Thứ hai, 23/12/2024,


Nhà văn Văn Chinh với “Mùa màng văn học mấy năm qua” (08/01/2011) 

Nhà văn Văn Chinh (e-mail: vanchinh.net@gmail.com) vừa xuất bản cuốn “Mùa màng văn học mấy năm qua”. Với tư cách cá nhân, ông đã khái lược thành tựu văn học của vài mươi năm qua, nhân đó đi sâu vào những cuốn sách, những tác giả mà ông ưa thích, hoặc là hiện tượng văn học chung. Bạn yêu thơ lục bát Đồng Đức Bốn, yêu truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp hẳn sẽ thích cuốn sách này. Lucbat.com xin chúc mừng nhà văn và trân trọng giới thiệu bài viết của nhà phê bình Vương Trí Nhàn về tập tiểu luận phê bình của Văn Chinh .

 

Nhóm Tự lực Văn đoàn - và mở rộng ra là cả các cây bút tập hợp xung quanh hai tờ Phong hoá, Ngày nay -  không có ai chuyên viết phê bình. Các bài gọi là phê bình trên hai tờ báo ấy thường xuất hiện khi các nhà văn có điều gì cần trao đổi nhau, hoặc có người ra sách cần điểm sách như một hình thức kêu lên cho bạn đọc biết. Người làm đều làm kỹ hơn cả trong việc này là Thạch Lam, các bài tiểu luận ngắn của ông sau này làm nên tập sách Theo dòng.

Với các nhóm văn học khác trong thời tiền chiến cũng có tình trạng tương tự. Ví dụ, nếu Tiẻu thuyết thứ bẩy chuyên về sáng tác thì ở Tao đàn phần nghiên cứu tiểu luận có tỷ lệ số trang nhiều hơn hẳn; vậy mà tờ Tao đàn cũng không có mục nào dành riêng cho phê bình, các loại bài này không được in trên một vị trí nhất định và cũng không có những tác giả chuyên. Ngày nay muốn hình dung lại đời sống văn học lúc ấy, phải đi tìm chi tiết khá linh tinh ở đủ mọi nơi.

Tình hình còn kéo dài cho tới nửa sau thế kỷ XX. Trong cuộc tranh luận ở Việt Bắc 1949, phê bình không có đại diện. Toàn là những người vừa viết vừa bàn về việc.

Đội ngũ những nhà phê bình mà giờ đây ta hay kể ra (chủ yếu là các giáo sư ở các trường đại học, các chuyên gia bên Viện Văn học) mãi tới những năm sáu mươi mới hình thành rõ rệt. Song trên mặt báo, hoạt động của họ vẫn lép vế hẳn so với sáng tác. Rõ nhất trên phương diện hiểu về nghề và bám sát thời sự văn học.

Cái cáh mà nhà văn thời chúng ta đang sống sử dụng khi tham gia lý luận phê bình vốn khá đa dạng. Có người như Nguyễn Đình Thi. Lúc đầu ông nổi lên như một cây bút lý luận hàng đầu và đã để lại những tập như Mấy vấn đề văn học (in hai lần 1956 - 1958) Công việc của người viết tiểu thuyết (1965) nhưng cùng với thời gian, ông càng ngày càng viết ít hẳn, và trong tuyển tập của ông, một số bài phê bình ông viết hồi trẻ gộp chung vào phần văn xuôi. Có người như Xuân Diệu, đóng góp của ông đối với phê bình thế nào, cả giới biết. Ai đó đã nhận xét, ông giống như một viện hàn lâm. Ông coi phê bình là một phần sự nghiệp. Ông làm nó cho đến những ngày cuối cùng của đời mình.

Số người thuộc các thế hệ sau có tầm hoạt động rộng rãi như Xuân Diệu hơi ít, nhưng người viết phê bình xem ra đã khá đông. Có cảm tưởng hình như ở đây có sự tỷ lệ thuận, một nhà văn viết truyện làm thơ càng hay thì viết phê bình tiểu luận càng xuất sắc.

…Tôi cho phép mình nhắc lại những chuyện này dài dòng một chút để nhân đây trình bầy với bạn đọc một ý tưởng bản thân tôi đã theo đuổi trong suốt cuộc đời làm nghề hơn bốn chục năm nay của mình. Là tôi cho rằng trong hoàn cảnh Việt Nam, các nhà văn phải vừa làm vừa nghĩ về công việc. Giá chúng ta bớt viết đi mà dành thời gian để nghĩ về sáng tác nhiều hơn, có lẽ thơ truyện viết ra sẽ hay hơn. Với một người đã vậy, với cả giới cũng vậy. 

Văn Chinh mà sau đây bạn đọc sẽ đọc là một trong những trường hợp không hẹn mà nên, chia sẻ với tôi ý tưởng đó. Tôi nhớ đầu những năm tám mươi, anh hay đến chơi với nhà thơ Bằng Việt và tôi gặp anh ở đấy. ấn tượng chính sau những lần trò chuyện với anh, là thấy con người này cứ sục sặc không yên. Anh hướng con mắt dò xét vào đời sống văn học nói chung nhất là vào lớp người đi trước. Khi thấy có gì nghi vấn anh hỏi thêm người, tìm sách để, theo cái cách của mình, phần nào chạm được vào thực chất mọi chuyện. Bên cạnh công việc viết báo, bên cạnh sáng tác, gần hai chục năm làm việc, kết quả hôm nay chúng ta có tập Mùa màng văn học mấy năm qua.

Tôi tìm được ở đây những câu thơ hay trong những tập mà tôi chưa có thời gian đọc. Mặc dù các đồng nghiệp già có trẻ có mà Văn Chinh phác ra trong các chân dung tôi cũng có biết, song dưới con mắt Văn Chinh, họ vẫn hiện ra ở những khía cạnh mới. Một sự nhạy cảm nào đó đã khiến cho nhà văn này có định hướng chính xác khi góp bàn về một vấn đề học thuật khó như vai trò của chữ Hán với chúng ta hiện nay.

Phải nhận là Văn Chinh đã không vô tình với sáng tác của bạn bè. Rộng hơn là anh đã nghĩ về văn chương một cách nghiêm túc. Và nhất là hiểu rằng chỉ có một con đường để đến với văn chương thực thụ là lo tự học.

Đoạn tự bạch của Văn Chinh, trong cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại, do Hội Nhà văn in (tôi dùng bản 1997), kết lại bằng mấy câu “kẻ học trò già này xin được tiếp tục học thêm”. Tôi tin đây không phải là một lời sáo.

Một điều cần nói thêm: Một số bài phê bình đọc sách của các nhà sáng tác hiện nay mang cái chất vuốt ve mơn trớn nhau, rao hàng hộ nhau, kéo bè kéo cánh gây thanh thế trong giới. Ngửi thấy cái “vị” này trong bài phê bình nào đó trên báo là tôi bỏ liền. Hiểu rằng một người viết loại này càng ngày càng đi vào con đường đã chọn, trông thấy tên họ không bao giờ tôi đọc nữa (cả sáng tác lẫn phê bình). Văn Chinh, theo sự biết  của tôi, đến giờ phút này, không ngả sang cái lối làm ăn kiểu đó. Anh viết phê bình theo sự hiểu của mình, điều đó khiến tôi tự nhủ: nếu muốn nghiên cứu tay nghề trình độ cách hiểu về nghề của người viết hiện nay, tôi có thể trở lại với những người như anh mà không sợ giả, nhiễu.

 

Vương Trí Nhàn

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: