“Một thời Hà Nội thảo thương
Sẻ chia lát đậu, thìa đường, mớ rau
Một thời Hà Nội buốt đau
Khâm Thiên trắng xót mái đầu khăn tang
*
Một thời Hà Nội lo toan
Gạo ngô thì thiếu, hoa xoan lại thừa
Một thời. Ôi, một - thời - xưa
Áo phong phanh gió bốn mùa buồn vui
*
Tạ ơn Hà Nội ngọt bùi
Nuôi tôi thương khó. Tôi thời trong veo…”
Trương Nam Hương
Năm nay, phương nam chợt lạnh. Những ngày cuối năm, giữa bao nhiêu bộn bề công việc, chợt một chiều ngẩng lên: ơ kìa, lạnh quá. Và như một phản xạ vô thức, nỗi nhớ ùa về. Một nỗi nhớ không vu vơ, không mơ hồ, nỗi nhớ có tên hẳn hoi, là Hà Nội và... em.
Gã trai phương nam là tôi đã hàng trăm lần dạo gót giầy trên đường phố Hà Nội. Ăn những bữa ăn Hà Nội, uống bia Hà Nội, hít thở cái đặc quánh nồng nàn của hương hoa sữa Hà Nội, ngơ ngẩn trước cái nồng say mà tơ mảnh của liễu, của dâm đàm, ngắm cái lúng liếng của mắt, da, của dáng, của cái sắc đẹp trời cho của các thiếu nữ Hà Nội mà nhiều người thốt lên là "đẹp nhất nước"..., rồi thôi. Rồi trở về với phương nam đầy nắng, bạt gió. Với những miên man bất tận hào sảng những đất những người những con đường xuyên chân trời, những chân trời xanh như nước mắt...
Đến một ngày tôi gặp em. Bất ngờ như lá rụng. Em rụng vào tôi trong một chiều Hà Nội lạnh cắt ruột. Giản đơn, tự tin, thông minh, dịu dàng và đầy nữ tính. Có một nỗi nhớ bắt đầu từ đấy. Có một nỗi khắc khoải vừa gào thét vừa thầm lặng đánh thức tôi, hành hạ tôi. Tôi đã không còn vô tư với nắng với gió phương nam nữa. Một Hà Nội khác hiện lên trong tôi, thẳm sâu và luôn phập phồng những cơn bão, những cơn bão dịu êm lấp lánh ánh bạc nhưng cũng có khả năng bùng nổ, đến xót xa, đến hoang dại. Nó không thờ ơ, hời hợt, mà neo vào lòng như một vết cắt. Nó đốt lên trong tôi một nỗi nhớ, xếp lớp nghìn trùng trong tôi là cái nỗi nhớ vô cùng khổ đau nhưng cũng vô cùng hạnh phúc ấy. Tôi yêu nhất Hà Nội là những ngày mùa đông, từ chính cái mùa đông tôi gặp em. Người phương nam rất sợ mùa đông Hà Nội. Nhưng có em ngồi sau xe thì mùa đông ơi, người tuyệt vời xiết bao. Gió căm căm. Lạnh căm căm. Má em căng ra trong cái lạnh mà ấm nồng, mà hào hển, mà hồng lên trong gió. Rồi bờ đê. Rồi hoa xoan trời ạ. Nó tơi bời nở trong gió, trong cái lạnh tê buốt, trong cái màu xám bạc của trời, làm tôn lên những li ti thảng thốt của cái màu tím dân dã, đến ngẩn ngơ, mà gợi, mà đọng trong ta cả một thời tuổi trẻ, sống dậy, ùa về, khao khát và đam mê.
Một sáng mùa đông như thế, mũ len áo len găng len... những thứ khá lạ với phương nam, tôi và em đến phố Bát Đàn, một trong những con phố ngắn mà nổi tiếng của Hà Nội. Em giới thiệu cho tôi phở Bát Đàn, quán phở gia truyền nổi tiếng mà đến giờ, bước vào thế kỷ 21 đã được 5 năm, vẫn phải ăn như thời bao cấp. Tức là xếp hàng, cầm sẵn tiền trên tay, lấy được phở thì chọn một cái ghế cũng rất tạm bợ mà ngồi. Nhưng mà phở thì đúng là phở. Nó ngon một cách tinh tuý chứ không xô bồ như ê hề các loại phở khác. Tô phở nóng đến giọt cuối cùng và ta cảm nhận trong ấy không chỉ năng lượng vật chất, mà dường như có một điều gì đấy lan toả trong ta giữa cái ngày đông lạnh giá này. Hình như là sự tích tụ văn hoá, là sự bay lên của tài hoa giữa cho và nhận, là sự mặc khải của con người giữa cuộc đời này, khiến cho ta cứ lâng lâng như không thật. Rồi sang cà phê Quỳnh đối diện. Ta sẽ gặp hai chủ nhân nổi tiếng là nghệ sĩ điện ảnh Như Quỳnh và nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo. Ta miên man trong những bộ ảnh đầy chất Hà Nội, cái chất mà ta chỉ có thể cảm rồi thốt lên chứ không thể nào rạch ròi tách bạch trong lúc tay nâng ly cà phê đen thơm ngào ngạt, sánh quánh tâm trạng. Uống và nghiện cà phê là nghiện cả cái không gian cà phê chứ không chỉ là uống một cách cơ học. Bởi nếu chỉ uống thì chả ai ra quán làm gì, ngồi ở nhà tự pha lấy mà uống, vừa tiện vừa rẻ. Nhưng mấy ai làm được như thế, các quán cà phê vẫn đông nghịt người. Ấy là người ta tìm đến một không gian cà phê, không gian cho tâm trạng, cho cảm xúc. Rồi một quán sách cũ ở chếch phía bên kia, nó mang trọn vẹn của một Hà Nội ý nhị, hào hoa mà sâu sắc... Hình như ngõ phố này có lần tôi đến rồi, nhưng phải hôm nay, đến đây cùng với em, tôi mới cảm nhận được hết nó, mới thấy té ra lâu nay ta chưa từng tận hưởng, chưa từng hạnh phúc, chưa từng sống ở cái nghĩa trọn vẹn nhất của nó. Đi với em ở Hà Nội, tôi cảm nhận một chiều khác của yêu thương, của dâng hiến, của vì nhau. Ở Việt Nam ta, có hai thành phố mà nếu ta đến đấy cùng với tình yêu, ta sẽ cảm nhận nó khác hẳn, ấy là Hà Nội và Đà Lạt. Nếu chỉ trần sì đến đấy một mình, ta chỉ là một ta thô mộc, ngô nghê và nhạt nhẽo. Còn với một trái tim thổn thức, thành phố trở nên đa chiều đa sắc, bí ẩn hơn, thi vị hơn, nồng nàn và lãng mạn hơn...
Tôi đã từng cùng một đám bạn phương nam, thuê mấy chiếc xích lô đi dạo đêm Hà Nội, đi để cảm nhận hết chiều sâu của phố khuya. Những xô bồ ban ngày lắng lại, ban đêm, Hà Nội hiện nguyên hình chất thơ của nó. Lãng mạn và trữ tình, thanh cao và sâu thẳm. Những con phố nhỏ như phố Thái Thịnh, Cổ Ngư găm đầy ký ức, ký ức như cỏ may, càng gỡ càng thít chặt. Những con đường cổ tích như đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Du, nơi có toà báo của tôi, đêm mơ màng như đang thổn thức trước bước chân ngập ngừng của các cặp tình nhân trong vô định những chiếc lá sấu như vô tư rụng trong cái ngỡ ngàng của cơn gió xé ruột. Em ở đâu trong miên man những bóng người xa lạ, những quầng sáng vàng vọt, và cả tiếng lá xao xác trên đường. Có những lúc cứ thấy thắt ruột lại trước những dự cảm mơ hồ, mong manh như gió, những cơn gió lang thang, hiện hữu đấy, hư vô đấy. Thế rồi bờ đê trước mặt. Ào ạt gió. Những cơn mưa ngọt còn thăm thẳm vô tăm tích đâu đó tận chân trời. Con sông Hồng cuộn chảy cắt đôi nỗi nhớ. Không thể trốn chạy nỗi nhớ được rồi. Phải quay lại đối diện với nó.... Một Hà Nội lại đau đáu trong nỗi nhớ không thể nào gỡ nỗi...
Nhà thơ VĂN CÔNG HÙNG
Email: vanconghungbvh@gmail.com
Điện thoại: 0903 508 358