Nhà thơ Lâm Xuân Vi, (Hội VH-NT Ninh Bình; ĐT: 0913292185; Emai: xuanlamvi@yahoo.com) đã “Làm nên giọt khát” với tập nghiên cứu, giới thiệu những áng thơ mà thi sĩ chọn bình, quả thực, người đọc bắt gặp ở đây một nguồn chảy mê say giữa nhà thơ, giữa chủ thể sáng tạo với ngưòi phẩm bình trên suốt dặm dài cùng hành trình, hoà nhập...
Trước hết, “Làm nên giọt khát” là tập “bình thơ” thật quý. Bởi, trên thi đàn đất nước, lượng bài viết, người viết ở lĩnh vực nghiên cứu giới thiệu thơ còn thật ít so với khối lượng khá đồ sộ những thi phẩm hiện diện.
Phần nữa, thơ thuộc vào loại rất “kén” những công chúng thưởng thức. Với thơ, không phải ai cũng dễ dàng hiểu được tận cùng cái hay, cái đẹp của loại hình nghệ thuật thật chủ quan, trừu tượng. “Thơ là rượu, là độ nồng say của men gạo được trưng cất”. Hiện thực của thơ nhiều khi không phải là hiện thực nhìn thấy. Thơ được đẻ ra từ trí tưởng tượng kỳ diệu, cao vời ...
Từ người viết, tới người đọc rồi người bình… Từ sự thức dậy tới sự thức dậy tiếp theo, thơ đã tạo nên vệt loang, chảy dài trong cảm nhận, sáng tạo...
Và như thế, điều quý nữa, ở “Làm nên giọt khát”, Lâm Xuân Vi đã hoá thành “tri kỷ tri âm” với người viết. Anh đã tạo nên nhịp cầu yêu say giữa ngưòi sáng tác thơ với công chúng yêu thơ.
Vốn là một thi sĩ nhiều năm từng dày công “mài sắt nên kim”, ở “Làm nên giọt khát”, khi bình thơ, Lâm Xuân Vi không phải như người nghiên cứu, giới thiệu chỉ đi trên một bờ, nhìn từ một phía mà soi ngắm. Lợi thế của một nhà thơ, của “tâm lý sáng tạo” với trước hết là cái đẹp của cái tình, của sự nâng niu trân trọng, của cung bậc , âm hưởng “nơi lòng anh” vốn có. Nó luôn luôn khơi chảy, bắt nhập, để rồi cùng những vần thơ của bạn bè, ngưòi viết khi có phút “đồng thanh tương ứng”… Nó cứ thế mà động, mà vang…
Có thể, trong hai mươi bài thơ được Lâm Xuân Vi chọn bình, chưa hẳn là sáng tác thơ hay nhất của tác giả. Rồì, cũng chưa hẳn hai mươi bài thơ ấy là áng thơ hay nhất trên cánh đồng thơ đất nước thật phong phú, rộng dài. Nó được gặp, được đọng và toả hương trước “con mắt xanh” của Lâm Xuân Vi từ “sự cưới nhau” giữa hai chiều con tim của “thơ” và người-bình-thơ vậy!
Dễ nhìn thấy, cái hay của mỗi bài thơ có được. Khi thì, người đọc gặp bài thơ hay ở “tứ”. Ở kết cấu lạ, bất ngờ. Khi thì, bài thơ hay ở câu thơ với hình ảnh thơ thật “cá thể”, ấn tượng. Hoặc, có bài thơ hay ở cách nhìn, ở sự sâu sắc của phát hiện, kiến giải…
Ở “Làm nên giọt khát”, Lâm Xuân Vi không đi từ những lát cắt nhỏ, không tách nẩy và bám chặt vào những điểm chớp sáng, để từ mạch xẻ, ngỡ là hẹp, là cụ thể, nhưng nó có thể mở ra cái mông lung, biến ảo.
Từ tổng thể, qua những cái cụ thể được dẫn dắt của quá trình vận động của thi liệu, cảm xúc rồi đẩy tới cái tổng thể kết cục của thơ… Bằng cái nền chủ đạo này, Lâm Xuân Vi luôn coi trọng thơ ở cái tình, cái “chất thi sĩ”, cái gốc rễ làm người đọc quyến rũ. Đấy là sự bùng nổ của cảm xúc nơi trang thơ hiện diện mà sau đó là những gì mang ý nghĩa nặng sâu được gửi gắm, ký thác.
