, tiền thân của Đoàn kịch "Sao vàng", gồm các thành viên: nhạc sĩ Đỗ Nhuận, tài tử Ngọc Bảo, và các nhạc sĩ Quốc Anh, Cầm Phong và Nguyễn Đức Toàn. Trong khí thế sục sôi của đất nước chống giặc ngoại xâm, tôi đã cầm bút sáng tác để hát chuyền tai cùng bè bạn. Bài hát "Ca ngợi đời sống mới" ra đời và được nhiều người hát. Chúng tôi cũng đã có mặt ở các vùng quê kháng chiến để phục vụ đồng bào, chiến sĩ. Sân khấu được dựng lên bởi mấy tấm phản lim, treo vài cái chăn dạ làm phông màn, ánh sáng thì dùng vài đĩa đèn dầu lạc chỉ đủ soi rõ mặt người. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, hòa bình lập lại ở miền Bắc, tôi được phân công phụ trách Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị, được cử tham dự Đại hội liên hoan Thanh niên thế giới lần thứ 7 và sau đó tôi được cử đi học sáng tác âm nhạc tại Nhạc viện Kiep (Liên Xô cũ). Được trang bị kiến thức, tôi như được chắp thêm một đôi cánh, nhưng tự học, tự mày mò cũng rất quan trọng, tôi đã sáng tác không chỉ bằng các nốt nhạc, mà còn bằng cả cái đầu, bằng trái tim, bằng tình yêu quý con người và những cảm xúc trào dâng về tình đồng đội, tình quê hương, đất nước.

 

* Lần triển lãm tranh thứ 8 này có chủ đề "Tình em biển cả", đây cũng là một lời cảm ơn ông dành cho người vợ đã gắn bó hơn sáu mươi năm cuộc đời, luôn là điểm tựa vững chãi trong cuôc sống gia đình để ông chuyên tâm cho sáng tác?

 

- Bà nhà tôi gắn bó với tôi từ ngày ở Đoàn văn công Việt Bắc cho đến khi về Đoàn Tổng cục Chính trị và cho tới nay, tình cảm vợ chồng vẫn luôn gắn bó. Tôi cũng luôn nghĩ rằng, mình là người may mắn vì có một người vợ đảm đang, chu toàn, người luôn ủng hộ các dự định sáng tác của tôi. Thậm chí, bà ấy là khán giả thưởng thức đầu tiên các tác phẩm âm nhạc, cũng như hội họa của tôi.

 

* Vâng, xin cảm ơn họa sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn!

 

 

Trần Hoàng Thiên Kim

(Nguồn: CAND)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: