Buổi trao giải Bút kí, phóng sự về đề tài giáo dục của Báo Giáo dục và Thời đại diễn ra vào ngày 30/12/2010. Tác giả được giải - nhà thơ, thày giáo Trần Văn Lợi, Hội VHNT Nam Định và nhân vật trong tác phẩm đều là những người thân thiết. Trần Văn Lợi là một tác giả quen thuộc của website lucbat.com.
Nhân vật được khắc họa trong bút kí của anh là Trần Hồng Giang – BTV Lucbat.com một tấm gương vượt khó vươn lên. Chúc mừng Tác giả - Nhà thơ Trần Văn Lợi. Chúc Trần Hồng Giang vững vàng trong cuộc sống của mình. TTBT- QTM Lucbat.com Chử Thu Hằng đã đến dự và đưa tin về sự kiện này.
Lucbat.com trân trọng giới thiệu nguyên văn bút kí được giải Ba (Không có giải Nhất) của tác giả Trần Văn Lợi.
Ông Nguyễn Danh Bình, Tổng biên tập báo GD&TD
trao quà cho Trần Hồng Giang
NGƯỜI THẦY CHƯA TỪNG ĐỨNG LỚP
Con đường nhỏ chạy lòng vòng dẫn tôi tìm đến một mảnh vườn ở cuối làng, xum xuê bóng cây và xôn xao ong, bướm đang vào mùa lấy mật. Trong ngôi nhà nhỏ nằm nép mình lặng lẽ giữa vườn cây ấy, có một chàng thanh niên nằm gần như bất động trên giường đã hơn ba mươi năm nay. Người thanh niên đó là anh Trần Hồng Giang - một nhà báo... chưa một ngày đi học, một "người thầy"... chưa một lần đứng lớp.
BTV Trần Hồng Giang, Trần Văn Lợi,
nhà văn Y Ban và Chử Thu Hằng.
Tự học để trở thành nhà báo
Trần Hồng Giang sinh năm 1974, là con út trong một gia đình viên chức. Cha anh là thương binh 1/4 mất một cánh tay, từng là hiệu trưởng Trường THCS xã Nghĩa Hùng (Nghĩa Hưng, Nam Định) giai đoạn 1968-1981, còn mẹ anh làm ở cửa hàng hợp tác xã. Cũng như bao đứa trẻ khác ở cái làng quê yên bình hẻo lánh này, những năm tháng đầu đời của Giang cũng hết sức hồn nhiên, đẹp đẽ. Nhưng rồi cái ngày định mệnh ấy đã đến gieo tai hoạ xuống cuộc đời Giang cùng gia đình, khi anh vừa tròn 5 tuổi. Hôm đó, sau khi bắn lũ chim trong vườn, bố anh đã khoá nòng súng cẩn thận và cất vào góc nhà. Vốn tính hiếu động hay bắt chước người lớn, anh em Giang mang súng ra chơi trận giả. Bỗng nghe tiếng "đoàng" đanh gọn. Mọi người hốt hoảng chạy vào thì thấy Giang nằm trên vũng máu. Viên đạn xuyên qua cổ từ trước ra sau, đi qua đốt sống cổ.
Từ đó, cậu bé Giang không cử động được nữa. Từ ngực trở xuống, các cơ cứ teo dần lại, mất cảm giác. Chỉ còn đôi mắt mở to nhìn xa xăm chất chứa một nỗi buồn. Mặc dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng bố mẹ Giang vẫn cố gắng đưa anh đi hết viện này viện nọ để chữa trị. Nhưng cuối cùng vì bệnh của anh quá nặng nên bố mẹ phải đưa đứa con út bị liệt gần như toàn thân ấy về nhà. Không những thế, Giang lại còn bị viêm xoang mãn tính. Mỗi cơn ho kéo dài mấy phút, ho đến xám mặt, người rũ ra như tàu lá héo rồi cũng do không được vận động và chế độ ăn uống kiêng khem nên anh bị bệnh táo bón kinh niên, người cứ ngày càng gầy quắt lại. Mọi sinh hoạt cá nhân của Giang đều nhờ vào đôi bàn tay tảo tần của mẹ và các chị.
Dù phải nằm bất động một chỗ vào cái tuổi hiếu động, thích vui chơi chạy nhảy và đang phát triển trí tuệ nhưng cái đầu thông minh, ham học của Trần Hồng Giang không chịu chấp nhận, buông xuôi số phận. Hàng ngày nhìn các anh chị và bạn bè đi đến trường, anh khát khao được biết chữ, được viết và đọc để mở mang kiến thức.
Các anh chị cứ đi học về là lại đến giường của Giang để kể chuyện học hành ở trường lớp, rồi lại bày sách vở học bài ngay trên chiếc giường ấy. Cậu bé Giang cứ lặng lẽ tiếp thu dần dần, từ thụ động đến chủ động rồi biết đánh vần chữ cái, biết đọc và biết nhẩm những phép tính đơn giản lúc nào không biết. Khi đã đọc được rồi, Giang lại muốn viết. Điều này thật nan giải bởi hai tay anh nhấc lên đã khó khăn thì cử động làm sao được! Nhưng với niềm say mê, sự kiên trì cố gắng luyện tập, mấy ngón tay co quắp, teo tóp đã bắt đầu ngúc ngắc được đôi chút. Nhờ người thân kẹp chiếc bút vào giữa hai ngón tay tật nguyền, anh tì cán bút vào má. Khi viết, cái đầu của anh cứ ngoẹo về một bên và cúi sát trang vở, đưa đi đưa lại theo từng nét chữ rất khó nhọc.
Khỏi phải nói Giang đã sung sướng như thế nào khi những con chữ đầu tiên hiện ra trên trang giấy. Mặc cho các khớp xương cứ mỏi nhừ và tê buốt, Giang mải mê sớm chiều luyện tập khiến những con chữ ngày càng trở lên rõ ràng và mềm mại. Theo năm tháng, những cuốn sách giáo khoa và các quyển vở của anh chị đã được Giang mày mò tự học, cơ bản đã tiếp thu hết nội dung kiến thức. Không dừng lại ở đo, Giang học thêm tiếng Anh trong chương trình dạy ngoại ngữ trên VTV2.
Sau những năm tháng phấn đấu quên bệnh tật, Trần Hồng Giang đã tự học hoàn thành chương trình THPT và chương trình bằng C tiếng Anh. Đây là chiếc chìa khoá giúp anh mở rộng kiến thức, tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Qua việc kết hợp đọc sách báo, nghe đài và xem ti-vi, Giang đã không ngừng trau dồi kiến thức, đặc biệt là những tri thức về khoa học xã hội. Anh thông hiểu các tác giả, tác phẩm của văn học Việt Nam và nước ngoài và luôn nắm được các thông tin văn học nghệ thuật trong và ngoài nước...
Năm 1992 tác phẩm đầu tiên của Trần Hồng Giang được xuất hiện trên báo Hoa Học Trò khiến anh sung sướng vô cùng, suốt đêm không ngủ được". Tác phẩm được đăng báo đó như một liều thuốc bổ kỳ diệu, động viên Giang tự tin hơn để sáng tác và gửi đi. Anh viết nhiều thể loại như: thơ, truyện ngắn, tạp văn, mẩu chuyện cười ... và được đăng khá thường xuyên trên các báo, tạp chí: Áo Trắng, Mực Tím, Tuổi Trẻ, Tuổi Trẻ Cười, Hoa Học Trò, Báo Nam Định, Tạp chí Văn Nhân...Thơ Trần Hồng Giang giản dị, đằm thắm và luôn thể hiện tình yêu cuộc sống:
Hoa xu xi mang màu nắng
Xua đi giá lạnh mùa đông
Sưởi ấm bao lòng hiu quạnh
Điểm tô sắc mùa xuân nồng...
Những sáng tác đó đã mang lại khoản tiền nhuận bút nho nhỏ mà quý báu, phụ giúp một phần cho những chi tiêu sinh hoạt của anh. Nhưng quan trọng hơn, nó đã giúp anh sống lạc quan và tự tin hơn, cảm thấy mình vẫn còn có ích cho cuộc đời này. Đến nay, Giang đã có tác phẩm đầu tay ra mắt bạn đọc, đó là tập thơ Nỗi nhớ mùa hè (Hội VHNT Nam Định xuất bản). Năm 2005, Giang đã đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi viết về Những kỷ niệm sâu sắc với Đài Tiếng nói Việt Nam, tiếp đến giải Ba cuộc thi viết về Những người phụ nữ vượt lên số phận của Báo Lao Động năm 2007. Hiện nay, ngoài công việc sáng tác, anh còn tham gia biên tập cho một số trang web như lucbat.com, pwd.vn (trang thông tin của người khuyết tật).
