“Ai làm cho khói lên giời
Cho mưa xuống đất cho người biệt ly”
(Ca dao)
Tác giả Lữ Thị Mai và Đoàn Văn Mật
Tôi sinh ra trong buổi chiều tháng mười hút gió. Cha cõng mẹ tất tả băng qua cánh đồng ngun ngút khói rạ sau mùa gặt. Màu xanh bàng bạc của khói sương như làm con đường phía trước càng thêm xa xôi và mờ mịt, hơi khói hiu hắt bốc lên trời quyện vào hơi gió cay nồng phả ngược vào mắt cha. Rồi tôi cất tiếng khóc chào đời, hồn nhiên như cỏ cây mà lớn giữa những tháng ngày tuổi thơ quanh năm lam lũ với ruộng đồng, tôm tép.
Ngày ấy, khói rạ thân thuộc với những đứa trẻ quê mùa tới mức, sau những buổi chiều thả trâu ngoài đồng bãi bới đất, nướng khoai và nhào lộn, lăn lê chơi trò đuổi bắt, hít hà quần áo mình, lại thấy mùi ngun ngún của rạ rơm, ngay cả mái tóc vàng hoe, cháy nắng cũng thoảng lên hương thơm ngai ngái của những ngọn cỏ khô, của những con muồm muỗm, cào cào vùi lẫn trong rơm rạ, trong veo bao tiếng cười trẻ quê không hề lo toan, vụ lợi.
Thời gian như đám mạ non
Vừa xanh mơn mởn đã còn rạ rơm
Thời gian như thổi niêu cơm
Cháy tàn củi lửa khói thơm lên trời...
(Đặng Vương Hưng)
Bà ngoại tôi vẫn ngồi bậc thềm gỡ từng hạt cỏ may ở gấu quần và lưng áo cho tôi. Tới lúc tối trời, mắt không còn nhìn rõ, bà bảo tôi đem cái quần dính đầy cỏ may vứt xuống gầm giường cho… con cóc tía nó nhặt giúp. Rồi đêm đêm, trong giấc ngủ khờ khạo của tôi lại ngun ngún khói đồng chiều. Mơ mãi về những trò rồng rắn lên mây, những hang chuột đồng, những con cào cào áo đỏ áo xanh, cả những lúc sơ ý trượt chân xuống vũng lầy mà trong giấc mơ cứ giật mình thon thót.
Từng mảng khói xao xác hồn quê hương sinh ra sau mùa vụ, báo hiệu những ngày không phải lo tới miếng ăn. Còn các cụ xưa cho rằng, khói rạ sẽ hun chết bớt một phần chuột bọ, sâu bệnh và tro rơm rạ cũng thành dưỡng chất chăm bón cho cây lúa vụ sau. Cái dư vị cay cay mà ấm nồng của những làn khói đồng ruộng theo thời gian bồi đắp thêm cho người dân quê niềm vui cày bừa, gặt hái để rồi ngay cả khi những giọt mồ hôi tuôn ra nhễ nhại cũng mặn mà một nỗi đợi mong, hi vọng.
Lại nhớ tới bóng dáng tảo tần của bà, của mẹ ta mỗi mùa rạ rơm:
“Mẹ ta chỉ có bếp ngồi
Lửa rơm khói rạ một đời lấm lem”.
Trong gian bếp vách đất ngày xưa, mỗi khi gặt hái xong lại líu ríu tiếng cười trẻ nhỏ, lại nghe tiếng nổ lép bép của những hạt thóc vàng còn sót lại trong mớ rơm mẹ đun bếp. Như bầy sẻ non, chúng tôi lụi cụi nhặt nhạnh gom vào vạt áo, đó mãi là một món quà kí ức tuổi thơ mà bây giờ, muốn ước ao có được, thậm chí chỉ trong giấc mơ, hình như cũng thành… xa xỉ!
Tuổi thơ ta đã lớn dần lên mà khói rạ thì ngày càng thưa vắng. Bỏ qua trò rồng rắn lên mây để chơi trò “con trai, con gái”, bỏ qua những con muồm muỗm cào cào béo ngậy để gom đầy tay những bông cỏ may tím ngát cuối mùa. Con đường làng như dải lụa vắt ngang qua cánh đồng nâng niu bước chân học trò nhảy lò cò chân sáo, nâng niu và luyến tiếc cả những vòng xe mải miết hướng về phố thị.
Bây giờ, đôi khi thấy nhớ quay quắt những củ sắn củ khoai vùi dưới lớp tro rơm rạ, chia năm sẻ bảy, cầm lên thổi “phù phù” ấm nóng cả lòng tay, trong lớp tro than hun đúc hồn vía quê mùa, khoai sắn ngả sang màu nâu và dậy mùi thơm lựng chứ không quá sạch sẽ tinh tươm một cách đáng ngờ như khoai sắn người ta rao bán ở phố xá bây giờ.
Chăn trâu đốt lửa trên đồng
Rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều
Mải mê đuổi một con diều
Củ khoai nướng để cả chiều thành tro...
(Đồng Đức Bốn)
Ai mang về cho ta những sợi khói vương vít trong ráng chiều cháy đỏ, ai mang về mùa cỏ may lay lắt tháng mười? Giữa đô thị, mỗi khi nghe người ta “kết tội” khói rạ rơm bỗng thấy…chạnh lòng! Những sợi khói chân chất của đồng quê muôn đời cứ thật thà thế thôi, chẳng biết “ranh mãnh” lên một chút mà “bay cao bay xa” như… khói công nghiệp cho thiên hạ bớt lời ca thán, dèm pha!
Lữ Thị Mai
(ĐH Văn Hoá Hà Nội)
Email: luthimai@gmail.com
Trương Văn Lực - controi58@yahoo.com - 0937303536 - Ấp Thừa lợi, Xã Thừa Đức, Bình Đại Bến Tre
(Ngày 2/01/2011 08:11:09 PM)
Cảm ơn Lữ Thị Mai !
Em đã cho tôi một "Khói rạ đồng quê" thật đằm thắm ngọt ngào. Quê tôi gọi ấy là khói un đồng. Un đồng không chỉ có gốc rạ mà còn đốt cả rơm. Bây giờ, trên những cánh đồng lúa chạy cặp đường quê, chiều chiều vẫn đang ngun ngút khói. Hôm qua, trên đường đi thành phố về, gió chiều se lạnh, chạy xe máy chầm chậm tôi vừa cảm nhận được mùi rạ mới thơm thơm vừa say say trong khói un đồng. Xa xa, khuất sau cái cổng làng văn hóa như có bóng hình ai e e, ấp ấp. Tôi bồi hồi nhẩm đọc mấy câu: "Chiều đông se lạnh trong lòng Chờ ai, ai đứng ngóng trông cổng làng Khói un đồng tỏa mênh mang Nghe cay trong mắt! Khẻ khàng tiếng ru". Đúng là khói un đồng đã làm cho lòng người thật sự xao xuyến, bâng khuâng. Có thể bây giờ trong hình ảnh khói un đồng ấy sẽ không còn và mãi mãi không còn hình ảnh con trâu, mùi khoai nướng hay ngoại ngồi gỡ cho cháu từng bông cỏ mai. Tuy nhiên, quê tôi chắc chắn tập quán đốt rơm rạ un đồng sẽ còn giữ mãi. Đúng là un đồng sẽ góp phần tiêu diệt nấm bệnh giúp cho vụ mùa tiếp thuận lợi hơn. Tôi tin nếu đồng ruộng không bị qui hoạch thì hình ảnh thơ mộng, lãng mạng của khói un đồng vẫn mãi là một bức tranh quê tuyệt mỹ. Cảm ơn và chúc LTM, đạt nhiều thành công trong học tập, công tác và văn nghiệp. TVL |