Từ lối tiếp cận này, Lâm Xuân Vi khẳng định phẩm chất đầu tiên và cốt lõi của người cầm bút. Đây cũng chính là lối mở mà anh đã say mê hoà mình vào mỗi trang thơ bình chọn. Anh như người trong cuộc cùng hành trình, cùng thấm trải, cùng gánh dậy cái dư vang nơi câu thơ đồng vọng. Khả năng xới lật, khả năng ngụp lặn để mò tìm và cầm được chút “ngọc trai” óng ánh nơi tận cùng đáy biển khi bình phẩm đã tạo nên sức thuyết phục ở cái nhìn, ở hầu hết trang viết nơi “Làm nên giọt khát”.
Người đọc không ít lần cùng “à” lên trước sức thuyết phục khi bằng lăng kính của một nhà thơ, bằng vốn sẵn chứa cái “nội hàm thi sĩ ” được kết tinh từ nhiều chiều như vậy, Lâm Xuân Vi đã bình, đã xếp hạng và trao cho thơ những phẩm giá đúng với cái nghĩa thật đẹp “là Nó”.
Bằng thao tác “chẻ sợi tóc làm tư”, hay khi xáp gần, rồi khi lại “tách mình”, đứng lùi xa để “phán”, Lâm Xuân Vi thường đi bằng sự nổi trội của cách cảm, cách rung, của giọng điệu cuốn hút của người bình, mang hơi thở mượt mà, nồng ấm. Người đọc gặp anh ở trạng thái, “tỉnh đấy mà say” đấy. Anh say để cảm rung, nhập hoà. Còn tỉnh để nhận biết cái sâu xa, cái ý tứ trong tâm thi, trong hình thi, trong cái mong manh giữa hai bờ ranh giới.
Từ gốc rễ của cảm xúc, Lâm Xuân Vi phát hiện những cung bậc tình cảm. Phát hiện một cách nhìn, cách nghĩ. Phát hiện cái động qua những gì tĩnh tại lại có sức vang sâu trong thi phẩm.
Ví như, bốn câu thơ hay nhất trong bài “Bàn tay em” của Nguyễn Thị Mai. Rằng: Thuyền về gối mộng bến dâu/ Sóng xanh, giờ đã bạc đầu trùng dương/ Có gan bứt khỏi cũ thường/ Tay em cũng đủ nẻo đường anh đi … Thì, đây là lời bình hay của Lâm Xuân Vi cũng chính từ cái cảm, cái tinh tế, cái có duyên trong câu văn có hồn, giàu cảm rung, mà sâu xa, thấm đọng. Lâm Xuân Vi viết: “Chính cái cách lập ngôn này (bài thơ “Bàn tay em”) đã làm ta xúc động, thấm thía về thân phận, về sự sàng lọc muôn vàn lần khó trên con đường tìm kiếm nửa kia của mỗi người”… “Ba đường chỉ trên bàn tay em, không chỉ là sự đồng điệu hoà hợp hoàn mỹ trong đời thực, mà nó còn là đường chỉ định mệnh - số trời. Một tình yêu biết lấy sự hy sinh dâng hiến chắp cánh cho những ước mơ, hạnh phúc của nhau…”
Rồi, vẫn là sự phát hiện độ nồng sâu của tình cảm trong bài thơ “Em gái đi lấy chồng” của Mai Văn Phấn, Lâm Xuân Vi có cái nhìn từ một cảnh huống khác.
Rồi, với Bình Nguyên, nhà thơ của nhiều bài thơ lục bát hay, giàu chất trữ tình, lãng mạn. Chọn bài thơ “Cây chò ở Cúc Phương” của Bình Nguyên để bình, Lâm Xuân Vi, chộp lấy cái trội vượt ở ý, trội vượt ở cái nghĩ, ở phát hiện mang giá trị tư tưởng của bài thơ có kết cấu cô đọng và chặt chẽ. Lâm Xuân Vi bắt trúng mạch của điểm phát sáng. Anh viết : Đây là “bài thơ hay, độc đáo. Nghệ thuật làm nên tính độc đáo chính là sự giản dị ở ngôn từ, giản dị như lời ăn tiếng nói nhưng nó lại được điều khiển, sắp đặt vào những vị trí không thể thay thế (đắc địa). Nhờ vậy mà câu thơ đa nghĩa, đa tầng, có sức gợi, sức mở, sức liên tưởng, sức dồn nén, để rồi bất ngờ bùng nổ tứ thơ đúng ở câu chữ cuối cùng. Nó để lại nỗi ám ảnh, dư ba nơi hồn người đọc…”
Phải nói, ở hai vế nội dung và hình thức, bên cạnh thi pháp thơ, Lâm Xuân Vi không dừng lâu trong công việc “bếp núc”, anh tung hoành, đam mê hơn, giành cho sự cuốn say và trội vượt hơn trong phẩm bình là nội dung. Là phẩm cách trang viết. Cái độc đáo của phẩm bình là chỉ ra sự độc đáo. Người đọc gặp Lâm Xuân Vi trong tâm huyết ở vai trò “người đãi cát tìm vàng”.