Trần Hồng Giang, Chử Thu Hằng, Bích Thủy,
Trần Văn Lợi và Bách Hương trong chiều đông Hà Nội.
“Thầy giáo” dạy công nghệ thông tin
Trần Hồng Giang bắt đầu làm quen với máy vi tính và Intemet khi được một nhà doanh nghiệp hảo tâm trao tặng một dàn máy vi tính. Vào thời điểm đó, việc sử dụng Intemet là điều còn rất mới mẻ ở vùng quê hẻo lánh này. Có phương tiện hiện đại hỗ trợ, anh càng say mê học hỏi và sáng tác. Cũng giống như học chữ, anh khó nhọc dùng ngón cái trên bàn tay gầy tong teo mầy mò làm từng thao tác. Tự học rồi tích luỹ dần dần, Trần Hồng Giang đã không chỉ thành thạo sử dụng máy vi tính mà anh còn biết xử lý những tình huống khi máy hay mạng Intemet gặp vấn đề trục trặc.
Năm học 2004 - 2005, ngành giáo dục của huyện nhà bắt đầu áp dụng công nghệ thông tin vào dạy học, bằng việc soạn - giảng trên máy vi tính với phần mềm Power Point và Violet. Dạy học bằng "Giáo án Điện tử” là một bước ngoặt quan trọng, góp phần to lớn vào việc đổi mới phương pháp dạy và học trong trường phổ thông. Tuy nhiên, hình thức dạy học này còn rất mới mẻ và bỡ ngỡ đối với giáo viên, đặc biệt là giáo viên nữ. Nghe "tiếng lành đồn xa", nhiều giáo viên trong vùng đã tìm đến nhờ anh hướng dẫn. Được giúp đỡ mọi người, lại đúng niềm say mê của mình nên anh rất nhiệt tình và chu đáo, chỉ bảo cụ thể, từng li từng tí. Trước hết, anh hướng dẫn các thầy, cô giáo làm quen với máy tính, cách nhập văn bản, cài đặt âm thanh và hình ảnh, đặt các hiệu ứng trình chiếu.
Đáng chú ý hơn, Trần Hồng Giang còn tham gia góp ý cho nhiều giáo viên trong việc thiết kế bài dạy để phù hợp với từng môn, từng bài. Khi mọi người đã sử dụng máy vi tính tương đối thành thạo, anh hướng dẫn cách vào mạng để tìm kiếm tư liệu. Nhờ sự giúp đỡ của anh, nhiều giáo viên đã vận dụng công nghệ thông tin vào việc dạy học một cách có hiệu quả. Và trong thành công của nhiều giờ dạy hội giảng, có sự đóng góp không kém phần quan trọng của anh.
Bên cạnh chiếc máy vi tính của anh là một cái giá sách lớn, xếp ngổn ngang các loại sách và báo biếu, giống như một thư viện nhỏ.
Hàng ngày, mỗi khi rảnh rỗi là tụi trẻ con trong làng lại tìm đến quây quần bên anh. Đứa thì được anh hướng dẫn làm quen với máy vi tính, đứa thì mải mê trau dồi tri thức qua sách báo. Mỗi khi tụi trẻ có vấn đề gì băn khoăn, anh đều giải thích thật chi tiết, nhất là kiến thức của các môn Ngữ văn, Địa lí, Lịch sử để các em có dịp được mở rộng vốn hiểu biết từ những bài học ở trường. Những lời giảng của anh dù không theo một hệ thống, nhưng cứ lặng lẽ từ ngày này qua ngày khác, anh đã góp phần bồi đắp niềm say mê học tập và nguồn tri thức vô tận cho tụi trẻ con trong làng...
Tôi chia tay mà cứ ám ảnh mãi nụ cười của anh - nụ cười hiền lành mà toát lên vẻ lạc quan, luôn muốn sống thật có ích cho cuộc đời này. Một người khuyết tật như anh, một người dù chưa được gọi là thầy giáo, nhưng ngày ngày vẫn thầm lặng làm cái công việc của một người thầy, đó là góp phần đem ánh sáng tri thức cho các em nhỏ ở cái làng quê ven biển hẻo lánh này. Thật đáng quý và đáng cảm phục biết bao! ...
Tháng 2/2009
Trần Văn Lợi