Với bài thơ “Chùa làng” của Đặng Vương Hưng, Lâm Xuân Vi tinh tế trong nhận diện: thơ hay ở cái “Đế”. Bài thơ, với cái kết là điểm nút bất ngờ, làm vang động trước ý nghĩa nhân sinh.
Anh trích dẫn và viết: “Ta cầu cái chẳng ai ham/ Tha cho mấy kẻ đã làm hại ta/ Chỉ xin sáng tỏ chính – tà…” Và, đây là lời bình: …Ngưòi “Chứng kiến mọi nghịch cảnh buồn lòng chỉ để cầu tha cho kẻ hại mình đã làm phát sáng tính nhân bản của bài thơ. Cách ứng xử nhân văn hiếm thấy: Lấy ơn trả oán thì oán sẽ được loại trừ tận gốc. Có lẽ, đây cũng là cách thức tỉnh, điều chỉnh đúng đắn, hữu hiệu nhất cho những kẻ độc ác tham lam… Thế mới biết cái tứ của bài thơ thật vô cùng hệ trọng...”
Với bài thơ “Phơi áo” của Nguyễn Hưng Hải, từ nhiều câu thơ hay trong hình ảnh, hình tượng, trong điệp từ, điệp khúc được Lâm Xuân Vi coi như “chìa khoá” mở ra những bất ngờ cho thi pháp, cho hiệu quả thơ trước công chúng yêu thơ.
Rồi, với nhiều cách xới cày, gạn thấm, Lâm Xuân Vi se lòng, ngẫm ngợi trước “Đọc lại Nguyễn Du” của Bằng Việt. Anh rưng rưng trước sự trong xanh, nhân hậu ở “Đợi đêm lá mới lìa cành” của Trần Mạnh Hảo. Anh miên man trước nỗi buồn khát khao làm giàu có và phong phú tâm hồn con người trước “một thông điệp”: “Thơ nhờ em gửi về Nguyễn Bính” của Nguyễn Trọng Tạo.
Rồi, trước “Tâm sự nàng Thúy Vân” của Trương Nam Hương, “Thế là đã mất em rồi” của Trần Nhương, “Trên đường Giảng Võ” của Bùi Kim Anh, “Độc hành về phía cô đơn” của Trần Mai Hường, “Nghiêng mùa” của Huệ Triệu v.v… Ở “Làm nên giọt khát”, Lâm Xuân Vi đã có công đãi tìm những vẩy quặng lấp lánh từ nhiều chiều nâng niu, tìm kiếm.
Với mạch chảy dài của một tâm hồn dễ rung, dễ nhạy bắt trong ngắm nghía, đãi lọc, ở “Làm nên giọt khát”, Lâm Xuân Vi với ý thức chủ đạo là tìm lấy cái hay, cái đẹp, cái giá trị hữu ích trong mỗi bài thơ được anh coi là tri âm, tri kỷ. Lâm Xuân Vi thật thoáng, ít, hay không muốn dừng ở những gì còn gọi là xộc xệch, còn khập khiễng? Còn muốn bàn thêm về thi pháp trong cảm xúc, trong hình ảnh, hình tượng, trong cái nhất niệm, đặng đẩy thơ về tới cõi xa thẳm của thiên thu?
Mà, như thế cũng đủ!
Bởi, khi bàn về thơ, chúng ta đã từng nghe thi sĩ Chế Lan Viên, Người từng viết rất sâu sắc đó sao?
“Thơ hay giống như gái đẹp
Đi đâu, ở đâu cũng lấy được chồng”…
Vĩnh Bảo, Quê Trạng - Ngày Trọng Đông, Canh Dần, 2010
Nhà thơ Kim Chuông
(TBT Tạp chí Văn Nghệ Thái Bình, ĐT: 0912.180.067
Email: nhathokimchuong@gmail.com)
Nguyễn Tiến Bình - tienbinh_nguyen@yahoo.com.vn - 01686711077 - 111, A6 , phố 8-3 , Hà Nội
(Ngày 12/01/2011 08:55:22 PM)
CẢM TÁC ĐỌC BÁC KIM CHUÔNG |